US ship.jpg

 

Việc Mỹ và châu Âu không phải luôn đứng cùng một phe được thể hiện trong bài phát biểu do ông Gunnar Wiegand - Giám đốc phụ trách châu Á-Thái Bình Dương thuộc Cơ quan Đối ngoại Liên minh châu Âu (EEAS), trình bày tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ngày 18/2/2016. Sự kiện được tổ chức nhằm nhấn mạnh kết quả của một dự án nghiên cứu trong hai năm của đoàn đại biểu EU tại Washington D.C về việc củng cố quan hệ phối hợp giữa EU và Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương. Sau màn trao đổi những ý kiến nhận xét lịch sự, Wiegand tuyên bố dừng dự án nghiên cứu này, khiến khán giả ngạc nhiên. Điều gì đã xảy ra đối với dự án này? Thiếu trao đổi thông tin? Hay do sự thành lập của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB)? Do sự thay đổi về bối cảnh chiến lược? Do sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc?

Trung Quốc với tư cách một đối tác kinh tế

Trung Quốc là một đối tác kinh tế vô cùng quan trọng đối với cả Mỹ lẫn EU. Đối với EU, Trung Quốc thậm chí còn giữ vị trí quan trọng hơn bởi nước này vừa là một đối tác thương mại vừa là một nguồn đầu tư có tiềm năng thúc đẩy nền kinh tế trì trệ của EU. Về thương mại, Trung Quốc hiện là đối tác lớn thứ hai của EU, sau Mỹ, trong khi EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Theo số liệu của EU, năm 2015, hàng hóa EU nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 350,4 tỷ euro và xuất khẩu sang Trung Quốc là 170,5 tỷ euro, với thâm hụt thương mại của EU là 179,9 tỷ euro. Hàng hóa Trung Quốc xuất sang EU không chỉ là các mặt hàng được sản xuất giá rẻ mà còn cả các sản phẩm tinh vi như thiết bị viễn thông. Còn Trung Quốc là thị trường tiêu thụ quan trọng của các mặt hàng như xe gắn máy, sản phẩm nông nghiệp, hàng xa xỉ phẩm. Tháng 11/2013, cả hai bên đều tuyên bố bắt đầu đàm phán về một Hiệp định đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc. Hiện thỏa thuận này vẫn đang được đàm phán.

Quy chế kinh tế thị trường (MES)

Mặc dù có mối quan hệ thương mại hai bên cùng có lợi, một vấn đề gây chia rẽ giữa EU và Trung Quốc là MES của Trung Quốc. MES có tác động đến cách tính thuế chống phá giá. Loại thuế này thường tác động đến sản phẩm thép và các kim loại khác, thủy tinh, các sản phẩm dược. Những lĩnh vực này đều có dư thừa sản phẩm trên toàn cầu, bởi vậy mà các quốc gia sản xuất những sản phẩm này thuộc EU rất mong muốn bảo hộ trước những sản phẩm nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Hàng nghìn việc làm có nguy cơ mất đi. Nếu quốc gia xuất khẩu được công nhận là một nền kinh tế thị trường thì mức độ phá giá và thuế chống phá giá tương ứng sẽ được tính dựa trên giá cả thực tế tại quốc gia này. Nếu quốc gia xuất khẩu được coi là nền kinh tế phi thị trường thì những tính toán này dựa trên giá cả tại một quốc gia có nền kinh tế thị trường và có điều kiện tương tự. Khi Trung Quốc gia nhập WTO vào tháng 12/2001, các điều kiện gia nhập bao gồm cả một điều khoản về MES. Tuy nhiên, ý nghĩa pháp lý của điều khoản này vẫn gây tranh cãi. Cho đến tận năm ngoái thì có vẻ như các thành viên WTO đều thấy rõ là nên trao MES cho Trung Quốc muộn nhất là 15 năm sau khi Trung Quốc gia nhập, tức là năm 2016. Trung Quốc cũng tuyên bố rằng họ sẽ đưa các thành viên WTO từ chối trao MES cho Trung Quốc từ sau thời điểm giữa tháng 12 ra cơ quan giải quyết xung đột của WTO. Nếu EU trao MES cho Trung Quốc thì Mỹ sẽ một mình phải đối mặt với các hoạt động pháp lý của Trung Quốc.

Chuyển giao công nghệ

Trung Quốc coi EU là một nguồn cung cấp công nghệ tiên tiến mặc dù vẫn có lệnh cấm vận vũ khí. Các quốc gia thành viên EU hiểu lệnh cấm vận vũ khí theo cách riêng của họ, cho phép EU bán những công nghệ an ninh và công nghệ lưỡng dụng mà quân đội Trung Quốc không thể có được từ Mỹ. Dữ liệu của Tổ chức Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SPIRI) cho thấy Bắc Kinh thường tán dương EU vì khối này là nhà cung cấp công nghệ lớn nhất cho Trung Quốc. SPIRI cũng nêu chi tiết số lượng các tàu chiến tiên tiến nhất của Trung Quốc được trang bị động cơ diesel do Pháp và Đức thiết kế. Các công ty của Pháp cung cấp thiết bị phát hiện tàu ngầm, tên lửa đất đối không, trực thăng chống tàu ngầm cho các tàu khu trục Trung Quốc. Anh cung cấp động cơ trực thăng cho các máy bay chống tàu và máy bay ném bom của Trung Quốc...Hành vi của EU gây ra một thảm họa đối với Mỹ. EU không đầu tư đủ cho quốc phòng để bảo vệ chính khu vực của họ cũng như không ủng hộ một cách có hiệu quả các hoạt động của Mỹ tại châu Á. Vậy mà công nghệ lưỡng dụng của châu Âu bán cho Trung Quốc lại giúp Trung Quốc phát triển nhanh chóng về năng lực quân sự và đóng góp vào việc làm thay đổi bối cảnh ở khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông.

Đầu tư

Đầu tư của Trung Quốc tại EU gia tăng nhanh chóng. Theo Rhodium Group, từ năm 2000 đến 2014, các công ty Trung Quốc đã chi 52 tỷ USD đầu tư trực tiếp (FDI) vào 28 quốc gia thành viên EU. Bên được lợi lớn nhất từ FDI của Trung Quốc là bộ ba: Anh với 13,8 tỷ USD, Đức với 7,8 tỷ USD và Pháp với 6,7 tỷ USD. Italy được vào nhóm đầu các nước nhận FDI của Trung Quốc vào năm 2015 với việc bán Pirelli cho ChemChina. Sự cạnh tranh giữa các nước EU trong thu hút FDI của Trung Quốc có thể khiến mức ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực này gia tăng.

Sáng kiến "Một vành đai, một con đường"

EU và các nước thành viên cũng quan tâm tới việc tham gia "Một vành đai, một con đường" (OBOR) với mong muốn tạo ra các kết nối cơ sở hạ tầng mới giữa EU và Trung Quốc và ngân sách được trao cho AIIB với Quỹ Con đường tơ lụa 40 tỷ USD. Anh, Pháp, Đức và Italy quyết định tham gia AIIB trong tháng 3/2015. Mặc dù Mỹ phản đối, 14 trong số 28 nước EU đã tham gia. Một số nước, trong đó có Anh, đã không thông báo cho Mỹ trước khi đưa ra quyết định. Cũng không có bất kỳ sự phối hợp nào giữa các nước thành viên EU khi tuyên bố tham gia. Trung Quốc thường tác động vào các nước thành viên EU đơn lẻ để gây ảnh hưởng tới chính sách chung của EU. Mỹ buộc phải chấp nhận sự thất bại về việc các nước thành viên EU tham gia AIIB.

Tháng 3/2015, Trung Quốc đưa ra kế hoạch hành động chính thức cho OBOR, trong đó đặt ra mục tiêu về "một cấu trúc hợp tác kinh tế khu vực cân bằng" và "các hình mẫu mới cho hợp tác quốc tế và quản trị toàn cầu". Các quan chức Trung Quốc diễn giải OBOR như "một khuôn khổ" nhằm mang lại sự gắn kết giữa chính phủ, doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo để thảo luận các vấn đề chung lợi ích, đặc biệt là việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, viễn thông và có thể kết nối với kế hoạch hành động của OBOR. Đây sẽ là một khuôn khổ hợp tác quốc tế mới và là hình mẫu về quản trị toàn cầu dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc. Điều này sẽ thúc đẩy Chính phủ Trung Quốc tăng cường quan điểm, lợi ích trong lục địa châu Âu. AIIB và Quỹ Con đường tơ lụa cũng chỉ là hai công cụ để Trung Quốc sử dụng trong việc thực hiện sáng kiến này và có thể được kết hợp với các công cụ khác khi cần thiết.

Thông qua OBOR, mục tiêu của Trung Quốc là tạo ra thiện chí chính trị đối với các nước đối tác về các hành lang giao thông. Đầu tư cơ sở hạ tầng là phép thử tốt nhất. Vài thập kỷ qua, đầu tư của Trung Quốc đối với lục địa châu Phi đã mang lại sự ủng hộ Trung Quốc của các nước châu Phi tại Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên hợp quốc. Gần đây, đầu tư của Trung Quốc vào Afghanistan đã đưa đến việc nước này ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Ở châu Âu, Trung Quốc tập trung vào những kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt ở các nước Đông Âu.

Trong năm 2011, Trung Quốc tiến hành một diễn đàn hợp tác giữa các nước Trung và Đông Âu: cơ chế 16+1. Mặc dù có sự khác nhau rất lớn về văn hóa, các nước Trung và Đông Âu đều là các nước "cựu cộng sản" và có thể chia sẻ kinh nghiệm lịch sử chung với Trung Quốc. Trung Quốc cũng cẩn thận giải thích cơ chế 16+1 không thể thay thế cho quan hệ EU-Trung Quốc. Tuy vậy, 11 nước thành viên EU có thể dễ dàng thực hiện các hoạt động vận động hành lang ủng hộ Trung Quốc và gây ảnh hưởng tới việc hoạch định chính sách của Brussels.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld đã có bài phát biểu vào năm 2003 cho rằng duy trì một "châu Âu mới" sẽ hình thành nên các nước thành viên EU mới từ Đông Âu. "Châu Âu mới" đã ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến tại Iraq. Ngược lại, ông Rumsfeld coi thái độ của "châu Âu già" ít có ảnh hưởng tích cực. Đầu tư và ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại các nước Trung và Đông Âu trong giai đoạn dài có thể làm xói mòn các quan hệ khác trong một khu vực được xem như đang ủng hộ chính sách của Mỹ.

Cam kết của Trung Quốc đối với hàng tỷ USD đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, đường sắt và thúc đẩy thương mại cùng thắng đã làm giảm khả năng "thống nhất của EU đối với những vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Các chuyến thăm Trung và Đông Âu của Tập Cận Bình trong năm nay, đầu tiên tới Cộng hòa Séc trong tháng 5 và tới Belgrade, Vacsava trong tháng 6, đã nhấn mạnh chiến lược ngoại giao đồng tiền với chiêu bài sáng kiến OBOR. Trung Quốc đã "mua" được một tuyên bố yếu ớt từ EU mà không có bất kỳ đề cập nào tới Trung Quốc.

Trung Quốc, EU và các cuộc khủng hoảng quốc tế

EU cần tới Trung Quốc như là một đối tác an ninh trong các cuộc khủng hoảng quốc tế bởi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và bởi Trung Quốc là thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. EU cần lá phiếu của Trung Quốc trong Hội đồng Bảo an cho phép giai đoạn tiếp theo của các hoạt động hàng hải của EU ở Địa Trung Hải chống lại hoạt động di cư bất hợp pháp. Trung Quốc cũng là một phần của các cuộc đàm phán do EU dẫn đầu về vấn đề hạt nhân Iran. Hơn nữa, các thành viên phía Đông EU muốn Trung Quốc có vai trò lớn hơn nữa tại khu vực lân cận của họ để cân bằng với vai trò của Nga trong khu vực.

Biển Đông

Trung Quốc đã thể hiện rõ ràng rằng họ coi những tranh chấp chủ quyền trong khu vực là song phương chứ không phải đa phương. Trung Quốc cảnh báo EU không nên tham gia vấn đề này. Sách Trắng Trung Quốc năm 2014 ngay sau chuyến thăm của Tập Cận Bình tới Brussels đã thể hiện rõ nét điều này. Bắc Kinh tuyên bố rằng họ sẽ không tuân theo phán quyết của Tòa Trọng tài đối với vụ kiện của Philippines. Trung Quốc đã đứng đằng sau các hoạt động nhằm hạ uy tín của Tòa Trọng tài cũng như nỗ lực giành sự ủng hộ của các nước khác. Các quốc gia như Ba Lan, Ấn Độ, Fiji chỉ ra rằng Tân Hoa Xã đã thể hiện sai quan điểm của các nước này về vụ kiện. Trung Quốc cũng đã cố gắng sử dụng chiến thuật "cây gậy và củ cà rốt" để khuyến khích các nước ủng hộ phương pháp giải quyết vấn đề song phương hơn là áp dụng quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Quan điểm của EU về vấn đề Biển Đông

Trong quá khứ, EU luôn thận trọng không tham gia các vấn đề phức tạp liên quan đến tranh chấp Biển Đông. EU không có lợi ích gì khi chống lại Trung Quốc, thậm chí EU còn cần Trung Quốc với vai trò là đối tác kinh tế và an ninh. EU cũng có những vấn đề của chính họ cả trong nội bộ (như nạn nhập cư, khủng bố, mất cân bằng về kinh tế) và những vấn đề từ bên ngoài tại khu vực phía Nam và phía Đông EU.

EU không sẵn sàng lên án Trung Quốc được thể hiện rõ ràng trong tuyên bố của đại diện cấp cao EU Catherine Ashton vào tháng 11/2013 khi Trung Quốc đơn phương áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông. Lúc đó, EU kêu gọi "các bên có các bước đi làm dịu tình hình" mặc dù rõ ràng nguyên nhân gây ra khủng hoảng chính là từ Trung Quốc. Tuyên bố không muốn làm mất lòng Trung Quốc của EU đã mang lại kết quả không mong đợi là khiến cả Nhật Bản và Hàn Quốc tức giận. Vào tháng 5/2015, đại diện cấp cao của EU, Federica Mogherini, khi phát biểu tại Đối thoại Shangri-La đã không nhắc trực tiếp đến Biển Đông mà chỉ ám chỉ "một vài xung đột hàng hải" khó có thể giải quyết và kêu gọi "một trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế".

Tất cả các tuyên bố chung trong các hội nghị EU-Trung Quốc từ trước tới nay đề cập tới các điểm nóng khủng hoảng mà EU và Trung Quốc có thể phối hợp như vấn đề Ukraine, Syria, Libya nhưng tuyệt nhiên tránh nhắc tới Biển Đông do sự phản đối của Trung Quốc. EU cần phải ủng hộ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, hoặc nếu không họ sẽ bị mất uy tín. Điều này phụ thuộc vào mối quan hệ của EU với Mỹ và mong muốn của EU trong việc có mối quan hệ tốt với Nhật Bản - một cường quốc về thương mại và kinh tế cũng như với các nền kinh tế Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng.

Không giống Mỹ, EU là một bên tham gia UNCLOS. Theo một số nhà ngoại giao, mối lo ngại làm mất lòng Trung Quốc khiến EU không gửi quan sát viên nào tới buổi điều trần của Tòa Trọng tài. Những nhà ngoại giao tham dự buổi điều trần một cách cá nhân thể hiện sự ngạc nhiên khi EU lựa chọn không cử bất cứ quan sát viên nào. Điều này khiến EU bị mất điểm trước các quốc gia ASEAN - những nước có cử quan sát viên tới buổi điều trần và trước cả Mỹ.

Có lẽ phản ứng với sự vắng mặt trong buổi điều trần, Brussels đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 11/3/2016, giữ lập trường ủng hộ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế trong giải quyết vấn đề Biển Đông. Tuyên bố ngắn gọn này phải mất hàng tháng EU mới viết xong bởi cả 28 quốc gia đều phải nhất trí về ngôn ngữ. Tuyên bố này đã bị chỉ trích bởi nó không kêu gọi bên nào, không đưa ra thực tế nào và cũng không nỗ lực gây áp lực ngoại giao.

Sau khi phán quyết của Tòa Trọng tài được tuyên bố, mọi người dự đoán là EU sẽ đưa ra một tuyên bố mới, một lần nữa ủng hộ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong khi rất thận trọng không chỉ trích trực tiếp Trung Quốc. Khi 28 quốc gia EU cùng cất lên tiếng nói về một vấn đề quốc tế thì thông điệp của họ có sức nặng đáng kể và củng cố các chuẩn mực luật pháp quốc tế một khi các quy định này bị vi phạm. Có vẻ như Mỹ sẽ yêu cầu EU tham gia với Mỹ vào một tuyên bố chung nhằm khuếch đại sự tác động của nó. Vì vậy, EU sẽ rất vui vẻ dồn hết gánh nặng của việc duy trì an ninh và ổn định ở châu Á cho Mỹ và thu lợi từ sự hiện diện của Hải quân Mỹ cũng như từ việc tự do đi lại trên các tuyến đường biển tại Biển Đông.

Trong một động thái mới đây vào ngày 5/6 tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố rằng Pháp sẽ khuyến khích EU tiến hành các hoạt động tuần tra "thường xuyên và cụ thể" trong khu vực. Các tàu thuyền và máy bay của Pháp đã sẵn sàng cho các vụ đụng độ bất ngờ với các lực lượng của Trung Quốc ở Biển Đông trên tuyến đường đến các căn cứ của Pháp ở khu vực Thái Bình Dương. Ông Le Drian giải thích mối lo ngại của Pháp đối với vấn đề này bằng việc chứng minh sự suy giảm các hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông và chỉ trích điều này có thể trở thành tiền lệ nguy hiểm cho các khu vực như Bắc Cực và Địa Trung Hải. Ông Le Drian còn nhấn mạnh "tàu Hải quân Pháp sẽ đi lại trong khu vực này vài lần mỗi năm và Pháp sẽ duy trì hoạt động này". Những phát biểu này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter - người luôn khẳng định rằng Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục đi lại tự do ở Biển Đông.

Lập trường của Mỹ

Mỹ lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc về địa chính trị, đối thủ của Mỹ trong khu vực và Mỹ đã có những bước đi cùng với các nước Đông Nam Á để kiềm chế Trung Quốc. Lập trường của Mỹ về Biển Đông là coi trọng luật pháp quốc tế, mặc dù Mỹ tham gia ký kết nhưng chưa bao giờ thông qua UNCLOS. Các biện pháp Mỹ thực hiện bao gồm tuần tra trên biển và trên không để đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, đồng thời tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung. Bài trả lời phỏng vấn của Tổng thống Barack Obama trên tờ "The Atlantic" tháng 4/2016 đã chỉ trích việc EU không hề chia sẻ gánh nặng về chi phí chính trị cũng như chi phí kinh tế. Nhiều quan chức và nhà phân tích Mỹ thất vọng khi hầu hết các nước EU đều chỉ có cách tiếp cận một chiều về chính sách đối với Trung Quốc dựa trên kinh tế, xuất khẩu và cơ hội kinh doanh.

Liệu Mỹ có thể thuyết phục EU ủng hộ quan điểm của Mỹ?

Mặc dù một số quốc gia EU cho rằng họ không liên quan gì đến địa chính trị nhưng không phải tất cả các quan chức ở Brussels có chung một cách tiếp cận. Điều quan trọng là cả Mỹ lẫn EU đều cần phải nhìn nhận vấn đề thực sự giữa họ là gì. Một đánh giá thẳng thắn về mối quan hệ là cần thiết nhằm ngăn chặn lối suy nghĩ ảo tưởng hoặc sự tự mãn. Mỹ có sức ảnh hưởng rất lớn với EU, đồng thời cũng là đối tác chiến lược quan trọng nhất của EU. Mỹ từng cho rằng Mỹ có thể vận động EU rất hiệu quả, ví dụ như trong trường hợp lệnh cấm vận vũ khí của EU đối với Trung Quốc năm 2005 và gần đây là các biện pháp trừng phạt Nga của EU.

Đối với vấn đề Biển Đông, mặc dù vị thế của Mỹ suy giảm bởi thực tế là Quốc hội Mỹ chưa bao giờ thông qua UNCLOS nhưng Mỹ luôn thể hiện rõ rằng Mỹ ủng hộ một giải pháp dựa trên luật pháp quốc tế. Thông cáo chung của Ủy ban châu Âu và Đại diện cấp cao EU đã khẳng định "việc hoạch định chính sách của EU đối với Trung Quốc cần phải chú ý tới mối quan hệ thân thiết giữa EU với Mỹ và các đối tác khác".

Tóm lại, xem xét mọi khía cạnh, nếu EU buộc phải chọn một phe nào đó sau tuyên bố của Tòa Trọng tài, có thể họ sẽ không đứng về bên nào cả, mỗi quốc gia thành viên có thể lựa chọn phe của riêng mình, hoặc EU sẽ đứng về phía Mỹ. Tuyên bố của Pháp đã khẳng định rằng ít nhất một số quốc gia thành viên EU nhiều khả năng sẽ giữ lập trường tương tự như Mỹ. Nếu Trung Quốc quyết định coi thường phán quyết của Tòa Trọng tài, Mỹ chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ phải trả giá, nhiều khả năng nhất là thông qua các biện pháp trừng phạt Trung Quốc. Trong trường hợp này, có thể EU sẽ lựa chọn tham gia và áp dụng các biện pháp trừng phạt của chính EU mặc dù miễn cưỡng, giống như trong trường hợp đối với Nga vậy./.

Tác giả Theresa Fallon là chuyên viên cao cấp thuộc Viện nghiên cứu châu Á của EU (EIAS). Bài viết đăng trên trang "The Asan Forum".

Lê Quang (gt)