Về cơ bản, Biển Đông có 5 tranh chấp biển và các tranh chấp khác có liên quan đến biển, bao gồm:

1. Yêu sách xung đột của các quốc gia trong khu vực về chủ quyền lãnh thổ của các thực thể trong Biển Đông;

2. Quan điểm khác nhau của các nước về tình trạng pháp lý của các thực thể là đảo hay đá;

3. Quan điểm khác nhau của các nước về các yêu sách lịch sử ở Biển Đông;

4. Do hệ quả của ba tranh chấp đầu tiên nên dẫn đến  quan điểm khác nhau giữa các quốc gia trong việc xác định của các yêu sách chồng lấn đối với vùng lãnh hải , vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)  200 hải lý (M)  và thềm lục địa ngoài 200 M từ các đường cơ sở ở Biển Đông và kết quả là các ranh giới biển vẫn chưa được giải quyết; và

5. Tồn tại các quan điểm khác nhau của các quốc gia trong khu vực cũng như các quốc gia bên ngoài khu vực liên quan đến luật áp dụng cho các quyền hàng hải trong các khu vực ở Biển Đông.

Vụ kiện Biển Đông[1] chỉ giải quyết trực tiếp hai trong số các tranh chấp này-quy chế pháp lý của các thực thể ở Biển Đông và yêu sách lịch sử mập mờ của Trung Quốc ở Biển Đông. Phán quyết năm 2016 rõ ràng, nếu không muốn nói là đầy thuyết phục, đã kết luận rằng các thực thể liên quan giữa Philippines và Trung Quốc là đá (trái ngược với các đảo có đầy đủ các vùng biển) và do vậy chỉ có 12M.[2] Một kết luận dễ dự đoán hơn của Tòa đó là EEZ, theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS)[3] đã bác bỏ mọi yêu sách lịch sử đối với không gian biển và các hoạt động của Trung Quốc xung đột với quyền của quốc gia khác đối với vùng EEZ cũng như trong vùng EEZ của quốc gia đó.[4] Có một số bài viết học thuật đã phân tích cụ thể các khía cạnh quan trọng này của Phán quyết.[5]

Yếu tố “chính trị” chính của Vụ kiện Biển Đông là Trung Quốc kiên quyết từ chối tham gia vào vụ kiện, thể hiện rõ ràng từ phản ứng của Trung Quốc ngày từ khi Philippines bắt đầu khởi kiện,[6] không tham gia vào quá trình thành lập hội đồng trọng tài,[7] và phản ứng ngay lập tức đối với cả Phán quyết về Thẩm quyền 2015[8]Phán quyết 2016[9]. Có thể dự đoán mặt học thuật khi đánh giá tác động từ việc Trung Quốc không tham gia vụ kiện theo khía cạnh ý nghĩa và tương lai cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước Luật biển, rộng hơn là cơ chế “pháp quyền” đối với các đại dương. Phần lớn bài viết này mang tính phê phán dựa trên quan điểm là tính hiệu quả hay giá trị của một phán quyết tài phán quốc tế cụ thể chủ yếu được quyết định  bởi sự tuân thủ của các bên tranh chấp đối với kết quả của vụ kiện.[10]

Mặc dù những ghi nhận về việc thực thi các phán quyết của tòa án và tòa trọng tài quốc tế (được các bên tranh chấp thừa nhận) vẫn chưa thực sự như kỳ vọng, đa số các quốc gia đều chấp thuận và thực thi phán quyết của tòa án và tòa trọng tài quốc tế, đây là điều còn khá mới mẻ đối với các luật sư quốc gia nhưng lại rất phổ biến đối với các luật sự quốc tế. Điều này bổ trợ thêm cho lập luận rằng tòa án thường đạt kết quả nằm trong kỳ vọng của các bên.  Tuy nhiên, vụ kiện Biển Đông rõ ràng là một ngoại lệ về việc thực thi và tuân thủ các phán quyết quốc tế, trong đó, một bên tranh chấp từ chối tham gia vào vụ kiện. Một lần nữa, một trong những điều gây tò mò của cơ quan tài phán quốc tế là số lần các quốc gia không tham gia vụ kiện trong những thập kỷ gần đây. Hệ thống tài phán quốc tế đã chứng kiến việc từ chối tham gia của Iceland,[11] Pháp,[12] Iran[13] và Mỹ[14] vào những năm 1970 và 1980, cũng như chứng kiến Trung Quốc[15] và Nga[16] đã từ chối tham gia trong những thập kỷ gần đây.

Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông nhận thức được rằng một phán quyết về bản chất liên quan đến đảo/đá và quyền lịch sử trái với quan điểm của Trung Quốc  chắc chắn sẽ không được quốc gia này chấp nhận. Nhận thức này luôn thường trực trong suy nghĩ của Tòa khi thực thi trách nhiệm pháp lý của mình.

Tránh các vấn đề về bản chất này thời điểm đó là một lựa chọn thực tế cho Tòa bởi Trung Quốc đã đưa ra lập luận hùng hồn và mang tính pháp lý[17] rằng Tòa không có thẩm quyền giải quyết các vấn đề chủ yếu bởi chúng liên quan đến chủ quyền hoặc giải quyết “tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng điều 15,74 và 83 liên quan đến phân định biên giới biển, và những tranh chấp liên quan đến vịnh lịch sử hoặc danh nghĩa lịch sử,” (theo Điều 298(1)(a)(i)), Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố loại trừ những tranh chấp này khỏi cơ chế giải quyết bắt buộc theo quy định của UNCLOS.[18] Trong Phán quyết về Thẩm quyền, Tòa   bác bỏ lập luận rằng vấn đề chính của tranh chấp là chủ quyền lãnh thổ[19] và loại trừ theo Điều 298 có thể được áp dụng.[20] Lập luận cơ bản của Tòa là việc xác định quy chế pháp lý của một thực thể (đá, đảo hay bãi nửa nổi nửa chìm) không liên quan đến việc quốc gia nào có chủ quyền với thực thể đó và điều này cũng không liên quan hay buộc Tòa phải trực tiếp tiến hành việc phân định biên giới biển theo Điều 298. Liên quan đến khả năng áp dụng của Điều 298 về yêu sách lịch sử của Trung Quốc, Tòa kết luận Trung Quốc không yêu sách “danh nghĩa lịch sử”[21] và vì vậy, Điều 298 không loại trừ Tòa khỏi việc có thẩm quyền.[22]

Những điểm phân tích trên về thẩm quyền của Tòa  để xem xét các vấn đề thực chất không phải là mục tiêu của bài viết này. Tuy nhiên, có thể chỉ ra rằng liên quan đến loại trừ theo Điều 298, có thể lập luận rằng Tòa đã đúng khi giải thích điều khoản theo nghĩa hẹp rằng đó là một phần của nguyên tắc chung về cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc được quy định rõ trong UNCLOS. Trái lại cũng có thể tranh luận rằng Điều 298 cần được giải thích một cách rộng rãi khi cần tôn trọng điều khoản mà ở đó cho phép loại trừ xét xử bắt buộc vì sự đồng thuận đối với thẩm quyền như vậy phải rõ ràng. Bỏ qua việc giải thích rộng hay hẹp, có thể nhận thấy rằng việc xác định quy chế pháp lý của đảo/đá thường xảy ra trong các cuộc phân định biên giới biển song phương và trong khi những phân tích của Tòa về sự khác nhau giữa các thuật ngữ “danh nghĩa lịch sử”, “quyền lịch sử” và “vùng nước lịch sử” được đón nhận thì trước khi có Phán quyết 2016, việc Tòa khẳng định  rằng sự khác biệt giữa các cụm từ là “cách dùng thuộc thẩm quyền của tòa” lại đặt ra những câu hỏi.[23]

Tại sao Tòa quyết định có thẩm quyền liên quan đến hai vấn đề chính mặc dù biết rằng phán quyết về vấn đề bản chất đó sẽ trái với quan điểm của Trung Quốc, sẽ bị phản đối, nói cách khác phán quyết sẽ chỉ là một tờ giấy vô nghĩa?

Lập luận dưới đây là câu trả lời cho câu hỏi này và kết quả Phán quyết 2016 là câu trả lời rõ ràng nhất khi tạo ra hoặc mở đường cho Philippines và Trung quốc cũng như các quốc gia ven Biển Đông giải quyết các yêu sách chồng lấn ở Biển Đông cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ đối với cơ chế UNCLOS.

Lập luận dẫn đến kết luận trên được rút ra từ công trình nghiên cứu gần đây của Yual Shany, Đánh giá hiệu quả của Tòa án quốc tế (2016), tác giả công trình trên đã tìm cách làm phức tạp hóa biện pháp phổ biến để đánh giá tính hiệu quả của các cơ chế tài phán quốc tế và phán quyết của họ dựa trên việc xem xét sự tuân thủ của các quốc gia tranh chấp đối với phán quyết cuối cùng. Trong bài viết của mình, Shany gợi ý một số mục tiêu “chung” giữa các tòa án quốc tế, [ví dụ: Tòa Công lý quốc tế hoặc Tòa Nhân quyền Châu Âu] trong khi đó vẫn giải thích một cách thận trọng rằng “không có một mẫu số chung phù hợp với tất cả danh sách mục tiêu”[24] với kết quả là nhận thức phức tạp hơn về hiệu quả cũng như phán quyết của các cơ quan này. Phân tích của Shany không xem xét các tòa trọng tài được thành lập theo vụ việc (ad hoc). Tuy nhiên, các tòa trọng tài có thẩm quyền bắt nguồn từ UNCLOS có thể được xem là cơ chế lai gần giống như ITLOS, và tổng thể là gắn với  Công ước UNCLOS và vì vậy có chung nhiều đặc điểm của cơ quan tài phán.

Các mục tiêu và các yếu tố khác được nhận diện là quan trọng trong nghiên cứu của Shany giúp giải thích phán quyết Vụ kiện Biển Đông về quy chế của các thực thể và yêu sách lịch sử là: giải quyết tranh chấp và cơ chế/quy tắc bổ trợ giải quyết.

Đầu tiên, mặc dù được quy định trong các điều ước và các quy tắc của luật quốc tế liên quan đến vấn đề thẩm quyền và cơ sở đưa ra quyết định, các tòa quốc tế thường nhận thức rất rõ chức năng cơ bản của mình là giải quyết tranh chấp. Shany lưu ý rằng “chức năng tư pháp  và mục tiêu chính đáng của một cơ quan tài phán quốc tế là giải quyết các xung đột cụ thể.”[25] Khác với tình hình của hầu hết các tòa án quốc gia, một tòa án quốc tế với chức năng là cơ quan giải quyết tranh chấp phải đối diện với thực tế là tòa sẽ không có năng lực thực thi phán quyết . Vì lý do này, tính chính danh và hiệu quả  phán quyết của một cơ quan tài phán quốc tế cả về mặt luật pháp cũng như  trong quan điểm của các bên tranh chấp đều quan trọng.[26] Điều này không có nghĩa là các tòa sẽ có xu hướng nghiêng hẳn theo những mô thức khác biệt hay phổ biến từ những kết quả mang tính phân phối, thay vào đó các tòa án quốc tế phải nhận thức được rằng kết quả mà họ đưa ra có thể dự đoán được một cách hợp lý đối với các bên tranh chấp.

Thứ hai, Shany mô tả thể chế và quy tắc bổ trợ là tiêu chí quan trọng để đánh giá và hiểu được vai trò của việc xét xử và các phán quyết quốc tế. Ông nhận xét rằng “thể chế tòa án” ... được kỳ vọng là sẽ đóng góp cho mục tiêu của toàn thể chế. Do đó, họ có thể cảm thấy bị ràng buộc trách nhiệm trong việc thực thi quyền tư pháp của mình với một ý thức về sứ mệnh của một thể chế chuyên nghiệp (ý thức về sứ mệnh hoặc sự thiên vị).”[27] Gắn liền với điều này là quy tắc bổ trợ được Shany nhắc đến như sau: “Trao cho các tòa quốc tế chức năng giải thích luật và áp dụng luật đề gợi ý sứ mệnh cho quy tắc bổ trợ: hối thúc các quốc gia tuân thủ các nghĩa vụ pháp luật quốc tế của họ… ”[28]

Một phần của thể chế/quy tắc bổ trợ là một điểm quan trọng được Shany nhấn mạnh:

… Các tòa án quốc tế được lập ra nhằm tạo ra một số kết quả quan trọng thay vì là những thay đổi trong thực tiễn của các bên đối với việc xét xử (sự tuân thủ bản án). Ví dụ, tòa án quốc tế có thể tạo ra các quy tắc mới, hoặc làm rõ các quy tắc hiện hành, và do đó ảnh hưởng tới thực tiễn dài hạn của bên thứ ba. Những hiệu ứng lâu dài như vậy, kể cả khi có khả năng các bên liên quan trực tiếp tuân thủ phán quyết của tòa, có thể là quan trọng để ngăn chặn các tranh chấp quốc tế phát sinh trong tương lai hoặc đưa ra giải pháp toàn diện cho các vấn đề tiếp tục tái diễn.[29]

Những điều trên thì giúp ích gì cho việcgiải thích Phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện Biển Đông, đặc biệt là Phán quyết 2016?

Góc nhìn về thể chế/quy tắc bổ trợ hỗ trợ rất lớn cho quan điểm của Tòa về đường chín đoạn. Không giống như vấn đề đảo/đảo đá, là một phần quy định rõ ràng trong cơ chế luật biển, đường chín đoạn là vấn đề mới và không rõ ràng. Có lẽ phán quyết về việc có thẩm quyền là nhằm đảm bảo Tòa có cơ hội (hay sự cần thiết) để giải quyết đường chín đoạn.

Một trong những đặc điểm cơ bản của UNCLOS, và cũng  là luật tập quán quốc tế là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý. Kết quả về cơ chế của vùng biển rộng lớn này là rất nhiều tài nguyên thiên nhiên và lợi ích kinh tế, vốn từng là đối tượng của tự do biển cả (tất cả đều có thể tiếp cận) nay thuộc quyền kiểm soát của quốc gia. Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông đã thẳng thừng bác bỏ khả năng một quốc gia có thẩm quyền đối với tài nguyên hoặc không gian đại dương bên trong EEZ của một quốc gia khác dựa trên yêu sách mang tính lịch sử. Tòa tuyên bố:

Công ước không hề có bất kỳ quy định rõ ràng nào về việc duy trì hoặc bảo vệ các quyền lịch sử không phù hợp với Công ước. Trái lại, Công ước đã loại bỏ các quyền và thỏa thuận không phù hợp trước đó. Công ước bao quát toàn diện trong việc vạch ra bản chất về quyền của các quốc gia đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.[30]

Tòa đã viện dẫn đến Vụ Vịnh Maine 1984[31], trong đó Mỹ lập luận rằng quyền đánh cá lịch sử có vai trò trong việc phân định vùng 200 hải lý và Tòa Quốc tế đáp lại rằng vùng biển này trước đây là biển cả và không có quyền đặc biệt nào phát sinh tại nơi các ngư dân chỉ đơn giản là đang thực hiện quyền mở và sẵn có cho tất cả.[32] Tòa lưu ý đến tuyên bố của một đại biểu Trung Quốc được đưa ra trong quá trình đàm phán các điều khoản đánh cá của UNCLOS với nội dung kịch liệt phản đối ý tưởng về quyền đánh cá lịch sử trong vùng EEZ của một quốc gia khác, điều đó cho thấy tuyên bố này “không tương thích” với yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc.[33] Ngoài vấn đề về quyền đánh bắt cá, Tòa ghi nhận về khó khăn của mọi loại quyền lịch sử hiện tại liên quan đến các phát triển đáng kể gần đây về hoạt động dầu khí ngoài khơi (những năm 1960).[34]

Quan điểm chung của Tòa là:

Rõ ràng là không thể tưởng tượng được rằng, các nhà soạn thảo Công ước đã nỗ lực như thế nào trong suột chặng đường dài để đi đến một văn bản đồng thuận và loại bỏ hầu hết mọi bảo lưu, ngoại trừ số ít trường hợp bảo lưu đặc biệt, đồng thời cũng lường trước về kết quả là Công ước sẽ hạ thấp tầm quan trọng của các yêu sách lịch sử rộng.[35]

Vì vậy, Tòa kết luận rằng khi UNCLOS “không dành chỗ cho yêu sách về  quyền lịch sử”…thì “Yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong "đường chín đoạn" là trái với Công ước ”[36]

Từ quan điểm giải quyết tranh chấp, từ lâu mọi người đã hiểu rằng cách duy nhất để giải quyết các vùng biển chồng lấn ở Biển Đông là tách biệt các thực thể ở Biển Đông ra khỏi các tranh chấp lãnh thổ.[37] Trong khi  các tòa quốc tế thường được kêu gọi giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, bao gồm hai vụ việc ở khu vực Đông Nam Á – Vụ Malaysia / Indonesia liên quan đến Sipadan và Ligitan[38] và Vụ Malaysia/Singapore liên quan đến một vài thực thể nhỏ[39] - thì mạng lưới phức tạp các thực thể được yêu sách ở Biển Đông khiến cho việc giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh thổ khó có khả năng đạt được. Tách biệt các thực thể có nghĩa là coi tất cả các thực thể có liên quan là đá và chỉ được hưởng  12 hải lý vùng lãnh hải và không có vùng EEZ 200 hải lý cũng như  thềm lục địa ngoài 200 hải lý. Đây là quan điểm cơ bản được Malaysia, Philippines và Việt Nam thể hiện trong bản đệ trình 2009 gửi lên Ủy ban về Ranh giới Thềm lục địa,[40] nơi các vùng 200 hải lý (và thềm lục địa ngoài 200 hải lý) được mô tả là bắt nguồn từ bờ biển đất liền và các thực thể trên biển trong các khu vực liên quan được tạm thời bỏ qua. Đệ trình chung Malaysia-Việt Nam chỉ ra rằng có những thực thể Việt Nam yêu sách nằm trong vùng 200 hải lý của Malaysia. Tác dụng của việc tách biệt các thực thể là thay đổi không gian tranh chấp ở Biển Đông từ tranh chấp đa phương sang các tranh chấp EEZ (thềm lục địa) song phương  để từ đó hướng tới cơ chế đàm phán song phương (thay vì đa phương). Cần lưu ý rằng, ngoại trừ Philippines, tất cả các quốc gia tranh chấp ở Biển Đông đã đàm phán thành công ranh giới biển với một hoặc nhiều các quốc gia láng giềng.[41]

Trong Phán quyết về thẩm quyền 2015, Tòa trọng tài đã bước đầu đạt được kết quả trên khi tách vấn đề đảo hay đảo đá ra khỏi việc sở hữu các thực thể và sau đó trong Phán quyết 2016 khẳng định rằng tất cả các thực thể liên quan là đá. Cuối cùng khẳng định rằng đường chín đoạn không có cơ sở pháp lý theo UNCLOS.

Kết quả trong Vụ kiện đã dọn đường cho việc giải quyết tranh chấp Biển Đông không chỉ giữa Trung Quốc và Phillippines mà còn giữa các quốc gia tranh chấp khác tại khu vực này..

Trong quá trình tạo lập triển vọng  giải quyết tranh chấp cho Biển Đông liên quan đến phân tích đảo/ đảo đá, có thể thấy Tòa được thúc đẩy bởi thể chế/nguyên tắc bổ trợ. Trong bối cảnh thiết lập ranh giới biển song phương,  các tòa trước đó đã thừa nhận rằng một số thực thể cụ thể là đảo hoặc đá mà không có áp dụng hay giải thích một cách rõ ràng  Điều 123(3),[42] một điều khoản tương đối mập mờ và thực tiễn quốc gia không đưa ra cách phân biệt thống nhất đảo/đá. Tòa ủng hộ quan điểm trong việc tạo ra các ngưỡng tiêu chuẩn cao để từ đó các thực thể trở thành một đảo và được hưởng vùng 200 hải lsy dựa trên mục đích chính của UNCLOS là tối đa hóa Di sản chung của Nhân loại và hạn chế chủ nghĩa bành trướng của các quốc gia ven biển.[43] Do Tòa giải thích một cách cẩn trọng từ ngữ đảo/đá, khó có thể kết luận khác ngoài việc khẳng định là Tòa đã tạo ra khuôn khổ hoặc hướng đi cho các quốc gia và các tòa trong tương lai xác định thực thể nào là đảo và thực thể nào là đá.

Có thể nhận xét rằng khi tòa quyết định có thẩm quyền thì kết quả có thể nằm trong dự đoán. Con đường duy nhất có thể giải quyết tranh chấp biên giới biển giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông là tách biệt các thực thể trở thành đá và loại bỏ các yêu sách lịch sử của Trung Quốc đối với tài nguyên trong EEZ của quốc gia khác. Đương nhiên, kết quả bây giờ đã rõ ràng và tác giả thú nhận là đã không dự đoán được kết quả.

Hiệu quả (hoặc tác động) của phán quyết quốc tế không phải lúc nào cũng được đánh giá bởi các phản ứng trước mắt của các quốc gia tranh chấp hoặc có liên quan. Sự tuân thủ đương nhiên luôn là kết quả được ưu tiên. Rất khó để Trung Quốc công khai tuân thủ phán quyết của Tòa về các vấn đề như đã phân tích trong tương lai gần và có lẽ là sẽ không bao giờ. Thực chất , Trung quốc có thể đã “coi thường nó [phán quyết]” và đang “hướng tới kiểm soát hoàn toàn Biển Đông”.[44]

Về ngắn hạn, Phán quyết 2016 không gây bất ổn cho tranh chấp Biển Đông. Phán quyết có vẻ như đã thúc đẩy các quốc gia liên quan tìm cách hạ nhiệt lời qua tiếng lại, hiềm khích và các hành động đối đầu. Tuy nhiên mức độ tương tác của xu hướng này với  Phán quyết cũng như với các khía cạnh khác thì vẫn chưa rõ ràng. Phán quyết 2016 có thể đã thúc đẩy nguyện vọng của Trung Quốc và ASEAN xem xét kĩ hơn Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông.[45] Hiện tại vẫn chưa rõ liệu Bộ Quy tắc nếu được kí kết, có khác so với Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông 2002 hay không,[46] nhưng Tuyên bố 2002 đã tạo ra một số hợp tác giữa các quốc gia ở Biển Đông và phần nào ngăn chặn các hoạt động đối đầu trong khoảng thời gian đến năm 2009 khi tình hình đột ngột đảo chiều.

Đối lập với khoảng thời gian liệt kê ở trên là khi có thông tin rằng, tháng 7/2017 Trung Quốc “đe dọa tấn công căn cứ của Việt Nam tại Trường Sa” nếu Việt Nam không dừng các hoạt động thăm dò trong khu vực Biển Đông nơi mà cả hai quốc gia đều có những hợp đồng khai thác.[47]

Tòa đã tạo ra một con đường để giải quyết tranh chấp dựa trên việc áp dụng UNCLOS, một con đường từ lâu đã được các quốc gia ven Biển Đông nhận thức rất rõ và ủng hộ. Liệu các quốc gia liên quan tại Biển Đông có lựa chọn con đường này và tìm kiếm một giải pháp thay thế hoặc thực hiện chính sách chấp thuận bất đồng  hay không đồng thời duy trì chính sách chung không đối đầu, tự do hàng hải và các tuyến liên lạc quan trọng, tất cả vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Richard Falk, một trong những luật sư quốc tế nổi tiếng và gây tranh cãi nhất vào cuối thế kỷ 20, đã từng tuyên bố rằng các luật sư quốc tế “phải luôn giữ tinh thần lạc quan như một điều kiện của nghề nghiệp”[48] Việc hướng theo sự lạc quan này và hiểu rằng tất cả các quốc gia đều hưởng lợi từ quan hệ ổn định dựa trên các nguyên tắc pháp luật, Phán quyết 2016 có thể được coi là một cách thúc đẩy ổn định ở Biển Đông. Có hay không việc thực thi hay chấp nhận Phán quyết không phải là một phép thử giá trị của nó. Giá trị của Phán quyết nằm ở chỗ liệu các quốc gia trong khu vực và những nước phụ thuộc vào hoạt động giao thông trong khu vực có tìm kiếm giải pháp hòa bình và thực dụng để cân bằng lợi ích của tất cả các bên hay không.

Ted L. McDorman, Đại học Victoria, Victoria, British Columbia, Canada. Đây là bản chỉnh sửa của bài viết được trình bày tại Hội thảo Cơ chế Đại dương Toàn cầu, “Vai trò của Luật pháp quốc tế và Giới hạn: Trật tự trên biển ở châu Á sau Phán quyết vụ kiện Biển Đông” 19-21/6,2017 tại Seoul do  Viện Nghiên cứu biển Hàn Quốc tổ chức. Bài viết được đăng trên  Asia-Pacific Journal of Ocean Law and Policy, 3  (2018).

Quách Huyền (dịch)

Thu Hương (hiệu đính

 


[1] Liên quan đến Phán quyết Biển Đông (Philippines và Trung Quốc), có Phán quyết về Thẩm quyền và Khả năng tiếp nhận (29/10/2015) và Phán quyết (12/7/2016) trên website của Tòa trọng tài thường trực, tại https://pca-cpa.org/

[2] Phán quyết, chú thích 1, đoạn 1203, B(6) và (7).

[3] Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển, 10/12/1982, 1833 U.N.T.S. 397.

[4] Phán quyết, chú thích 1, đoạn 1203, B(1) và (2).

[5] Xem Sophia Kopela, “Historic Titles and Historic Rights in the Law of the Sea in the Light of the South China Sea Arbitration” (2017) 48 Ocean Development and International Law 181–207 và Yoshifumi Tanaka, “Reflections on the Interpretation and Application of Article 121(3) in the South China Sea Arbitration (Merits)” (2017) 48 Ocean Development and International Law, 365–385.

[6] Xem“Công hàm”Trung Quốc, số (13) tr-1039, 19 /2//2013, trong bản Cáo trạng của Philippines, Tập iii, Phụ lục 3, website pca, chú thích 1.

[7] Xem “Công hàm”Trung Quốc 29/7/2013, trong bản Cáo trạng của Philippines, chú thích 6, Phụ lục 4, trên website pca, chú thích 1.

[8] Trung Quốc, “Tuyên bố của Bộ Ngoại giao về Phán quyết về Thẩm quyền và Khả năng tiếp nhận của Tòa Trọng tại Biển Đông được thiết lập theo yêu cầu của Philippines”, 30/10/2015, trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1310474.shtml.

[9] Trung Quốc, “Tuyên bố của Bộ Ngoại giao về Phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tại Biển Đông được thiết lập theo yêu cầu của Philippines”, 30/10/2015, trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại www.fmprc.gov.cn/nanhai/eng/
snhwtlcwj_1/t1379492.htm.

[10] Xem Yuval Shany, Assessing the Effectiveness of International Courts (Oxford: Oxford University Press, 2014), tr. 4–5 và 117–125

[11] Vụ Fisheries Jurisdiction (Đức v Iceland), Phán quyết về Thẩm quyền [1973] i.c.j. Reports 43 và Phán quyết về các vấn đề thực chất [1974] i.c.j. Báo cáo 75; Vụ Fisheries Jurisdiction (Anh v. Iceland), Phán quyết về Thẩm quyền, [1973] i.c.j. Reports 3 và Phán quyết về các vấn đề thực chất, [1974] i.c.j. Báo cáo 3.

[12] Vụ Nuclear Test (Úc v Pháp), [1974] i.c.j. Báo cáo 253 và Nuclear Test (New Zealand v. Pháp), [1974] i.c.j. Báo cáo 457.

[13] Vụ United States Diplomatic and Consular Staff in Tehran, [1980] i.c.j. Báo cáo 3.

[14] Vụ Case concerning Military and Paramilitary Activities in and against Nicaragua (Nicaragua v. Mỹ), Phán quyết về Thẩm quyền, [1984] i.c.j. Báo cáo 392 và Phán quyết về các vấn đề thực chất, [1986] i.c.j. Báo cáo 14, Mỹ không có mặt ở giai đoạn xét xử thực chất.

[15] Xem: Liên Bang Nga, Công hàm, Số. 11945, 22/10/2013 chuyển tới Hà Lan, trong đó khẳng định phía Nga không chấp nhận thủ tục trọng tài theo Phụ lục VII… được khởi xướng bở Hà Lan và không tham gia vụ kiện trước Tòa Luật biển quốc tế liên quan đến yêu cầu của Hà Lan về thời hiệu của các biện pháp tạm thời, xem trên website của Tòa án Luật biển quốc tế (ITLOS), tại www.itlos.org. Xem thêm Vụ The “Arctic Sunrise” (Hà Lan v. Liên bang Nga), Provisional Measures Order, 22/11/2013, xem trên website của ITLOS; The “Artic Sunrise”Arbitration (Hà Lan v Liên Bang Nga), Phán quyết về Thẩm quyền,  26/11/2014 và Phán quyết về các vấn đề thực chất, 14/8/201, trên website pca, chú thích 1.

[16] Xem T.L. McDorman, “The South China Sea Arbitration and the Future of the Law of the Sea Convention Dispute Settlement Regime” (2017), 14 Soochow Law Journal 43–60.

[17] Xem: Trung Quốc , “Quan điểm về vấn đề thẩm quyền trong vụ kiện Biển đông được khởi xướng bởi Philippines,”, 7/12/2014, trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại www.fmprc.gov.cn/nanhai/eng/snhwtlcwj_1/t1368899.htm.

[18] Trung Quốc, Tuyên bố 25/8/2006, xem tại website của Ủy ban Luật biển và các vấn đề đại dương của Liên hợp quốc tại www.un.org/Depts/los/index.htm.

[19] Xem: Phán quyết về Thẩm quyền, chú thích 1, đoạn 155–156.

[20] Như trên, đoạn 366.

[21]  Phán quyết, chú thích 1, đoạn 229.

[22] Như trên, đoạn 1202 (A)(1).

    Như trên, đoạn 1203 (B)(1 và 2).

[23] Như trên, đoạn 225. Xem T.L. McDorman, “The 2016 South China Sea Arbitration: Comments on the Nine-Dash Line and Historic Rights” in Proceedings: Public International Law Colloquium on Maritime Disputes (Hong Kong: Hong Kong International Arbitration Centre, 2016), tr. 312–325.

[24] Shany, chú thích 10 tr.37.

[25] Như trên, tr.40-41.

[26] Như trên, tr.33: “Nguồn gốc của tính hợp pháp bắt nguồn rực tiếp hoặc gián tiếp từ nguồn gốc dựa trên nhà nước của thẩm quyền được thực hiện  bởi tòa án quốc tế có thể bị xói mòn nếu tòa án được coi là đi chệch khỏi những kỳ vọng rõ ràng của các nhà ủy quyền… Thậm chí một số trường hợp mà quyền lực ban cho các tòa án quốc tế sự tự do và độc lập đáng kể ... các tòa án phải chịu 'áp lực hợp pháp' hạn chế tự do hành động theo ý họ. ”Xem thêm các trang 109–111.

[27] Như trên, tr.43

[28] Như trên, tr.39.

[29] Như trên, tr.123-124.

[30] Phán quyết, chú thích 1 đoạn 246 và xem thêm đoạn 261.

[31] Vụ Delimitation of the Maritime Boundary in the Gulf of Maine Area (Canada/Mỹ), [1984] i.c.j. Báo cáo 246.

[32] Phán quyết, chú thích 1, đoạn 256 và xem thêm đoạn 270.

[33] Như trên, đoạn 252.

[34] Như trên, đoạn 270.

[35] Như trên, đoạn 254.

[36] Như trên, đoạn 261.

[37] Xem: Mark J. Valencia, Jon M. Van Dyke and Noel A. Ludwig, Sharing the Resources of the South China Sea (The Hague: Martinus Nijhoff, 1997).

[38] Vụ Sovereignty over Pulau Ligitan and Pulau Sipadan (Indonesia/Malaysia), [2002] i.c.j. Báo cáo  625.

[39] Vụ Sovereignty over Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks and South Ledge (Malaysia/Singapore), [2008] i.c.j. Báo cáo 12. Vào tháng 6 năm 2017, Malaysia đã đệ đơn xin Tòa án Quốc tế yêu cầu giải thích về quyết định này. Xem: Tòa án Tư pháp Quốc tế, Thông cáo báo chí, "Malaysia yêu cầu giải thích về Phán quyết ngày 23 tháng 5 năm trong vụ liên quan đến chủ quyền đối với Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge (Malaysia/Singapore)” tại <www.icj-cij.org/
files/case-related/170/170-20170630-PRE-01-00-EN.pdf>.

[40] Đệ trình chung giữa Malaysia và Việt Nam lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa theo Điều 76, khoản 8 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 về phía Nam của Biển Đông, Tóm tắt, tháng 5 năm 2009, và Đệ trình của Việt Nam lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa theo Điều 76, khoản 8 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đệ trình một phần liên quan đến thềm lục địa mở rộng của Việt Nam: Khu vực phía Bắc (vnm-n), Tóm tắt, tháng 4 năm 2009. Tất cả các tài liệu này có sẵn trên trang web của Ủy ban, tại www.un.org/Depts/los/clcs_new/clcs_home.htm. Xem T.L. McDorman, “The South China Sea after 2009: Clarity of Claims and Enhanced Prospects for Regional Cooperation?” (2010), 24 Ocean Yearbook 507–535.

[41] Xem T.L. McDorman, “Central Pacific and East Asian Maritime Boundaries” trong D.A. Colson and R.W. Smith, eds., International Boundaries, Vol. v (Leiden: Martinus Nijhoff, 2005), tr. 3442–3447; T.L. McDorman and Clive Schofield, “Indonesia-Viet Nam,” trong D.A. Colson and R.W. Smith, eds., International Boundaries, Vol. vi (Leiden: Martinus Nijhoff, 2011), tr. 4301–4315; và Clive Schofield and I Made Andi Arsana, in Coalter G. Lathrop, ed., International Boundaries, Vol. vii (Leiden: Martinus Nijhoff, 2016), tr. 34947–4961.

[42] Công ước Luật biển, chú thích 3, Điều 121:

1. Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước.

2. Với điều kiện phải tuân thủ khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác.

3. Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.

[43] Phán quyết, chú thích 1, đoạn 535.

[44] Ely Ratner, “How to Stop China’s Maritime Advance,” (2017, July/August) 96 Foreign Affairs 64, tr 68.

[45] “Draft a Sign of Progress on South China Sea Code of Conduct,” New York Times, 19/5/2017 and “What a new agreement means for the South China Sea,” The Economist, 30/5/2017, <www.economist.com/blogs/economist explains/2017/05/economist-explains-25>.

[46] Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông, 4/12/2002, trên website của ASEAN tại http://www.aseansec.org/13163.htm.

[47] Xem: Bill Hayton, “South China Sea: Vietnam halts drilling after ‘China threats,’” 24 /7/2017, BBC News tại www.bbc.com/news/world-asia-40701121 and Carl Thayer, “Alarming Escalation in the South China Sea: China Threatens Force if Vietnam Continues Oil Exploration in Spratlys,” The Diplomat, 24 /7/ 2017, tại <thediplomat.com/2017/07/alarming-escalation-in-the-south-china-sea-china-threatens-force-if-vietnam-continues-oil-exploration-in-spratlys/>. Xem thêm: “Oil on Troubled Waters”, The Economist, 22/1/2015, tại <www.economist.com/news/asia/21640403-two-case-studies-disputed-sea-oil-troubled-waters>

[48] Richard Falk, “The Future of International Law” in American Society of International Law, Proceedings of the 75th Convocation (1981), tr. 10.