Sau Chiến dịch Bão táp Sa mạc của Mỹ năm 1991, cố Thiếu tướng Vladimir Slipchenko đã đưa ra nhóm từ "chiến tranh thế hệ thứ sáu" để đề cập đến các vấn đề của cuộc chiến tranh thông thường và sự phát triển của các hệ thống tấn công chính xác có thể tiêu diệt hàng loạt đối phương và yêu cầu phát triển các phương tiện gây ảnh hưởng toàn diện có chiều sâu nhằm đối phó với cuộc chiến tranh của các hệ thống vũ khí. Tướng Slipchenko đã xem xét cuộc cách mạng về vấn đề quân sự của cựu Nguyên soái Ogarkov với các loại vũ khí được dựa trên cơ sở các nguyên tắc vật chất mới và nhận thấy Bão táp Sa mạc là dấu hiệu đầu tiên của những khả năng như vậy. Ông không tin cuộc “chiến tranh thế hệ thứ sáu” đã bộc lộ đầy đủ các tác động của nó, nhưng ông tin nó thay thế “cuộc chiến tranh thế hệ thứ năm” được ông xác định là cuộc chiến tranh hạt nhân và phát triển thành một sự bế tắc chiến lược, từ đó buộc phải sử dụng đòn tấn công hạt nhân đầu tiên-một biện pháp chắc chắn dẫn đến hủy diệt. Trong tài liệu cuối cùng, Tướng Slipchenko đánh giá lại cuộc “chiến tranh thế hệ thứ sáu” là sự phát triển khả năng tiến hành các chiến dịch quân sự không tiếp xúc, ở khoảng cách xa và cuộc xung đột như vậy sẽ đòi hỏi quân đội phải tiến hành các cải cách lớn, ông đề nghị thúc đẩy vai trò của C4ISR (Hệ thống chỉ huy kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính tình báo, giám sát và do thám) để tiến hành các chiến dịch như vậy. Các chuyên gia Nga tranh luận nhiều về cuộc “chiến tranh thế hệ thứ sáu” và khả năng áp dụng của nhóm từ đó. Thậm chí năm 2005, Tướng Makhmut Gareev và Tướng Slipchenko đã tranh cãi với nhau về tính thực tiễn của nó. Sau khi ông Slipchenko từ trần, cụm từ tiếp tục được sử dụng và cải tiến. Năm 2010, ông Mikhail Rastopshin sử dụng cụm từ để chỉ trích những người yêu cầu việc sẵn sàng chiến đấu cao hơn trong khi Lực lượng Vũ trang Nga gần như không chuẩn bị tiến hành các hoạt động tác chiến hiện đại.

Lực lượng Mỹ và NATO đã được trang bị các công cụ của cuộc “chiến tranh thế hệ thứ sáu”, trong khi đó lực lượng vũ trang Nga thì không. Ông Rastopshin tố cáo ông Voennaya Mysl, giám đốc nhà xuất bản quân sự hàng đầu của Nga về học thuyết quân sự, không đánh giá đúng các đề nghị của cuộc “chiến tranh thế hệ thứ sáu” và không gửi các kiến nghị sáng suốt cho Bộ Tổng tham mưu Nga khi cơ quan này tìm cách áp dụng "cái nhìn mới" vào hoạt động quân sự. Do thiếu các hệ thống vũ khí thông thường hiện đại để tiến hành cuộc chiến tranh không tiếp xúc, khoảng cách xa, quân đội Nga chủ yếu dựa vào các vũ khí hạt nhân phi chiến lược để ngăn chặn các cuộc chiến tranh khu vực ảnh hưởng đến phạm vi lãnh thổ của Nga. Gần đây, các phương tiện truyền thông của Nga đã thu hút sự quan tâm của dư luận về cuộc “chiến tranh thế hệ thứ sáu”. Phóng viên quân đội Viktor Miasnikov đã liệt kê 10 sự kiện quân sự lớn trong năm 2011 trên một tạp chí quân sự, trong đó có cả những thay đổi của các chế độ lâu nay vẫn trung thành với Mỹ trong Mùa Xuân Arập; cuộc chiến tranh tại Libi và trò của NATO trong cuộc chiến; những vấn đề ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ/NATO-Nga liên quan đến kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu; Nga hoàn thành kế hoạch triển khai hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GLONASS); chấm dứt cuộc nội chiến ở Cốtđivoa; bắt đầu chương trình cải cách của Bundeswehr, liên quan đến sự chuyển đổi thành lực lượng tự nguyện sẵn sàng tiến hành các chiến dịch viễn chinh và chống khủng bố; các cuộc thử nghiệm thành công loại vũ khí bay nhanh hơn tiếng động 5 lần đầu tiên của Mỹ: Falcon HTV-2; việc trao đổi tù nhân giữa Hạ sĩ Gilad Schalit của quân đội Ixraen lấy 1.027 tù nhân Palextin; lực lượng đặc nhiệm Mỹ bao vây tiêu diệt Osama bin Laden; và Iran bắt được máy bay trinh sát điện tử không người lái hiện đại của Mỹ: RQ-170. Về cuộc chiến tranh tương lai: chương trình phòng thủ tên lửa, GLONASS, các vũ khí tấn công toàn cầu bay nhanh hơn tiếng động 5 lần, và máy bay không người lái bị bắt giữ, tất cả là các lĩnh vực của cuộc “chiến tranh thế hệ thứ sáu”. Mỹ đề nghị thúc đẩy chương trình phòng thủ tên lửa nhằm đối phó với tên lửa đạn đạo của các nước kẻ thù, nhưng Nga phản đối sử dụng hệ thống như vậy vì sợ phá hủy giá trị răn đe của các vũ khí hạt nhân tấn công chiến lược của nước này. Hoàn thành và hiện đại hóa GLONASS, một trong những ưu tiên cao của Chính quyền Putin, đã mang lại cho Nga khả năng định vị toàn cầu nhằm hỗ trợ các hệ thống vũ khí tấn công chính xác. Thử nghiệm thành công vũ khí Falcon HTV-2 của Mỹ, một vũ khí nhanh hơn tiếng động 5 lần được triển khai từ một tên lửa đạn đạo và phóng một số vũ khí tấn công chính xác thông thường vào mục tiêu là một bước quan trọng tiến tới khả năng Tấn công Toàn cầu Nhanh chóng Thông thường của Mỹ-biểu hiện của cuộc chiến tranh không tiếp xúc, ở khoảng cách xa. Về việc bắt giữ chiếc máy bay trinh sát không người lái RQ-170 của Iran, ông Miasnikov cho biết, các phương tiện không động lực đã bắn rơi chiếc máy bay không người lái và Iran có ý định cùng với Nga và Trung Quốc nghiên cứu các hệ thống của loại máy bay này. 

Ngoài việc liệt kê những sự kiện quân sự lớn trong năm 2011, ông Miasnikov còn xem xét tài liệu "Những vấn đề ổn định chiến lược" của ông Andrei Kokoshin. Ông khẳng định, thực tiễn quan trọng của răn đe hạt nhân là: "Các loại vũ khí đắt giá nhất sẽ không được sử dụng trong một cuộc chiến tranh thực sự". Ông cho biết, ông Kokoshin là một học giả quân sự và một chính khách đã góp phần phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, sử dụng nhiên liệu lỏng, trang bị đầu đạn đa năng R-29MU2 "Lainer" và Topol M, đã được thử thành công năm 2011. Cũng như hầu hết các nhà nghiên cứu chiến lược khác, ông Kokoshin coi các vũ khí hạt nhân là yếu tố quan trọng của sự ổn định chiến lược trong thế giới hiện nay. Chúng không thể được sử dụng trong tác chiến như các phương tiện nhằm đạt được các mục đích quân sự, mà chỉ để răn đe các nước khác không phát động chiến tranh. Những nguy cơ chủ yếu của các loại vũ khí hạt nhân là sử dụng bất ngờ hoặc bừa bãi. Ông nhấn mạnh sau khi xem xét tất cả các lĩnh vực liên quan đến các vấn đề hạt nhân đối với con người: "Một sai lầm có thể gây thiệt hại trên phạm vi toàn cầu". Kết luận này bao gồm cả mối đe dọa khi bọn khủng bố sử dụng các loại vũ khí hạt nhân hoặc các nhiên liệu hạt nhân. Ông Kokoshin dành toàn bộ chương 15 để đề cập đến: "Suy nghĩ về một số biện pháp nhằm hiện đại hóa cơ cấu tổ chức và thành phần của lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga và phát triển khả năng tồn tại trong tác chiến của lực lượng này". Do ổn định chiến lược liên quan đến hành động đơn phương và đa phương của nhiều nước, ông Kokoshin kêu gọi các nhà khoa học và các chuyên gia đưa ra các hình thức khác nhau về việc sử dụng lực lượng vũ trang của tất cả các bên và mối quan hệ chính trị-quân sự, liên kết hành động mà không trực tiếp sử dụng sức mạnh quân sự. Một ví dụ của tiến trình hành động như vậy là quyết định phát triển loại vũ khí Topol-M để đối phó với Sáng kiến phòng thủ tên lửa chiến lược của Mỹ. Vũ khí Topol-M là bước đột phá được phát triển trong điều kiện khó khăn nhất và liên quan đến các đổi mới quan trọng về công nghệ của ICBM (tên lửa đạn đạo xuyên lục địa). Chương trình thử nghiệm chuyến bay của nó là một trong những thành công vững chắc. Ông Kokoshin cho biết các công nghệ hiện đại đã biến Topol-M thành một vũ khí chống các hệ thống phòng thủ tên lửa. Tiến bộ tương tự trên các tàu ngầm yên lặng đã làm tăng khả năng tồn tại của chúng và giảm bớt giá trị của các thiết bị phát hiện tàu ngầm trong Chiến tranh chống ngầm của Mỹ (US ASW). Tương tự, mẫu đầu tiên trong thập kỷ 1980 của ICBM Kur cơ động, nhiều đầu đạn, sử dụng nhiên liệu rắn, loại nhỏ, tạo cơ sở cho tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander hiện có thể được phát triển như một ICBM.

Nga cũng có thể xem xét lại loại ICBM mang nhiều đầu đạn, sử dụng nhiên liệu lỏng, loại nhỏ e-R của Kop do Cục thiết kế Iuzhnoe phát triển. Ông Kokoshin cũng đề nghị Nga duy trì một số tên lửa ICBM, sử dụng nhiên liệu lỏng, hạng nặng, trang bị các đầu đạn cơ động, cất giấu trong các hầm được bảo vệ kiên cố kèm theo các hầm giả để đánh lừa đối phương. Một thành phần nữa mà ông Kokoshin xem xét để chuẩn bị phát triển là các tên lửa ICBM phóng từ trên không. Nga không phải một nhà quan sát thụ động các phát triển. Tầm quan trọng của cuộc thử nghiệm vũ khí Falcon HTV-2 của Mỹ cho thấy bằng chứng về khái niệm của các vũ khí siêu thanh được trang bị các đầu đạn thông thường hiện đại. Nga cũng đang phát triển theo hướng đó. Tháng 7/2011, một tài liệu của Nga đề cập đến vấn đề đổi mới của hải quân trong nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí xác định các vũ khí nhanh hơn tiếng động 5 lần và tấn công động năng là lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Đồng thời Nga và Ấn Độ đã và đang hợp tác phát triển tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân tầm thấp BrahMos siêu thanh và tàng hình. Tên lửa BrahMos-2, có tốc độ bay 6.000 km/giờ và tầm bắn 290 km, sẽ được thiết kế để phóng từ trên không bằng máy bay chiến đấu hiện đại Su-30. Tháng 10/2011, các nguồn của Nga cho biết các chuyến bay thử đầu tiên của tên lửa BrahMos-2 sẽ được tiến hành trong năm 2012. Tháng 12/2011, Quỹ Skolkovo xác định một trong những dự án phát triển đầu tiên có tác động quân sự rõ ràng theo hướng đổi mới là: phát triển một động cơ siêu thanh cho loại tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân tầm thấp. Việc Iran có khả năng chia sẻ với Nga và Trung Quốc công nghệ của máy bay không người lái tàng hình RQ-170 sẽ giúp hai nước thúc đẩy các tiến bộ trên lĩnh vực này. Cuối cùng, việc triển khai GLONASS để tạo khả năng quan sát toàn cầu của Nga cho thấy lực lượng phòng thủ không gian vũ trụ của Nga đã có hệ thống định vị toàn cầu mà Mỹ đạt được sau khi triển khai công cụ Navstar GPS và đưa vào hoạt động đầy đủ năm 1994. Rõ ràng, trong năm 2011, Nga đã thúc đẩy một số biện pháp của cuộc “chiến tranh thế hệ thứ sáu”. Nga dường như cam kết đầu tư hơn nữa vào các lĩnh vực này nhằm đạt được sự ổn định chiến lược trong kỷ nguyên mới./.

 Theo Jamestown (25/1)

Vũ Hiền (gt)