Ngày 7/6, Hội dầu khí Việt Nam ra văn bản khẳng định việc 3 tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 tại vị trí cách bờ biển Phú Yên 116 hải lý là vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 cũng như vi phạm chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Hội dầu khí Việt Nam còn cho biết hàng động này cũng đi ngược lại Tuyên bố về quy tắc ứng xử tại Biển Đông (DOC) mà Bắc Kinh đã tham gia ký kết với ASEAN hồi năm 2002. Bản thông cáo còn phản đối hành động xâm phạm lãnh hải này của Trung Quốc, kêu gọi nước này tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như các Công ước mà Bắc Kinh đã ký.

Như tin đã đưa, cùng ngày, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cũng có một cuộc tọa đàm tại Hà Nội với các ban ngành liên quan về các sự kiện diễn ra ở Biển Đông. Tại cuộc họp này, Mặt trận tổ quốc Việt Nam cũng phản đối Trung Quốc về vụ tàu Bình Minh 02.

Bên cạnh việc xuống đường biểu tình phản đối hành động này của Trung Quốc, từ ngày 27/5, nhiều người dân Việt Nam còn kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, không hợp tác làm ăn với Trung Quốc. Thậm chí có cả hội những người tẩy chay hàng Trung Quốc xuất hiện trên Facebook với một loạt các tin tức liên quan đến sự kiện gần đây trên Biển Đông và một số các lời bình kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc.

Theo giới quan sát, đây không phải là lần đầu tiên người Việt Nam tẩy chay hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, gần như tất cả các đợt kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc trước kia đều không kéo dài được lâu vì hàng Trung Quốc đã chiếm lĩnh được thị trường Việt Nam một thời gian khá lâu. Đối với đợt kêu gọi lần này, trả lời RFA, một số người cho rằng việc tẩy chay là khó, không thực tế và chỉ mang tính nhất thời. RFA đưa lại số liệu thống kê về kim ngạch thương mại hai nước trong những năm vừa qua. Kể từ khi quan hệ Việt - Trung được bình thường hóa vào năm 1991 đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều từ mức 30 triệu USD năm 1991 đã tăng lên 27 tỷ USD vào năm 2010. Chỉ riêng trong quý I năm 2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc đã đạt gần 8 tỷ USD, tức là tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam là hơn 5,8 tỷ USD, còn nhập khẩu từ Việt Nam chỉ khoảng 2 tỷ USD. Tức là Việt Nam nhập siêu hơn 3 tỷ USD từ Trung Quốc chỉ riêng trong quý I năm 2011.

Cũng thể hiện tinh thần yêu nước, mới đây hai công ty du lịch Việt Nam là Công Đảo Explorer và Cana Travel đã từ chối nhận khách du lịch Trung Quốc hoặc tổ chức tour đi Trung Quốc. Các công ty này cho rằng việc này không ảnh hưởng nhiều vì Trung Quốc chỉ là một thị trường của công ty. Tuy nhiên, theo RFA, về lâu dài, việc này có lợi hay không lại là chuyện khác. Thống kê của Tổng cục thống kê Việt Nam cho biết hiện Trung Quốc đang dẫn đầu về lượng khách đến Việt Nam với trên 375.000 lượt khách chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2011, tức là chiếm đến gần 20% số lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Trung Quốc đã giữ vị trí quán quân này trong nhiều năm. Trong khi đó mục tiêu mà ngành du lịch Việt Nam đề ra trong năm 2011 là đón hơn 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế va doanh thu từ du lịch chiếm 4,5% GDP.

Trong khi đó, theo BBC, sự kiện biểu tình chống chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông ở Hà Nội và Hồ Chí Minh đã để lại dư âm mạnh mẽ trong dư luận. Ngày 7/6, Trung Quốc đã chính thức phản đối việc mà nước này gọi là “đợt bùng phát” xung quanh tranh chấp chủ quyền Biển Đông và yêu cầu Việt Nam có hành động xử lý và ngăn chặn những việc tương tư. Liệu hành động của Việt Nam và phản đối của Trung Quốc có dẫn tới sự leo thang xung đột hay không? Trả lời BBC, một số học giả và nhà nghiên cứu đã nhận xét: Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện quốc phòng Australia nói Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược ngoại giao nâng cấp nhằm tăng cường tuyên bố chủ quyền Biển Đông, chiến lược này luôn mô tả Trung Quốc như là nạn nhân của các nước khác. Hiện nay mọi chỉ trích đang được Trung Quốc đổ về Hà Nội và Manila, trong khi Trung Quốc tuyên bố chỉ làm công việc “thực hiện” chủ quyền thông qua các hoạt động bình thường. Hiện tại các tàu hải giám dân sự, chứ không phải tàu hải quân, tham gia các vụ vừa qua. Các tàu này nhằm vào tàu khảo sát dầu khí không có vũ trang của các quốc gia khác. Tuy nhiên, theo Philippines thì hồi tháng 2/2011, tàu tuần tra của Trung Quốc đã bắn cảnh cáo tàu cá của nước này. Nếu như Trung Quốc tiếp tục khẳng định chủ quyền một cách hung hăng như hiện nay thì hậu quả sẽ là Hà Nội và Manila điều tàu hải quân có vũ trang hộ tống tàu thăm dò. Việt Nam thực tế đã tăng số tàu hộ tống tàu thăm dò Bình Minh 02 sau vụ rắc rối hôm 26/5. Điều này làm tăng quan ngại và tăng nguy cơ xung đột vũ trang trong khu vực, tuy nhiên tôi vẫn cho rằng hiện khả năng xảy ra đụng độ hải quân là thấp.

Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho rằng phản ứng của người dân trước các hành động sai trái của Trung Quốc là tình cảm hết sức chính đáng với điều kiện sự biểu lộ tình cảm đó tôn trọng luật pháp, không làm gì đáng tiếc để bị lợi dụng gây bất ổn chính trị - xã hội và ảnh hưởng công tác đối ngoại. Thực tế thì đợt biểu tình vừa qua đã tuân thủ luật pháp, không làm xảy ra điều gì đáng ngại. Ông Trục cũng cho rằng phát biểu chính thức của Nhà nước và lãnh đạo Bộ Quốc phòng là hết sức hợp lý và đúng đắn. Các tuyên bố vừa rồi hết sức hợp lý, đủ mức cần thiết để nói cho Trung Quốc và quốc tế biết là Việt Nam có hoàn toàn đầy đủ cơ sở để bảo vệ chủ quyền. Thêm nữa, trong sự kiện vừa rồi Việt Nam đã hết sức kiềm chế với chủ trương giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, để không xảy ra đụng độ, châm ngòi lửa ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trong khi đó, Tiến sỹ Vương Hàn Lĩnh, Viện Luật pháp Quốc tế thuộc ĐH Khoa học Xã hội Trung Quốc lại cho rằng các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông phải được dàn xếp một cách hòa bình giữa hai nhà nước thông qua thương lượng. Những cuộc biểu tình như vừa qua ở Việt Nam sẽ không giúp ích gì cho tiến trình này. Ông cho rằng nếu chính phủ không bật đèn xanh thì biểu tình không thể xảy ra được ở Việt Nam. Ông cho biết trên các diễn đàn mạng của Trung Quốc, người dân Trung Quốc cũng tỏ ra rất bất bình trước việc Việt Nam biểu tình.

RFI trích tin của báo điện tử VietnamNet ngày 8/6 cho biết chỉ trong vài ngày đầu tháng 6 đã có hàng trăm trang web Việt Nam đã bị tin tặc tấn công trong đó có cả các web của các cơ quan bộ, ngành. Phần lớn các trang web Việt Nam bị tấn công là các trang web cấp sở, cục vụ, phòng ban của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhiều trang cho tới giờ không thể truy cập được. Theo VietnamNet, trong nhiều vụ tấn công, tin tặc đã để lại các thông điệp bằng tiếng Trung hoặc hình ảnh cờ Trung Quốc, cho nên rất có thể đây là hành động trả đũa của các hacker Trung Quốc, sau vụ tin tặc đột nhập vào nhiều trang web của Trung Quốc để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhận xét về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong các vấn đề nghiêm trọng gần đây, ông Dmitry Mosyakov, lãnh đạo Trung tâm ASEAN, Australia và châu Đại Dương thuộc Viện Đông phương học (Viện Hàn lâm Khoa học Liên Bang Nga) nhận xét: “Ở đây nổi lên vấn đề truyền thống của Việt Nam là tìm đối trọng với Trung Quốc. Đó có thể là ASEAN. Nhưng trong vấn đề Biển Đông, mỗi nước ASEAN đều có lợi ích riêng, còn Trung Quốc thì tiến hành đàm phán một cách riêng rẽ với từng nước Việt Nam, Philippines và Indonesia. Đối trọng cũng có thể là Mỹ nhưng có lẽ với Việt Nam đây là kịch bản cực đoan nhất”.

Trong lịch sử lâu đời, mỗi thời kì Việt Nam đều có mối quan hệ khác nhau với Trung Quốc. Lịch sử cho thấy, các nhà lãnh đạo của đất nước Việt Nam luôn biết cách hành xử thế nào có lợi nhất cho đất nước mình trong mọi tình huống. Ông Dmitry Mosyakov khẳng định: Chính giai đoạn này, những kinh nghiệm đó sẽ giúp Việt Nam tìm ra giải pháp đúng đắn cho các vấn đề chính trị và kinh tế phức tạp hiện tại trong quan hệ Việt - Trung.

Trong khi đó, giữa Trung Quốc với Philippines tiếp tục có lời qua tiếng lại về vấn đề Biển Đông. Ngày 8/6, một người phát ngôn Phủ tổng thống Philippines giữ nguyên lời tố cáo của chính quyền Manila về việc các tàu của Trung Quốc đã xâm phạm hải phận Philippines trên Biển Đông, mặc dù ngày 7/6, Bắc Kinh yêu cầu Manila ngưng ngay những tuyên bố “vô trách nhiệm”. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu đại biện của sứ quán Trung Quốc tại Manila lên để bày tỏ “mối quan ngại nghiêm trọng” về những hành động gần đây của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

NCBĐ (tổng hợp)