Phần trình bày của TS. Trần Trường Thủy – Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, Việt Nam về Những diễn biến gần đây ở Biển Đông.

Tôi sẽ trình bày về những diễn biến gần đây trên Biển Đông, đưa ra lý do và một vài quan sát của cá nhân về tác động của tình hình. Tôi hoàn toàn đồng ý với vị Chủ tọa và những diễn giả trước về sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông trong năm ngoái và nửa đầu năm nay. Chúng ta có thể thấy rằng Trung Quốc đang củng cố yêu sách không chỉ thể hiện ở phạm vi mà còn ở các hình thức ngày càng tinh vi trên thực địa, ngoại giao và cả đối nội.

Ví dụ như, trên không, sau khi thiết lập ADIZ ở Hoa Đông, Trung Quốc cũng thông báo về khả năng thiết lập một vùng nhận dạng phòng không tương tự ở Biển Đông. Trung Quốc đang đầu tư nguồn lực lớn cho việc mở rộng đá Gạc Ma để xây dựng đường băng ở Biển Đông. Với việc có cả đường băng ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa và đường băng ở Trường Sa, Trung Quốc có thể có đủ khả năng không lực để thực thi ADIZ ở Biển Đông. Và Cục Hải dương Quốc gia nước này cũng tiến hành nhiều hơn các cuộc tuần tra trên không ngoài khơi và thực thi luật biển của Trung Quốc.

Mặt khác, Trung Quốc cũng đang củng cố yêu sách đáy biển bằng cách công khai tuyên bố về 200 vụ đắm tàu dưới đáy Biển Đông. Nước này cũng tiến hành các hoạt động khảo cổ học và lên kế hoạch bảo vệ khu vực khảo cổ này nhằm mục đích đăng ký Con đường tơ lụa trên biển với Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO.

Trên lĩnh vực ngoại giao, Trung Quốc tiếp tục chiến lược “chia để trị”. Các nguồn đầu tư kinh tế của Trung Quốc cho các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các nước không có yêu sách tại Biển Đông ngày một gia tăng. Trong vòng 2 đến 3 năm trở lại đây, Trung Quốc đưa ra rất nhiều sáng kiến như Con đường Tơ lụa trên biển, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á, đề nghị nâng cấp hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN và đưa ra đề xuất về hiệp định láng giềng thân thiện và hợp tác ASEAN – Trung Quốc. Và tôi cho rằng Trung Quốc muốn dùng những đề xuất này để thay thế cho COC. Và Trung Quốc cũng tích cực gia tăng áp lực ngoại giao để ngăn ASEAN hình thành lập trường chung về vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã tách riêng từng nước ra để đối phó trong từng thời điểm, tránh việc đối đầu với 2 hoặc 3 nước cùng một lúc. Chúng ta có thể thấy sau khi gây sự với Philipines, Trung Quốc chuyển hướng sang Nhật, sau Nhật lại đến Việt Nam.

Trung Quốc cũng tiếp tục chiến lược “cắt lát salami”, từng bước một, từng đảo một. Sau sự kiện Bãi Cỏ Mây, là một vụ đụng độ mới ở Scarborough, với việc Trung Quốc phun vòi rồng vào các tàu cá của Philippines. Đồng thời Trung Quốc cũng tiến hành tập trận ở bãi ngầm Tăng Mẫu. Ngoài ra còn có vụ đụng độ với tàu Cowpens của Mỹ, đây là vụ đụng độ gần nhất sau vụ Impeccable. Các hoạt động quân sự khác cũng được nước này tiến hành ở Biển Đông.

Mặt khác, Trung Quốc cũng thực hiện nhiều biện pháp trong nước để củng cố yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Ví dụ như cho in hộ chiếu mới có hình đường lưỡi bò, tỉnh Hải Nam ra quy định “lên tàu và khám xét”, quy định về đánh bắt cá. Trung Quốc cũng tuyên bố về lệnh cấm đánh bắt cá mới, công bố bản đồ khổ dọc với đường mười đoạn. Bản đồ mới này của Trung Quốc giống hệt như bản đồ của cả khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra Trung Quốc cũng tiến hành củng cố các hoạt động dân sự ở cái gọi là “Thành phố Tam Sa”.

Và nếu chúng ta đặt tất cả những sự kiện gần đây vào trong một bức tranh tổng thể, chúng ta có thể thấy rằng các hành động cứng rắn của Trung Quốc được thực hiện liên tiếp từ năm 2007 đến nay. Và tất cả các sự vụ này đều diễn ra ở rất nhiều vị trí khác nhau bên trong đường 9 đoạn, và với tất cả các nước: Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Philippines, và cả với Mỹ.

Nhưng sự kiện bước ngoặt chính là những căng thẳng do vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gây ra. Sự cứng rắn của Trung Quốc đã được nâng lên một cấp độ mới. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên, Trung Quốc tiến hành khoan ở vùng biển tranh chấp, trước đó nước này luôn ngăn chặn các nước khác tiến hành thăm dò dầu khí, nhưng đây là lần đầu tiên Trung Quốc khoan ở vùng thềm lục địa (của nước khác – ND). Thứ hai, đây là lần đầu tiên Trung Quốc huy động một lực lượng lớn, gồm hơn 100 tàu của chính phủ, dân sự và cả tàu quân sự để bảo vệ giàn khoan. Và đây cũng là lần đầu tiên căng thẳng kéo dài như vậy, khoảng hơn 3 tháng. Trung Quốc vẫn tiếp tục các hành động đâm va, và phun vòi rồng vào tàu Việt Nam như được trình chiếu trên video.

Liên quan đến sự việc này, quan điểm của các bên như sau. Về phía Trung Quốc, Trung Quốc coi Hoàng Sa thuộc về nước này và chủ quyền của Trung Quốc là không thể tranh cãi. Vị trí của giàn khoan nằm trong vùng biển tiếp giáp của đảo Tri Tôn, đảo xa nhất về phía tây nam của Hoàng Sa. Về phía Việt Nam, Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo này vào năm 1974. Hành động đặt giàn khoan của Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (vùng biển này được xác định từ đường bờ biển của Việt Nam).

Trong lập luận của Trung Quốc có một vài điểm yếu như sau. Thứ nhất đối với luận điệu chủ quyền của Hoàng Sa là không thể tranh cãi, thì Trung Quốc lại không hề có bằng chứng nào để khẳng định chủ quyền. Hoàng Sa không hề xuất hiện trong bản đồ chính thống của Trung Quốc đến tận năm 1929. Trong bản đồ này, điểm cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Về phía Việt Nam, Việt Nam cũng duy trì yêu sách chủ quyền và đưa ra bằng chứng từ thế kỷ 17. Do đó, cả hai nước đều đưa ra yêu sách chủ quyền trong khu vực. Tuy nhiên, việc sử dụng vũ lực để chiếm đóng Hoàng Sa của Trung Quốc hiển nhiên đã vi phạm luật quốc tế. Quan trọng hơn vị trí hạ đặt giàn khoan nằm ngoài vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Các bạn có thể thấy trên bản đồ đường cách đều giữa Việt Nam và Trung Quốc và bạn có thể thấy vị trí của giàn khoan nằm về phía Việt Nam. Giả sử nếu Hoàng Sa có thể tạo ra bất cứ vùng biển nào thì vị trí hạ đặt giàn khoan vẫn nằm ngoài vùng nước của Hoàng Sa.

Và sau đây là một vài nhận xét của cá nhân tôi: Trung Quốc tiếp tục thi hành chiến lược cắt lát salami với cách tiếp cận tập trung và phối hợp hơn với chiến thuật bắp cải (ba vòng bảo vệ). Và chúng ta có thể nhìn thấy nhiều diễn biến mới: các doanh nghiệp nhà nước trở thành vũ khí quan trọng trong chính sách đối ngoại. Và hiện nay Trung Quốc đang chuyển từ việc thể hiện sự cứng rắn mang tính đáp trả sang chủ động khiêu khích. Chúng ta có thể thấy trong vụ việc này, Việt Nam không hề tiến hành bất cứ hành động nào trước đó. Về tác động của sự việc này: sự việc đã làm cho quan hệ Trung – Việt xấu đi, và ảnh hưởng tiêu cực đến tự do hàng hải. ASEAN quan tâm hơn đến vấn đề này, lần đầu tiên kể từ 1995 tổ chức này đã đưa ra được tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông. Mỹ cũng tích cực hơn ở khu vực trong vấn đề Biển Đông. Lập trường của Mỹ cũng ảnh hưởng đến quan điểm của các nước khác. Nhật ngày càng lớn tiếng kêu gọi hợp tác biển với các nước ASEAN có yêu sách tại Biển Đông.

Cho đến nay, tất cả những động thái này, cả hợp tác cũng như các cách tiếp cận khác nhau vẫn chưa thể ngăn được Trung Quốc ngày một bành trướng. Các cách tiếp cận cả song phương lẫn đa phương đều không có hiệu quả. Và như những diễn giả trước đã nói, chúng ta cần những ý tưởng sáng tạo hơn. Chúng ta cần những nỗ lực chung để áp đặt cái giá phải trả cho Trung Quốc. Sự tính toán của Trung Quốc dựa trên lợi ích và phí tổn trong ngắn hạn và dài hạn. Theo đó, ASEAN và Mỹ cần đi đầu để kêu gọi sự phối hợp , thiết lập các luật lệ và tất nhiên cần có sự can dự nhiều hơn từ phía Mỹ.

TS. Trần Trường Thủy, Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, Việt Nam. Bài phát biểu được trình bày tại Hội thảo “Những diễn biến gần đây ở Biển Đông và chính sách của Mỹ” được tổ chức bởi CSIS vào ngày 10 và 11 tháng 7 năm 2014 tại Washington D.C, Mỹ. 

Người dịch: Thùy Anh

Hiệu đính: Minh Ngọc