Ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay đã đưa ra phán quyết được chờ đợi từ lâu về vụ kiện của Manila phản đối các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tòa Trọng tài gồm 5 thẩm phán này đã được thiết lập dựa trên các điều khoản giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), và bất chấp việc Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện, phán quyết của PCA là cuối cùng và mang tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Câu hỏi 1: Phán quyết của Tòa là gì?

Câu trả lời 1: Các thẩm phán đã đưa ra một phán quyết nhất trí ủng hộ Philippines về phần lớn các tuyên bố áp đảo mà nước này đưa ra để phản đối Trung Quốc. Họ đã bác bỏ các yêu sách về quyền lịch sử không rõ ràng của Bắc Kinh thông qua “đường 9 đoạn”, tuyên bố rằng bất kỳ yêu sách nào mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông đều phải được phải xuất phát từ cấu trúc địa hình để hưởng các quyền lợi về biển. Tòa Trọng tài đã tuyên bố rằng bất kỳ quyền lịch sử nào khác mà Trung Quốc có thể từng yêu sách ở cái hiện giờ là Khu đặc quyền kinh tế (EEZ) hay các thềm lục địa của các nước khác đều vô hiệu lực vì Trung Quốc đã phê chuẩn UNCLOS. Về vấn đề các quyền trên biển cụ thể đối với các cấu trúc có tranh chấp, tòa đã phán quyết rằng bãi cạn Scarborough là “đá” chỉ được hưởng lãnh hải 12 hải lý. Các thẩm phán không thể đưa ra phán quyết về chủ quyền đối với bãi cạn này, nhưng đã tuyên bố rằng Trung Quốc đã xâm phạm các quyền đánh bắt truyền thống của người Philippines vì đã ngăn chặn họ đánh bắt ở đây. Điều đáng chú ý là Tòa Trọng tài đã nói rằng tòa sẽ tuyên bố tương tự đối với các ngư dân Trung Quốc nếu họ bị Philippines ngăn cản tiếp cận bãi cạn này.

Ở quần đảo Trường Sa (Spratly Islands), Tòa Trọng tài đã khiến nhiều nhà quan sát phải kinh ngạc bởi việc đưa ra phán quyết về tình trạng pháp lý của tất cả các cấu trúc mà Philippines yêu sách. Tòa đã tuyên bố không một cấu trúc nào thuộc quần đảo Trường Sa, bao gồm cả các cấu trúc tự nhiên lớn nhất – đảo Ba Bình (Itu Aba), đảo Thị Tứ (Thitu Island), đảo Trường Sa (Spratly Island), đảo Song Tử Đông (Northeast Cay) và Song Tử Tây (Southwest Cay) – là đảo hợp pháp bởi chúng không thể duy trì một cộng đồng người ổn định hay có đời sống kinh tế độc lập. Như vậy, chúng chỉ được hưởng các lãnh hải, chứ không phải các EEZ hay các thềm lục địa. Về 7 cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa do Trung Quốc chiếm đóng, Tòa đã nhất trí với Philippines rằng đá Gạc Ma (Johnson Reef), đá Châu Viên (Cuarteron Reef) và đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) là các “đá”, trong khi đá Tư Nghĩa (Hughes Reef) và đá Vành Khăn (Mischief Reef) là các cấu trúc chìm dưới mặt biển khi thủy triều lên và do đó không đem lại cho chúng các quyền về biển. Tòa không đồng ý với Philippines về vấn đề đá Ga Ven (Gaven Reef), tuyên bố rằng cấu trúc đó là một “đá”, chứ không phải là một bãi nửa chìm nửa nổi, cũng như là về đá Kennan (Kennan Reef) (mà Trung Quốc không chiếm đóng nhưng cũng được đưa vào vụ kiện). Ngoài ra, Tòa còn tuyên bố rằng bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) và bãi Cỏ Rong (Reed bank) là các cấu trúc chìm và thuộc về thềm lục địa của Philippines.

Tóm lại, các phán quyết này hiệu quả trong việc làm mất hiệu lực bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc bên trong “đường 9 đoạn” hơn là yêu sách về chủ quyền đối với các đảo tranh chấp và các lãnh hải mà chúng tạo ra (ngoại trừ quần đảo Hoàng Sa nằm xa hơn về phía Bắc). Hơn nữa, các thẩm phán đã tuyên bố rằng Trung Quốc đã vi phạm các trách nhiệm của mình theo UNCLOS bởi việc làm hủy hoại môi trường trên diện rộng thông qua việc xây dựng các đảo nhân tạo; xâm phạm quyền chủ quyền của Philippines bằng việc cản trở thăm dò dầu mỏ và khí đốt ở bãi Cỏ Rong; và xây dựng bất hợp pháp một cơ sở trên đá Vành Khăn thuộc thềm lục địa của Philippines. Các vấn đề duy nhất mà Tòa Trọng tài cảm thấy mình thiếu thẩm quyền là những vấn đề liên quan đến việc phong tỏa và những sự quấy nhiễu khác của Trung Quốc đối với binh lính Philippines trên tàu đổ bộ BRP Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây. Các vấn đề đó nằm trong ngoại lệ đối với Tòa Trọng tài về các vấn đề quân sự, mà Trung Quốc đã tuyên bố theo điều 298 của UNCLOS.

Câu hỏi 2: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Câu trả lời 2: Trung Quốc đã nói rõ rằng nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ phán quyết nào của Tòa Trọng tài, và không có cơ chế thực thi nào cho phán quyết này. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ phải hứng chịu tổn thất danh tiếng đáng kể từ phán quyết và điều này có thể giúp thuyết phục Bắc Kinh về trung hạn đến dài hạn điều chỉnh các yêu sách của mình sao cho phù hợp với luật pháp quốc tế và đối xử công bằng với Manila và các bên có tuyên bố chủ quyền khác. Nhận ra điều này, Philippines và các đối tác như Nhật Bản và Mỹ sẽ không chỉ đưa ra các tuyên bố của riêng họ kêu gọi cả hai bên tuân thủ phán quyết mà họ còn thúc giục nhiều quốc gia khác nhất có thể làm điều tương tự.

Về mặt lịch sử, các cường quốc chủ yếu thường phản đối các phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế, cuối cùng chỉ tìm kiếm một biện pháp có thể chấp nhận được về mặt chính trị để điều chỉnh sao cho phù hợp với các phán quyết.

Liệu Bắc Kinh có đi theo mô hình đó hay không là một câu hỏi còn để ngỏ, và do đó đây sẽ là một vụ kiện quan trọng về việc liệu có thể duy trì một sự đồng thuận quốc tế mạnh mẽ xung quanh việc Trung Quốc bác bỏ luật pháp quốc tế được hay không và liệu Bắc Kinh cuối cùng có điều chỉnh để hòa hợp với những kỳ vọng của các nước láng giềng hay không.

Bắc Kinh nhận ra rằng sự thống nhất của quốc tế sẽ là yếu tố quyết định thực sự liệu vụ kiện sẽ có tác động lâu dài hay không, và đã cố gắng vận động các nước ủng hộ một câu chuyện khác trong đó Trung Quốc được coi là nạn nhân. Bất chấp những tuyên bố trái ngược của Chính phủ Trung Quốc, nỗ lực này có thành công hạn chế. Sáng kiến minh bạch biển châu Á của CSIS đã dẫn chứng bằng tài liệu rằng trước khi phán quyết được đưa ra chỉ có 8 nước đứng về phía Trung Quốc, cho rằng vụ kiện lên Tòa Trọng tài là bất hợp pháp, trong khi 40 nước đã lên tiếng ủng hộ kết quả vụ kiện là có tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Bao nhiêu nước nữa sẽ lên tiếng tại thời điểm phán quyết đã đạt được? Và bao nhiêu nước sẽ tiếp tục làm như vậy trong các cuộc gặp gỡ song phương, diễn đàn quốc tế và biểu quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong những năm tới mà có thể cần để khiến Trung Quốc nhận thấy những tổn thất mà nước này đang phải hứng chịu? Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào việc liệu các nước láng giềng thân thiết nhất của Philippines trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), những nước có các mức độ quan hệ khác nhau với Trung Quốc, sẽ có thể đưa ra một tuyên bố chung về phán quyết của Tòa Trọng tài hay không. Cuối cùng, thành công trong nỗ lực pháp lý của Manila không phải phụ thuộc vào kết quả tức thì của phán quyết này, mà là vào việc liệu Philippines và các nước khác cùng quan điểm, trong đó có Mỹ, có thể duy trì đủ sức ép về danh tiếng, thuyết phục được Bắc Kinh tìm kiếm một lối thoát giữ thể diện cho mình hay không.

Câu hỏi 3: Trung Quốc có thể phản ứng ra sao trong ngắn hạn?

Câu trả lời 3: Phản ứng của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào việc Bắc Kinh quyết định mình vẫn còn bao nhiêu không gian để xoay xở sau phán quyết, cũng như các phản ứng của Philippines, Mỹ và các nước khác. Trung Quốc có thể sẽ không có bất kỳ động thái ngay tức thì nào khác ngoài việc công khai bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài. Với tư cách là nước đăng cai tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh G-20 vào đầu tháng 9 và một lời đề nghị đàm phán của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về việc giảm bớt căng thẳng và chia sẻ tài nguyên, Bắc Kinh có thể phản ứng thận trọng vào lúc này. Nếu vậy, đây sẽ là một cơ hội quan trọng cho đối thoại.

Do phán quyết có ảnh hưởng sâu rộng này bác bỏ một số lập luận cốt lõi trong cách tiếp cận của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh có thể cảm thấy buộc phải thể hiện rằng họ không hề nao núng trước cái mà một số nhân vật trong giới lãnh đạo cấp cao xem là một chiến dịch có phối hợp của Mỹ và đồng minh nhằm gây phương hại cho các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Việc làm như vậy sẽ là sự trả đũa lại Manila vì việc Philippines từ chối bỏ vụ kiện, có thể can ngăn các nước khác như Việt Nam và Indonesia theo bước Philippines, và sẽ gửi đi một thông điệp rằng Trung Quốc sẽ không bị ràng buộc bởi phán quyết. Các bước đi này nhiều khả năng hơn sẽ diễn ra trong một vài tháng tới kể từ bây giờ, sau hội nghị thượng đỉnh G-20, nhưng có thể sẽ đến sớm hơn.

Một hành động trả đũa có thể là xây đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough. Bắc Kinh vốn quyết tâm tiến hành cải tạo đất ở bãi cạn Scarborough vào tháng 3 nhưng đã bị ngăn cản bởi tín hiệu mạnh mẽ từ phía Washington, trong đó có các hoạt động mở rộng của tàu sân bay USS John C. Stennis ở khu vực này, các cuộc tuần tra gần bãi cạn này của các máy bay cường kích A-10 Warthog được triển khai tới Căn cứ Không quân Clark, và những lời cảnh báo trực tiếp của Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter. Vị trí của bãi cạn Scarborough – chỉ cách Manila 185 hải lý và nằm gần lối vào Eo biển Luzon phân cách Philippines và Đài Loan – khiến cho việc thiết lập một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở đó về mặt quân sự là điều không thể chấp nhận được đối với cả Washington lẫn Manila. Việc cải tạo đất cũng sẽ đi kèm với những phí tổn to lớn về ngoại giao và kinh tế và sẽ khó có thể ngăn cản nếu Trung Quốc quyết tâm tiến hành, mặc dù không phải là không thể.

Một sự leo thang thậm chí còn nguy hiểm hơn, mặc dù có lẽ ít có khả năng xảy ra hơn là, hành động của Trung Quốc có thể tiến hành bao vây các lính thủy đánh bộ của Philippines đóng quân trên tàu đổ bộ BRP Sierra Madre bị mắc cạn ở bãi Cỏ Mây. Các tàu của Trung Quốc đã ngăn cản việc tiếp tế cho các lính thủy đánh bộ này trong vài tháng hồi đầu năm 2014, buộc Philippines phải thả đồ tiếp tế bằng đường không. Cuối cùng, một tàu dân sự của Philippines chở theo các nhà báo quốc tế và trong nước đã thoát khỏi vòng vây và các tàu Trung Quốc đã phải lùi bước. Một sự phong tỏa khác có thể dẫn đến bạo lực, do đó kéo quân đội Mỹ vào một hành động đáp trả trực tiếp theo các yêu cầu của hiệp ước phòng thủ chung của nước này với Philippines.

Các biện pháp trả đũa có thể bao gồm việc đẩy nhanh trình tự thời gian đối với các hành động mà Bắc kinh vốn quyết tâm tiến hành. Trung Quốc có thể lần đầu tiên triển khai luân phiên các máy bay chiến đấu đến các cơ sở của nước này ở đá Chữ Thập, đá Xu Bi và đá Vành Khăn. Các đường băng ở cả 3 đảo đá này đã được xây dựng để cho các máy bay chiến đấu hoạt động, và ít nhất ở đá Chữ Thập, các nhà chứa máy bay đã được xây. Bắc Kinh cũng có thể quyết định tuyên bố các đường cơ sở quần đảo xung quanh quần đảo Trường Sa – một điều gì đó mà Bắc Kinh rõ ràng có quyền làm kể từ khi thiết lập các đường cơ sở xung quanh đại lục của nước này và quần đảo Trường Sa vào năm 1996. Việc làm như vậy sẽ là một mối đe dọa thực sự đối với tự do hàng hải, bởi nó sẽ chẳng khác gì một lời tuyên bố rằng các vùng nước nằm trong quần đảo Trường Sa là các vùng nội thủy của Trung Quốc, ngăn cản tất cả các hoạt động giao thông vận tải trên biển và trên không của bất kỳ nước nào khác. Đó cũng sẽ là một sự vi phạm trực tiếp phán quyết của Tòa Trọng tài.

Việc triển khai các phương tiện hàng không và vạch ra các đường cơ sở thẳng xung quanh quần đảo Trường Sa cũng có thể là dấu hiệu cho một sự leo thang nghiêm trọng khác: tuyên bố một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Như đã xảy ra khi Trung Quốc tuyên bố một ADIZ đối với biển Hoa Đông vào năm 2013, quân đội của Mỹ và Nhật Bản, cùng với hầu hết các nước có tuyên bố chủ quyền và các nước khác như Úc, sẽ nhanh chóng xâm phạm vùng này. Nhưng hầu hết, nếu không nói là tất cả, các hoạt động giao thông vận tải dân sự hàng không sẽ tuân theo các đòi hỏi của Trung Quốc. Điều này sẽ không chỉ làm gia tăng nguy cơ xảy ra các vụ va chạm trên không giữa các quân đội, mà còn sẽ cho thấy một nỗ lực khác nhằm thiết lập quyền kiểm soát trên thực tế, nếu không nói là hợp pháp về mặt pháp lý, đối với các hoạt động dân sự trên khắp khu vực Biển Đông.

Chỉ có một số hoạt động leo thang có thể có mà Trung Quốc có thể tiến hành để đáp trả phán quyết của Tòa Trọng tài. Nhưng tất cả chúng đều cho thấy rằng trong khi phán quyết của Tòa Trọng tài có thể tỏ ra hữu ích trong việc quản lý các tranh chấp ở Biển Đông về lâu dài, mà kết quả trong ngắn hạn có thể là tình trạng căng thẳng gia tăng.

Gregory B. Poling là giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Biển Châu Á (AMTI), nhà nghiên cứu của chương trình Đông Nam Á tại CSIS. Michael J. Green là phó giám đốc và là thành viên Japan Chair tại CSIS. Murray Hiebert là cố vấn cấp cao, phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại CSIS. Christopher K. Johnson là cố vấn cấp cao và là thành viên Freeman Chair tại trung tâm nghiên cứu Trung Quốc, CSIS. Amy Searight là cố vấn cấp cao, giám đốc Chương trình Đông Nam Á. Bonnie S. Glaser là cố vấn cấp cao về Châu Á, giám đốc Dự án China Power. Bài viết được đăng trên cogitASIA, CSIS.

Văn Cường (gt)