I.              KHÁI QUÁT CHUNG

Lợi ích của Hoa Kỳ tại Biển Đông ngày càng bị đe dọa bởi sự tăng trưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc và những lo ngại về thiện chí thực hiện các quy chuẩn pháp luật hiện hữu của nước này. Mỹ và các nước trong khu vực có lợi ích sâu sắc và vĩnh cửu đối với các tuyến đường biển, mở cho tất cả nước cả về thương mại cũng như các hoạt động quân sự hòa bình như can thiệp nhân đạo hay bảo vệ bờ biển. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục thách thức sự tự do này bằng cách đặt nghi ngờ đối với các quy phạm hàng hải truyền thống và phát triển tiềm lực quân sự nhằm cho phép nước này đe dọa sự tiếp cận của các nước với khu vực biển này.

Ý nghĩa địa chiến lược của Biển Đông thật khó để phóng đại. Biển Đông có chức năng như cổ họng của Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - phần lớn mạng lưới liên kết kinh tế nơi mà các tuyến đường biển toàn cầu hợp nhất, chiếm 1,2 tỷ USD thương mại Mỹ hàng năm. Vùng biển này là trung tâm của nền kinh tế thế giới thế kỉ 21, nơi mà 1,5 tỷ người Trung Quốc, gần 600 triệu người Đông Nam Á và 1,3 tỷ cư dân của tiểu lục địa Ấn Độ vận chuyển các tài nguyên thiết yếu và trao đổi hàng hóa trong khu vực và trên toàn cầu. Biển Đông là một khu vực có hơn nửa tá các nước chồng lấn yêu sách lãnh thổ đối với một khu vực đáy biển có trữ lượng dầu đã được xác định là ít nhất 7 tỷ thùng và 900 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên.

 Bảo vệ lợi ích của Mỹ và thúc đẩy việc giữ nguyên trạng (status quo) không cần và không nên dẫn đến xung đột với Trung Quốc. Cả Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục hưởng lợi từ hợp tác và thực tế là, không một quốc gia châu Á nào hưởng lợi từ trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu nhiều hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, quản lý căng thẳng và thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông đòi hỏi một sự quan tâm lớn bền bỉ và thận trọng từ Washington.

Trong những thập niên tới, thách thức cho Hoa Kỳ sẽ là làm thế nào để duy trì những quy tắc truyền thống về tự do hàng hải, trong khi thích ứng với sức mạnh các hoạt động ngày càng tăng của các nước trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc. Mục tiêu là hợp tác, nhưng hợp tác có thể được thúc đẩy một cách tốt nhất từ vị trí sức mạnh. Điều này đòi hỏi Mỹ phải duy trì sức mạnh và mở rộng hợp tác khu vực, một quan niệm có thể được gọi là "ưu tiên hợp tác”.

Để bảo vệ quyền lợi của Mỹ và các đồng minh ở Biển Đông và duy trì những quy tắc pháp lý đã tồn tại từ lâu, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên thực hiện năm bước sau:

Đầu tiên, Mỹ cần tăng cường sự hiện diện của hải quân trong dài hạn bằng cách xây dựng một hạm đội gồm 346 tàu thay vì giảm xuống 250 tàu do cắt giảm ngân sách và thu hồi các tàu chiến cũ trong thập kỷ tới. Quan hệ ngoại giao và kinh tế với Trung Quốc và các nước khác sẽ đạt hiệu quả hơn khi nó được hỗ trợ bởi một vị thế quân sự có thể tin tưởng. Tuy nhiên, phát triển Hải quân phải dựa trên tăng trưởng kinh tế lành mạnh trong tương lai – đây là ưu tiên chiến lược của Mỹ.

Thứ hai, Mỹ nên thúc đẩy một mạng lưới đối tác an ninh. Mô hình liên minh “trục bánh xe và nan hoa” giữa Mỹ và các đối tác Đông Á đang bị lấn át bởi một mạng lưới các quan hệ rộng hơn, phức tạp hơn và có sức lan tỏa hơn, trong đó các nước Châu Á là những nhân tố thúc đẩy chính. Xây dựng một mạng lưới các đối tác và đồng minh mạnh hơn trong khu vực Đông Nam Á phải là một mục tiêu dài hạn và quan trọng của Mỹ.

Thứ ba, Mỹ cần phải đảm bảo rằng hòa bình và an ninh ở Biển Đông phải được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự ngoại giao và an ninh của nước này. Tự do hàng hải là một mối quan tâm phổ quát, hợp tác hàng hải và các cơ chế giải quyết tranh chấp một cách hòa bình nên tiếp tục được thảo luận trong các diễn đàn khu vực. Mỹ cũng cần xây dựng các thể chế đa phương về lâu dài nhưng cũng thừa nhận rằng trong thực tế Mỹ có thể cần phải tập trung vào các cách tiếp cận song phương hoặc tiểu đa phương để tránh khiêu khích Trung Quốc.

Thứ tư, Mỹ cần thúc đẩy hơn nữa hội nhập kinh tế trong khu vực cũng như giữa Mỹ với khu vực, với sự tập trung đặc biệt về thương mại. Thương mại chính là đồng tiền ở khu vực Châu Á và có thể giúp kết nối các đầu tư chiến lược của Mỹ với khu vực năng động nhất trên thế giới này.

Thứ năm và cuối cùng, Mỹ cần có chính sách đúng với Trung Quốc. Điều này đòi hỏi quan hệ ngoại giao và kinh tế năng động phải được hỗ trợ bởi một vị thế quân sự mạnh mẽ và một nền kinh tế phát triển. Một chính sách thực tế bắt đầu bằng việc củng cố sức mạnh của Mỹ sau đó tích cực ủng hộ hợp tác dựa trên luật pháp; chính sách này tránh xung đột vũ trang nhưng không tránh đối đầu ngoại giao.

II.            GIỚI THIỆU

Lợi ích của Mỹ tại Biển Đông ngày càng bị đe dọa. Bảo vệ những lợi ích này không cần - và không nên - dẫn đến xung đột với Trung Quốc. Tuy nhiên, quản lý căng thăng và thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông đòi hỏi một sự quan tâm lớn bền bỉ và thận trọng từ Washington.

Tầm quan trọng của Biển Đông vẫn còn bị định giá thấp, được thảo luận chủ yếu giữa các chuyên gia về khu vực chứ không phải là một bộ phận tiêu biểu rộng lớn của cộng đồng an ninh quốc gia. Nhưng Biển Đông xứng đáng nhận được sự ưu tiên quan tâm. Khi mà hệ thống dựa trên luật pháp đã tồn tại hàng thế kỷ do Mỹ thúc đẩy bị thách thức bởi một Trung Quốc đang trỗi dậy thì Biển Đông sẽ là chỉ dấu chiến lược để xác định tương lai khả năng lãnh đạo của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vấn đề liệu Tây Thái Bình Dương có duy trì là một khu vực hàng hải mở cửa, ổn định và thịnh vượng hay đang dần trở thành lò lửa của sự tranh cãi phân cực như thời Chiến tranh lạnh hay không có thể sẽ được giải quyết tại khu vực biển quan trọng này. Biển Đông là nơi mà các nước như Việt Nam, Malaysia và Philippines phải đối mặt với hiện tượng “Phần Lan hóa” của Trung Quốc nếu sức mạnh hải quân và không quân của Mỹ suy giảm. Tóm lại, Biển Đông là nơi mà toàn cầu hoá xung đột với địa chính trị.

Nếu kinh tế thế giới có một trung tâm địa lý, thì đó là Biển Đông. Khoảng 90% hàng hoá thương mại vận chuyển từ lục địa này qua lục địa khác đều bằng đường biển, khoảng một nửa số hàng hóa này về mặt tổng chi phí vận chuyển (một phần ba về giá trị tiền) đi qua Biển Đông[1]. Biển Đông có chức năng như cổ họng của Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - phần lớn mạng lưới liên kết kinh tế nơi mà các tuyến đường biển toàn cầu hợp nhất, chiếm 1,2 tỷ USD thương mại Mỹ hàng năm.[2] Sự phụ thuộc quá mức của Trung Quốc và ở một mức độ nào đó, của tất cả các nước công nghiệp, vào một eo biển Malacca an toàn được gọi là “tình thế tiến thoái lưỡng nan ở Malacca”.[3] Ở các mức độ khác nhau, tất cả các quốc gia đều phụ thuộc vào eo biển hẹp kết nối Ấn Độ Dương với Tây Thái Bình Dương - Vịnh Bengal với Biển Đông - qua đó dầu và khí tự nhiên từ Trung Đông có thể được vận chuyển một cách an toàn qua biển tới tầng lớp trung lưu mới nổi ở Đông Á, bộ phận rất quan trọng đối với nền kinh tế thế giới.

Địa chính trị là thế lực đối kháng lại toàn cầu hóa, phân chia thế giới thay vì hợp nhất nó. Biển Đông là nơi mà một Trung Quốc đang trỗi dậy về quân sự  ngày càng thách thức tính ưu việt của hải quân Mỹ - một xu hướng mà nếu cứ để đi theo quỹ đạo hiện tại, có thể phá vỡ sự cân bằng quyền lực đã tồn tại từ cuối Chiến tranh thế giới thứ II và đe dọa các tuyến đường biển (SLOCs). Là người bảo lãnh chủ yếu của tự do hàng hải toàn cầu, Hoa Kỳ có lợi ích sâu sắc và vĩnh cửu trong việc bảo đảm rằng SLOCs vẫn mở cửa với tất cả các nước, không chỉ về thương mại mà cả các hoạt động quân sự hòa bình như can thiệp nhân đạo và bảo vệ bờ biển.

Mỹ có thể bảo vệ một trật tự khu vực hoà bình và thịnh vượng tốt nhất bằng cách bảo toàn quyền tiếp cận các SLOCs quan trọng. Sự bất lực của Mỹ trong việc triển khai đủ sức mạnh cần thiết vào Biển Đông sẽ làm thay đổi những tính toán an ninh của tất cả các nước trong khu vực. Nếu  Mỹ không những mất khả năng làm phức tạp kế hoạch của kẻ thù mà còn ngày càng trở nên dễ bị tấn công trước một Trung Quốc liên tục hiện đại hóa quân sự thì các nước khác trong khu vực có thể sẽ ngả về một Trung Quốc hùng mạnh.

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây

Patrick M. Cronin, Robert D. Kaplan

Quách Huyền (dịch)

Quang Hưng (hiệu đính)

Bản dịch chương I: Cooperation from Strength: U.S. Strategy and the South China Sea trong báo cáo: Cooperation from Strenth: The United States, China and the South China Sea của Trung tâm An ninh mới (CNAS) của Mỹ.



[1]U.S. Energy Information Administration, South China Sea: Oil & Natural Gas (March 2008); và  Robert D. Kaplan, “China’s Caribbean,”  Tờ The Washington Post, ngày  26 tháng  9, 2010.

[2] Số liệu này được các quan chức  Mỹ tại Hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương at the Asia-Pacific vào tháng 11 năm 2011. Xem David Nakamura, “Global Security Trumps Economics at APEC,” Tờ The Washington Post, 14 tháng 11, 2011, 10.

[3] Juli A. MacDonald, Amy Donahue and Bethany Danyluk, “Energy Futures in Asia: Final Report,” (Booz Allen Hamilton, November 2004). Đoạn trích dẫn được lần đầu được tuyên bố bởi chuyên gia Mỹ Trung Quốc Ross Munro.