Phần Hỏi – Đáp Phiên 2 Ngày 1 – Vai trò của các Lực lượng trên biển ở Biển Đông

 

1.    Câu hỏi của Ernest Z. Bower

Liệu các học giả có thể cho biết quan điểm của quốc gia mình về đề xuất mở rộng vai trò của Nhật Bản trong an ninh khu vực – phải chăng Nhật Bản đã và đang đóng một vai trò ngày càng chủ động hơn trong khu vực và các học giả có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

Phillip C. Saunders

Theo tôi, đó là điều không tốt.

Carlyle Thayer

Việt Nam đã tuyên bố hoan nghênh bất kì quốc gia nào, gồm cả Mỹ và Nhật, đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định khu vực. Vì vậy, miễn là Nhật đóng góp tích cực, Hà Nội sẽ hoan nghênh.

Christian Le Mière

Tôi nghĩ Manila cũng có thái độ tương tự mặc dù quan hệ giữa Nhật và Philippines khá trắc trở sau Thế chiến II. Manila có lẽ cũng muốn một đối tác có thế lực mạnh, để Philippines có thể dựa dẫm, tìm kiếm hỗ trợ về thiết bị, xây dựng năng lực…

Ernest

Ông Chris, liệu Nhật Bản có đóng vai trò quan trọng đối với Philippines trong lĩnh vực tăng cường hiểu biết các vấn đề liên quan đến biển hay không? Theo tôi biết thì Nhật Bản có đóng vai trò nhất định, ông có thể cho biết ý kiến?

Chris

Tôi nghĩ đó mới chỉ là giai đoạn đầu. Tôi không có đầy đủ thông tin về vấn đề này. Tuy nhiên, theo tôi biết, nhận thức về biển là lĩnh vực mà Philippines rất mong muốn củng cố. Philippines cũng đã bàn bạc vấn đề này với Nhật. Cụ thể về việc Nhật có các khoản cho vay hay triển khai hoạt động các thiết bị như thế nào thì tôi vẫn chưa rõ.

TS. Shahriman Lockman

Hoan nghênh các câu hỏi nói chung, nhưng tôi nghĩ không nên liên hệ Biển Đông với Biển Hoa Đông, hai vấn đề này nên được tách rời.

 

2.    Câu hỏi của Tiến sĩ Donovell

 

Tôi là TS. Donovell, là chuyên gia phân tích địa chính trị. Thưa giáo sư Saunders, ông có thể cho biết về vai trò trong tương lai của hạm đội tàu sân bay Mỹ trong bối cảnh công nghệ chống tàu (anti-ship) của Trung Quốc đang phát triển?

 

Phillip C. Saunders

Đó là một vấn đề với Mỹ. Đó không chỉ là vấn đề về chức năng của tên lửa đạn đạo chống tàu mà đó là một mối đe dọa về nhiều mặt, dưới dạng các tàu ngầm thông thường, tên lửa hành trình tối tân cũng như các tên lửa đạn đạo chống tàu.

Hải quân Mỹ cần phải nỗ lực rất nhiều để tìm ra cách đối phó với vấn đề này, trong đó tên lửa đạn đạo là mối đe doạ mới nhất cần chú ý. Trung tâm của tôi mới xuất bản một cuốn sách về tên lửa hành trình của Trung Quốc, trong đó làm nổi rõ nhiều cách thức mà chúng có thể đe dọa các tàu sân bay Mỹ .

Có một số giải pháp được đưa ra, phần lớn trong số đó bao gồm việc cố gắng đưa các lực lượng Mỹ về tuyến sau, ra khỏi phạm vi hoạt động của các tên lửa hành trình Trung Quốc, và Hải quân Mỹ đang theo đuổi các cách thức này. Tôi muốn bổ sung rằng, về mấu chốt, các cách thức này nhằm giảm thiểu các thách thức trong môi trường hoạt động của tàu sân bay của Mỹ, và có nhiều điều chúng ta có thể làm để hạn chế các thách thức này. Mấu chốt là khi ta bước vào vùng “tiêu diệt” (threat envelope – đây là khu vực nằm trong hệ thống ngắm bắn hiệu quả nhất của đối phương. Khi ở vùng này, khả năng bị bắn trúng ở ngay lần đầu tiên là rất cao – ND) của một hệ thống vũ khí nào đó, luôn luôn tồn tại hiểm họa. Tôi nghĩ đó là câu hỏi mà các tư lệnh hải quân Thái Bình Dương (PACOM) phải cân đo: làm thế nào để cân bằng những gì mình muốn đạt được với việc phòng bị cho những rủi ro khi triển khai kế hoạch mà Mỹ đặt ra.

3.    Câu hỏi từ Chris Cerrone, trường Đại học Quốc phòng Mỹ

Tôi có hai câu hỏi. Một là, theo các học giả, các diễn biến gần đây tại Châu Á-Thái Bình Dương có phải là biểu hiện của một cuộc chạy đua vũ trang hay không? Hiện đang có tình trạng các nước Châu Á-Thái Bình Dương không ngừng đẩy mạnh tăng cường vũ trang – liệu điều này có đang tạo ra một vòng xoáy về chạy đua vũ trang, hay việc tìm cách hiện đại hoá quân sự của các nước trong khu vực chỉ là chiều hướng phát triển bình thường?

Hai là, các học giả đã tập trung khá nhiều vào “phần cứng”. Liệu các học giả có thể đề cập một chút về “phần mềm”, ví dụ như huấn luyện, do thám và giám sát tình báo (intelligence, surveillance and reconnaissance - ISR), (tăng cường năng lực) chỉ huy, kiểm soát…

 

Chris

Về vấn đề chạy đua vũ trang, đây là nội dung tôi hay nhắc đến gần đây. Tôi thường tránh dùng cụm từ “chạy đua vũ trang” hơn những người khác bởi tôi nghĩ cụm từ này có vẻ mang gánh nặng tư tưởng cũ.

Rõ ràng là các nước Đông Á hiện nay đang có cạnh tranh lẫn nhau về việc trang bị quân sự và chắc chắn là các bước đi của các nước trong khu vực có những liên hệ nhất định: Việc Việt Nam mua 6 tàu ngầm kilo có thể chỉ là nỗ lực thông thường của một nước đang phát triển nhằm tăng cường năng lực trong lĩnh vực tàu ngầm, nhưng đặt trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng chiếm ưu thế trên mặt biển và các nước khác cũng mua thêm tàu ngầm thì điều này rõ ràng thể hiện phản ứng đối với ưu thế đang gia tăng của Trung Quốc trên mặt biển.

Thế nhưng, các phản ứng khác cũng đáng xem xét: tại sao Malaysia cần mua 2 tàu ngầm? Có thể điều này là không cần thiết, nhưng Malaysia lại muốn mua các tàu ngầm này vì Singapore cũng có 4 tàu ngầm… Vì vậy, các đối địch giữa bản thân các nước khu vực cũng châm ngòi các thương vụ quân sự, và như Shahriman (Lockman) đã nói, điều này cũng có thể liên quan đến các vấn đề an ninh nội bộ của khu vực.

Vì vậy đây chưa hẳn là chạy đua vũ trang khi phần lớn chi tiêu quốc phòng của các nước khu vực, tính theo tỷ lệ so với GDP, đều không tăng lên đáng kể. Nhật Bản đã quyết định tăng chi tiêu quân sự lần đầu tiên sau hơn một thập kỉ, tuy nhiên mức chi tiêu này vẫn chỉ loanh quanh 1% GDP mà thôi. Nhật tuyên bố sẽ tăng lên 5% trong vòng 5 năm tới nhưng đây cũng không phải một cuộc chạy đua gì cho lắm.

Vậy nên, theo tôi, thật khó để nói về một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực khi không có nhân tố nào thực sự chạy đua ngoài Trung Quốc. Cạnh tranh giữa Trung Quốc và các nước láng giềng cũng như giữa Trung Quốc và Mỹ là không cân xứng. Tôi nghĩ, trong tương lai, khả năng chạy đua vũ trang về dài hạn giữa Mỹ và Trung Quốc là có, nếu như quan hệ song phương xấu đi và cạnh tranh tăng lên. Tuy nhiên, trong thời điểm này, tôi sẽ không dám dùng cụm từ “chạy đua vũ trang” mà chọn cụm từ “cạnh tranh mua bán quân sự” giữa các nước trong khu vực.

Carlyle Thayer

Có một định nghĩa về chạy đua vũ trang là hai quốc gia phải coi nhau là địch thủ, vắt cạn nguồn lực để cạnh tranh, để đối đầu lẫn nhau. Theo quan niệm lịch sử này, theo tôi khu vực Châu Á-Thái Bình Dương không có chạy đua vũ trang.

Về “phần mềm”

Shahriman Lockman

Về vấn đề tập huấn, hợp tác giữa Malaysia và Mỹ đang gia tăng tương đối nhanh. Năm 2003, có 6 chuyến thăm của hải quân Mỹ nhưng đến trước năm 2011, con số này đã tăng lên hơn 30. Hầu hết, trong mỗi lần viếng thăm, chúng tôi đều có tập huấn chung. Chúng tôi (Malaysia) cũng đang hợp tác khá thường xuyên với Không quân Mỹ. Lần đầu tiên Mỹ triển khai máy bay F-22 ngoài Mỹ là ở Penang, Malaysia (Mỹ đã triển khai ở Nhật trước đó, nhưng trong phạm vi căn cứ quân sự Mỹ). Điều này cho thấy mong muốn xây dựng năng lực phòng không của Mỹ tại đây. Đó chính là phần “mềm” mà Mỹ đang tiến hành.

Carlyle Thayer

Về vấn đề các tàu ngầm nâng cấp của Việt Nam, như một tướng Úc (đã nghỉ hưu) nhận định, các kĩ thuật viên của Liên Xô có thể đã ở trên tàu Kilo nhiều năm, ít nhất là 5 năm. Vấn đề ở đây là việc thông tin liên lạc. Nếu các vị có theo dõi truyền thông của quân đội Việt Nam như tờ Quân đội Nhân dân – là một nguồn công khai – thì sẽ thấy là Việt Nam có rất ít các cuộc tập trận quân sự chung. Khi một (chiến đấu cơ) Sukhoi triển khai hoạt động với một tàu hải quân Việt Nam– đây là sự kiện được đưa tin rộng rãi – trong các cuộc tập trận bắn tên lửa riêng của Việt Nam, các nguồn tin tình báo sẽ chỉ ra đây là lĩnh vực quan trọng để phát triển tại Đại hội Đảng gần đây nhất (năm 2011). Việt Nam chuẩn bị có vệ tinh đầu tiên, nhưng không phải vệ tinh quân sự mà chỉ là vệ tinh thông thường và cần phải gắn vào các thiết bị khác để hoạt động. Việt Nam cũng đang nỗ lực phát triển vệ tinh SIGINT của mình, nhưng tất cả dĩ nhiên là vẫn ở mức khởi đầu.

Theo phương trình “Lancaster” – phương trình đo đạc mức độ mà các cải tiến quân sự thực sự được tích hợp vào hạ tầng cứng – thì nếu ta làm một biểu đồ so sánh hải quân Việt Nam với hải quân các nước khác, rất khó để nhìn thấy phần biểu thị mức độ mà các cải tiến quân sự được tận dụng trong trường hợp của Việt Nam.

Thế nên đối với Việt Nam, chỉ có các thiết bị từ Liên Xô là phù hợp. Ấn Độ là một lựa chọn khác cho tập huấn, đặc biệt là tập huấn lính hải quân (hiện giờ có khoảng 500 lính hải quân tập luyện tại Ấn). Việt Nam đang “đặt trứng vào 2 rổ”: Ấn và Nga. Việt Nam từng “đặt” cả vào Ucraina nhưng bây giờ điều đó là không thể.

4.    Câu hỏi từ đại biểu thuộc trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS)

Tôi có hai câu hỏi ngắn cho giáo sư Saunders. Một là, rõ ràng khả năng về các hoạt động lưỡng năng (amphibious – cả trên cạn và dưới nước) của lực lượng quân đội nhân dân Trung Quốc (PLA) không được đề cập nhiều mặc dù hầu hết các nguồn lực này đang được triển khai tại Biển Đông và ngày càng phát triển mạnh, đồng thời PLA cũng có một lực lượng lưỡng năng dự phòng lớn. Vậy thì vị trí của các lực lượng lưỡng năng này là như thế nào trong chiến lược tại Biển Đông của PLA?

Hai là, câu chữ trong hiệp ước an ninh giữa Mỹ và Philippines có đề cập cụ thể đến “tàu công vụ” (public vessel) – điều có thể được giải thích là “tàu hải quân” hoặc “tàu hải giám”. Liệu Trung Quốc có nhận thức được điều này và nếu có, liệu Trung Quốc có tiết chế chiến lược của mình khi xảy ra các đụng độ như các trường hợp gần đây với Việt Nam?

Phillip C. Saunders

Tôi sẽ nói ngắn gọn về phần các lực lượng lưỡng năng. Đây là lĩnh vực ngày càng nhận được nhiều quan tâm, gồm cả vấn đề về huấn luyện năng lực này. Đồng nghiệp của tôi, giáo sư Chris Young, là một chuyên gia về các hoạt động “lưỡng năng”, người có thể cho ông một câu trả lời thỏa đáng hơn nếu ông muốn hỏi ông ta trong giờ giải lao. Tuy vậy, nhìn chung thì tôi nghĩ rằng Hải quân đang cố gắng phát triển năng lực trong lĩnh vực này và hiển nhiên là điều này có hệ lụy ở cả ở Biển Đông cũng như các khu vực khác. Biển Đông là một trọng tâm của khu vực và nhiều diễn biến đang xảy ra tại đây.

Về hiệp ước an ninh, tôi chưa có cơ hội được đặt ra câu hỏi cụ thể như vậy. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc biết rõ điều này. Chúng ta nên kiềm chế các hoạt động của Trung Quốc (bằng cách gây áp lực) tới mức độ nào? Đó là một câu hỏi khó. Tôi nghĩ Trung Quốc đang cố giữ tình hình dưới một ngưỡng nhất định, cố đẩy Mỹ ra khỏi các tranh chấp bằng cách vừa duy trì quan hệ ngoại giao với Mỹ, vừa tự kiểm soát hành động của mình để tránh vượt qua giới hạn và tạo điều kiện cho Mỹ nhảy vào.

Carlyle Thayer

Tôi muốn bổ sung là hiệp ước Mỹ - Philippines sử dụng các ngôn từ giống hệt ngôn từ trong hiệp ước Mỹ - Úc. Tôi nghĩ vấn đề không nằm ở cụm từ “tàu quân sự” mà nằm ở việc sử dụng cụm từ “trong Thái Bình Dương”. Mỹ được coi là cũng đã giải thích rõ ràng là hiệp ước có bao gồm Biển Đông. Thế nhưng, hiệp ước được kí năm 1951, trước khi Philippines đưa ra tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Điều này dẫn đến những mập mờ trong cách hiểu. Tuy vậy, các câu chữ là hoàn toàn giống nhau. Như tôi đã nói với những người Philippines chỉ khăng khăng với quan điểm riêng của họ trước khi Philippines tiến hành hiện đại hoá quân sự, “Bạn hiểu đồng minh thế nào thì nó là thế ấy.” Đối với Mỹ, vấn đề là bạn có thể mang lại được những gì. Nói cách khác, ví dụ như Úc, bản phải tự trả một phần chi phí, tự xây dựng quân đội để tạo ra một cam kết liên minh tốt.

Christian Le Miere

Tôi đồng ý với Phillip và tôi nghĩ rằng không thể khẳng định liệu Trung Quốc có thực sự chắc chắn với cơ sở của mình không nhưng họ đang chơi một canh bạc có tính toán rằng, Mỹ sẽ không can thiệp quân sự rõ rệt trong trường hợp tàu dân sự hay tàu hải giám Trung Quốc quấy rối cả tàu dân sự của Philippinnes. Theo tôi chiến lược dài hạn của Trung Quốc trong việc quản lý tranh chấp là họ sẽ tránh không để leo thang mức độ xung đột nhưng lại không muốn cố gắng giải quyết xung đột, đồng thời cố gắng đẩy tình thế sang hướng có lợi cho Trung Quốc mà không dẫn tới phản ứng quân sự của Mỹ. Tôi nghĩ đó chính là canh bạc mà Trung Quốc đang chơi tại Biển Đông với việc sử dụng lực lượng Cảnh sát Biển của nước này.

Koda, nguyên Phó Đô đốc của Hải quân Nhật

Tôi đã có 40 năm phục vụ cho hải quân Nhật và đã theo dõi hải quân Trung Quốc sát sao. Tôi có hai ý kiến và hai câu hỏi.

Thứ nhất là là tên lửa chống hạm của Trung Quốc và cuộc chạy đua vũ trang. Theo như các nguồn tin công khai, để hoàn thiện hệ thống tên lửa chống hạm phục vụ mục đích chiến đấu, Trung Quốc còn nhiều việc phải làm. Theo tôi thì sẽ mất khoảng 10 năm nữa. Vậy thì câu hỏi mấu chốt đặt ra là 10 năm là ngắn hay dài. Chúng ta nên coi đó là ngắn và cần phải chuẩn bị sẵn sàng ứng phó.

Về việc chạy đua vũ trang, nếu như ta coi Mỹ là một người lớn đã trưởng thành về năng lực hải quân thì Trung Quốc chỉ ở mức học sinh cấp 3 hoặc sinh viên mới tốt nghiệp. Các nước ASEAN thì còn yếu hơn thế. Vậy thì chúng ta có thể gọi đây là chạy đua vũ trang được không? Tôi cho là không. Chỉ có Nhật Bản có thể cạnh tranh được với Trung Quốc trong khu vực, nhưng ngân sách quốc phòng của chúng tôi 15 năm trở lại đây còn giảm 0,5-1% một năm trừ năm ngoái. Về tương quan, tổng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc (theo số liệu mà họ đưa ra) là 80 tỷ USD thì Nhật chỉ ở mức 40 tỷ USD, do đó đây không thể là chạy đua vũ trang. Câu hỏi tôi muốn đặt ra là chúng ta đã biết chiến thuật dùng tàu dân sự chống tàu dân sự của Trung Quốc. Chiến thuật này là khôn ngoan nhưng các nước khác cũng biết phải phản ứng lại thế nào. Lấy ví dụ, hồi tháng 5 vừa qua Việt Nam phản ứng lại bằng cách cử tàu quan sát ra đối phó và Nhật Bản cũng vậy đối với tranh chấp Senkaku. Tàu hải quân của chúng tôi chỉ đứng đằng xa. Do đó, nếu các nước trong khu vực cứ tiếp tục sử dụng đối sách này thì sẽ (có sự giằng co kéo dài) dẫn tới thế bế tắc và như vậy chúng ta sẽ phải chuẩn bị cho việc căng thẳng kéo dài và những cuộc đụng độ phi quân sự (non-combat skirmishes). Câu hỏi của tôi là chiến thuật cuối cùng của Trung Quốc đối với các tàu dân sự sẽ là gì và liệu Trung Quốc có sẵn sàng chấp nhận rủi ro của xung đột dài hạn – có thể là hàng thập kỷ?

Thứ hai, điều này không được nói đến nhiều nhưng hải quân Malaysia và Việt Nam đang bắt đầu đưa tàu ngầm vào hoạt động. Điều này là không dễ dàng. Mức độ an toàn và quản lý không gian biển là những vấn đề cần xem xét, tuy nhiên tàu ngầm có thể là con át chủ bài để đối phó tàu sân bay của Trung Quốc. Hải quân các nước khu vực có thể làm gì để đưa tàu ngầm vào hoạt động một cách hiệu quả, an toàn trước những thách thức ngày càng nhiều từ hải quân Trung Quốc? Thứ ba là các nước trong khu vực đều nhận thức tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng giám sát trên biển nhưng nếu làm phép tính thì Trung Quốc chỉ có vài máy bay do thám biển, còn Việt Nam và Philippines gần như không có cái nào. Các vị học giả nhìn nhận việc này như thế nào? Các nước, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, cần làm gì để khắc phục điểm yếu này?

Phillips C. Saunders

Tôi muốn nói về cách tiếp cận sử dụng tàu dân sự thay vì quân sự (tránh đối đầu trực tiếp và lôi kéo sự chú ý – “white hole approach”) (của Trung Quốc). Tôi cho rằng Trung Quốc chấp nhận điều này bởi nó giữ cho căng thẳng ở mức thấp, hạn chế rủi ro leo thang xung đột. Liệu Trung Quốc có sẵn sàng chờ đợi hàng thập kỷ với cách tiếp cận này? Rõ ràng là có, bởi họ cho rằng thời gian đứng về phía họ và sức mạnh của họ đang gia tăng và. Họ đang đánh cược rằng cuối cùng thì các bên khác sẽ phải nhận thức được thực tế và chấp nhận từ bỏ yêu sách của mình. Do đó Trung Quốc sẽ hài lòng với chiến lược sử dụng bạo lực ở mức độ thấp, miễn là trong phạm vi cho phép và không quá ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực (theo quan điểm của họ). Họ chỉ không chịu được việc bị coi là thất thế hoặc không thể phản ứng lại những hành vi khiêu khích từ bên ngoài. Về việc trả lời cho câu hỏi về tàu ngầm tôi xin chuyển cho người khác.

Carlyle Thayer

Gần đây một vị tướng cấp cao của Việt Nam cho rằng có 3 kịch bản có thể xảy ra. Kịch bản tốt đẹp nhất là Trung Quốc sẽ rút giàn khoan Hải Dương 981 vào ngày 15/8 và quay lại con đường ngoại giao. Thứ hai là Trung Quốc sẽ kiên trì kéo dài căng thẳng và chờ đợi Việt Nam phạm sai lầm và phản ứng lại các khiêu khích của Trung Quốc để Trung Quốc sẽ vin cớ mà trả đũa mạnh mẽ. Thứ ba là Trung Quốc tiến thêm một bước và chiếm đóng thêm một phần thực địa tại Biển Đông. Hiện tại cục diện là tàu dân sự đấu với tàu dân sự, với tương quan lực lượng không đồng đều. Đây không còn là thế đối đầu bình thường mà thực sự là một cuộc chiến tranh tiêu hao. Trung Quốc đang mở rộng phạm vi hoạt động của dàn khoan, chống phá tàu Việt Nam. Các lực lượng Trung Quốc đang triển khai ra ngoài phạm vi 10 hải lý, tiến ra tận 30 hải lý để liên tục gây sức ép lên phía Việt Nam và phía Việt Nam cũng cảm nhận được điều đó. Theo thông tin của tôi thì Việt Nam hiện có ba phi cơ tham gia hoạt động tuần tra trên biển. Những tàu lớn cũng nhận được sự hỗ trợ từ trực thăng, nhưng tất nhiên đó là tàu hải quân. Hải quân Việt Nam chỉ sở hữu có 3 thuỷ phi cơ CSA 2000 sản xuất bởi Tây Ban Nha. Việt nam nhận thức được điểm yếu này của mình và tôi nghĩ rằng họ đang hy vọng rằng Mỹ, Nhật và các nước khác sẽ giúp cung cấp thông tin tình báo.

Còn đối với vấn đề tàu ngầm, tôi cho rằng không thể hy vọng vào việc các hải quân trong khu vực có thể hợp tác được. Như tôi từng phân tích tại một hội thảo khác, hội nghị của lãnh đạo các lực lượng hải quân ASEAN gần đây cho thấy mặc dù họ đang cố gắng cải thiện hợp tác, sắp xếp tập trận chung, các nỗ lực này còn gặp nhiều khó khăn do có thể bị coi là mang tính khiêu khích đối với Trung Quốc. Hơn nữa để nỗ lực thành công cần phải kêu gọi được cả Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam... cùng tham gia . Những nước có thể hợp tác cùng Việt Nam có lẽ là Ấn Độ với một số cuộc tập trận chung không thường xuyên và Nga bởi Nga sắp có một cơ sở tại Vịnh Cam Ranh được thuê tới 2018, cũng như các hỗ trợ phát triển (quân sự) khác. Nhưng các hạn chế mà ông vừa kể ra là hoàn toàn chính xác.

Christian Le Mière

Về vấn đề thứ nhất liên quan đến tàu giám sát đối đầu với tàu giám sát, gần đây tôi có viết một quyển sách về ngoại giao cưỡng ép trên biển. Tôi đang cố gắng lý giải vì sao tại Đông Á hiện nay ngày càng phổ biến việc sử dụng các hình thức ngoại giao mang tính cưỡng chế đối với các vấn đề trên biển, thậm chí cảnh sát biển cũng được dùng vào việc này. Tôi nghĩ rằng trong một mức độ nào đó, chúng ta có thể thấy tín hiệu tích cực rằng Trung Quốc không sẵn sàng (hoặc hiện tại chưa sẵn sàng) gia tăng căng thẳng tới mức độ xung đột vũ trang. Điều này có thể là do hệ thống các chuẩn mực quốc tế chống lại việc sử dụng vũ lực đã được định hình rõ hơn so với trước kia. Nếu đây là 100 năm trước thì tôi không nghi ngờ khả năng xảy ra xung đột vũ trang. Thậm chí 20-30 năm trước thì Trung Quốc cũng đã gây chiến với Việt Nam vào năm 1974 và 1988, nhưng hiện nay dường như Trung Quốc muốn đưa hải quân của họ ra tuyến sau. Một mặt, đây có thể là con đường duy nhất để Trung Quốc có thể tiếp tục lôi kéo các nước khác, nhưng ta cũng có thể thấy có nhiều vấn đề đang khiến Trung Quốc chịu nhiều ràng buộc hơn đối với việc sử dụng vũ lực, mặc dù các ràng buộc này có thể sẽ giảm đi theo thời gian. Còn về mức độ an toàn của tàu ngầm, đây chắc chắn là vấn đề đáng quan ngại. Tại Đối thoại Shangri-La hai năm trước, một đô đốc Singapore đã từng tuyên bố nước này có thể chủ trì một trung tâm cứu nạn tàu ngầm khu vực. Việc này chưa có tiến triển nhưng các nước xung quanh đều đã biết về đề xuất của Singapore. Việt Nam đang nhận được hỗ trợ về huấn luyện từ các chuyên gia điều khiển tàu ngầm nhiều kinh nghiệm của Nga – tôi cho rằng họ có thể nằm trong số những chuyên gia tốt nhất thế giới hiện nay – và đó là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, sự thực là việc điều khiển tàu ngầm là rất khó; Anh và Pháp đã có kinh nghiệm vận hành tàu ngầm gần 100 năm rồi nhưng vẫn để xảy ra tai nạn và va chạm ngoài khơi. Về công tác hải giám, đây chỉ là một vấn đề trong một danh sách dài những thứ mà Philippines cần quan tâm. Họ thực sự không có nhiều khả năng về tuần tra trên biển. Trực thăng tuần tra trên biển (maritime patrol aircraft – MPA) và các loạt trực thăng tình báo giám sát (ISR) khác rất hữu ích cho nước này nhưng thành thực mà nói thì Phillipinnes vẫn còn thiếu thốn rất nhiều.

Shahriman Lockman

Tôi sẽ chỉ nói về vấn đề MPA. Không quân của chúng tôi cũng nhận thức được rằng cần cải thiện khả năng tuần tra biển. Những gì mà chúng tôi có hiện nay chỉ là 4 máy bay tuần tra – khi nói 4 thì nghĩa là chỉ có 2 vì bạn chỉ có thể điều động một nửa tổng lực của mình trong mỗi lần làm nhiệm vụ thời lượng hoạt động của các máy bay này là trên dưới 5 tiếng tức là gần như không có ý nghĩa gì. Và sau sự cố MH 370 những đòi hỏi về việc cải thiện khả năng tuần tra đã lại được dấy lên. Trong một thời gian dài Malaysia đã hợp tác với Úc trong một chương trình tuy ít được nhắc đến nhưng rất quan trọng mang tên Operation P3, trong đó Úc cử máy bay tuần tra P3 - trên các tuyến xung quanh Ấn Độ Dương và Biển Đông. Thi thoảng các máy bay này có kết nối với máy bay P3 của lực lượng phòng vệ - Nhật và hai bên sẽ trao đổi thông tin để nắm bắt tình hình tại Biển Hoa Đông cũng như Biển Đông. Rất đáng tiếc là số lượng máy báy tuần tra hiện nay đã giảm bởi Úc đã chuyển một số máy bay P3 của họ tới Trung Đông. Mặc dù vẫn còn một vài máy bay dự phòng nhưng không thể phủ nhận sự yếu kém trong khâu tuần tra của chúng tôi.

Carlyle Thayer

Tôi xin bổ sung một chút là Malaysia có hợp đồng với một công ty của Singapore để đóng thuyền cứu nạn cho tàu ngầm và công ty Damen của Hà Lan cũng đang đóng một cái cho Việt Nam. Tuy nhiên việc làm này được xét dưới dạng tìm kiếm cứu nạn nên không thể coi là khiêu khích đối với Trung Quốc. Tôi xin lỗi vì không nghe rõ được một phần câu hỏi của ông (đô đốc Koda).

Hội thảo “Những diễn biến gần đây ở Biển Đông và chính sách của Mỹ” được tổ chức bởi CSIS vào ngày 10 và 11 tháng 7 năm 2014 tại Washington D.C, Mỹ. 

 

Người dịch: Hoàng Sơn 

Hiệu đính: Minh Ngọc