000cf1bdd03f10a5b14a2c.jpg

Phán quyết đáng ngạc nhiên của Tòa Trọng tài bác bỏ các yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông đã chứng sự chính đang trong chính sách lâu nay của Mỹ tại vùng biển tranh chấp này và thực tế phán quyết này là tốt hơn nhiều so với mong đợi của Washington. Cùng với việc bác bỏ "đường 9 đoạn" của Trung Quốc, phán quyết của Tòa cũng ủng hộ cho lập luận của Mỹ rằng tất cả các tranh chấp biển tại châu Á phải được giải quyết đa phương và một cách hòa bình. Phán quyết cũng cung cấp cơ sở giải thích mang tính pháp lý cho các hoạt động tự do hàng hải, nhờ đó mà các tàu của Mỹ trong tương lai hoàn toàn có thể tiến đến gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang bồi đắp.

Không còn nghi ngờ gì nếu nói quy mô của cú sốc thất bại về mặt pháp lý này của Trung Quốc, phán quyết đã gây ra lo ngạisự giận dữ tại quốc gia này, làm tăng nguy cơ những điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra tiếp theo. Chính phủ Trung Quốc có thể phản ứng bằng cách leo thang một cách quyết đoán các hoạt động tại Biển Đông, dẫn đến một sự đối đầu nguy hiểm với các lực lượng Mỹ. Với tình trạng chiến tranh kéo dài từ Trung Đông, Liên minh châu Âu bên bờ vực của chia cắt, nguy cơ dai dẳng từ Nga và các mối đe dọa khủng bố toàn cầu đang lây lan, điều cuối cùng mà Mỹ dự đoán vào thời điểm hiện nay là một cuộc khủng hoảng an ninh thực sự tại Biển Đông.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các nhà hoạch định chính sách cao cấp của Mỹ hoan nghênh kết quả phán quyết đồng thời nhấn mạnh họ sẽ cho Trung Quốc dư địa để không đưa ra phản ứng thái quá. “Không có một cú đập bóng xuống đất đầy phấn khích nào để mừng thắng lợi”, đó là cách người Mỹ mô tả hành động ăn mừng của một đội bóng bầu dục khi họ giành được thắng lợi, ném bóng xuống đất sau khi ghi điểm quyết định hoặc kết thúc trận đấu với kết quả chiến thắng. Rõ ràng Washington sẽ phản ứng mạnh mẽ trước bất cứ hành động khiêu khích mới nào từ Trung Quốc nhưng muốn tránh các quan điểm cho rằng các hành động của mình được hiểu là khiêu khích.

Tuy nhiên, về lâu dài, phán quyết sẽ đem lại lợi ích cho Mỹ và các đồng minh của nước này. Với tinh thần không thỏa hiệp và logic rõ ràng, phán quyết của Tòa Trọng tài đã đặt cơ sở hợp pháp toàn diện cho chiến dịch của Mỹ tại Đông Á, xoay quanh việc thực thi quy định của luật pháp.

Phán quyết này củng cố vị thế của Mỹ trong việc duy trì và bảo vệ tầm ảnh hưởng của nước này tại Đông Á với vai trò người bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp. Phán quyết cũng thu hút sự chú ý của các nước không thuộc châu Á, đặc biệt ở châu Âu. Các nước láng giềng Trung Quốc có thể gây ấn tượng với châu Âu về tầm quan trọng của việc cùng gánh vác luật pháp quốc tế tại bất ký nơi mà luật pháp bị thách thức, ở Đông Âu hay ở Biển Đông.

Dĩ nhiên, Trung Quốc sẽ cho rằng Mỹ có thể là kẻ đạo đức giả trong vấn đề Biển Đông. Trong quá khứ, Mỹ từng phản đối một số phán quyết của tòa án quốc tế và không phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), hiệp ước được ký năm 1982 này đã đặt ra các quyền và trách nhiệm cho các nước tiếp giáp đại dương. Tuy nhiên, việc phản bác luận điệu này dường như không có vấn đề gì lớn. Luật liên quan đến tranh chấp lãnh thổ và sở hữu lãnh thổ là trọng tâm của trật tự quốc tế. Phán quyết ngày 12/7 sẽ có tác động vô cùng lớn đối với cách thức phần còn lại của thế giới quan niệm về Biển Đông. Các vấn đề đó không thể bị bỏ qua chỉ là tranh chấp các bãi đá không có người sinh sống, mà giờ đây Tòa đã coi đó là vấn đề về nguyên tắc.

Một điều nghịch lý là phán quyết cũng sẽ gia tăng sức ép buộc Mỹ cuối cùng cũng phải phê chuẩn UNCLOS. Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Thượng viện đã từ chối trao cho các chính quyền liên tiếp đa số phiếu cần thiết để phê chuẩn văn kiện này nhưng giờ đây phán quyết của Tòa Trọng tài có thể là một cú hích mới để nước Mỹ phải tán thành UNCLOS.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, phán quyết đã đẩy Trung Quốc vào một tình thế bế tắc. Những người theo đường lối cứng rắn tại Bắc Kinh dường như đang tranh luận để đòi chính phủ phải thực thi một hành động tính quyết định nhằm thể hiện rằng phán quyết ngày 12/7 của Tòa không có hiệu lực và không thể thực thi. Có những đồn đoán về khả năng Trung Quốc áp đặt một vùng nhận dạng phòng không tại Biển Đông, theo đó yêu cầu các máy bay bay qua Biển Đông phải thông báo trước với các nhà chức trách Trung Quốc, hoặc áp đặt những rào cản bằng hải quân hay một hình thức nào đó tiêu cực hơn. Tuy nhiên, những biện pháp được dự đoán trên rốt cuộc lại châm ngòi cho các phản ứng của nước khác.

Động lực chủ yếu cho chính sách tái cân bằng châu của Mỹ  là những thách thức từ Trung Quốc đang đe dọa trật tự khu vực. Tất nhiên, chính sách tái cân bằng hiếm khi được miêu tả theo cách này. Các quan chức Mỹ cho rằng Mỹ chỉ đơn giản là đang gia tăng can dự vào một trong những khu vực được đánh giá là năng động nhất và quan trọng nhất thế giới, vì vậy chính sách tái cân bằng không phải là để chống lại Trung Quốc. Nhưng thực ra, Đông Á từng rất muốn Mỹ gia tăng sự can dự vào khu vực này. Nhu cầu đối với việc gia tăng sự can dự của Mỹ xuất phát từ sự quyết đoán của Trung Quốc vào năm 2009 và 2010. Chiến lược này của Trung Quốc được duy trì kể từ thời điểm đó.

Nếu Trung Quốc leo thang căng thẳng, Mỹ sẽ càng can dự sâu hơn vào vấn đề Biển Đông và sẽ triển khai các biện pháp trả đũa mạnh hơn. Sự hung hăng của Trung Quốc sẽ chỉ có lợi cho việc Mỹ tăng cường chính sách tái cân bằng châu Á. Hơn nữa, các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ có thêm nhiều lý do để hợp tác chặt chẽ với nhau trong vấn đề Biển Đông nói riêng và an ninh của toàn châu Á nói chung. Mặt khác, nếu Trung Quốc rút khỏi Biển Đông, mọi việc sau đó sẽ tốt đẹp. Trong trường hợp này, phán quyết của Tòa Trọng tài đã khôi phục được sự ổn định tại vùng biển tranh chấp này.

Theo quan điểm của giới chức Mỹ, kể cả trong trường hợp căng thẳng leo thang, chiến tranh cũng không thể xảy ra. Các quan chức tại Lầu Năm Góc cho rằng tham vọng chiến lược của Trung Quốc là cùng chia sẻ quyền lực với Mỹ ở Đông Á. Bắc Kinh thực ra không muốn đẩy Mỹ hoàn toàn ra khỏi khu vực. Tuy nhiên, Bắc Kinh rất muốn xây dựng một khu vực ảnh hưởng bao gồm cả Biển Đông.

Đây chính là điều mà Mỹ hoàn toàn không thể chấp nhận được. Điều quan trọng là Bắc Kinh tin rằng họ có thể chỉ đạt được mục tiêu này nếu tránh xung đột với Mỹ và nói rộng hơn là tránh xung đột với đồng minh của Mỹ.
Trung Quốc tìm cách tăng cường
sự hiện diện của mình bằng nhiều phương thức không sử dụng đến vũ lực, với các chiến thuật mà chúng ta đã trở nên quen thuộc như xây dựng đảo nhân tạo và sử dụng các tàu dân sự. Rõ ràng, chiến tranh không phải là một phương thức được lựa chọn lần này vì nó sẽ là một rủi ro vô cùng lớn. Nếu tình hình diễn biến xấu, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chế độ của Trung Quốc. Bất chấp các bài báo tuyên truyền từ phía truyền thông nhà nước Trung Quốc, cách tính toán này sẽ không thay đổi kể cả sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết.

Vấn đề lớn hơn mà Mỹ đang đối mặt có thể là phải giải quyết thế nào để duy trì trật tự thế giới trong tương lai. Phán quyết đã bị một số người Trung Quốc bác bỏ với luận điệu cho rằng Tòa Trọng tài được thành lập chỉ để bảo vệ lợi ích của phương Tây. Họ sẽ lập luận rằng các luật lệ đó chỉ để bảo vệ các cường quốc phương Tây và được dùng để kiềm chế các cường quốc không thuộc phương Tây đang nổi lên. Họ có thể tìm thấy đồng minh ở Moscow. Tổng thống Nga Vladimir Putin thậm chí còn vượt cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi chỉ trích rất gay gắt trật tự tự do mà Mỹ lãnh đạo. Ông Putin tin rằng trật tự đó là một bức màn mỏng manh được dùng để che đậy và biện minh cho các lợi ích địa chính trị của Mỹ. Quan hệ Nga-Trung từng rơi vào tình huống khó khăn trong nhiều năm trước nhưng phán quyết của Tòa Trọng tài có thể sẽ đem lại luồng sinh khí mới cho mối quan hệ này. Nếu Bắc Kinh quyết định đi theo lộ trình này, việc áp dụng chủ nghĩa đa phương toàn cầu có thể trở nên rõ ràng hơn.

Mỗi năm, lượng hàng hóa đi qua 3,5 triệu km2 Biển Đông ước tính vào khoảng 5 nghìn tỷ USD. Mỹ cáo buộc rằng các hành động xây dựng của Trung Quốc nhằm quân sự hóa và bồi đắp đảo nhân tạo lên các bãi đá đang gây phương hại nghiêm trọng đến tự do hàng hải. Trong khi đó, Bắc Kinh nói rằng tự do hàng hải là cái cớ Mỹ đưa ra để can thiệp vào vấn đề Biển Đông, đồng thời cảnh báo các cuộc tuần tra của hải quân Mỹ có thể kết thúc trong thảm họa. Có thể sẽ có những cuộc khủng hoảng trong thời gian tới. Điều cần thiết là tất cả các phía cần phải có những cái đầu lạnh. Tuy nhiên, có rất ít nghi ngờ rằng phán quyết của Tòa Trọng tài rõ ràng đã đem lại lợi ích cho các nước ủng hộ sự can dự sâu hơn của Mỹ tại Đông Á.

Tác giả Thomas Wright là nhà nghiên cứu và giám đốc Dự án nghiên cứu Chiến lược và Trật tự Toàn cầu tại Viện Brookings. Bài viết đăng trên “Nikkei”.

Mỹ Anh (gt)