hires_080531-N-2296G-009BB.jpg

Ngày 10/4, 3 ngày sau cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida (Mỹ), Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nói rằng việc ông ra lệnh cho quân đội tăng cường bảo vệ các đảo do Manila kiểm soát ở Biển Đông là nhằm duy trì thế cân bằng địa chính trị, và đảm bảo với Trung Quốc rằng sẽ không đặt “vũ khí tấn công” ở đó.

Ông Duterte nói rằng Philippines muốn hòa bình và hữu nghị với Trung Quốc, song Manila cần phải bảo vệ lãnh thổ của mình ở Biển Đông bởi “mọi người đang tranh giành” các đảo ở quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, có những điểm cần chú ý trong bối cảnh an ninh luôn thay đổi. Thứ nhất, rõ ràng, Philippines không thể sánh với sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Ông Duterte lẽ ra phải chọn các hành động khác để bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với Bãi cạn Scarborough Shoal (Philippines gọi là Bãi Panatag) và hoàn thành trách nhiệm của mình.

Thứ hai, ông Antonio Carpio - một phó thẩm phán cấp cao của Tòa án Tối cao Philippines - đã đề xuất phải có sự phản đối chính thức việc Trung Quốc xâm phạm Patanag. Trung Quốc tiếp tục làm đảo lộn an ninh khu vực Đông Nam Á. Điều này chỉ được giải quyết nếu một sự phản đối chính thức được đưa ra Tòa Trọng tài Thường trực tại La Hay. Việc này sẽ gây cho Philippines nhiều tốn kém thay vì tập trung vào các chiến dịch an ninh trong nước chống lại các nhóm thánh chiến như Abu Sayyaf, Các chiến binh Tự do Hồi giáo Bangsamoro, Ansar Khalifa Philippines, v..v.

Thứ ba, chính phủ Philippines có thể cử Hải quân đi tuần tra khu vực bãi cạn. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là các đơn vị hải quân tuần tra chẳng thể làm gì ngoài việc báo cáo. Nếu có phải đánh nhau thực sự, các tàu hải quân sẽ không thể đảm đương được việc này.

Thứ tư, nếu Trung Quốc tấn công các tàu hải quân, Manila có thể viện dẫn Hiệp ước Phòng vệ Chung Philippines-Mỹ năm 1951, trong đó bao gồm bất cứ vụ tấn công vũ trang nào vào các tàu Hải quân Philippines đang hoạt động ở Biển Đông. Có thể điều này sẽ giải quyết được vấn đề, song cũng chưa chắc. Mỹ hành động theo lợi ích địa chính trị của mình chứ không phải của Philippines. Nếu Mỹ quyết định không phản công - điều rất có khả năng xảy ra, họ có thể đưa ra rất nhiều lý do, nhất là cho rằng nó có thể gây ra Chiến tranh Thế giới Thứ ba. Thực tế là Mỹ không sẵn sàng đối đầu quân sự với Trung Quốc, và Trung Quốc biết điều đó nên hành động tùy ý.

Và cuối cùng, Manila có thể yêu cầu Washington tuyên bố bãi cạn đó là thuộc lãnh thổ Philippines và chấp nhận đề xuất của Mỹ cùng tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông vì mục đích đó. Song những tuyên bố và tuần tra như thế cũng không ảnh hưởng tới các động thái của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc có thể thách thức tàu chiến Mỹ ở Trường Sa thì chắc chắn họ có thể đối phó được mấy vụ tuần tra chung vớ vẩn.

Cách duy nhất mà Philippines có thể đối phó với Trung Quốc là phải tăng cường các mối liên minh của mình, không chỉ là quan hệ với Mỹ. Philippines có các mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và nhiều nước khác. Jose Santiago Santa Romana, một phóng viên Philippines kỳ cựu từng sống và làm việc ở Trung Quốc hơn 30 năm và hiện là Đại sứ Philippines tại Bắc Kinh, đã coi việc ông Duterte trở thành Tổng thống và mong muốn có các cuộc đàm phán song phương và cải thiện quan hệ với Trung Quốc là cơ hội mở ra một chương mới trong quan hệ hai bên. Tuy nhiên, ông cho rằng có những yếu tố quan trọng có thể tác động tới nỗ lực này như chiến thắng hợp pháp của Philipines trong vụ kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế và thái độ của lãnh đạo Trung Quốc phủ nhận phán quyết của tòa. Theo ông, cả hai bên sẽ cần có một mức độ sáng tạo, linh hoạt và thực tế đáng kể để tìm ra lối đi. Ông coi thách thức chính cho cả hai bên là nhận thức và xử lý được những bất đồng khi họ thăm dò các lĩnh vực hợp tác thiết thực để có thể cùng chung sống hòa bình như các nước láng giềng.

Để công bằng với Trung Quốc, ông Duterte quy trực tiếp lỗi gây ra những căng thẳng hiện tại ở Biển Đông cho Mỹ, vì không can thiệp để ngăn chặn Trung Quốc xây dựng và trang bị vũ khí cho các đảo nhân tạo ở đặc khu kinh tế của Philippines. Hơn nữa, nếu để Mỹ và Trung Quốc xung đột, Phillipines sẽ bị ảnh hưởng. Philippines đã chìa tay hữu nghị với chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, có một khó khăn. Vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực có thể đã “bị đánh đổi” nếu Trung Quốc có những nhân nhượng với ông Trump về thương mại, song Manila cũng lo ngại về việc bị buộc phải chọn đứng về một bên nếu quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington xấu đi.

Tuy nhiên, với một chút hung hăng, Philippines có thể từ chối có bất cứ động thái tăng cường quân sự nào và phản đối mọi nỗ lực triển khai vũ khí trên các đảo mà mình kiểm soát. Đây là cái mà ở Phillipines được gọi là “cách tiếp cận phòng thủ thực tế”. Cũng là sai lầm nếu nói rằng giải pháp là phải thân mật với “kẻ thù”, tức là có quan hệ đối tác về khai thác tài nguyên với Trung Quốc. Philippines với tư cách chủ sở hữu đất phải được chia sẻ lợi nhuận, còn Trung Quốc là nhà tư bản thăm dò và khai thác. Trung Quốc sẽ cố chia cho Philipinnes phần đuôi cá, song Manila có thể đàm phán. Nói cách khác, hãy cho phép Trung Quốc được khai khoáng chỉ khi họ tôn trọng lãnh thổ Philippines và chia sẻ lợi nhuận với Philippines. Trung Quốc có thể đồng ý như vậy để tránh tình huống không dự đoán được trong tương lai.

Thẳng thắn mà nói, sự phát triển bền vững của Philippines không phải ở chỗ nước này tự mình nỗ lực vươn lên mà bởi gắn về mặt địa chính trị và kinh tế với vùng ngoại vi rộng hơn của mình do các siêu cường kinh tế ở Đông Á và châu Á-Thái Bình Dương kiểm soát, nhất là Trung Quốc và Mỹ. Thực tế là thương mại bên trong khu vực Đông Nam Á nhỏ hơn nhiều so với thương mại liên khu vực của nó và an ninh Đông Nam Á tùy thuộc phần lớn vào sự dàn xếp với các siêu cường. Mặc dù ít trông đợi vào các kết quả cụ thể từ cuộc gặp ở Florida giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình, song nó sẽ định hình cách thuyết giảng về thương mại khu vực gia tăng và kiến trúc an ninh ở châu Á. Chúng ta hiện đang ở thời điểm không thể quay trở lại được, mọi thứ đang là sự đánh cược cao thấp trên vũ đài chính trị.

Theo “Asia Times

Hương Trà (gt)