Nếu tòa án Liên Hiệp Quốc (LHQ) quyết định xét xử vụ kiện, bất cứ phán quyết nào về vấn đề này sẽ gây ra những tác động chiến lược, chính trị và pháp lý rộng rãi. Mặc dù quyết định cuối cùng của tòa án có thể mất vài năm, nhưng trước mắt hành động của Philíppin chắc chắn sẽ gây phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh, tăng thêm nhiều căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc-Philíppin và cản trở các nỗ lực của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đàm phán một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc trên Biển Đông với Trung Quốc. Việc Philíppin trình LHQ Thông báo và Tuyên bố khởi kiện đã được chuẩn bị kỹ. Philíppin không đề nghị tòa án trọng tài - rất có thể là Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), cơ chế giải quyết tranh chấp được thành lập theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 - xác định bên tranh chấp nào được hưởng chủ quyền đối với các đảo san hô tranh chấp ở Biển Đông, bởi vì chỉ có Tòa án Công lý Quốc tế và sự nhất trí của tất cả các bên mới có thể đưa ra quyết định. Điều quan trọng là Thông báo của Philíppin cũng không nêu những vấn đề mà Trung Quốc tự rút khỏi các phán quyết bắt buộc của ITLOS từ năm 2006 bao gồm: phân định ranh giới biển, các vịnh lịch sử và các yêu sách cũng như các tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự. Thay vào đó, Manila tìm cách thách thức các tuyên bố về quyền chủ quyền của Trung Quốc bao gồm tất cả các nguồn tài nguyên và quyền hàng hải ở vùng biển nằm trong đường 9 đoạn và trên các bản đồ chính thức của Trung Quốc.

Đơn khiếu kiện của Philíppin khẳng định Trung Quốc đã can thiệp trái phép hoạt động quyền chủ quyền của Philíppin trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của nước này và các hoạt động bất hợp pháp đó đã leo thang từ đầu năm 2012. Thông báo cũng tố cáo Trung Quốc chiếm đóng trái phép một số bãi đá ngầm như: Vành Khăn (Mischief), Ken Nan (McKennan), Ngầm Nam (Gaven) và Subi, trong đó một số bãi đá nằm trong thềm lục địa của Philíppin, do đó Trung Quốc không thể chiếm đóng các bãi đá ngầm đó. Không kể các vấn đề khác, Philíppin đề nghị ITLOS ra quyết định rằng các tuyên bố hàng hải của Trung Quốc dựa trên cơ sở đường 9 đoạn là trái với UNCLOS, do đó không có giá trị; yêu cầu Trung Quốc đề ra luật pháp trong nước phù hợp với UNCLOS; tuyên bố Trung Quốc chiếm đóng một số bãi san hô là bất hợp pháp và vi phạm quyền chủ quyền của Philíppin; tuyên bố việc Trung Quốc công bố các quyền hàng hải ngoài 12 hải lý tính từ các vật thể nhất định (kể cả bãi đá Hoàng Nham) là trái quy định pháp lý; và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động bất hợp pháp trong khu vực EEZ của Philíppin, kể cả khai thác các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật. 

Tại sao Chính phủ Philíppin quyết định khởi kiện lúc này?

 Sự thất bại của Philíppin và Trung Quốc trong việc giải quyết các tuyên bố chủ quyền biển chồng lấn, nỗi lo ngại của Philíppin về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông trong vài năm qua và sự thất vọng của Philíppin trước phản ứng yếu kém của ASEAN trước những hành động của Bắc Kinh đã buộc Manila đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền ra ITLOS. Theo luật pháp quốc tế, các bên tranh chấp được khuyến khích thảo luận các tuyên bố chồng lấn song phương của họ nhằm đi đến một giải pháp được các bên có thể chấp nhận. Theo Manila, mặc dù trao đổi và tham khảo ý kiến rất nhiều lần kể từ khi Trung Quốc chiếm đóng bãi đá Vành Khăn năm 1995, nhưng hai bên không giải quyết được các tranh chấp về chủ quyền các hòn đảo, phân định các khu vực hàng hải cũng như quyền đánh bắt cá, khai thác năng lượng và các nguồn khoáng sản ở Biển Đông. Các nỗ lực khác của Philíppin nhằm giải quyết tranh chấp bằng quan hệ đối tác với các bên tranh chấp khác cũng trở nên vô ích. Năm 2011, Chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino đề nghị biến Biển Đông thành Khu vực Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác (ZoPFFC). ZoPFFC kêu gọi các nước làm rõ các tuyên bố lãnh hải và xác định quần đảo Trường Sa là một khu vực tranh chấp, phi quân sự hóa các đảo san hô và thiết lập một cơ quan hợp tác phát triển chung để quản lý các nguồn tài nguyên dưới đáy biển. Nhưng Bắc Kinh thẳng thừng bác bỏ đề nghị đó và không đối tác ASEAN nào của Philíppin, trừ Việt Nam , ủng hộ đề nghị như vậy. Những diễn biến trên Biển Đông trong năm 2012 cũng thôi thúc Manila quyết định thách thức các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc, trong đó sự kiện nghiêm trọng nhất xảy ra tại Bãi đá Hoàng Nham tháng 4-5/2012. Cuộc khủng hoảng kéo dài 8 tuần xảy ra khi các cơ quan hàng hải dân sự của Trung Quốc ngăn chặn Hải quân Philíppin bắt giữ một nhóm ngư dân Trung Quốc đánh cá bất hợp pháp tại khu vực bãi cát ngầm. Sau đó tàu chiến Trung Quốc đã ngăn chặn các tàu cá Philíppin ra vào Bãi đá Hoàng Nham và khẳng định quyền kiểm soát bãi đá này. 

Tháng 11/2012, các quan chức Trung Quốc tuyên bố với Ngoại trưởng Philíppin Albert del Rosario rằng từ nay Trung Quốc sẽ hiện diện vĩnh viễn tại bãi đá Hoàng Nham. Thông báo của Philíppin khẳng định sự thay đổi quan trọng này là do Trung Quốc chiếm giữ trái phép Bãi đá Hoàng Nham. Philíppin càng tức giận khi nước này đưa vấn đề ra trước Hội nghị Bộ trưởng ASEAN tháng 7/2012, nhưng lúc đó chủ tịch ASEAN là Campuchia không cho phép các cuộc thảo luận tranh chấp Biển Đông được phản ánh trong thông cáo cuối cùng vì cho rằng tranh chấp Biển Đông là vấn đề song phương. Không đạt được đồng thuận trong bất đồng trên Biển Đông khiến hội nghị không ra được thông cáo chung lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm tồn tại của ASEAN và làm mất uy tín nghiêm trọng của tổ chức khu vực. Diễn biến thứ 2 trong năm 2012 đã thúc đẩy Philíppin kiện Trung Quốc xảy ra tháng 11/2012 khi chính quyền tỉnh Hải Nam ban hành các quy định cho phép lực lượng cảnh sát Trung Quốc khám xét, bắt giữ và trục xuất các tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong phạm vi quyền tài phán của Trung Quốc. Các quy định đó gây ra nhiều nỗi lo ngại trên khắp khu vực, vì chúng có thể cản trở các quyền tự do đi lại trên Biển Đông. Mặc dù một số nhà quan sát cho biết các quy định chỉ áp dụng đối với tàu thuyền hoạt động trong vùng biển lãnh thổ 12 hải lý của đảo Hải Nam, nhưng Manila cho rằng các quy định đó là ý đồ của Trung Quốc nhằm áp đặt thẩm quyền hàng hải ở toàn bộ Biển Đông trong đường 9 đoạn, do đó trái với UNCLOS. Vì vậy Philíppin khẳng định nước này đã hết tất cả các giải pháp chính trị và ngoại giao với Trung Quốc và phán quyết bắt buộc của LHQ là lựa chọn duy nhất còn lại để giải quyết các tranh chấp của hai nước trên Biển Đông. 

Phản ứng của Trung Quốc?

Trung Quốc cho rằng quyết định đưa vấn đề tranh chấp lãnh hải ra tòa án LHQ của Manila là không đáng quan ngại. Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc cho biết khi một quan chức Philíppin trao công hàm cho Đại sứ Trung Quốc tại Manila Mã Khắc Thanh, bà nhắc lại quan điểm lâu nay của Trung Quốc: Trung Quốc có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với toàn bộ các đảo san hô ở Biển Đông và tranh chấp phải được giải quyết song phương. Ngày 23/1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lặp lại quan điểm này, nhưng cho biết thêm nguyên nhân gốc rễ của vấn đề là Philíppin chiếm đóng trái phép một số hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Rõ ràng hành động của Philíppin làm cho Trung Quốc bất ngờ, và các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng như các chuyên gia pháp lý có thể đang thận trọng cân nhắc các lựa chọn trước khi đưa ra phản ứng hơn nữa. Thậm chí nhiều tờ báo Trung Quốc, kể cả những tờ báo có quan điểm cứng rắn như Global Times vẫn im lặng khi họ chờ đợi đường lối chính thức của chính phủ. Quyết định của Chính phủ Philíppin rõ ràng gây ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Bắc Kinh. Nếu phớt lờ việc khiếu kiện của Philíppin, Trung Quốc có thể bị chỉ trích không cam kết với các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế và hệ thống quản lý toàn cầu trên cơ sở luật pháp. Hơn nữa, như những hành động của Trung Quốc tại Bãi đá Hoàng Nham năm 2012 cho thấy, phớt lờ khiếu kiện của Philíppin cũng có thể khẳng định Bắc Kinh thích sử dụng sức mạnh để giải quyết tranh chấp trên biển. Thậm chí nếu quyết định bỏ qua việc khiếu kiện đó, Bắc Kinh cũng không thể ngăn chặn tiến trình khiếu kiện tiếp tục.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi Philíppin nộp đơn khiếu kiện, Trung Quốc phải chỉ định một trọng tài viên nếu không ITLOS sẽ chỉ định một đại diện cho Trung Quốc. Nhưng nếu Bắc Kinh quyết định tham gia tranh tụng trước ITLOS, hành động đó sẽ đảo ngược chính sách kéo dài nhiều thập kỷ qua của Trung Quốc là không công nhận trọng tài quốc tế là một phương tiện để giải quyết các tranh chấp biên giới lãnh thổ và lãnh hải liên quan đến Trung Quốc và tạo nên một tiền lệ cho các trường hợp khiếu kiện khác trong tương lai. Ngoài ra, rõ ràng các chuyên gia luật pháp của Trung Quốc nhận thấy nhiệm vụ khó khăn mà họ sẽ đối mặt để thuyết phục tòa án rằng đường 9 đoạn là phù hợp với UNCLOS. Nếu ITLOS quyết định xét xử vụ kiện và ra phán quyết có lợi cho Philíppin, các quyết định đó sẽ mang tính bắt buộc nhưng không thể buộc các bên phải thi hành. Nhưng có lẽ Manila sẽ đạt được uy tín rất cao và đặt Trung Quốc vào thế phòng thủ. Vì vậy quyết định khởi kiện Trung Quốc lên trọng tài quốc tế của Philíppin mà không cần sự đồng ý của Trung Quốc sẽ khiến Bắc Kinh tức giận. Cuối năm ngoái, các quan chức Trung Quốc đặc biệt cảnh báo Chính quyền Aquino không được “quốc tế hóa” các tranh chấp bằng cách thảo luận vấn đề với các nước khác, không đưa tranh chấp ra các diễn đàn quốc tế hoặc trình tuyên bố chủ quyền của Philíppin lên LHQ. Philíppin đã bỏ qua lời cảnh cáo của Trung Quốc và đang theo đuổi cả 3 phương án. Trong thời gian tới, Bắc Kinh không những sẽ phát động một cuộc tấn công bằng các tuyên bố đối với hành động táo bạo của Manila mà còn có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế như hạn chế hàng nhập khẩu của Philíppin vào Trung Quốc và khách du lịch Trung Quốc đến Philíppin. Chính quyền Aquino dường như dự đoán trước phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc nên tuyên bố mặc dù Philíppin hy vọng tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhưng việc tăng cường quan hệ này sẽ không ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia. Ngoài ra, Trung Quốc có thể tăng cường quấy rối các tàu đánh bắt cá và tàu khảo sát của Philíppin trong những tháng tới. 

Phản ứng của Đông Nam Á?

Các nước ASEAN tỏ ra lạnh nhạt trước quyết định của Philíppin. Xinhgapo có phản ứng nước đôi. Ngày 23/1, Bộ Ngoại giao Xinhgapo tuyên bố mặc dù có nhiều lựa chọn khác nhau để các bên tuyên bố chủ quyền giải quyết các tranh chấp như đàm phán và đưa ra trọng tài quốc tế, nhưng Xinhgapo không khẳng định cách thứ hai là biện pháp thích hợp hay không. Xinhgapo cho biết, nước này chỉ biết việc khiếu kiện của Philíppin thông qua các phương tiện thông tin đại chúng vì Manila không tham khảo ý kiến của các nước thành viên khác. Tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Biên giới Quốc gia của Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Chiến trả lời các phương tiện truyền thông rằng Hà Nội tin tưởng các nước có quyền giải quyết các tranh chấp phù hợp với Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, kể cả UNCLOS. Mặc dù Việt Nam không muốn công khai ủng hộ Thông báo của Philíppin, nhưng Chính phủ Việt Nam đang lặng lẽ hoan nghênh tiến trình khiếu kiện của Philíppin, bởi vì Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi nhờ ITLOS phán quyết đường chín đoạn của Trung Quốc không có giá trị. Mặc dù các nước thành viên ASEAN thừa nhận Philíppin có quyền theo đuổi trọng tài pháp lý, nhưng một số nước sợ rằng quyết định khiếu kiện đó có thể gây hậu quả tiêu cực cho các mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Như đã đề cập ở trên, Trung Quốc sẽ có 30 ngày để chỉ định một trọng tài viên vào ban thẩm phán gồm 5 thành viên (Philíppin đã đề nghị một thẩm phán). Sau đó tòa án phải quyết định xem họ có thẩm quyền quyết định trường hợp khiếu kiện này không và quyết định đó có thể mất hơn một năm. Nhưng khi tiến trình pháp lý được triển khai, khả năng tranh chấp Biển Đông sẽ vấp phải nhiều vấn đề khó khăn hơn. 

Tác giả là TS. Ian Storey, Nhà nghiên cứu cấp cao, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore. Bài viết được đăng trên trang “Jamestown” (ngày 1/2).

Viết Tuấn (gt)