Tại châu Á, không vấn đề nào lại đặt ra những thách thức to lớn và phức tạp cho nước Mỹ như các vấn đề này.

Trọng tâm của vấn đề chính là sức mạnh quân sự, ngoại giao và kinh tế đang gia tăng của Trung Quốc không chỉ ở khu vực mà còn cả thế giới. Sự phát triển của Trung Quốc đã làm thay đổi cán cân kinh tế khu vực và giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng chính trị. Trên toàn lục địa Đông Á, từ My-an-ma đến Việt Nam, chúng ta đều thấy sự lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc.

Khi Mỹ tiếp tục cố gắng cô lập My-an-ma do chính sách nhân quyền của chính quyền quân sự nước này thì ảnh hưởng của Trung Quốc đã tăng lên với cấp số nhân, trong đó có thông báo mới đây về dự án xây dựng đường ống dẫn dầu trị giá nhiều tỉ đô la cho phép Trung Quốc chuyển thẳng dầu từ Vịnh Péc-xích về tỉnh Vân Nam mà không phải qua “nút cổ chai” là eo biển Ma-lắc-ca.

Tại Việt Nam, hồi tháng 1 vừa qua, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam và là cựu Bộ trưởng Quốc phòng, đã gửi thư ngỏ tới chính phủ Việt Nam, trong đó ông kêu gọi dừng dự án khai thác bô-xít khổng lồ trị giá nhiều tỉ đô la của Trung Quốc tại khu vực Tây Nguyên, vì dự án sẽ làm huỷ hoại môi trường, gây tổn hại cho các dân tộc thiểu số trong khu vực và quan trọng nhất là đe doạ tới an ninh quốc gia của Việt Nam.

Một điểm quan trọng là Trung Quốc không chỉ tìm cách mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị mà còn  cả lãnh thổ của nước này. Việc Trung Quốc hiện đại hoá quân đội là nhằm trực tiếp thực hiện nỗ lực này. Hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang xây dựng năng lực “hải dương nước xanh”, giúp nước này phát huy ảnh hưởng cả trong và ngoài khu vực. Hải quân Trung Quốc ngày nay có 241 tàu chiến, trong đó có 60 tàu ngầm. Đầu năm nay, Bộ Quốc phòng cho biết “Hải quân Trung Quốc đang xem xét việc đóng nhiều tàu khu trục vào năm 2020”. Bên cạnh việc chế tạo tàu khu trục, Hải quân Trung Quốc cũng đang nhanh chóng hiện đại hoá hạm đội tàu ngầm và tàu chiến trên mặt nước để tăng cường khả năng chiến đấu xa bờ. Diễn biến này tạo ra mối đe doạ nghiêm trọng đối với cân bằng địa chiến lược hiện nay ở châu Á.

Đặc biệt quan trọng là những đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Hoa Nam. Đài Loan ở trên tuyến đầu trong những những tranh chấp này. Tuy nhiên, xung đột tiềm tàng này đã làm lu mờ những tranh chấp khác trong khu vực.

Trung Quốc cũng đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku, Hoàng Sa và Trường Sa. Bất chấp việc Nhật Bản kiểm soát đảo Senkaku kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II - và việc các nước khác trong đó có Mỹ công nhận chủ quyền của Nhật Bản đối với những đảo này - Trung Quốc vẫn công khai đòi hỏi chủ quyền đối với đảo Senkaku. Hơn thế nữa, Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ chính thức công nhận chủ quyền của Nhật Bản đối với đảo Ryukyu, gồm cả Okinawa.

Ở Biển Nam Trung Hoa, nhiều tranh chấp chưa được giải quyết liên quan tới một số nhóm đảo mà các bên Trung Quốc, Việt Nam, Phi-líp-pin, Đài Loan, Ma-lai-xi-a và Brunei đòi hỏi toàn bộ hoặc một phần. Các đòi hỏi chủ quyền chính tập trung vào quần đảo Trường Sa, gồm 21 đảo và đảo nhỏ, 50 đảo chìm và 28 bãi đá chìm. Diện tích đất của các đảo này rất nhỏ, nhưng chúng trải rộng trên hơn 340.000 dặm vuông. Trung Quốc và Việt Nam đều khẳng định chủ quyền đối với đảo Hoàng Sa - một nhóm đảo nhỏ hơn nằm ở phía nam đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Những tranh chấp này ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nước thứ ba trong khu vực, và cũng phải nhấn mạnh rằng chỉ có Mỹ mới có cả vị thế và sức mạnh quốc gia để đối phó với sự bất cân bằng rõ ràng về quyền lực mà Trung Quốc tạo ra. Ở góc độ này, chúng ta có nghĩa vụ phải làm việc đó nếu muốn duy trì cân bằng địa chiến lược trong khu vực nhằm bảo đảm sự công bằng cho tất cả các quốc gia ở châu Á và bảo vệ tiếng nói của tất cả các nước muốn tìm kiếm giải pháp hoà bình cho các tranh chấp của họ. Sự tham gia của Mỹ trong những tranh chấp này cũng tác động tới nhận thức của các quốc gia về các mối đe doạ trong môi trường khu vực và những lựa chọn có thể có đối với họ khi muốn bảo vệ lợi ích của mình. Trung Quốc đã cho thấy nước này sẵn sàng phô diễn sức mạnh quân sự mới và đôi khi tỏ ra sẵn sàng dùng vũ lực để đòi hỏi chủ quyền trên biển. Để đối phó, các nước trong khu vực cũng đang hiện đại hoá khả năng hải quân của họ, chẳng hạn như Việt Nam quyết định mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga.

Bên cạnh đó, nhiều nhà quan sát thấy rằng kiểu đe dọa của Trung Quốc có thể cản trở sự phát triển kinh tế tự do và công bằng trong khu vực. Ví dụ, việc Trung Quốc mới đây giam giữ các ngư dân Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa và công khai đe doạ các công ty dầu khí Mỹ đang hoạt động tại Biển Nam Trung Hoa làm gia tăng bất trắc đối với hoạt động hàng hải và đánh bắt và hạn chế công việc thăm dò khai thác. Nếu không có phản ứng trước những hành động này sự thịnh vượng của khu vực sẽ bị đe doạ.

Những tranh chấp này cũng khiến Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì chúng đe dọa hoà bình và an ninh khu vực. Cuộc khủng hoảng tên lửa ở Eo biển Đài Loan năm 1995-96 cho thấy Mỹ là cường quốc thế giới duy nhất có khả năng phản ứng trước những hành động gây hấn và đe doạ của Trung Quốc. Xem xét những sự kiện gần đây, cách Mỹ phản ứng trước những va chạm trên biển có vẻ giống như là cách phản ứng trước các thách thức chiến thuật mang tính đơn lẻ, trong khi đó Trung Quốc có vẻ như đang hành động với một tầm nhìn chiến lược. Những sự kiện rắc rối này gồm cuộc khủng hoảng máy bay EP-3 năm 2001, vụ tàu ngầm Trung Quốc nổi lên trong phạm vi hoạt động của nhóm tàu khu trục USS Kitty Hawk năm 2006, vụ quấy rối tàu USNS Impeccable tháng ba năm nay và vụ tàu ngầm Trung Quốc va chạm thiết bị định vị của tàu hải quân Mỹ John McCain tháng trước. Tôi rất muốn được nghe suy nghĩ của các nhân chứng về cách Mỹ nên phản ứng trước những sự kiện này như thế nào.

Là một quốc gia biển, Mỹ phải duy trì chất lượng và sức mạnh hải quân của mình nếu không muốn nói là phải cải thiện nó hơn nữa. Quỹ đạo của sức mạnh ấy trong thời gian gần đây không thực sự đáng khích lệ. Khi tôi lần đầu tiên tham gia Binh chủng Hải quân Mỹ năm 1968, Hải quân Mỹ lúc đó có 931 tàu chiến. Khi tôi giữ chức Bộ trưởng Hải quân năm 1988, lực lượng này là 569 tàu. Hiện nay, Hải quân Mỹ có 284 tàu chiến có thể được triển khai, với 42% số đó đang được triển khai. Mặc dù chất lượng của 241 tàu chiến của Trung Quốc không thể đuổi kịp Mỹ nhưng khoảng cách chất lượng đang được thu hẹp dần.

Nếu Mỹ muốn tiếp tục là một quốc gia châu Á và là một quốc gia biển, các nhà lãnh đạo của chúng ta phải đưa ra sự lựa chọn. Ngành ngoại giao và quân đội chúng ta - và đặc biệt là Hải quân - phải có những nguồn lực cần thiết để bảo vệ các lợi ích của Mỹ và lợi ích của các đồng minh chúng ta. Sức mạnh thông minh phải được củng cố bằng sức mạnh quân sự.

Để thấy tính chất phức tạp của các tranh chấp biển đảo ở châu Á, buổi điều trần hôm nay sẽ có hai phiên. Tôi xin cảm ơn Chính phủ đã cử Phó trợ lý Ngoại trưởng Scot Marciel và Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Robert Scher đến để trình bày quan điểm của Chính phủ về những vấn đề này. Bên cạnh đó, trong phiên hai, ba chuyên gia khác sẽ trình bày về những tác động chiến lược và ảnh hưởng về kinh tế của những tranh chấp này. Xin cảm ơn tất cả quý vị có mặt tại đây hôm nay và tôi trông đợi ý kiến của quý vị.

Nguồn: http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/sn_hearing_170809.html