Được tiến hành tại bang Queensland, Talisman Sabre năm nay có nhiều điểm đáng chú ý về quy mô và hoạt động trong bối cảnh các nước lớn và trung cường tăng cường hiện diện tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Quy mô giảm, số nước tham gia tăng

Nhân sự tham gia Talisman Sabre năm nay bị thu hẹp so với 2019. Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Úc, hơn 17.000 binh sĩ của 7 nước sẽ tham gia gia diễn tập. Trong đó, Úc đóng góp số binh sĩ lớn nhất (8.300 người), kế tiếp là Mỹ (8.000 người). Năm 2019, tổng số binh sĩ tham gia là 34.000 người. Như vậy, số lượng binh sĩ giảm đi khoảng một nửa. Điều này là dễ hiểu trong bối cảnh COVID-19. Nhiều tập trận khu vực khác năm nay, như tập trận Balikatan Mỹ - Philippines hay tập trận Mỹ - Hàn, cũng giảm bớt số binh sĩ vì lý do tương tự.

Tuy nhiên, số lượng các nước tham gia hoạt động trực tiếp lại tăng lên. Talisman Sabre 2019 có 18 nước tham gia nhưng chỉ có Nhật Bản, Anh, Canada và New Zealand phối hợp hoạt động trong khi Ấn Độ và Hàn Quốc đóng vai trò quan sát viên. Năm nay, dù tổng số nước liên quan giảm (11), số quan sát viên tăng thêm 3 nước (Indonesia, Đức và Pháp) và số các nước phối hợp hoạt động tăng thêm 1 nước (Hàn Quốc).

Việc Hàn Quốc nâng cấp tham dự, từ quan sát lên tham gia trực tiếp với 230 binh sĩ và tàu khu trục nặng hơn 4.000 tấn, là điều rất đáng chú ý. Khi được hỏi, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Boo Seung-chan khẳng định hoạt động của Hàn Quốc tại Talisman Sabre không nhằm vào một quốc gia cụ thể. Tuy nhiên, một số ý kiến học giả cho rằng đây là phản ứng trước hành xử của Trung Quốc trong khu vực. Hàn Quốc gần đây cũng có những động thái chứng tỏ thái độ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc, điển hình là việc tuyên bố Thượng đỉnh Mỹ - Hàn tháng 5/2021 lần đầu đề cập đến vấn đề an ninh eo biển Đài Loan, kêu gọi duy trì tự do hàng hải tại Biển Đông và phản đối các hành động làm tổn hại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Ngoài ra, tất cả các nước thành viên Quad (Bộ Tứ) đều tham gia Talisman Sabre (dù Ấn Độ chỉ đóng vai trò quan sát viên). Nhật Bản và New Zealand lần đầu gửi quân tới tập trận này vào năm 2015. Canada tham gia năm 2017. Với sự phối hợp trực tiếp của Hàn Quốc năm nay, Talisman Sabre ngày càng giống mô hình của Quad mở rộng (Quad +) hơn.

Hoạt động mới trong tập trận

Điểm đáng chú ý thứ hai trong Talisman Sabre năm nay là việc Mỹ lần đầu phóng tên lửa đất đối không Patriot trên lãnh thổ Úc. Được biết, hoạt động này được đề xuất từ năm 2009 nhưng đến năm nay mới được triển khai và đây cũng là hoạt động chính trong tập trận 2021. Có thể suy luận rằng, Úc đã thay đổi đánh giá về nguy cơ phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng tên lửa. Điều này cũng tương tự với nhận định gần đây của Nghị sỹ Úc Jim Molan rằng quân đội Úc chưa có đủ năng lực ứng phó trong trường hợp chiến tranh khu vực và cần chuẩn bị cho khả năng bị tên lửa tấn công nếu xung đột Mỹ - Trung bùng phát.

Ngoài ra, Mỹ cũng trình diễn bắn đạn thật từ hệ thống Pháo phản lực cơ động cao (HIMARS). Theo một số nguồn tin năm 2020, Úc đang xem xét để mua hệ thống này từ Mỹ.

Trung Quốc phản ứng “bất thường”?

Quân đội Úc ngày 17/7 xác nhận thông tin tàu trinh sát Trung Quốc lớp 815 đang hướng về phía Queensland (nơi tổ chức tập năm nay). Phản ứng này có thể lường trước được: Talisman năm 2017, Trung Quốc điều tàu cùng lớp 815 tới thu thập thông tin; Năm 2019, Trung Quốc cũng có động thái tương tự (nhiều nguồn tin cho biết Trung Quốc chủ yếu muốn thăm dò Nhật Bản phối hợp với Úc và Mỹ ra sao); Ngoài ra, tàu lớp 815 cũng được Trung Quốc triển khai tới do thám các hoạt động khác của Mỹ như Pacific Rim 2018 (sau khi Trung Quốc bị Mỹ loại khỏi danh sách tham dự do hoạt động quân sự hóa Biển Đông) hay diễn tập tên lửa của Mỹ ngoài khơi Alaska năm 2017.

Điểm “bất thường” năm nay là Trung Quốc điều 2 tàu chiến lớp 815 – tàu Hải Vương Tinh và Thiên Vương Tinh – tới do thám (các lần khác chỉ cử 1). Trong khi đó tập trận Talisman Sabre năm nay có quy mô chỉ bằng một nửa năm ngoái về số binh sĩ. Điều này có thể cho thấy, hoặc TQ muốn khẳng định mạnh mẽ hơn năng lực giám sát quân sự của mình tại khu vực, hoặc TQ đang cảm thấy sức ép lớn hơn từ Mỹ và đối tác.

Ngoài ra, các hoạt động này của tàu Trung Quốc thường diễn ra tại vùng biển quốc tế hoặc trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Úc. Điều 58 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) quy định các nước có quyền tự do hàng hải tại vùng biển quốc tế hoặc vùng EEZ của các nước ven biển và do vậy, hoạt động của Trung Quốc tại đây là không phi pháp và phía Mỹ cũng từng thừa nhận điều này. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn thường chỉ trích các hoạt động của Mỹ trong vùng EEZ của mình (điển hình là vụ tàu Trung Quốc áp sát tàu Impeccable Mỹ năm 2009) hoặc trong các vùng 12 hải lý của các thực thể còn tranh chấp trên Biển Đông.

Đỗ Hoàng, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả