Hội thảo

“Biển Đông và Châu Á Thái Bình Dương thời kỳ quá độ”

Chủ tọa: Murray Hiebert, Phó Giám đốc và Thành viên cấp cao của Chương trình Đông Nam Á, CSIS

Diễn giả: Kurt Campbell, Trợ lý Ngoại trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Địa điểm: CSIS, Trung tâm Hội nghị B1, 1800 đường K, NW, Washington D.C,

Thời gian: 12:15 p.m EDT, Thứ 3, 27/06/12

Murray Hiebert: Xin mọi người chú ý! Trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell đã đến. Chúng tôi rất lấy làm vinh dự khi ông Campbell đã nhận lời đến nói chuyện vào buổi chiều ngày hôm nay. Chúng ta đã có một phần mở đầu hết sức sôi nổi cho buổi nói chuyện. Ông Kurt có thể sẽ cho chúng ta biết thêm những quan điểm của chính phủ Mỹ về một vài trong số các vấn đề đang được thảo luận tại đây. Tôi nghĩ tất cả mọi người trong phòng đều đã được biết qua về trợ lý Ngoại Trưởng Kurt Campbell. Ông – cùng với Ngoại trưởng Clinton và những người khác nữa đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập màu sắc ngoại giao Hoa Kỳ trong vòng 3-4 năm trở lại đây. Vì thế Kurt, rất cảm ơn vì ông đã đến, và sân khấu giờ là của ông.

Kurt Campell: Xin cám ơn. (Tiếng vỗ tay). Cám ơn rất nhiều, Murray. Thật vui khi được quay trở lại CSIS và được gặp rất nhiều người bạn tại đây. Và tôi muốn cảm ơn Murray và John Hamre, cũng như toàn bộ ê-kíp tại đây vì đã tổ chức một chương trình thật ấn tượng để thảo luận về những thách thức nghiêm trọng hiện nay tại khu vực Đông Nam Á.

Đương nhiên, cuộc thảo luận ngày hôm nay tại đây là về an ninh biển trong những vấn đề liên quan đến Biển Đông. Nhưng, trước khi bắt đầu, tôi muốn, nếu có thể, cung cấp cho các bạn một vài thông tin về một bối cảnh rộng lớn hơn liên quan cách chúng ta nhìn nhận về các chính sách ngoại giao trong một vài tuần tới. Sau đó tôi sẽ rất sẵn lòng trả lời câu hỏi của các bạn. Tôi biết chúng ta có rất nhiều vấn đề đáng quan tâm tại khu vực Đông Bắc Á cũng như những nơi khác, nhưng mục đích chính của cuộc nói chuyện ngày hôm nay là về Đông Nam Á và những sự tiến triển đang diễn ra tại Diễn đàn khu vực ASEAN. Và đó là vấn đề chính của chúng ta trong cuộc thảo luận này.

Để bắt đầu, tôi muốn chia sẻ với các bạn suy nghĩ của tôi về một trong những câu hỏi mà chúng ta phải giải đáp và được nghe đến nhiều trong thời điểm năm 2009 là liệu Hoa Kỳ có nhận ra và hiểu được rằng đang có những diễn biến khó lường tại khu vực châu Á, và tại đó Mỹ có lẽ đã không có được sự can dự đầy đủ như đã phải có hay cần thiết phải có. Trong một vài năm qua, bằng việc có được sự tham gia hợp tác của cả hai Đảng (Dân Chủ và Cộng Hòa – ND), có được các cam kết rõ ràng tại Quốc hội với sự tham gia của những nhà lãnh đạo quân sự, những nhà điều hành thuộc các cấp khác nhau, Hoa Kỳ đã cố gắng đẩy mạnh sự tham gia của mình trong cuộc “chơi” tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Hoa Kỳ đã tăng cường tham gia trên diện rộng vào các cam kết song phương, các hoạt động ngoại giao đa phương cũng như trong một loạt các lĩnh vực khác.

Và tôi nghĩ hiện tại, khi so sánh với năm 2009 thì câu hỏi vào năm 2013 mà chúng ta còn được nghe nhiều hơn, đó là: Liệu Hoa Kỳ có thể duy trì một mức độ cam kết cao hơn khi chúng ta tham gia sâu hơn vào các hoạt động tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương không? Và theo tôi, đây là một câu hỏi quan trọng khi đặt trong bối cảnh những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt, không chỉ những thách thức trong dài hạn về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia tại Trung Đông và Nam Á, mà còn là một vài thách thức mà chúng ta phải đối mặt ngay ở trong nước.

Ẩn sâu trong câu hỏi này lại là một câu hỏi khác, rằng đối với nhiều người, mục tiêu chính hay trách nhiệm chính của sự can thiệp của chúng tôi trong vài năm qua là về mặt an ninh và quốc phòng. Và tôi nghĩ không thể phủ nhận rằng đó luôn là phần quan trọng trong những gì mà chúng tôi nỗ lực thực hiện. Nhưng điều quan trọng hơn trong thời gian tới, đặc biệt ở Đông Nam Á, là phải nhấn mạnh rằng sự cam kết của chúng tôi khi hiện diện ở đây lớn hơn nhiều mục tiêu an ninh quốc phòng đơn thuần. Nó mở rộng đến tất cả các lĩnh vực theo nhiều cách khác nhau, mọi lĩnh vực liên quan đến chính sách ngoại giao Hoa Kỳ: cam kết với các thể chế đa phương, cam kết với sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là cam kết về thương mại, đầu tư và xuất khẩu, và nói chung là tất cả các lĩnh vực thuộc về ngoại giao.

Do đó, một trong những việc mà Ngoại trưởng Clinton sẽ cố gắng để thực hiện trong chuyến thăm đặc biệt này tới Campuchia, nước đang tổ chức diễn đàn khu vực ASEAN – và cuối năm nay, chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Campuchia khi tham gia hội nghị thượng đỉnh Đông Á – là nhấn mạnh cách tiếp cận nhiều mặt này trong chính sách của Hoa Kỳ. Vì vậy, tôi muốn cung cấp cho các bạn một chút thông tin cũng như lý do tại sao đây lại là một vấn đề quan trọng, là điều mà chúng tôi đang tìm cách để thực hiện khi can dự nhiều hơn vào khu vực trong thời gian tới.

Tổng thể, những gì mà các bạn sẽ thấy trong quãng thời gian một vài tuần tới là một vài chuyến dừng chân sắp tới của Ngoại trưởng Clinton trên cơ sở các hoạt động ngoại giao cấp cao gần đây. Tôi biết được rằng người đồng nghiệp thân thiết (good) Koe Donovan đã cùng đi với Tổng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ trong chuyến đi quan trọng đến Phi-líp-pin, Bộ trưởng Panetta trong chuyến thăm tới Việt Nam, và một số cam kết ngoại giao chiến lược cấp cao. Ngoại trưởng Clinton cố gắng tiếp nối các hoạt động ngoại giao này trong một vài điểm dừng chân tại khu vực Đông Nam Á. Và bà Clinton sẽ cố gắng hoàn thành một số việc ở Campuchia trong chuyến công du của mình.

Một trong những sáng kiến mà chúng tôi đã thực hiện trong những năm qua – và bà Clinton sẽ đưa vào bàn luận rất nhiều vấn đề mới mang tính thực chất hơn, và tôi không thể không nhấn mạnh rằng đây là một vấn đề hết sức khó khăn trong bối cảnh hiện nay – đó là những cam kết với các tổ chức đa phương hẹp trong khu vực Đông Nam Á có tên gọi Sáng kiến hạ lưu sông Mêkông. Đây là một nỗ lực để giải quyết các thách thức phức tạp nhất của một trong những con sông lớn nhất thế giới và hợp tác với rất nhiều nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để duy trì và quan trọng nhất là để hiểu được những thách thức đến từ việc biến đổi khí hậu, khai thác thủy sản quá mức, và cũng như tác động của việc xây dựng các con đập với nông nghiệp. Đây cũng là cơ hội để chúng ta tìm cách duy trì/bảo vệ sông Mêkông, một trong những con sông lớn nhất thế giới.

Ngoại trưởng Clinton sẽ gặp gỡ với không chỉ các thành viên của Sáng kiến Hạ lưu sông Mêkông mà còn với Những nước láng giềng hạ lưu sông MêKông – bao gồm một số các quốc gia liên quan – và ngoài ra còn mang đến bàn đàm phán những nhóm khác như các nhóm từ thiện, quan hệ đối tác nhà nước – tư nhân hoặc các nhóm tương tự có cam kết với thể chế này (Sáng kiến hạ lưu sông Mêkông – ND).

Một phần quan trọng của nỗ lực trong năm nay đó là việc xây dựng mối quan hệ chính thức với Myanmar. Một trong những điều mà chúng tôi sẽ tìm cách để thực hiện trong những tuần tới tới là làm rõ cách thức mà chúng tôi sẽ thực hiện về việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt của mình. Chúng tôi muốn tạo ra một cơ hội cho việc đầu tư và sự tham gia một cách thực chất của Mỹ vào Myanmar. Chúng tôi rất thẳng thắn muốn để lợi ích của chúng tôi đi sau những nỗ lực cải cách và muốn làm rõ điều này, như Ngoại trưởng Clinton đã nói, rằng Myanmar đối với các doanh nghiệp Mỹ là một môi trường kinh doanh rất cởi mở. Và chúng tôi sẽ làm điều đó một cách có trách nhiệm.

Và ngoại trưởng Clinton sẽ đưa ra một vài các sáng kiến cụ thể khi bà thăm các nước Đông Nam Á trong một vài tuần tới. Và tôi phải nói rằng, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ để có được cơ hội này. Các nước bạn bè ASEAN đã có những hướng dẫn cụ thể cũng như có những gợi ý và tư vấn có hiệu quả dành cho chúng tôi phía sau hậu trường.

Ngoài các sáng kiến này, tôi muốn đề cập về một trong những điều mà chúng tôi luôn nhắc đi nhắc lại, đó là, tương tự như tầm quan trọng của TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – ND), của Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc, Hoa Kỳ cũng rất cần đưa ra những sáng kiến về kinh tế cụ thể hướng tới khu vực Đông Nam Á, và điều này cũng sẽ nêu bật một cam kết thực chất của Mỹ tới vấn đề thương mại.

Vì vậy, Ngoại trưởng Clinton, một ngày sau khi đến Diễn đàn khu vực ASEAN, sẽ tổ chức một cuộc gặp giữa nhóm doanh nghiệp lớn nhất thế giới, trải dài từ Mỹ tới Siem Reap và các doanh nhân tầm cỡ tương đương từ các nước ASEAN, cũng như các nơi khác trong khu vực châu Á. Trong cuộc gặp này, chúng tôi sẽ tìm hiểu các cách thức để mở rộng sự tham gia về kinh tế cũng như thương mại của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi rất háo hức với vấn đề này. Một số bộ trưởng, một vài nhà lãnh đạo của khu vực Đông Nam Á cũng sẽ tham dự. Đây là một phần nỗ lực nhằm nhấn mạnh niềm tin rằng chúng tôi có thể đóng góp nhiều hơn nữa vào sự tham gia của mình trong lĩnh vực kinh tế tại khu vực Đông Nam Á trong tương lai.

Rõ ràng là, đặt trong mô hình lớn hơn về các cam kết đa phương – tôi muốn nhắc lại một lần nữa – rằng một ASEAN mạnh mẽ và một cam kết với những tổ chức này sẽ rất quan trọng trong thời gian tới. Bây giờ, nhiều người sẽ nói rằng hãy xem này, những tổ chức này nhìn chung vẫn còn yếu; những tổ chức này vẫn đang phát triển. Điều này đúng, tuy nhiên đây là một thời điểm vô cùng quan trọng, đây là lúc mà vai trò của Mỹ có thể trở nên rất quan trọng. Và do đó, các bạn sẽ thấy chúng tôi tham gia sâu sắc vào những cơ hội trong tương lai.

Chúng tôi cũng đang tìm cách để tăng cường các cam kết song phương. Và tôi nghĩ các bạn sẽ thấy được điều này diễn ra trong một quy mô rộng lớn. Sáng nay, tôi đến đây sau khi đã tham gia một loạt cuộc thảo luận với những người bạn đến từ Lào. Ngoại trưởng Clinton cũng đang trông chờ một chuyến viếng thăm đến đất nước này. Đây là một phần của cuộc đối thoại toàn diện của chúng tôi với Lào, trong đó chúng tôi sẽ tìm hiểu cách thức để từ đó có thể xây dựng mối quan hệ song phương trong tương lai.

Nhưng rõ ràng là, về mối quan hệ với Phi-líp-pin, tôi có thể nói một cách khá thẳng thắn rằng chúng tôi đang ở giữa thời kỳ phục hồi lại mối quan hệ. Tôi nghĩ chúng tôi đã không tập trung đầy đủ vào mối quan hệ này trong một khoảng thời gian quá dài. Tổng thống Phi-líp-pin Aquino cũng đã có một chuyến thăm hết sức tốt đẹp đến Mỹ. Ông Aquino đã giải quyết vấn đề tham nhũng tại Phi-líp-pin theo một cách mà chưa từng diễn ra trong khoảng vài chục năm trở lại đây. Chúng tôi đang cố gắng để hỗ trợ nỗ lực đó, để tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh và cũng là để hỗ trợ cho sự tăng trưởng đáng kể của Phi-líp-pin. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn đa dạng hóa sự tham gia của mình bằng việc bao gồm thêm việc xây dựng năng lực và các khía cạnh khác của đối thoại chiến lược. Một lần nữa, tôi muốn nói rằng trong khoảng 20 năm trở lại đây, chúng tôi đã có những cam kết định kỳ với Phi-líp-pin. Nhưng đây chính là một trong những chính phủ tốt nhất mà chúng tôi có thể thấy trong hàng thập kỷ qua. Chúng tôi muốn hỗ trợ cho chính phủ này. Và chúng tôi sẽ tham gia mạnh mẽ vào quá trình này trong thời gian tới.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây

Dịch: Tuấn Anh

Hiệu đính: Lan Anh