Vai trò an ninh của Mỹ tại Biển Đông

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Tiểu ban Châu Á Thái Bình Dương

23/7/2015

Phát biểu của Andrew S. Erickson, Phó Giáo sư, Viện Nghiên cứu Các vấn đề biển Trung Quốc, Đại học Hải chiến Mỹ

Kính thưa ngài Chủ tịch Salmon và các thành viên của Tiểu ban, cảm ơn đã cho tôi cơ hội trình bày về vấn đề rất quan trọng và thời sự này. Tôi sẽ chia sẻ đánh giá của tôi về tình hình ở Biển Đông, kèm theo các khuyến nghị liên quan đến việc chính phủ nên hiểu tình hình như thế nào và cách tốt nhất để xử trí với nó.

Diễn biến tình hình

Luận điệu chính của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là Trung Quốc đã thực hiện kiềm chế nhưng không được đáp lại. Nhưng các lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng đã có một tầm nhìn mang tính tham vọng về lâu dài, gắn với những nỗ lực trong nhiều năm thúc đẩy các yêu sách lâu đời được gói gọn trong một “đường chín đoạn” mơ hồ nhưng bao trọn gần hết Biển Đông.

Lập trường của Bắc Kinh đối với các vấn đề chủ quyền ở Biển Đông là rõ ràng và kiên định. Trong một tài liệu thể hiện lập trường bác bỏ thẳng thừng việc Philippines khởi kiện ra trọng tài quốc tế về tranh chấp song phương giữa hai bên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông (quần đảo Đông Sa [Pratas], quần đảo Tây Sa [Paracel], quần đảo Trung Sa [bao gồm các thực thể chính là bãi Macclesfield và bãi Scarborough] và quần đảo Nam Sa [Spratly]) và các vùng nước xung quanh.[1]

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những luận điệu, hành động,  kế hoạch phát triển và sự chuẩn bị rõ ràng của Trung Quốc, Bắc Kinh đã nhiều lần từ chối làm rõ cơ sở chính xác, bản chất thực sự, hay thậm chí là giới hạn địa lý chính xác của các yêu sách của mình. Như Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ chỉ ra, Trung Quốc “chưa từng công bố tọa độ” của đường chính đoạn mà Trung Quốc vẽ bao trọn hầu như toàn bộ Biển Đông - gần sát bờ biển của tất cả các láng giềng mà Trung Quốc có tranh chấp. Trung Quốc cũng chưa “tuyên bố về các quyền mà họ muốn được hưởng trong khu vực này.”[2] Bắc Kinh cũng chưa làm rõ có phải Trung Quốc coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của mình hay không. Tuy nhiên, dựa trên các tuyên bố và hành động của Trung Quốc cho đến nay, các bên có lý do để quan ngại rằng Trung Quốc quyết tâm duy trì các yêu sách bành trướng của mình dựa trên việc khăng khăng viện dẫn “đường chín đoạn.”

Lịch sử chiếm đóng các đảo

Các lực lượng quân sự và bán quân sự của Trung Quốc có một bề dày lịch sử hơn nửa thế kỷ đánh chiếm các đảo và thực thể, trong đó có nhiều đảo và thực thể ở Biển Đông. Dường như Bắc Kinh từ lâu đã nuôi tham vọng đánh chiếm số lượng lớn các đảo ở Biển Đông, và thực tế đã đánh chiếm nhiều thực thể do Việt Nam chiếm giữ vào năm 1974 và 1988 mặc dù sức mạnh hải quân và không quân Trung Quốc vào lúc đó là hết sức hạn chế. Các chiến dịch này cho đến nay chưa nhận được sự chú ý phân tích đầy đủ. Xét ở vài khía cạnh, những hành động này có thể phức tạp hơn các nhận định trước đây bên ngoài Trung Quốc. Ví dụ, các lực lượng dân quân biển dường như đã được sử dụng trong cuộc xung đột Hoàng Sa năm 1974,[3] trong sự kiện Impeccable năm 2009, vụ căng thẳng ở bãi Scarborough năm 2012,[4] và vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014.[5] Một điều quan trọng cần đề cập là trong tất cả các trường hợp này - hoặc trong các vụ Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam hay đe dọa lực lượng Philippines ở bãi Cỏ Mây - không có trường hợp nào Mỹ can thiệp để ngăn cản hành động của Trung Quốc.

Đối với các trường hợp xảy ra kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh như đã kể trên, điều này một phần là do Washington không có ý kiến đối với giá trị tương đối của các yêu sách chủ quyền cụ thể của các nước ở Biển Đông. Thay vào đó, điều mà Mỹ luôn nhất quán phản đối là (1) việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các yêu sách tranh chấp; và (2) các hành động hạn chế tự do hàng hải hoặc các chuẩn mực thiết yếu cho việc duy trì hệ thống quốc tế[6].

Xây dựng đảo ở quy mô công nghiệp

Quay trở lại với các diễn biến gần đây mà tôi cho là đã dẫn tới phiên điều trần - rất hợp lý - ngày hôm nay. Trong năm 2014, Trung Quốc đẩy nhanh đáng kể một quá trình trước đó vẫn còn rất khiêm tốn là “xây dựng đảo”, phát triển các thực thể đảo tại Trường Sa và Hoàng Sa với quy mô và độ phức tạp mà các láng giềng Trung Quốc không thể theo kịp, thậm chí là nếu so với hoạt động cải tạo đảo mà tất cả các nước này gộp lại đã thực hiện.[7] “Thực thể” là từ chủ chốt ở đây, bởi vì nhiều thực thể mà Trung Quốc cải tạo trước đó chỉ là các đá hoặc bãi cạn nhỏ không được công nhận là “đảo” về mặt pháp lý. Sau đó Trung Quốc dùng một số máy vét lớn nhất thế giới để đổ lên một số bãi san hô nguyên sơ nhất nổi trên mặt nước hàng ngàn tấn cát, nhánh san hô bị cắt, và bê tông. Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris đã dùng từ “Vạn lý trường thành bằng cát” để mô tả những gì Trung Quốc đang tạo ra. Trung Quốc đã tạo ra hơn 2.000 mẫu Anh “đất” mà trước đó chưa từng có trên mặt nước ở Biển Đông. Tuy nhiên, những gì mà Trung Quốc đang xây dựng trên công trình nhân tạo này mới là cái gây quan ngại nhiều nhất cho các láng giềng Trung Quốc và Mỹ: dưới góc độ quân sự, các tiện ích liên quan, bao gồm ít nhất hai đường băng có khả năng tiếp đón nhiều loại máy bay quân sự, cho phép Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng tại Biển Đông.

Chính Bắc Kinh đã tuyên bố công khai rằng các “đảo” mà Trung Quốc bồi đắp trên biển sẽ được sử dụng vào các mục đích quân sự. Ngày 9/3/2015, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố rằng “công trình bảo dưỡng và xây dựng” đồn trú Trường Sa một phần là nhằm “bảo vệ tốt hơn chủ quyền lãnh thổ và các quyền và lợi ích biển” của Trung Quốc.”[8] Bà Hoa nói thêm rằng việc xây dựng được lên kế hoạch một phần là nhằm “đáp ứng các nhu cầu phòng thủ quân sự cần thiết.” Các nguồn từ giới quân sự Trung Quốc cũng có những từ ngữ tương tự.

Diễn dịch cụ thể thì các nhu cầu này có thể bao gồm:

-          các tiện ích tốt hơn cho lực lượng Trung Quốc đóng trên các thực thể này

-          các cảng phục vụ hậu cần, phục vụ các tàu của lực lượng dân quân biển, cảnh sát biển, và hải quân Trung Quốc

-          một mạng lưới các ra-đa giúp giám sát phần lớn Biển Đông

-          các tên lửa phòng không

-          các đường băng cho máy bay quân sự và dân sự

Ngày 15/4/2015, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ lúc bấy giờ là Đô đốc Samuel Locklear trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện đã đồng ý với đánh giá này: Ngoài việc đưa tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đến đóng tại khu vực tranh chấp để tăng cường ảnh hưởng, việc “mở rộng cải tạo các thực thể tại khu vực này cuối cùng có thể dẫn đến việc triển khai các thứ như là ra-đa tầm xa, các hệ thống tên lửa tối tân...” của Trung Quốc tại khu vực. Locklear cho biết thêm: “đây có thể là cơ sở để Trung Quốc thực thi Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông nếu Trung Quốc muốn thiết lập ADIZ tại đây.”

Đường băng... và ADIZ?

Sau tính toàn vẹn về kết cấu thì chiều dài là điều quan trọng nhất đối với các đường băng. Không cần phải có một đường băng dài 3000m (như Trung Quốc hiện có trên Đảo Phú Lâm và Đá Chữ Thập) thì mới hỗ trợ được việc sơ tán nhân sự trong các trường hợp thiên tai hoặc cứu nạn khẩn cấp bằng máy bay phản lực cánh quạt hoặc các loại máy bay dân sự khác. Loại đường băng như vậy chỉ cần thiết để hỗ trợ đủ các loại mục tiêu quân sự. Việc xây dựng một đường lăn riêng cho máy bay dọc theo đó, như Trung Quốc đã làm trên Đá Chữ Thập, gợi ý về các kế hoạch triển khai quân sự với nhịp độ cao và sử dụng nhiều chiến đấu cơ đa dạng. Không một bên yêu sách nào khác tại Biển Đông có được một đường băng như vậy trên bất cứ một thực thể nào mà họ đang chiếm giữ.

Một lý giải hợp lý cho các hoạt động hiện nay của Trung Quốc: đó là nhằm hỗ trợ việc thiết lập một ADIZ trên Biển Đông. Bắc Kinh tuyên bố một ADIZ trên Biển Hoa Đông tháng 11/2013. Nhiều quốc gia - bao gồm Mỹ - đã thiết lập các khu vực nhận dạng phòng không như vậy để theo dõi các máy bay tiếp cận không phận thuộc chủ quyền của họ (trong vòng 12 hải lý tính từ bờ biển của các nước này), đặc biệt là các máy bay có dấu hiệu muốn xâm nhập vùng không phận đó[9].

Các ra-đa trên các thực thể do Trung Quốc quản lý có thể hợp lại thành một mạng lưới cung cấp thông tin hàng hải/hàng không trong phần lớn Biển Đông. Các máy bay chiến đấu có thể giúp Trung Quốc ngăn chặn máy bay nước ngoài bị phát hiện đang hoạt động trong khu vực, đặc biệt là các máy bay hiện diện mà không thông báo hoặc thực hiện các hành vi mà Trung Quốc cho là không thể chấp nhận được.

Nhưng mặc dù các quốc gia ven biển theo luật được phép tuyên bố ADIZ, cách mà Trung Quốc tiến hành việc này ở Biển Hoa Đông rất đáng ngại. Trung Quốc đe doạ sử dụng “các biện pháp phòng thủ khẩn cấp” - mà đến nay vẫn chưa nói rõ là biện pháp gì - nếu các máy bay nước ngoài không tuân theo các hiệu lệnh của Trung Quốc. Việc thiết lập một ADIZ không cho phép Trung Quốc đưa ra hoặc thực thi các hiệu lệnh như vậy. Điều này cho thấy Trung Quốc ở nhiều phương diện quan trọng đang đòi giữ quyền kiểm soát không phận quốc tế ngoài 12 hải lý như là “không phận thuộc chủ quyền” của mình.

Hồ sơ lập trường của Trung Quốc về chủ quyền biển làm tăng quan ngại này. Phần lớn các quốc gia đều đồng ý rằng theo luật quốc tế, một nước có đường bờ biển chỉ có quyền quản lý các tài nguyên kinh tế trong vùng nước cách đường cơ sở của mình từ 12 đến 200 hải lý - hoặc thậm chí ít hơn nếu nước đó nằm đối diện một nước ven biển khác chỉ cách không tới 400 hải lý. Nhưng Trung Quốc đang yêu sách thêm quyền kiểm soát các hoạt động quân sự trong “vùng đặc quyền kinh tế” đó, cũng như trong không phận phía trên khu vực này.

Trung Quốc hiện đang thiếu các trang thiết bị có khả năng tác chiến chống tàu ngầm (AWS) tầm xa tương tự như máy bay P-3 và P-8 của Mỹ. Xây thêm càng nhiều “đảo”, thậm chí là nếu chỉ với bãi đáp trực thăng (thay vì các đường băng đầy đủ), thì Trung Quốc càng có khả năng tăng cường phạm vi ASW với trực thăng của mình ở Biển Đông. Theo cách này, mạng lưới các thực thể mà Trung Quốc nắm giữ ở Biển Đông có thể giúp bù đắp cho “cẳng chân ngắn” (phạm vi hoạt động ngắn) của các trực thăng ASW của Trung Quốc. Trung Quốc do đó có thể bắt đầu thử tìm cách vô hiệu hóa một trong những lợi thế chủ chốt cuối cùng của Hải quân Mỹ - là các tàu ngầm - và thậm chí có thể theo đuổi một chiến lược đồn luỹ ở Biển Đông với các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) của riêng mình.

Thời điểm then chốt

Đồng nghiệp của tôi tại Đại học Hải chiến, Giám đốc Viện Nghiên cứu Các vấn đề biển Trung Quốc (CMSI) Peter Dutton, mô tả các hoạt động kể trên của Trung Quốc như là một “thời điểm then chốt” đòi hỏi chính phủ Mỹ phải có đáp trả. Như ông ấy đã lập luận một cách thuyết phục, “việc quân sự hoá các đảo mới được xây,” như Trung Quốc đang tỏ ra rất quyết tâm tiến hành, sẽ làm thay đổi sự ổn định chiến lược và cán cân lực lượng tại khu vực. “Điều này sẽ biến Biển Đông trở thành một eo biển chiến lược bị đe doạ bởi sức mạnh từ đất liền.”[10] Đây là một phần của một “chiến lược biển khu vực… nhằm bành trướng phần nội địa của Trung Quốc ra bao trùm cả địa phận biển, dưới chiếc ô kiểm soát lục địa của Trung Quốc[11]. Tôi đồng ý với ý kiến của Dutton  rằng hành động Bắc Kinh quân sự hoá các đảo nhân tạo tại Biển Đông “đang quay ngược đồng hồ trở về thời kỳ mà sức mạnh cứng được coi là nền tảng giải quyết tranh chấp.” Trò chơi quyền lực của Trung Quốc, kết hợp với việc từ chối tham gia phân giải tại tòa trọng tài, né tránh đàm phán đa phương và từ chối tham gia các cuộc đàm phán song phương trên cơ sở bình đẳng, đang gây tổn hại cho ổn định khu vực và làm suy yếu các thể chế quốc tế quan trọng.[12]

Dù đã đủ tệ hại nhưng tình hình còn có thể trở nên xấu hơn nếu sự quan tâm và quyết đoán của Mỹ tại khu vực bị đặt vào nghi vấn. Trong khi nỗ lực ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp về yêu sách biển đảo ở Biển Đông, Mỹ sẽ ngày càng phải đối mặt với một chiến lược ba mũi nhọn của Trung Quốc nhằm đảm bảo chính khả năng dùng vũ lực của nước này. Các lực lượng dân quân và cảnh sát biển sẽ được triển khai trên thực địa, có thể đưa các thực thể tranh chấp thành một phần của “chiến lược bắp cải”[13] của Trung Quốc, thách thức quân đội Mỹ sử dụng vũ lực chống lại các lực lượng phi quân sự. Các lực lượng này của Trung Quốc sẽ được hỗ trợ bởi một chốt chặn răn đe bao gồm cả hải quân Trung Quốc và các lực lượng khác chống tiếp cận/chống thâm nhập (A2/AD) hoạt động từ đất liền để “chống hải quân” hoặc “chống can thiệp” của Mỹ. Tất cả các lực lượng này hợp lại sẽ triển khai kho tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình lớn nhất thế giới. Trong khu vực, chỉ có Việt Nam hiện cũng có một lực lượng dân quân biển và Cảnh sát biển Mỹ không ở vào vị trí có thể chống lại lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc. Trong khi đó, Cảnh sát biển Trung Quốc hiện đã đông hơn tất cả các lực lượng cảnh sát biển của các láng giềng nước này cộng lại, và vẫn đang tăng thêm rất nhanh.[14]

Nhìn rộng hơn, các lo ngại về việc xây dựng đảo của Trung Quốc, tiến triển trận đồ quân sự ở Biển Đông, và các tuyên bố chính thức đi kèm đều minh hoạ cho một mối quan ngại lớn hơn của các nước khác về sự trỗi dậy của Trung Quốc - rằng một khi Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh hơn, Bắc Kinh sẽ:

-          từ bỏ các kiềm chế về lời nói cũng như hành động như trước đây

-          bắt nạt các láng giềng nhỏ hơn

-          công khai hoặc ngấm ngầm đe doạ sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp

-          và tìm cách thay đổi - hoặc chèn ép - các chuẩn mực quốc tế quan trọng giúp duy trì hoà bình ở Châu Á cũng như giữ vững hệ thống quốc tế đã tạo ra thịnh vượng chung cho thế giới

Quyết tâm, sự mơ hồ về chính sách, các việc làm và hành động triển khai quân sự của Trung Quốc kết hợp đang bào mòn ổn định khu vực và các chuẩn mực quốc tế. Đó là lý do tại sao Mỹ cần điều chỉnh tư duy khái niệm và chính sách để ổn định tình hình và đối phó lại khả năng Trung Quốc có hành vi và ảnh hưởng tiêu cực đối với khu vực và thế giới.

Nhu cầu chuyển đổi tư duy

Như Peter Dutton từ lâu đã nhấn mạnh, con đường tiến lên cho Mỹ rất rõ ràng: ngay cả khi Trung Quốc dấn tới, chúng ta cũng không thể rút lui. Cùng với Biển Hoa Đông và Hoàng Hải, Biển Đông là một phần thiết yếu của tài sản chung toàn cầu mà hệ thống quốc tế dựa vào để hoạt động hiệu quả và công bằng. ½ thương mại toàn cầu và 90% tỷ trọng năng lượng nhập khẩu của khu vực được vận chuyển qua Biển Đông nói riêng. Chúng ta không thể cho phép Bắc Kinh cắt đẽo các vùng nước và vùng trời quốc tế để tạo riêng cho Trung Quốc một khu vực ngoại lệ mà tại đó các láng giềng nhỏ hơn của nước này phải đối mặt với sự bắt nạt không thể chống trả và các luật lệ, chuẩn mực quốc tế bị xếp sau các ưu tiên nhỏ nhen của Trung Quốc. Điều này sẽ đẩy lùi nghiêm trọng cái mà chính Bắc Kinh gọi là “dân chủ/dân chủ hoá trong quan hệ quốc tế.” [15] Thay vào đó, chúng ta phải duy trì quyết tâm và cấu trúc lực lượng của mình để tiếp tục hoạt động trong, dưới và trên Biển Đông, Biển Hoa Đông và Hoàng Hải; và bảo vệ các khu vực này như các bộ phận hiền hoà của tài sản chung toàn cầu cho tất cả các bên sử dụng mà không phải lo sợ.

Chấp nhận (mức độ) xích mích vừa phải

Trong bối cảnh này, khi sức mạnh của Trung Quốc đang gia tăng còn chúng ta vẫn duy trì sức mạnh cũng như quyết tâm của riêng mình, chúng ta phải chấp nhận sự tồn tại của một phần căng thẳng và cạnh tranh chiến lược nhất định giữa hai nước. Sự căng thẳng này có thể kiểm soát được, và chúng ta phải kiểm soát nó. Để làm được như vậy, chúng ta nên phát triển tư duy rằng chúng ta đang ở trong một mối quan hệ nước lớn đòi hỏi chúng ta phải hành động để bảo vệ các lợi ích sống còn của mình và hỗ trợ hệ thống quốc tế ngay cả khi Trung Quốc tìm cách thúc đẩy lợi ích sống còn của chính họ. Điều này có nghĩa là hai bên phải chuẩn bị để cùng chung sống trong một không gian chiến lược, với các lợi ích sống còn chồng lấn lẫn nhau. Đây là bản chất của các mối quan hệ nước lớn, phản ánh sự quay trở lại của các thông lệ lịch sử sau một khoảnh khắc ngắn ngủi và không bền vững của trật tự thế giới đơn cực, ngay cả khi Mỹ vẫn là nước mạnh hàng đầu và thế giới vẫn còn lâu mới tiến tới một hệ thống “đa cực” thực sự.[16]

Cách tiếp cận chắc chắn nhưng thực tế này bao gồm việc chấp nhận một hiện thực cơ bản là chúng ta sẽ không lật đổ sự chiếm đóng hiện nay của Trung Quốc trên các đảo và các thực thể khác, cũng như chúng ta sẽ không chấp nhận để Trung Quốc đẩy lùi sự chiếm đóng của các láng giềng Trung Quốc trên các đảo và thực thể mà các nước này hiện đang nắm giữ. Quan trọng nhất là Mỹ phải đảm bảo duy trì hoà bình và nguyên trạng ổn định ở một khu vực trọng yếu nhưng dễ vỡ và đến nay vẫn bị ám ảnh bởi lịch sử.

Hoan nghênh cạnh tranh cùng tồn tại

Mô thức mà chúng ta cần cân nhắc là một dạng quan hệ nước lớn mà tôi gọi là “cạnh tranh cùng tồn tại.”[17] Đó không phải là thù địch toàn diện, như kiểu giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Do đó, sẽ là không chính xác nếu cáo buộc rằng nó là một “chiến lược ngăn chặn” được thúc đẩy bởi một “tâm lý Chiến tranh Lạnh.” Thay vào đó, mô thức này có một số khía cạnh mang tính cạnh tranh cụ thể mà chúng ta không nên vô cớ khuếch đại, nhưng cũng không nên lẩn tránh. Giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay rõ ràng là cảm thấy thoải mái với một mức độ xích mích và căng thẳng nhất định giữa hai nước. Trong bối cảnh không may hiện nay, chúng ta cũng phải chấp nhận, và làm rõ rằng chúng ta cũng cảm thấy thoải mái với một mức độ xích mích và căng thẳng nhất định giữa hai bên trong tương lai gần.

Mô thức trên đưa đến các hệ luỵ quan trọng cho cả lập luận và chính sách của Mỹ. Thứ nhất, giới chức Mỹ phải nhìn nhận được điều mà các đối tác Trung Quốc từ lâu đã hiểu được: lời nói là quan trọng. Mỹ không được tỏ ra hoan nghênh các công thức hoặc khái niệm chính sách của Trung Quốc theo cách khiến chúng ta mang dáng vẻ lo sợ không dám đối mặt với căng thẳng, hoặc có vẻ sẵn sàng nhượng bộ các lập trường chính sách không khoan nhượng của Trung Quốc để làm giảm căng thẳng. Cách tiếp cận này sẽ chỉ khuyến khích Trung Quốc tìm cách thử và tỏ ra cứng rắn hơn đối với Washington và các đồng minh khu vực. Do đó, có hai khái niệm đặc biệt có vấn đề (và các biến thể của chúng) mà Bắc Kinh rất ưa chuộng cần phải được loại ra khỏi các cuộc thảo luận và phát ngôn của Mỹ:

1.    “Bẫy Thucydides”

2.    “Mối quan hệ nước lớn kiểu mới”

Tránh lời xảo hoạt về bẫy Thucydides

Được viện dẫn bởi chính Tập Cận Bình để gây áp lực cho các quan chức Mỹ,[18] cũng như bởi giới trí thức Trung Quốc có ảnh hưởng để kêu gọi nhượng bộ từ phía Mỹ,[19] ý tưởng về sự khẩn thiết phải tránh “chiếc bẫy Thucydides” trong quan hệ Mỹ-Trung là một điển hình cho sự ngộ nhận về lịch sử. Ý tưởng này đưa ra gợi ý sai lầm rằng chỉ bằng cách theo đuổi những biện pháp quyết liệt thì Mỹ và Trung Quốc mới có thể tránh được các hình mẫu xung đột mang tính huỷ diệt giữa một cường quốc đã được công nhận và một cường quốc đang trỗi dậy. Là sản phẩm của một thời kỳ đã quá lạc hậu trước những tiến bộ của nhân loại trong hơn một thế kỷ qua, Thucydides đưa ra một cách lý giải lỗi thời, yếm thế về quan hệ quốc tế hoàn toàn không có chỗ đứng trong hệ giá trị Mỹ, cũng như trong thế giới mà Mỹ muốn thúc đẩy: “Kẻ mạnh sẽ làm những gì họ có thể làm, và kẻ yếu phải hứng chịu những gì họ phải hứng chịu.” Tôi tin rằng đó không phải là thế giới mà chúng ta ở đây hôm nay đang tìm cách thúc đẩy.

Đó cũng không phải là điều mà chúng ta nên thúc đẩy. Như Thomas Christensen đã lập luận một cách thuyết phục trong cuốn sách mới Mối thách thức mang tên Trung Quốc - đã được công nhận là một trong những công trình hàng đầu về quan hệ Mỹ-Trung - sự phát triển của vũ khí hạt nhân, các thể chế quốc tế, toàn cầu hoá, thị trường tài chính, và chuỗi sản xuất liên quốc gia đã khiến thế giới trở thành một nơi rất khác so với cách đây chỉ hơn một thế kỷ vào năm 1914 khi cuộc Đại chiến bùng nổ.[20] Washington và Bắc Kinh dĩ nhiên phải đối mặt với xích mích, căng thẳng, và thậm chí là khả năng xảy ra các cuộc khủng hoảng ở một mức độ nghiêm trọng nào đó trong tương lai, nhưng nhiều lợi ích quan trọng cùng được san sẻ giữa hai bên - về kinh tế và các khía cạnh khác - cũng như sự lệ thuộc của cả hai bên vào một hệ thống thế giới năng động, cùng với phép răn đe lẫn nhau, sẽ tạo điều kiện cho hai bên tránh được chiến tranh. Cả hai bên đều bị kiềm chế bởi các động lực tích cực và tiêu cực này; Washington không cần phải chịu gánh nặng kiềm chế một mình. Thay vào đó, việc bơm các hy vọng sai lầm cho Bắc Kinh để rồi sau đó làm chúng tiêu tan một cách đáng thất vọng là nguy hiểm hơn nhiều so với bày tỏ lập trường rõ ràng và quyết đoán ngay từ đầu. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ do đó phải luôn luôn tránh ủng hộ các suy diễn sai lầm về lịch sử có thể khuyến khích các kỳ vọng không thực tế từ phía Bắc Kinh. Những “phép xảo hoạt” nguy hiểm như vậy cần phải bị đưa vào thùng rác lịch sử, nơi chúng thực sự thuộc về.

Để đặt ra tinh thần và kỳ vọng đúng đắn trong quan hệ Mỹ-Trung đồng thời bảo vệ lợi ích của Mỹ, khẩu hiệu thường xuyên xuất hiện trong quan điểm của Trung Quốc về việc tránh rơi vào “bẫy Thucydides” cũng phải bị bác bỏ. Khái niệm “mối quan hệ nước lớn kiểu mới”[21] như Bắc Kinh đã đưa ra và thúc đẩy gợi ý rằng Washington phải tôn trọng các “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc (khá rõ là bao gồm ở Biển Đông) trong khi không ràng buộc Trung Quốc phải có nhân nhượng tương ứng để đổi lại[22]. Như một người Nhật mà tôi quen đã đặt câu hỏi rất xác đáng, “Tại sao Mỹ lại chọn chơi theo luật mà Trung Quốc đặt ra?”

Thực sự, tại sao phải như vậy? Thay vì thế, Mỹ nên chủ động và nhất quán thúc đẩy các công thức chính sách của riêng mình. Khái niệm “cổ đông có trách nhiệm” mà Robert Zoellick đưa ra là một ví dụ xuất sắc, và chính quyền của tổng thống Obama đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi nhường sân trong cuộc cạnh tranh về ý tưởng này. Trong bối cảnh Bắc Kinh phản đối ý tưởng về trách nhiệm được áp đặt lên Trung Quốc, tôi đề xuất “cổ đông chiến lược” có thể là một cụm từ tốt hơn. Trong trường hợp nào đi nữa thì mỗi bên có quyền tự do sử dụng các khái niệm và luận điệu của riêng mình. Tuy nhiên, ít nhất thì các công thức chính sách mà chính chúng ta ôm ấp cần đáp ứng tiêu chuẩn Lời thề Hippocrates trong quan hệ quốc tế: “trước hết, đừng gây hại cho ai.” Điều đó thường có nghĩa là dùng cách diễn đạt của chính chúng ta trừ khi có một lý do thuyết phục để lặp lại luận điệu của người khác.

Các đề xuất chính sách cụ thể

Đối với các hành động thực chất, chúng ta phải phát triển và duy trì một cấu trúc lực lượng và một bộ chính sách hỗ trợ cùng các mối quan hệ đối tác nhằm đảm bảo quyền tiếp cận của Mỹ tại khu vực bất chấp phát triển về năng lực chống can thiệp của Trung Quốc. Ngay cả việc duy trì phép răn đe lẫn nhau đối với Trung Quốc có thể đã đủ tốt - mục tiêu chủ chốt của Washington là ngăn chặn việc sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp khu vực. Nhưng nếu chúng ta cho phép trong khu vực nảy sinh một nhận thức rằng ngay cả khả năng giám sát tình hình của Mỹ đã bị suy yếu, điều này sẽ đe doạ nghiêm trọng ổn định của khu vực sôi động nhưng dễ tổn thương này. Do đó, các câu hỏi then chốt cần được cân nhắc bao gồm:

-          Các hệ thống nào chúng ta cần phát triển và hướng tới?

-          Chúng ta nên hướng quân đội và các lực lượng khác của chính phủ khác Mỹ tham gia hành động như thế nào?

-          Chúng ta phải chấp nhận các rủi ro gì?

-          Chúng ta nên yêu cầu các đồng minh và đối tác an ninh của mình hỗ trợ điều gì?

Bên cạnh việc hợp tác và xây dựng năng lực với các đồng minh và đối tác khu vực, Mỹ phải duy trì phép răn đe mạnh để cạnh tranh với kho vũ khí chống can thiệp đang tăng lên của Trung Quốc. Đáng tiếc trong khía cạnh này, Washington đang tiếp tục hứng chịu các hiệu ứng kéo dài từ việc xử lý sai cuộc chiến Iraq và hậu quả của nó. Một trong những vấn đề khác là một thập kỷ tham gia các cuộc chiến trên bộ với các mục tiêu không rõ ràng, không thực tế đã làm phân tán nguồn lực và sự tập trung của Mỹ vào các tiềm lực giúp duy trì khả năng hoạt động của quân đội Mỹ tại Đông Á, ngay cả khi khả năng đó ngày càng bị đe doạ bởi các hệ thống vũ khí của Trung Quốc. Cuối cùng thì Washington cũng đang dành thêm sự chú tâm vào các loại vũ khí đặc biệt có khả năng chứng tỏ nỗ lực chống can thiệp của Trung Quốc sẽ không hiệu quả, nhưng các cố gắng hiện nay dường như vẫn còn quá chậm và hạn chế để có thể thu hẹp khoảng cách giữa các mục tiêu và năng lực của Mỹ.

Như tôi đã phát biểu tại các phiên điều trần khác, ít nhất một số các yêu cầu then chốt về phần cứng quân sự để đáp ứng các mục tiêu trên cần tương đối rõ ràng và phải chăng[23]. Chúng ta phải đặc biệt nỗ lực duy trì lợi thế quan trọng của Mỹ trong chiến tranh dưới biển bằng cách nhấn mạnh đầu tư vào các tàu ngầm hạt nhân chiến đấu (SSN) và các loại mìn tấn công hải quân. Chúng ta cũng phải học theo kế sách chống can thiệp của Trung Quốc và ưu tiên cho các tên lửa hành trình chống tàu (ASCM). Chúng ta hiện đang phải đối mặt với việc cắt giảm số lượng SSN bởi vì các quyết định trước đó dẫn đến việc các SSN lớp Los Angeles đang nhanh chóng bị loại thải trong khi không có các thay thế tương ứng để duy trì mức lực lượng cần thiết. Đó là lý do tôi luôn nhấn mạnh điểm mấu chốt sau: nếu chúng ta không đóng ít nhất hai SSN lớp Virginia mỗi năm, chúng ta không đủ nghiêm túc về mục tiêu của mình - và các đồng minh, đối tác khu vực của Mỹ cũng như Trung Quốc sẽ nhìn thấy điều đó một cách rõ ràng. Ba SSN mỗi năm sẽ càng tốt hơn, và tôi tin rằng chúng ta có thể và nên tiến tới mức đó sớm.

Thu hẹp khoảng cách thực sự về tên lửa

Chúng ta không bao giờ nên để việc phát triển ASCM trở nên ngưng trệ như thời gian qua. Mặc dù tôi công nhận và tán dương các nỗ lực quan trọng đang được tiến hành hiện nay, tôi vẫn còn lo ngại và tin rằng chúng ta cần tiến xa hơn, nhanh hơn nữa. Lý do là:

Bất chấp đường hướng phát triển kinh tế chính xác của Trung Quốc có là gì đi nữa thì hải quân Trung Quốc - cùng với các lực lượng quân sự và bán quân sự khác của nước này - sẽ ngày càng có khả năng cạnh tranh kiểm soát biển với Mỹ trong những phạm vi ngày càng mở rộng ra bên ngoài các yêu sách biển, đảo chưa được giải quyết tại Biển Đông, Hoa Đông và Hoàng Hải. Các chuyên gia tham gia hội thảo thường niên chúng tôi vừa tổ chức đầu năm nay nhìn chung đều cho rằng đến 2020, Trung Quốc sẽ đang trên đà triển khai số lượng nhiều hơn các tên lửa có phạm vi xa hơn so với các hệ thống tên lửa mà Hải quân Mỹ có thể sử dụng để chống lại chúng. Trung Quốc cũng đang trên đà đạt được số lượng ngang bằng hoặc nhiều hơn các tên lửa đất đối không (SAM) và ASCM, độ ngang bằng về ô phóng tên lửa, và chỉ thua kém về số lượng tên lửa hành trình nhiều mục tiêu chống đất (LACM). Các tên lửa triển khai trên bộ có khả năng đe dọa các tàu và cảng của Mỹ bao gồm tên lửa đạn đạo chống tàu duy nhất của thế giới - số lượng các tên lửa này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong lực lượng tên lửa đạn đạo cận chiến lược hàng đầu thế giới do Trung Quốc triển khai. Tôi xin làm rõ thêm ý này: Trừ khi khoảng cách này được thu hẹp đáng kể, đến 2020 Trung Quốc có thể sẵn sàng để “vượt mặt” Hải quân Mỹ bằng cách triển khai nhiều hơn các tên lửa có quỹ đạo lớn hơn so với các hệ thống tên lửa phóng từ tàu mà Mỹ có thể triển khai để chống lại chúng[24].

Việc giữ ưu thế sức mạnh Hải quân Mỹ phụ thuộc vào các ASCM tầm xa thế hệ mới (loại Tên lửa Chống tàu Tầm xa/LRASM và Tên lửa Tấn công Hải quân có hệ thống tương thích phóng thẳng đứng/NSM). Đây vẫn còn là các “tên lửa nằm trên mặt giấy,” vì chưa được đưa ra triển khai trên các tàu chiến trên mặt nước của hải quân Mỹ. NSM minh họa cho một trường hợp bất thường khi mà Mỹ lại đợi Na Uy (với đối tác là Raytheon) cung cấp một hệ thống vũ khí chủ chốt trong khi nền công nghiệp Mỹ đã có thể sản xuất hệ thống này với các điều khoản thuận lợi hơn từ vài năm trước. Thêm vào đó, các ASCM mới của Mỹ có thể không có khả năng nhắm bắn hiệu quả trong điều kiện môi trường cạnh tranh A2/AD. Thất bại trong việc thu hẹp khoảng cách này sẽ càng cản trở khả năng thiết lập và duy trì kiểm soát biển của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương.

Cho phép tôi nhấn mạnh một lần nữa là Mỹ và Trung Quốc có thể tránh chiến tranh. Tôi tin rằng chúng ta sẽ tránh được việc đánh nhau. Tuy nhiên, đây là vấn đề duy trì khả năng răn đe mạnh trong thời bình và trong bất kỳ tình huống khủng hoảng nào có thể nổ ra. Cụ thể hơn, chúng ta phải răn đe để Bắc Kinh không tìm cách giải quyết các tranh chấp về yêu sách biển, đảo bằng việc sử dụng vũ lực, hay thậm chí là đe dọa sử dụng vũ lực. Các hệ thống vũ khí đã kể trên, nếu được triển khai hiệu quả và kết hợp với mục chiến lược rộng lớn hơn, có thể thường xuyên thuyết phục các lãnh đạo Trung Quốc rằng họ sẽ không đạt được mục đích của mình nếu họ tìm cách sử dụng lực lượng quân sự để chiếm đoạt thêm các thực thể và vùng nước xung quanh, hay ngăn cản các lực lượng Mỹ hoạt động trong các vùng nước và vùng trời quốc tế gần đó.

Duy trì tự do hàng hải

Các nỗ lực thích hợp trong các lĩnh vực kể trên sẽ giúp chúng ta tiếp cận và theo đuổi các lợi ích sống còn của mình, bao gồm quyền tiếp cận không hạn chế tất cả các khu vực hoạt động được luật pháp quốc tế cho phép. Quyền tiếp cận này không chỉ riêng về tự do hàng hải, mà còn liên quan đến việc hỗ trợ một nhóm lớn hơn các lợi ích căn bản của Mỹ: quyền tiếp cận của lực lượng quân sự Mỹ, của sức mạnh kinh tế, khả năng thuyết phục về chính trị, và tầm ảnh hưởng đối với các diễn biến khu vực. Tất cả đều đòi hỏi sự hỗ trợ của sức mạnh quân sự vốn là nền tảng cho sức ảnh hưởng của Mỹ với tư cách là đại diện cho hệ thống quốc tế hiện hành.

Ủng hộ tự do hàng hải, vì thế, đòi hỏi một loạt các biện pháp được phối hợp với nhau thông qua cách tiếp cận toàn chính phủ. Các hoạt động nhằm bảo vệ tự do hàng hải nên được tiến hành một cách cân xứng, phù hợp với luật pháp quốc tế, theo đó các đảo và đá được hưởng các vùng lãnh hải và không phận đến 12 hải lý, và các bãi cạn (các thực thể trong điều kiện tự nhiên nằm dưới mặt nước khi thủy triều cao) không hề có lãnh hải. Sự khác biệt về mặt tính pháp lý này là quan trọng, và chúng ta cần xử sự phù hợp theo đó.

Ngoài ra, chúng ta cần củng cố các thể chế quốc tế mà Luật biển quốc tế được thiết kế để tạo ra và hỗ trợ chúng. Điều này gắn với việc dùng sức mạnh và hành động của chúng ta để làm gương và hỗ trợ việc giải quyết hòa bình tranh chấp dựa trên luật và thể chế quốc tế. Một trong số các biện pháp cụ thể là Mỹ phải phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển. Như Peter Dutton đã điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện năm 2014, “Các nhà hoạch định chính sách Mỹ phải nhận thức rằng cuộc cạnh tranh tại Đông Á là về cả sức mạnh và luật pháp... Phê chuẩn [UNCLOS] và một lần nữa thể hiện khả năng lãnh đạo trực tiếp đối với sự phát triển của các luật lệ và chuẩn mực quốc tế là bước đầu tiên và là bước đi quan trọng nhất... Tôi có cảm giác rằng các nước Đông Á, và thực tế là nhiều nước trên thế giới, đang trông chờ đến mức tuyệt vọng sự lãnh đạo tích cực của Mỹ để duy trì các luật lệ và quy tắc ứng xử điều chỉnh hành vi hợp pháp quốc tế.”[25] Một lần nữa, tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của đồng nghiệp của mình.

Giành lại khả năng lãnh đạo trong lĩnh vực pháp lý

Mỹ cần phải phê chuẩn UNCLOS bởi vì điều này sẽ hỗ trợ thêm cho hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ và chuẩn mực mà Washington đang bảo vệ một cách rất đúng đắn - một phần là cách để đảm bảo rằng: (1) vũ lực, hoặc thậm chí khả năng đe dọa sử dụng vũ lực, sẽ không được áp dụng để giải quyết các tranh chấp về yêu sách biển đảo trong một khu vực năng động nhưng đang ngày càng trở nên căng thẳng; và (2) các cách tiếp cận bất ổn dựa trên vũ lực sẽ không được khuyến khích ở bất cứ nơi nào khác. Phê chuẩn UNCLOS cũng sẽ giúp loại bỏ một cái cớ lâu nay giúp Trung Quốc tạo ra các chỉ trích sai lệch về Mỹ và những quan ngại dễ hiểu từ phía các đồng minh và đối tác của Mỹ. Mặc dù rõ ràng là lập trường của Mỹ về luật biển quốc tế phức tạp hơn rất nhiều - bao gồm các lập trường khác nhau của chúng ta về khả năng ứng dụng sâu rộng của luật tập quán quốc tế - nhưng phê chuẩn UNCLOS sẽ giúp đẩy lùi nhận thức rằng Washington đang chủ trương “Làm như những gì tôi nói, chứ đừng làm theo những gì tôi làm.” Việc áp dụng luật biển quốc tế trên thực tế đã được định hình theo thời gian, và Trung Quốc đã đang trục lợi từ sự yếu thế của Mỹ trong lĩnh vực này - sự yếu thế gây ra bởi việc chúng ta không tham gia UNCLOS cùng với 166 quốc gia khác.

Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi có thể chứng minh mức độ mà Trung Quốc đang đầu tư nuôi dưỡng một thế hệ mới các chuyên gia luật biển nhạy bén, kiên định và hoạt động tích cực trên trường quốc tế. Tôi tin rằng các nỗ lực phối hợp của các chuyên gia này có thể tạo ra thay đổi khác biệt theo thời gian, một sự khác biệt sẽ làm xói mòn khả năng quản lý các tài sản biển chung của thế giới và gây thiệt hại tập thể cho tất cả chúng ta.

Nhưng đây không chỉ là ý kiến của riêng tôi. Điều quan trọng hơn nhiều là việc phê chuẩn UNCLOS đã nhận được sự ủng hộ của:

1.    Các vị đứng đầu chính quyền đương nhiệm bao gồm Tổng thống, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng Liên quân, và người đứng đầu các lực lượng biển Mỹ: Hải quân, Thủy quân lục chiến, và Cảnh sát biển

2.    Tất cả những người tiền nhiệm của các cá nhân kể trên, từ chính quyền Cộng hòa cho đến Dân chủ[26]

Có bao nhiêu vấn đề mà ta có thể chứng kiến mức độ đồng thuận vượt qua ranh giới đảng phái, ban ngành và thời gian như vậy? Những người này đều là những chuyên gia thực sự: không chỉ trên lý thuyết, mà cả về thực tiễn triển khai chính sách. Sự nhất trí của họ về vấn đề này xuất phát từ một lý do thuyết phục: Việc phê chuẩn UNCLOS của Mỹ là một ý tưởng quan trọng đã đến lúc cần cân nhắc nghiêm túc.

Đáng bảo vệ: Không phải thế giới theo Thucydides, mà là hệ thống quốc tế của thế kỷ 21

Bảo vệ tương lai lâu dài của các tài sản biển chung toàn cầu, bao gồm tự do trên các tuyến đường biển quốc tế thiết yếu tại Biển Đông và vùng trời phía trên, đòi hỏi còn nhiều hơn những biện pháp tôi nêu trên. Chúng ta sẽ phải chấp nhận một mức độ căng thẳng nhất định trong quan hệ Mỹ-Trung, nhưng chúng ta có thể kiểm soát nó - trong khi vẫn tiếp tục hợp tác với Trung Quốc và các quốc gia khác trong các lĩnh vực có lợi ích chung. Chúng ta hiện nay đang sống trong một thế giới tốt đẹp hơn nhiều so với thế giới mà Thucydides có thể tưởng tượng ra. Hãy chắc chắn rằng thế giới này sẽ được gìn giữ như vậy về mọi mặt, cho mọi người, bất kể là sức mạnh của họ có đến đâu đi nữa.

Dịch: Lê Trang

Hiệu đính: Minh Ngọc



[1] “Summary of the Position Paper of the Government of the People’s Republic of China on the Matter of Jurisdiction in the South China Sea Arbitration Initiated by the Republic of the Philippines,” Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China, 7 December 2014, http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1217149.shtml.

[2] The PLA Navy: New Capabilities and Missions for the 21st Century (Suitland, MD: Office of Naval Intelligence, 2015), 43, http://www.oni.navy.mil/Intelligence_Community/china_media/2015_PLA_NAVY_PUB_Interactive.pdf

[3] 万启光 [Wan Qiguang], 南海水产公司志 [A Record of South China Sea Fisheries Company], (Beijing: 海洋出版社 [Ocean Press], 1991), 115-33.

[4] Andrew S. Erickson and Conor M. Kennedy, “Tanmen Militia: China’s ‘Maritime Rights Protection’ Vanguard,” The National Interest, 6 May 2015, http://www.nationalinterest.org/feature/tanmen-militiachina%E2%80%99s-maritime-rights-protection-vanguard-12816.

[5] Andrew S. Erickson and Conor M. Kennedy, “Meet the Chinese Maritime Militia Waging a ‘People’s War at Sea’,” China Real Time Report (中国实时报), Wall Street Journal, 31 March 2015, http://blogs.wsj.com/chinarealtime/2015/03/31/meet-the-chinese-maritime-militia-waging-a-peoples-warat-sea/

[6] Daniel R. Russel, Assistant Secretary, Bureau of East Asian and Pacific Affairs, “Remarks at the Fifth Annual South China Sea Conference,” The Center for Strategic and International Studies, Washington, DC, 21 July 2015, http://www.state.gov/p/eap/rls/rm/2015/07/245142.htm.

[7] Để nắm rõ các chi tiết cụ thể hơn, xem “Island Tracker,” Asia Maritime Transparency Initiative, Center for Strategic and International Studies, http://amti.csis.org/island-tracker/.

[8] Trong toàn bộ bài điều trần này, các chữ in nghiêng đều do tác giả thêm vào để nhấn mạnh.

[9] Tham khảo chi tiết hơn, xem Andrew S. Erickson, “Lengthening Chinese Airstrips May Pave Way for South China Sea ADIZ,” The National Interest, 27 April 2015, http://nationalinterest.org/blog/thebuzz/lengthening-chinese-airstrips-may-pave-way-south-china-sea-12736

[10] Peter A. Dutton, “Did the Game Just Change in the South China Sea? (And What Should the U.S. Do About It?),” A ChinaFile Conversation, 2 June 2015, http://www.chinafile.com/conversation/did-gamejust-change-south-china-sea-and-what-should-us-do-about-it

[11] Peter A. Dutton, Professor and Director, China Maritime Studies Institute, U.S. Naval War College, Testimony before the House Foreign Affairs Committee, Hearing on China’s Maritime Disputes in the East and South China Seas, 14 January 2014, http://docs.house.gov/meetings/AS/AS28/20140114/101612/HHRG-113-AS28-Wstate-DuttonP- 20140114.pdf

[12] Peter A. Dutton, “Did the Game Just Change in the South China Sea? (And What Should the U.S. Do About It?),” A ChinaFile Conversation, 2 June 2015, http://www.chinafile.com/conversation/did-gamejust-change-south-china-sea-and-what-should-us-do-about-it.

[13] Để xem mô tả của Trung Quốc về khái niệm này, xem “张召忠: 反制菲占岛 只需用包心菜战略” [Zhang Zhaozhong: To Counter the Philippines’ Encroachment on Islands, [We] Need Simply to Employ the “Cabbage” Strategy], 环球网 [Global Network], http://mil.huanqiu.com/observation/2013- 05/3971149.html

[14] Andrew S. Erickson, “Did the Game Just Change in the South China Sea? (And What Should the U.S. Do About It?),” A ChinaFile Conversation, 29 May 2015, http://www.chinafile.com/conversation/didgame-just-change-south-china-sea-and-what-should-us-do-about-it

[15] Lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc đã tự mình tuyên bố rằng “Chúng ta phải cùng làm việc với nhau để thúc đẩy sự dân chủ hoá quan hệ quốc tế.” (“我们应该共同推动国际关系民主化.”) Xi Jinping, “习近平 在和平共处五项原则发表 60周年纪念大会上的讲话 ( )” [Speech of Xi Jinping on the Five Principles of Peaceful Coexistence at the 60th Anniversary Commemoration (Full Text)], Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China, 28 June 2014, http://news.xinhuanet.com/politics/2014- 10 10 06/28/c_1111364206.htm. See also, “Full Text: China’s Peaceful Development Road,” People’s Daily, 22 December 2005, http://english.peopledaily.com.cn/200512/22/eng20051222_230059.html.

[16] “The U.S. Alliance System and the Lack of True Multipolarity,” in Thomas J. Christensen, The China Challenge: Shaping the Choices of a Rising Power (New York: W.W. Norton & Company, 2015), 49-52. See also Thomas J. Christensen, “China’s Military Might: The Good News,” Japan Times, 8 June 2015, http://www.japantimes.co.jp/opinion/2015/06/08/commentary/world-commentary/chinas-military-mightthe-good-news/#.VXcGOM9VhBc; Thomas J. Christensen, “Managing Disputes with China,” Japan Times, 9 June 2015, http://www.japantimes.co.jp/opinion/2015/06/09/commentary/japancommentary/managing-disputes-china/#.VXcDYEaDRBy

[17] Andrew S. Erickson, “Assessing the New U.S. Maritime Strategy: A Window into Chinese Thinking,” Naval War College Review 61.4 (Fall 2008): 35-71, http://www.usnwc.edu/getattachment/21380430-28cf- 4a54-afbb- cb1f64761b27/Assessing-the-New-U-S--Maritime-Strategy--A-Window.aspx

[18] “Remarks by President Obama and President Xi Jinping of the People’s Republic of China After Bilateral Meeting,” White House, 8 June 2013, http://www.whitehouse.gov/the-pressoffice/2013/06/08/remarks-president-obama-and-president-xi-jinping-peoples-republic-china-

[19] Shi Yinhong, “An Analysis of the ‘New-Type of Major-Country Relationship,’” China-US Focus, 3 April 2014, http://www.chinausfocus.com/print/?id=36897

[20] “Chapter 2: This Time Should Be Different: China’s Rise in a Globalized World,” in Thomas J. Christensen, The China Challenge: Shaping the Choices of a Rising Power (New York: W.W. Norton & Company, 2015), 37-62

[21] Thuật ngữ gần đây được đổi tên thành “Quan hệ nước lớn kiểu mới,” nhưng không hề có thay đổi rõ rệt nào trong ý nghĩa của nó.

[22] Để hiểu rõ thêm, xem Andrew S. Erickson and Adam P. Liff, “Not-So-Empty Talk: The Danger of China’s ‘New Type of Great-Power Relations’ Slogan,” Foreign Affairs, 9 October 2014, https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2014-10-09/not-so-empty-talk.

[23] Andrew S. Erickson, “China’s Naval Modernization: Implications and Recommendations,” Testimony before the House Armed Services Committee Seapower and Projection Forces Subcommittee, “U.S. AsiaPacific Strategic Considerations Related to PLA Naval Forces” hearing, Washington, DC, 11 December 2013, http://docs.house.gov/meetings/AS/AS28/20131211/101579/HHRG-113-AS28-Wstate-EricksonA- 20131211.pdf

[24] Andrew S. Erickson, Personal summary of discussion at “China’s Naval Shipbuilding: Progress and Challenges,” conference held by China Maritime Studies Institute at U.S. Naval War College, Newport, RI, 19-20 May 2015, http://www.andrewerickson.com/2015/07/quick-look-report-on-cmsi-conference-chinasnaval-shipbuilding-progress-and-challenges/.

[25] Peter A. Dutton, Professor and Director, China Maritime Studies Institute, U.S. Naval War College, Testimony before the House Foreign Affairs Committee, Hearing on China’s Maritime Disputes in the East and South China Seas, 14 January 2014, http://docs.house.gov/meetings/AS/AS28/20140114/101612/HHRG-113-AS28-Wstate-DuttonP- 20140114.pdf.

[26] Xem thêm, Adm. Bob Papp, Commandant of the U.S. Coast Guard, “Benefits of joining the Law of the Sea Convention,” The Hill, 19 April 2012, http://thehill.com/blogs/congress-blog/foreignpolicy/222647-benefits-of-joining-the-law-of-the-sea-convention; John B. Bellinger III, Adjunct Senior Fellow for International and National Security Law, “Should the United States Ratify the UN Law of the Sea?” Council on Foreign Relations, 11 November 2014, http://www.cfr.org/treaties-andagreements/should-united-states-ratify-un-law-sea/p31828.