Trong những tháng gần đây, hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách ở Biển Đông đã đẩy căng thẳng khu vực lên một mức độ mới. Những bước đi đầy tính toán của Trung Quốc được thúc đẩy bởi cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Những yếu tố trên bao gồm việc tăng cường uy tín và quyền lực của chủ tịch Tập Cận Bình với nghị trình cải cách trong nước của ông Tập, cùng nhận định rằng Mỹ ít có khả năng can thiệp vào thời điểm này. Ngoài hành động công khai khẳng định yêu sách đối với Biển Đông, các tuyên bố chính thức và những phân tích pháp lý Trung Quốc đã thể hiện quyết tâm của nước này trong việc bảo vệ đường chín đoạn đầy tranh cãi Biển Đông.

Theo quan điểm của Trung Quốc, cách giải thích rõ ràng và trực tiếp nhất cho sự quyết đoán của nước này ở Biển Đông đơn giản: Việc Trung Quốc đơn phương kiềm chế trong quá khứ đã không giúp cải thiện vị thế của nước này trong tranh chấp Biển Đông đồng thời tạo điều kiện cho các bên yêu sách khác tăng cường sự hiện diện và các yêu sách. Bởi vậy, để cải thiện vị thế trong bối cảnh hiện tại hoặc trong các cuộc đàm phán tương lai, Trung Quốc trước hết phải thay đổi hiện trạng bằng mọi biện pháp cần thiết hiện có. Bắc Kinh lựa chọn triển khai lực lượng dân sự và bán quân sự trên biển nhưng không loại trừ việc sử dụng sức ép quân sự nếu cần thiết. Một vị thế thuận lợi và đặc quyền nhất định Biển Đông thành tố không thể thiếu đối với khát vọng trở thành “cường quốc biển của Trung Quốc, một “nhiệm vụ quan trọng” được nêu rõ trong Đại hội Đảng lần thứ 18 năm 2012 và chính sách được ông Tập về mặt cá nhân khá ủng hộ. Với tham vọng “Hạm đội Biển xanh” và việc mở rộng hoạt động của hải quân Trung Quốc bị giới hạn bởi các nút thắt dọc bờ biển phía đông từ Nhật Bản xuống tới Philippines, Biển Đông một khu vực biển rộng lớn và ít bị kiềm tỏa đối với hoạt động của hải quân.

Trong khi chính sách thay đổi nguyên trạng và tham vọng trở thành cường quốc biển đã hình thành từ một vài năm trước, thời điểm của những hành động gần đây của Trung Quốc lại liên quan chặt chẽ tới các vấn đề chính trị quốc nội - ông Tập cần một chính sách đối ngoại mạnh mẽ nhằm tăng cường quyền lực trong nước. Các nghị trình cải cách đang được thực hiện kể từ khi ông Tập đảm nhiệm vai trò lãnh đạo vào năm 2013, bao gồm “cải cách kinh tế sâu rộng” và chiến dịch “chống tham nhũng” mạnh mẽ, đã đụng chạm đến nhiều vấn đề nhạy cảm liên quan đến các nhóm lợi ích và giới lãnh đạo chính trị ở Trung Quốc. Vì vậy, ông Tập phải giành được uy tín trong chính sách đối ngoại càng nhiều càng tốt để xây dựng hình ảnh một người lãnh đạo mạnh mẽ, đồng thời xoa dịu những chỉ trích trong nước về các nghị trình khác nhau mà ông Tập thúc đẩy. Điều này không nhất thiết thể hiện hoặc chứng minh rằng ông Tập về cá nhân không tán thành chính sách ngoại giao quyết đoán, nhưng nó tăng thêm động lực dẫn đến việc hình thành chính sách đó.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Trung Quốc đang hành xử quyết đoán ở Biển Đông vì nước này tin rằng mình có thể làm vậy. Đánh giá này không chỉ dựa trên năng lực quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, vượt trội hơn so với tất cả các bên yêu sách khác ở Đông Nam Á cộng lại, mà dựa vào niềm tin mạnh mẽ rằng nước Mỹ sẽ không sử dụng sức mạnh quân sự để chống lại hành động của Trung Quốc. Trung Quốc đã theo dõi sát việc Mỹ do dự trong hành động can thiệp quân sự ở Syria, ở cả Ukraine, và rút ra kết luận rằng chính quyền Obama không muốn Mỹ bị cuốn vào một cuộc xung đột quân sự. Trung Quốc cho rằng chính quyền Obama không hề muốn trong di sản đối ngoại của mình một cuộc xung đột với Trung Quốc. Bất kể nói như vậy, Trung Quốc cũng hoàn toàn nhận thấy sự khác biệt giữa Ukraine, nước không phải là thành viên của NATO, và Philippines, một nước đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên, khi Trung Quốc nắm quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough năm 2012, Mỹ đã không có bất kỳ động thái gì. Ngoài ra, bà Fu Ying, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc tại thoại Shangri-La gần đây đã tuyên bố rằng, tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam “không liên quan gì với Mỹ.” Thông điệp ở đây là Việt Nam không phải đồng minh của Mỹ và khả năng Mỹ có hành động can thiệp quân sự với danh nghĩa của Việt Nam là hết sức xa vời, nếu không nói là không tồn tại.

Ngoài những hành động đơn phương để thay đổi hiện trạng, Trung Quốc cũng đang củng cố các lập luận về “đường chín đoạn” ở Biển Đông. Tại Đối thoại Shangri-La, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Trung tướng Vương Quán Trung đã trình bày sáu điểm chưa có tiền lề về tính hợp pháp của đường chín đoạn, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bắc Kinh quyết tâm duy trì yêu sách này. Điều này trái ngược với một vài năm trước khi giới ngoại giao và pháp lý của Trung Quốc vẫn còn tranh cãi về tính hợp pháp của đường lưỡi bò. Hiện nay các nhà phân tích Trung Quốc gần như nhất trí rằng Bắc Kinh cần giữ vững yêu sách đầy tranh cãi này.

Trung Quốc hiểu rất rõ những mâu thuẫn giữa đường chín đoạn và UNCLOS 1982, và nước này đã tập trung khá nhiều vào công tác nghiên cứu pháp lý để chứng minh lập luận về “quyền lịch sử”. Một số chuyên gia Trung Quốc tìm thấy sự biện minh ngay trong chính UNCLOS, đã tuyên bố rằng công ước này “không rõ ràng” và “không thể quyết định” các vấn đề về quyền lịch sử. Theo quan điểm của họ, UNCLOS không thể giải quyết được vấn quyền lịch sử và vấn đề này đang tiếp tục được bàn thảo. Một số chuyên gia khác thì cho rằng đường chín đoạn sẽ không được UNCLOS ủng hộ. Do đó, họ đang cố gắng tìm những cách biện giải khác ngoài UNCLOS, từ tập quán pháp quốc tế hay các quy tắc thông lệ. Cả hai trường phái đều lập luận rằng do đường chín đoạn có trước UNCLOS tới bốn thập kỷ và quyền lịch sử của Trung Quốc đã hình thành trước UNCLOS thậm chí còn lâu hơn nữa, do vậy UNCLOS không hiệu lực hồi tố để bác bỏ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền quản lý biển của Trung Quốc được hình thành trong lịch sử.

Trung Quốc cũng đang thận trọng cân nhắc việc nước này nên yêu sách những gì bên trong đường chín đoạn. Lý do của “sự mơ hồ chiến lược” có chủ ý này hết sức rõ ràng: Tạo thêm không gian và sự linh hoạt cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Đa phần các nhà phân tích Trung Quốc có xu hướng coi các vùng nước bên trong đường chín đoạn là Vùng Đặc quyền Kinh tế của Trung Quốc, mặc dù chính phủ vẫn chưa chính thức công khai công nhận quan điểm này.

Nhiều người trong giới ngoại giao Trung Quốc hiểu rõ điểm yếu của những lập luận pháp lý này. Tuy nhiên, những lập luận pháp lý dù chưa thuyết phục vẫn tốt hơn so với việc không biện minh gì cả, đặc biệt khi nó được hậu thuẫn bởi sức mạnh quốc gia và việc Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng sức mạnh đó. So sánh tương quan, nước này cho rằng có thể kiểm soát được cái giá phải trả về danh tiếng. Thực tế, trong phân tích được-mất của Trung Quốc, cái được thực sự của hành động cưỡng ép về cơ bản bù đắp được cái mất. Xét cho cùng, Trung Quốc có những cách thức khác - chủ yếu là kinh tế - để cải thiện quan hệ với Đông Nam Á trong khi yêu sách của nước này ở Biển Đông khó có thể đạt được thông qua các phương thức khác ngoại trừ sự cưỡng ép. Bên cạnh đó, Trung Quốc không chấp nhận các cơ chế giải quyết tranh chấp theo quy định của UNCLOS. Vì vậy, ngay cả khi tòa trọng tài ủng hộ yêu sách của Philippines, Trung Quốc sẽ không chấp nhận kết quả và quả thực sẽ rất khó, nếu không muốn nói là hoàn toàn không thể, việc tòa án có thể thực thi phán quyết của mình.

Dù các quốc gia khác có muốn hay không, Trung Quốc đang đạt được những gì mà nước muốn. Những diễn biến mới trong toan tính và lập trường của Trung Quốc phải được các quốc gia trong khu vực nhìn nhận đúng đắn và đưa ra phản ứng kịp thời, đặc biệt là nước Mỹ.

Yun Sun là nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Stimson. Bài viết đăng trên “East west center” (ngày 10/6).

Người dịch: Mỹ Anh