Vai trò an ninh của Mỹ tại Biển Đông

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện

Tiểu ban Châu Á Thái Bình Dương

23/7/2015

Phát biểu của Tiến sĩ Mira Rapp Hooper, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Biển Châu Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS)

Kính thưa ngài Chủ tịch Salmon và các thành viên của Tiểu ban, tôi rất vinh dự ngày hôm nay có cơ hội được trình bày về phản ứng của các quốc gia khu vực đối với các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông. Bài điều trần của tôi ngày hôm nay sẽ tập trung chủ yếu vào phản ứng của các quốc gia có yêu sách chủ quyền và chiếm đóng lãnh thổ ở Biển Đông, bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Đài Loan. Tôi cũng sẽ đề cập đến một số phản ứng đáng chú ý của Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và các thể chế khu vực.

Các quốc gia khu vực chia sẻ rất nhiều lợi ích với Mỹ ở Biển Đông, bao gồm vấn đề tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hoà bình tranh chấp và bảo vệ luật pháp quốc tế. Hành động của các quốc gia yêu sách còn bị thúc đẩy bởi yêu sách chủ quyền của họ, mà Mỹ, với tư cách là một bên trung lập, không có lợi ích. Tuy nhiên, tôi sẽ lập luận rằng, Mỹ có thừa cơ hội để thúc đẩy các lợi ích của mình ở Biển Đông cùng với các nước khu vực. Với định hướng đó, tôi sẽ kết thúc bài điều trần của mình bằng việc đưa ra một số gợi ý về cách thức mà Mỹ có thể dùng các thể chế đa phương để tăng cường an ninh ở vùng biển quan trọng này.

Lịch sử xây dựng và cải tạo đất ở quần đảo Trường Sa

Hoạt động xây dựng và cải tạo đảo ở Biển Đông không phải mới bắt đầu với những hành động của Trung Quốc từ năm 2014. Các bên yêu sách ở biển Đông đã bắt đầu thiết lập những tiền đồn trên quần đảo Trường Sa vào thập niên 1950, và nhiều nước đã bắt đầu những nỗ lực cải tạo và xây dựng đảo kể từ đó. Malaysia chiếm giữ 5 thực thể tại quần đảo Trường Sa và tiến hành cải tạo và xây dựng các cơ sở trên Đá Hoa Lau vào năm 1983. Philippines chiếm tám thực thể và đã xây dựng các cơ sở trên đó. Đài Loan chiếm 1  thực thể. Đài Loan đã cải tạo một phần đất nhỏ và hiện đang trong quá trình tôn tạo sân bay và bến cảng đã xây dựng trên thực thể mà Đài Loan chiếm giữ. Việt Nam, nước chiếm giữ đến 29 thực thể, đã tiến hành cải tạo đất và xây dựng các tiện ích quân sự và dân sự trên đó. Việt Nam, Philippines, Malaysia và Đài Loan đều có sân bay riêng trên các căn cứ ở quần đảo Trường Sa, và đều có các đơn vị quân đội đóng trên các thực thể này.

Tuy nhiên, khi so sánh hoạt động xây dựng và cải tạo đảo của các bên yêu sách khác với các hoạt động của Trung Quốc về qui mô, phạm vi, tốc độ, thì các hoạt động xây dựng của các bên khác đều thua xa. Nói như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter thì Trung Quốc đã tiến xa và nhanh hơn các nước khác trong các hoạt động xây đảo. Chính tốc độ chóng mặt và quy mô mở rộng của hoạt động cải tạo và xây dựng đảo của Trung Quốc, chứ không hẳn là hoạt động xây dựng này mới là nguyên nhân gây lo ngại nghiêm trọng cho các bên yêu sách khác về ý định của Trung Quốc tại Truờng Sa. Cần nói thêm rằng Trung Quốc là nước duy nhất đã biến đổi hoàn toàn các thực thể ngầm dưới biển thành những đảo nhân tạo; các nước khác chỉ dùng kỹ thuật để làm tăng diện tích các thực thể vốn nằm trên mặt biển.

Theo so sánh, Đài Loan đã cải tạo tầm năm mẫu Anh trong vòng hai năm tại một địa điểm. Malaysia đã cải tạo được tầm 60 mẫu Anh trong vòng 30 năm qua tại 1 địa điểm. Việt Nam đã cải tạo đựơc tầm 50-60 mẫu Anh trong vòng 5 năm tại 1 địa điểm. Tuy nhiên, Trung Quốc đã cải tạo được ít nhất 2.000 mẫu Anh trong 1 năm qua tại 7 địa điểm khác nhau.

Đối với nhiều nước trong khu vực, thời điểm tiến hành của những hoạt động xây dựng này cũng rất quan trọng. Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại Biển Đông. Thoả thuận này yêu cầu các bên “thực hiện kiềm chế đối với các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và gây ảnh hưởng tới hoà bình và ổn định...” trong khu vực. Bản tuyên bố không thể hiện rõ ràng sự ngăn cản đối với việc xây dựng trên các thực thể đã bị chiếm giữ, nhưng nhiều bên yêu sách cảm thấy rằng TQ đã vi phạm tinh thần của văn kiện bằng những hành động gần đây, và rằng những hành động này của Trung Quốc khiến các bên ít có khả năng đàm phán một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc đã được mong đợi nhiều ở Biển Đông.

Các hoạt động xây dựng phản ứng lại các hành vi của Trung Quốc

Kể từ khi các hoạt động cải tạo đảo với quy mô lớn của Trung Quốc được biết đến từ năm 2014, các bên yêu sách khác đã phản ứng lại bằng những hoạt động xây dựng riêng của chính họ. Trong vài năm vừa qua, Việt Nam đã tiến hành cải tạo thêm một ít và xây dựng thêm các tiện ích trên 2 đảo của họ. Đầu năm 2015, Malaysia tuyên bố rằng họ sẽ lắp đặt một hệ thống phòng không  trên Đá Hoa-Lau. Hoạt động cải tạo khá khiêm tốn của Đài Loan cũng đã bắt đầu từ năm ngoái, và là 1 phần của dự án tôn tạo bao gồm việc nâng cấp sân bay và xây dựng thêm những bến tàu hiện đại. Sau khi đưa ra thông báo về việc tạm ngưng các hoạt động xây dựng vào năm 2014, Philippines vào tháng 3 năm nay đã quyết định rằng họ sẽ sửa và cải tạo các căn cứ quân sự của mình trên Đảo Thị Tứ. Philippines đồng thời cũng đang gia cố vỏ của một con tàu đóng vai trò như một tiền đồn quân sự của nước này trên Bãi Cỏ Mây.

Các hành vi cân bằng của các bên yêu sách ở Biển Đông

Quan trọng hơn cả việc xây đảo phản ứng lại Trung Quốc của các bên yêu sách là bước chuyển rõ ràng về ngoại giao và quân sự đã xảy ra trong khu vực trong 18 tháng qua. Các nước trong khu vực theo đuổi việc phát triển các tiềm lực quân sự mới, tăng tần suất và tiến hành nhiều kiểu tập trận quân sự mới và nâng cấp các quan hệ đối tác chính trị mới trong khu vực.

Những tiềm lực quân sự mới

Kể từ đầu 2014, các nước yêu sách ở Biển Đông đã đầu tư rất nhiều vào việc mua những trang thiết bị quân sự mới, đa phần đều có tính ứng dụng trên biển rõ ràng. Một số khoản đầu tư này vốn nằm trong các chương trình hiện đại hoá quân sự đang trên đà thực hiện và không thể chỉ bị quy cho là do những hành động quyết đoán gần đây của Trung Quốc ở Trường Sa, nhưng rõ ràng các nước yêu sách đang tập trung mua sắm trang thiết bị nhằm tăng cường phòng thủ trên biển.

Philippines đã tuyên bố kế hoạch hiện đại hoá quân sự trong vòng 15 năm, trong đó bao gồm các kế hoạch mua tàu tấn công nhanh, tàu chiến tàng hình, trực thăng dùng trong chiến tranh chống tàu ngầm (ASW) và tàu ngầm. Manila sẽ mua thêm từ Tokyo 10 tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển, và đã nhận được một tàu hộ tống tuần tra và tàu vận chuyển từ Hàn Quốc,  2 tàu đổ bộ từ Úc, và hai tàu quân vận chiến lược trên biển từ Indonesia. Philippines sẽ mua máy bay chiến đấu từ Hàn Quốc, và sẽ nhận thêm tổng cộng 5 máy bay vận chuyển Hercules C-130 từ Mỹ. Philippines cũng đã quyết định sẽ mở rộng căn cứ hải quân chính tại Vịnh Oyster tại đảo Palawan phía giáp Biển Đông, và chỉ mới tuần vừa rồi Philippines cũng ra thông báo là họ sẽ đưa một phi đội máy bay mới FA-150 mới và hai tàu khu trục hải quân tại cơ sở hải quân cũ của Mỹ tại Vịnh Subic. Không quân Philippines cũng đã quyết định đồng ý cho Mỹ sử dụng hai căn cứ của Philippines để giúp Mỹ tăng cường khả năng tiếp cận Biển Đông.

Việt Nam đang nhắm tới tàu và máy bay tuần tra biển, máy bay không  người lái không vũ trang và máy bay chiến đấu. Hải quân và cảnh sát biển Việt Nam đang tiếp nhận tàu tuần tra từ Nhật Bản và Ấn Độ. Việt Nam cũng đã mua tàu ngầm Kilo thế hệ thứ 3 cũng như tên lửa tấn công mặt đất và tên lửa chống hạm từ Nga. Có thông tin rằng Việt Nam cũng mong muốn mua máy bay tuần tra P-3 từ Mỹ.

Đài Loan đã tuyên bố rằng họ sẽ phát triển tám tàu ngầm diesel-điện nội địa bắt đầu từ năm 2016. Vào tháng 6, họ đã đặt mua 2 tàu tuần tra cảnh sát biển được thiết kế thích hợp để neo đậu tại đảo Ba Bình ở Biển Đông. Đài Loan cũng đang mua thêm 4 tàu khu trục tên lửa dẫn đường từ Mỹ, và thêm 4 máy bay tuần tra P-3 Orion, một phần trong hợp đồng năm 2007 giữa hai bên.

Tháng 10/2014, Malaysia đã tuyên bố tăng 10% ngân sách quốc phòng, bao gồm 6% tăng thêm cho việc mua bán và nghiên cứu trang thiết bị quân sự. Họ sẽ mua thêm 6 chiếc tàu hộ tống từ Pháp, và tuyên bố rằng sẽ mua thêm tàu hộ tống, sáu chiếc trực thăng dùng trong chiến tranh chống tàu ngầm, các tàu nhỏ khác , và sẽ thay thế hệ thống ngư lôi và tên lửa.

Tuy nhiên, cũng đáng chú ý là trừ Đài Loan, các bên tranh chấp khác ở Biển Đông có năng lực hải quân và cảnh sát biển rất khiêm tốn. Những khoản đầu tư gần đây của các bên là sự thể hiện rõ ràng các quan ngại của họ, nhưng sẽ không giúp họ cân bằng lợi thế quân sự khổng lồ của Trung Quốc.

Tập trận

Trước tình hình căng thẳng gia tăng trong khu vực, các nước yêu sách ở Biển Đông đã gia tăng các cuộc tập trận huấn luyện để tăng cường phòng thủ. Những cuộc tập trận này bao gồm các cuộc tập trận chung với các đối tác quân sự, cũng như các cuộc tập luyện mới tập trung vào lĩnh vực phòng thủ trên biển.

Philippines rất hào hứng tham gia các cuộc tập trận gần Biển Đông và với các đối tác mới. Cuộc tập trận song phương nhằm duy trì sự sẵn sàng chiến đấu của hải quân (CARAT) giữa Mỹ và Philippines năm 2014 được tổ chức cách Bãi cạn Scarborough 80 dặm và bao gồm các cuộc tập trận bắn đạn thật và các hoạt động đổ bộ. Philippines cũng đã gửi tàu và nhân lực tới cuộc tập trận trên biển đa quốc gia Kakdu tại Úc, và đồng thời cũng đón nhận nhân lực và máy bay từ Úc đến tham gia cuộc tập trận Balikatan giữa Mỹ-Philippines. Philippines và Nhật cũng đã lần đầu tiên tập trận hải quân chung giữa vào tháng 5/2015. Vào tháng 6/2015, Philippines và Nhật đã tổ chức một cuộc tập trận khác với sự tham gia của máy bay trinh sát P-3 ở khu vực Bãi Cỏ Rong đang tranh chấp tại Biển Đông.

Vào tháng 8/2014, Việt Nam đã tổ chức các cuộc tập trận mới với Ấn Độ gần bờ biển Việt Nam. Mỹ trong 6 năm liên tiếp cũng đã tổ chức hoạt động giao lưu hải quân với quân đội Việt Nam, bao gồm các hoạt động hỗ trợ y tế và tìm kiếm cứu hộ.

Năm 2014, hải quân và lực lượng lính thủy đánh bộ Đài Loan đã đồng thời tiến hành một cuộc tập trận giả định đánh chiếm lại đảo Ba Bình trong khi tổ chức cuộc tập trận lớn nhất của Đài Loan ở Biển Đông kể từ năm 2000. Đây cũng là lần đầu tiên Đài Loan tổ chức một cuộc tập trận ở Biển Đông với sự tham gia của quân đội thường trực thay vì lính bảo vệ bờ biển. Vào tháng 4/2015, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã ra thông báo rằng họ sẽ bắt đầu điều máy bay tuần tra biển P-3 Orion làm nhiệm vụ trinh sát chống tàu ngầm và các nhiệm vụ tuần tra ở khu vực vượt ngoài Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan và ở Biển Đông.

Mỹ và Malaysia cũng đã tổ chức nhiều cuộc tập trận quân sự mới, bao gồm một cuộc tập trận đổ bộ, một cuộc trình diễn của lính thủy đánh bộ Mỹ, và các cuộc tập trận chung song phương CARAT hàng năm. Vào tháng 5/2015, Malaysia và Mỹ đã tổ chức một cuộc tập trận song phương lớn ở Biển Đông trong đó có sự tham gia của một đội tàu sân bay tấn công của Mỹ.

Các mối quan hệ hợp tác chính trị đang hình thành

Sự hung hăng của Trung Quốc cũng đã khuyến khích sự phát triển của các mối quan hệ ngoại giao và chính trị mới. Trong năm 2014-2015, Philippines, Việt Nam và Malaysia đều đã theo đuổi các mối quan hệ đối tác chiến lượcmới.

Philippines đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, điều này sẽ tạo tiền đề cho những cuộc tập trận chung, hợp tác chia sẻ thông tin và huấn luyện giữa hai bên. Manila cũng có được sự ủng hộ công khai từ Ấn Độ trong nỗ lực theo đuổi con đường trọng tài quốc tế trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Philippines và Nhật Bản cũng đang cân nhắc một Thỏa thuận thăm viếng quân sự (VFA) cho phép các máy bay chiến đấu và tàu hải quân của Nhật được luân phiên tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines.

Ngoài quan hệ đối tác chiến lược với Philippines, Việt Nam cũng đã theo đuổi một vài mối quan hệ chính trị mới. Việt Nam và Nhật Bản đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược để thúc đẩy hợp tác quân sự và hợp tác xây dựng năng lực. Việt Nam và Ấn Độ cũng đã đưa ra một tuyên bố chung khẳng định mục tiêu hợp tác quốc phòng và bảo vệ lợi ích chung ở Biển Đông. Hà Nội cũng đã thúc đẩy nâng cấp hợp tác quốc phòng với Indonesia nhằm tăng cường trao đổi và huấn luyện song phương. Việt Nam và Úc đã thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong tương lai, nhấn mạnh vào hợp tác an ninh, huấn luyện, và hợp tác ở Biển Đông. Mỹ và Việt Nam đã nhất trí tăng cường hợp tác quân sự trong các lĩnh vực như trợ giúp nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai (HA/DR) và tìm kiếm cứu nạn (SAR). Cuối cùng, trong tháng 7/2015, Tổng Bí Thư Trọng đã trở thành Tổng bí thư đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam tới thăm Mỹ. Tuyên bố về tầm nhìn chung của ông và Tổng thống Obama đã thể hiện sự ủng hộ đối với tự do hàng hải, luật quốc tế và phản đối việc sử dụng biện pháp cưỡng chế (ở Biển Đông). Hai nhà lãnh đạo cũng đã đồng ý tăng cường hợp tác trong vấn đề an ninh biển và gia tăng nhận thức về các vấn đề biển.

Trong giai đoạn 2014-2015, Malaysia và Indonesia đã có những bước đi nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên và cải thiện quan hệ song phương. Malaysia và Nhật đã ký một thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác chiến lược mới trong năm 2015, trong đó bao gồm kế hoạch hợp tác xây dựng năng lực cho lực lượng cảnh sát biển cũng như dự án chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng. Trong tháng 4/2014, Malaysia đã đón tiếp Tổng thống Obama trong chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ đến nước này trong vòng 50 năm, và hai nước đã nâng cấp mối quan hệ song phương lên tầm quan hệ đối tác toàn diện.

Các mô hình mua sắm thiết bị quân sự, diễn tập và hình thành những mối quan hệ đối tác mới này không nghi ngờ gì cho thấy rằng các bên yêu sách khác đang tìm cách cân bằng sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, điều này sẽ không dễ dàng. Sau hai thập kỷ không ngừng gia tăng với tốc độ hai chữ số, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc hiện nay cao gấp 6 lần so với tổng ngân sách quốc phòng của tất cả các nước Đông Nam Á gộp lại và tiềm lực quân sự của Trung Quốc đã vượt xa các nước trong khu vực. Số lượng hải quân và cảnh sát biển của Trung Quốc đều vượt xa số lượng hải quân và cảnh sát biển của tất cả các bên yêu sách khác cộng lại. Trong khi Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào quân sự và đóng thêm tàu với tốc độ chóng mặt, các bên yêu sách khác đã tìm kiếm sự trợ giúp từ các đối tác khác trong khu vực. Trong năm 2014-2015, họ đã bắt đầu tìm tới Nhật Bản, Úc và Ấn Độ.

Nỗ lực cân bằng của các đồng minh Mỹ

Nhật Bản

Chiến dịch cải tạo đảo của Trung Quốc mở ra trong lúc Nhật Bản đang tiến hành một cuộc tái đánh giá chính sách an ninh quốc gia mang tính lịch sử. Điều này đã cho phép Tokyo theo đuổi các mối quan hệ đối tác chiến lược và cuộc tập trận mới với Philippines, Việt Nam và Malaysia. Tokyo cũng đã công khai phản đối các hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc ở Trường Sa. Các quan chức Nhật Bản, bao gồm Thủ tướng Shinzo Abe, đã liên tục tái khẳng định cam kết của Nhật đối với tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế, và giải quyết hoà bình các tranh chấp trong khu vực.

Kể từ đầu năm 2015 đã có nhiều cuộc thảo luận công khai về khả năng Nhật tham gia vào việc tuần tra trên không tại Biển Đông. Một vài báo cáo cũng đã đề xuất rằng Washington và Tokyo có thể tổ chức tuần tra chung, Nhật có thể tổ chức tuần tra cùng với các bên yêu sách khác trong khu vực, hoặc có thể tự tiến hành các hoạt động giám sát và theo dõi riêng tại Biển Đông. Tuy nhiên, Nhật gặp phải nhiều trở ngại quan trọng về mặt triển khai, tài chính và chính trị nội bộ trong việc tiến hành tuần tra Biển Đông. Hiện tại, Nhật không có đủ máy bay để sẵn sàng cho các nhiệm vụ tại Biển Đông, và cũng không có đủ khả năng để đảm bảo tiếp nhiên liệu đầy đủ cho các máy bay này. Ngân sách quốc phòng của Nhật theo truyền thống luôn được giữ ở mức 1% của GDP, và các hạn mức trần đặt ra trong 5 năm ngăn không cho Tokyo đi chệch mục tiêu này. Cuối cùng, chính phủ của Abe hiện đang trong quá trình thúc đẩy một bộ luật cho phép Nhật đóng một vai trò phòng thủ tích cực hơn trong khu vực, nhưng các dự luật liên quan được chính phủ đưa ra gặp phải nhiều phản ứng dữ dội hơn là dự đoán. Việc Nhật quan tâm đến khả năng tuần tra ở Biển Đông chắc chắn cho thấy quan ngại sâu sắc của Tokyo về an ninh và ổn định tại Biển Đông, tuy nhiên không thể phớt lờ các trở ngại có thể ngăn cản Nhật giành vai trò lãnh đạo trong các nỗ lực tuần tra Biển Đông trong tương lai gần.

Úc

Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Úc đã công khai phản đối việc cải tạo đảo và quân sự hoá các tiền đồn của Trung Quốc tại Biển Đông. Các quan chức cấp cao tại Canberra cũng đã làm rõ rằng họ sẽ phản đối bất kì nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm can thiệp vào tự do hàng hải hay hàng không tại Biển Đông, và cũng sẽ không thừa nhận một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông. Có thông tin cho rằng chính phủ Úc cũng đã cân nhắc việc tiến hành một cuộc tập trận khẳng định tự do hàng hải gần khu vực đảo nhân tạo của Trung Quốc. Gần đây Úc đã tổ chức hai cuộc tập trận với Philippines và đã ủng hộ nhiều tàu cho Manila. Úc cũng đã kí một thỏa thuận về quan hệ đối tác toàn diện với Hà Nội, có thể sẽ được nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược trong tương lai.

Ấn Độ

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thông báo và bắt đầu thực hiện một “Chính sách hành động hướng Đông” nhằm tăng cường mối quan hệ  giữa Delhi và khu vực. Tại hội nghị Ấn Độ-ASEAN  và Cấp cao Đông Á năm 2014, các quan chức Ấn Độ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải, giải quyết hoà bình các tranh chấp, và sự quan trọng của luật pháp quốc tế. Vào tháng 9/2014 và tháng 1/2015, Modi và Tổng thống Obama đã ra các tuyên bố chung khẳng định lợi ích chung tại Biển Đông. Vào tháng 6/2015, Ấn Độ và Mỹ đã kí một thỏa thuận khung về quốc phòng trong đó bao gồm một cam kết “tăng cường khả năng của mỗi bên để bảo vệ [...] tự do hàng hải trên các tuyến đường giao thông liên lạc biển.”  Tháng 6/2015, Ấn Độ cũng đã điều một tiểu đội 4 tàu hải quân tới Malaysia, Singapore, Indonesia và Úc, đây là một phần trong hành trình chuyến thăm tới Biển Đông của các tàu này.

Các phản ứng đa phương

Các nước trong khu vực cũng đã phản ứng lại sự hung hăng của Trung Quốc thông qua các cơ chế đa phương. Trong Tuyên bố Chủ tịch dưới sự dẫn dắt của Malaysia vào tháng 4/2015, ASEAN đã thể hiện quan ngại nghiêm trọng về các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc, cho rằng các hoạt động này đã “làm xói mòn lòng tin và có thể phá hoại hoà bình, an ninh, và ổn định tại Biển Đông.” Tuyên bố cũng đã tái khẳng định sự quan tâm của ASEAN đối với tự do hàng hải và hàng không và đã khuyến khích việc đẩy nhanh tiến trình tham vấn hướng tới xây dựng một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) ở Biển Đông. Mặc dù không có tính đột phá nhưng đây là những tuyên bố mạnh mẽ và thể hiện sự thống nhất cao hơn so với những gì mà các chuyên gia quan sát mong đợi.

Trong một cuộc tham vấn giữa các quan chức cấp cao của hai bên vào đầu tháng 6 (lần thứ 21), Trung Quốc và ASEAN đã cam kết sẽ hoàn thành một Bộ Quy tắc Ứng xử. Vào đầu tháng 7, Trung Quốc và ASEAN tổ chức một cuộc họp Nhóm công tác chung (về DOC/COC). Nhóm này đã xác định một vài thành tố COC có thể “thu hoạch sớm,” bao gồm các chương trình về an toàn hàng hải và tìm kiếm cứu hộ. Tuy nhiên, đáng chú ý là nhiều quan chức và nhà phân tích vẫn tỏ ra bi quan về khả năng Trung Quốc và ASEAN có thể hoàn thành COC ở Biển Đông trong tương lai gần.

Ngoài khuôn khổ ASEAN, các bên quan tâm cũng đang xem xét đa phương hoá các mối quan hệ để đối phó hiệu quả hơn với Trung Quốc ở Biển Đông. Philippines, Brunei, Indonesia, và Malaysia đã thảo luận về khả năng kí kết thoả thuận thăm viếng quân sự cho phép các nước này tiến hành huấn luyện chung. VFA này cũng sẽ cho các nước trên có quyền tiếp cận tạm thời căn cứ quân sự ở Philippines. Có thông tin rằng Việt Nam, Ấn Độ, và Nhật Bản đã kín đáo thỏa thuận cùng làm việc trong khuôn khổ ba bên để phối hợp chính sách an ninh. Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift cũng đã đề nghị mở rộng các cuộc tập trận chiến đấu song phương lâu năm với các đồng minh và đối tác trong khu vực lên thành các cuộc diễn tập đa phương tập trung ở Biển Đông.

Hành vi kéo bè

Bất chấp những nỗ lực nhiều hướng để chống lại sự hung hăng của Trung Quốc, các nước khu vực vẫn chưa hoàn toàn tập trung tìm cách cân bằng Bắc Kinh. Nhiều nước vẫn thấy lợi ích trong việc duy trì quan hệ chiến lược tích cực với Trung Quốc, bao gồm trong vấn đề an ninh và tranh chấp ở Biển Đông. Vào tháng 10/2014, Việt Nam và Trung Quốc trong một thỏa thuận cấp cao đã cam kết  khôi phục quan hệ và quản lý tốt hơn các tranh chấp chủ quyền và tranh chấp biển giữa hai bên. Malaysia và Trung Quốc cũng đã lần đầu tiên tổ chức một tập trận quân sự song phương với tên gọi “Hoà bình và Hữu nghị” vào tháng 12/2014.

Có lẽ mối quan hệ chính trị phức tạp nhất giữa các bên yêu sách ở Biển Đông là giữa Đài Loan và Trung Quốc. Mặc dù có nhiều vấn đề chưa được giải quyết ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan, Đài Loan và Trung Quốc có các yêu sách tương tự ở Biển Đông, được thể hiện qua đường 9 đoạn của Trung Quốc và đường 11 đoạn của Đài Loan. Các quan chức chính phủ Mỹ đã thúc giục Đài Loan làm rõ hoặc từ bỏ đường yêu sách mơ hồ của mình, nhưng Đài Loan đã từ chối. Năm 2014, Đài Bắc đã chỉ trích sự hiện diện của Việt Nam tại Đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa là nguy hiểm và gây mất ổn định. Gần đây hơn, khi Toà án Luật biển Quốc tế bắt đầu xem xét hồ sơ tranh chấp Biển Đông phiên điều trần tại La-Hay vào tháng 7, Đài Loan đã ra tuyên bố công khai có vẻ nghiêng về phía Trung Quốc khi bác bỏ quyền hạn của toà.

Nhiều bên yêu sách tại Biển Đông nhiều khả năng cũng sẽ tham gia vào sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc và có thể sẽ nhận viện trợ xây dựng cơ sở hạ tầng từ Bắc Kinh, tham gia vào dự án Đường sắt xuyên Á của Trung Quốc, và nhiều khả năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ thương mại song phương với Trung Quốc.

Kể cả nếu các nước yêu sách khác không công khai đứng về phía Trung Quốc thì mong muốn duy trì quan hệ tích cực với Trung Quốc đồng nghĩa với việc các nước này sẽ không có những động thái cân bằng dứt khoát đối với Bắc Kinh. Đối với phản ứng của các nước trong khu vực với Trung Quốc tại Biển Đông, Washington không thể cho rằng có các yêu sách chủ quyền đối lập với một nước sẽ tạo ra các chiến lược và chính sách hoàn toàn mang tính chống đối lại nước đó.

Kiến nghị về can dự khu vực của Mỹ

Các phản ứng của khu vực đối với việc xây đảo của Trung Quốc trong 15 tháng qua chỉ ra rằng các bên yêu sách ở Biển Đông chia sẻ với Mỹ nhiều lợi ích cũng như quan ngại về an ninh và an toàn hàng hải tại khu vực. Tuy nhiên, các bên yêu sách này đều tương đối mơ hồ và không thống nhất trong lập trường phản đối các hoạt động của Bắc Kinh, và các mối lo ngại sâu sắc của họ không nhất thiết đều chuyển thành một phản ứng chính sách mang tính phối hợp rõ ràng. Washington phải suy tính đến tất cả các khuynh hướng khác biệt này trong khi theo đuổi các chính sách thúc đẩy an ninh biển và ổn định khu vực. Có nhiều bước đi mà Mỹ có thể tính đến để thúc đẩy các lợi ích của mình ở Biển Đông cùng với các đối tác và đồng minh khu vực:

1) Chấm dứt tất cả các hoạt động cải tạo và quân sự hóa các đảo: Tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Carter kêu gọi việc chấm dứt các hoạt động cải tạo đảo không chỉ bởi Trung Quốc mà bởi tất cả các bên yêu sách. Các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc ở Trường Sa hiện nay đã gần hoàn tất, nhưng khi mà việc xây dựng của Trung Quốc tiếp tục thu hút sự theo dõi của quốc tế, Bắc Kinh đã chuyển sang tìm cách công khai các hoạt động xây dựng và cải tạo đảo của Việt Nam. Các hoạt động xây dựng cải tạo của Việt Nam rất ít ỏi so với Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ cần thực tế rằng Việt Nam đã cải tạo và lắp đặt các thiết bị quân sự mới trên bất kỳ một đảo nào cũng giúp Trung Quốc củng cố luận điệu rằng Trung Quốc chỉ đang nỗ lực phòng thủ và đuổi kịp các bên yêu sách khác và tạo cho Bắc Kinh các luận điểm thuận tiện để sử dụng tại các diễn đàn trong nước cũng như quốc tế. Mỹ cần nhấn mạnh rằng tất cả các bên yêu sách phải hạn chế không gây ra các thay đổi trên thực tế hoặc quân sự hóa các phần đảo mà họ đang chiếm giữ.

2) Phối hợp xây dựng năng lực với các đối tác: Quỹ An ninh biển Đông Nam Á trị giá 425 triệu USD do Lầu Năm Góc đề xuất có thể cung cấp sự hỗ trợ rất cần thiết cho các lực lượng cảnh sát biển và hải quân của các bên yêu sách khác tại Biển Đông. Các nỗ lực giúp xây dựng năng lực như các sáng kiến lâu dài sẽ tốn nhiều năm để cho ra thành quả, và Mỹ không phải là nước duy nhất đưa ra hình thức giúp đỡ này. Một số lực lượng hải quân và cảnh sát biển khu vực sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp nhận loại hỗ trợ này một cách hiệu quả và hiệu suất. Washington nên thiết lập một cơ chế để điều phối các nỗ lực xây dựng năng lực cho các đối tác tại Đông Nam Á cùng với Úc, Nhật Bản, và Ấn Độ, để đảm bảo các kế hoạch huấn luyện và hỗ trợ trang thiết bị có tác dụng tương hỗ cao.

3) Nhận thức về các vấn đề biển: Tăng cường năng lực nhận thức trong lĩnh vực hàng hải (MDA) cho khu vực Đông Nam Á nên đứng đầu danh sách các ưu tiên xây dựng năng lực cho đối tác của Washington. Mỹ nên tài trợ cho một cơ chế giám sát đa phương có khả năng giúp các bên yêu sách xây dựng được bức tranh chung về tình hình Biển Đông. Diễn biến các hoạt động xây dựng trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục diễn ra từ từ trong những tháng tới, nhưng các bên yêu sách khác sẽ có khả năng phối hợp phản ứng tốt hơn nếu họ không bị đẩy vào thế bất ngờ về các diễn biến mới và nếu họ có thể làm việc trên cùng một bộ thông tin về tình hình thực tế.

4) Chia sẻ thông tin cho ASEAN: Trước khi mạng lưới MDA này được thiết lập và hoạt động, Mỹ nên sử dụng ASEAN như là một diễn đàn để chia sẻ thông tin về các công trình đang được xây dựng trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Các buổi chia sẻ thông tin này nên được đưa ra tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và các Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM+), để các nước khu vực hiểu bản chất và các hệ luỵ của các dự án cải tạo đảo của Trung Quốc khi Bắc Kinh đang tiến hành các hoạt động này và giúp các nước có thêm cơ hội để cùng phối hợp phản ứng.

5) Bộ quy tắc ứng xử ASEAN: Các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên tiếp tục kêu gọi một Bộ quy tắc ứng xử giúp quản lý các tranh chấp ở Biển Đông, nhưng nên khuyến khích các nước ASEAN tự soạn thảo văn kiện này giữa họ với nhau và sau đó cho Trung Quốc cơ hội để tham gia ký kết. Bởi vì đàm phán ASEAN-Trung Quốc không có giới hạn về thời gian và dựa trên nguyên tắc đồng thuận, Trung Quốc có thể nhả chậm tiến trình này trong khi thay đổi từ từ nguyên trạng các đảo theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

6) Đánh giá rủi ro tự do hàng hải và hàng không: Nhiều đối tác của Mỹ đã tái khẳng định cam kết đối với tự do hàng hải và hàng không, và một số nước đã tuyên bố sẽ kiên quyết phản đối nếu Trung Quốc công bố một Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Tuy nhiên, một sự thật ít được công khai là nhiều nước, bao gồm cả Mỹ, đã bị khuyến cáo tránh xa các đảo nhân tạo của Trung Quốc, vốn không được hưởng một khu vực không phận quốc gia hay vùng lãnh hải nếu không được coi là đảo tại thời điểm Trung Quốc bắt đầu tiến hành việc xây dựng. Các sự kiện như vậy cần được ghi chép kỹ, chia sẻ giữa các bên liên quan, và thường xuyên đưa ra công khai. Các dữ liệu này rất quan trọng cho việc đánh giá liệu các hoạt động của Trung Quốc có làm tổn hại đến các lợi ích của Mỹ và các quốc gia khu vực, và tạo cơ sở để các nước khu vực cân nhắc các bước đi tiếp theo.

Bằng cách tiến hành các bước đi này, Washington có thể giành tối đa sự ủng hộ của khu vực đối với các chính sách của mình và thúc đẩy các lợi ích Mỹ ở Biển Đông song song với các nước khác. Các cách tiếp cận đa phương nói riêng sẽ ít có khả năng ngăn cản được chủ nghĩa cơ hội mà Trung Quốc đang từng bước theo đuổi, vốn đã manh mún từ lâu trước khi Trung Quốc bắt đầu các hoạt động cải tạo đảo gần đây. Tuy nhiên, các cách tiếp cận này có thể giúp thúc đẩy một sự đồng thuận khu vực rất cần thiết tại Biển Đông.

Dịch: Thuỳ Trang

Hiệu đính: Kim Minh