ĐIỂM NÓNG ĐÔNG NAM Á , NAM Á NĂM 2014: BẦU CỬ, RỐI REN, RÚT QUÂN

(Bài viết của Đào Đoản Phòng, bình luận viên của mạng Nhật báo Trung Quốc)  

Tháng 2/2014, Thái Lan sẽ bầu cử lập pháp. Nếu các cuộc bầu cử có thể được tổ chức như dự kiến, phái thân Thaksin cơ bản có thể lại chiến thắng dễ dàng và tổ chức lại nội các là điều hoàn toàn không bất ngờ, bởi vì những người ủng hộ phái thân Thaksin chủ yếu là nông dân nghèo các vùng trồng lúa phía Bắc Thái Lan và tầng lớp dân nghèo thành thị, xét về số lượng có thể thấy ưu thế rõ ràng chiếm trong cử tri, ưu thế bầu cử này khiến phái Thaksin từ năm 2001 đến nay đều giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử lớn nhỏ, lần này đương nhiên cũng sẽ không ngoại lệ. Phản đối phái Thaksin chủ yếu là tầng lớp thượng lưu, trí thức đô thị và nông dân trồng cao su ở phía Nam, tuy không được coi là thắng lợi dựa trên số phiếu nhưng ảnh hưởng của tầng lớp trên là vô cùng lớn, có khả năng gây cản trở đối với chính phủ và thế lực thân Thaksin trong hầu hết các lĩnh vực không cần sự quyết định của phiếu bầu. Từ phong trào đường phố đang nổi dậy hiện nay có thể thấy, tình hình hai phe đang ở vào thế cân bằng và bế tắc, không bên nào có thể áp đảo triệt để bên nào. Vòng luẩn quẩn đang xấu đi này của chính trị Thái Lan e rằng sẽ không vì bầu cử mà đi đến kết thúc, còn về khả năng có gây ảnh hưởng đến kinh tế, xây dựng hạ tầng cơ sở và môi trường đầu tư của Thái Lan hay không thì còn phải chờ xem. 

Năm 2013 đối với Philippines có thể gọi là một năm bất thường: một mặt, tăng trưởng kinh tế có triển vọng đạt 7%, vượt mức bình quân 5% trong 10 năm qua; mặt khác, cơn bão mạnh nhất trong lịch sử với tên gọi “Hải Yến” đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với kinh tế và hạ tầng cơ sở của Philippines, công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả sau bão của chính phủ bị chỉ trích. Đối với Chính phủ Philippines, năm 2014 sẽ là một năm đặc biệt quan trọng, nếu có thể lợi dụng cơ hội khắc phục hậu quả và xây dựng lại sau bão để đoàn kết nhân dân, vực dậy nền kinh tế, thì họa có thể chuyển thành phúc. Nếu ngược lại, sự tín nhiệm của chính phủ sẽ bị tác động nặng nề. Năm 2013 đối với Singapore vốn yên ổn từ trước đến nay đã xuất hiện phong trào bãi công và chủ nghĩa bài ngoại, điều này khiến cho năm 2014 của đất nước nhỏ bé phồn vinh ở Đông Nam Á này đầy sự thấp thỏm: một mặt là tình trạng thiếu hụt nhân công lao động, mặt khác là xảy ra tình trạng đãi ngộ thấp đối với lao động nước ngoài trong khi dân chúng lại bài ngoại, hai vấn đề nan giải này sẽ được coi là thử thách nghiêm trọng đối với Singapore. 

Cùng với việc “quay trở lại châu Á” của Mỹ và Nhật Bản lên giọng “xuống phía Nam”, năm 2014 ASEAN sẽ tiếp tục đối mặt với vấn đề khó khăn là “chọn Trung Quốc hay chọn Nhật Bản”. Đối với đa số các nước ASEAN, đây là sự lựa chọn không mong muốn, các nước ASEAN đều có quan hệ đầu tư kinh tế thương mại mật thiết với hai nền kinh tế lớn Trung Quốc và Nhật Bản, tuyệt giao với bất cứ bên nào đều là sự mất mát không thể chấp nhận được. Có thể dự kiến, năm 2014, ASEAN sẽ tiếp tục cố gắng duy trì quan hệ cân bằng với Trung-Mỹ-Nhật và chung sống hòa bình với các nước lớn trong khu vực này, coi đó là viễn cảnh và quan hệ lợi ích lớn nhất của mình. Năm 2014 là năm bầu cử của Ấn Độ, đảng Quốc Đại – đảng được dự đoán cầm quyền sẽ gặp phải thách thức mạnh mẽ từ Đảng Nhân dân Ấn Độ -chính đảng theo chủ nghĩa dân tộc, điều này sẽ tác động đến nội chính và ngoại giao của Ấn Độ trong năm tới này. Từ cuối năm 2012 cho đến nay, viên “gạch vàng” Ấn Độ (một nước thuộc BRICS) có xu hướng “giảm” rõ rệt về phương diện tăng trưởng kinh tế, năm 2014 liệu Ấn Độ có ổn định trở lại được hay không, đây cũng là điều rất đáng quan tâm. 

Cuối năm 2014, liên quân NATO sẽ chuyển giao hoàn toàn công việc quân sự tại Afghanistan cho chính quyền nước này, đánh dấu sự kết thúc sứ mệnh quân sự lâu dài của liên quân tại Afghanistan . Đây là cuộc chiến tranh không có người thắng cuộc, Taliban đã mất đi chính quyền và nhiều thủ lĩnh, trụ cột, trong khi liên quân sau khi phải trả giá quá đắt cũng chưa thể ăn mừng trở về với tư thế của người thắng lợi, nhà cầm quyền Afghanistan vẫn là một chính quyền non yếu đầy tham nhũng và mắc mớ, hiệu lệnh không đủ sức vượt ra khỏi 4 cửa thành Kabul. Năm 2014, Afghanistan liệu có bước đột phá về phương diện hòa bình lâu dài và hòa giải hay không, cũng là điều rất đáng quan tâm. Trong khi đó động thái của Taliban lại sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến chính trường cũng như sự ổn định và trật tự xã hội của Pakistan . 

NĂM 2014 ĐỐI VỚI ĐÔNG BẮC Á LÀ MỘT MỐC LỊCH SỬ QUAN TRỌNG 

(Bài viết của Lưu Giang Vĩnh, Viện phó Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại, Đại học Thanh Hoa) 

Năm 2014 là tròn 100 năm Chiến tranh Thế giới thứ Nhất bùng nổ, cũng đúng 120 năm Nhật Bản phát động cuộc Chiến tranh Giáp Ngọ. Đối với khu vực Đông Bắc Á, đây là năm có kí ức lịch sử sâu sắc, cũng sẽ là một năm nhiều phức tạp của các vấn đề hiện thực. 120 năm qua được chia làm hai giai đoạn: 60 năm trước là Đông Bắc Á “thực dân, loạn lạc, cách mạng” kể từ Chiến tranh Giáp Ngọ năm 1894 đến cuộc Chiến tranh Triều Tiên ngừng bắn vào năm 1953; 60 năm sau từ năm 1953 đến 2013 lại là 60 năm “hòa bình, Chiến tranh Lạnh, cạnh tranh”. Năm 2014, Đông Bắc Á chào đón 6 thập niên mới. Giai đoạn này Đông Bắc Á cần phải tranh thủ chào đón 60 năm “An ninh, hợp tác và hội nhập” mới, nhưng cũng có thể xuất hiện bước lùi “đối kháng, xung đột, hao mòn” mang tính lịch sử. Nói theo ý nghĩa này, thì Đông Bắc Á đang ở vào một mốc lịch sử quan trọng, mấu chốt của vấn đề là phải xem lãnh đạo các nước hữu quan có đưa ra được những quyết sách đúng đắn hay không. 

Tình hình Đông Bắc Á phần nhiều phụ thuộc vào viễn cảnh của vấn đề hạt nhân Triều Tiên và Bán đảo Triều Tiên có tiếp tục duy trì được hòa bình ổn định hay không. Nếu tương lai lâu dài hai nước Mỹ và Hàn Quốc có thể đồng thời thực hiện chính sách hoà giải bao dung đối với Triều Tiên thì có khả năng Triều Tiên sẽ quay trở lại bàn đám phán 6 bên và đóng băng kế hoạch hạt nhân. Nếu một bên nào đó đánh giá sai tình hình mà áp dụng hành động thô bạo thì rất có khả năng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng khó cứu vãn được cho tình hình vốn đã mong manh tại bán đảo Triều Tiên. “Mô hình Libya” có tác động tiêu cực rất lớn đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, nếu vấn đề hạt nhân của Iran có được thành công thực chất, thì sẽ có tác động tích cực đối với triển vọng Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Ngoài ra, vấn đề Jang Song-thaek bị xử tử cũng phản ánh địa vị của người kế tục – Kim Jong-un đã từng chịu thách thức từ thế lực nội bộ, đã đầy những nhân tố bất ổn định nội bộ ít được biết đến. Trong tương lai, quân đội và lãnh tụ chính trị Triều Tiên có khả năng hình thành nên được cộng đồng vận mệnh, từ đó duy trì sự ổn định trong nước trong thời gian gần, còn vấn đề mấu chốt của tương lai lại được quyết định ở việc Triều Tiên có đạt được thành tựu rõ rệt nào trong xây dựng kinh tế hay không, cũng như quan hệ với các nước láng giềng có được cải thiện và tăng cường hay không. 

Quan hệ Trung-Nhật trong thời kỳ Abe nắm quyền sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thử thách. Nhật Bản lần đầu tiên thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia, đưa ra báo cáo chiến lược an ninh quốc gia và kế hoạch trang bị lực lượng phòng vệ trung hạn, chủ yếu là nhằm vào Trung Quốc, nhưng Nhật Bản cũng không từ bỏ cách đề cập “quan hệ chiến lược cùng có lợi”. Trong vấn đề đảo Điếu Ngư và biển Hoa Đông, Nhật Bản tiếp tục duy trì lập trường sai lệch, nhấn mạnh rằng không có tranh chấp lãnh thổ và chưa từng đạt được nhận thức chung về việc “gác lại tranh chấp”, nhưng Nhật Bản cũng đề xuất tiến hành đàm phán về cơ chế quản lý khủng hoảng tại vùng biển và không phận liên quan. Năm 2014, các nhân tố như chính sách hai mặt của Nhật Bản đối với Trung Quốc, nhận thức lịch sử sai lệch của lãnh đạo Nhật Bản, năm nhạy cảm đặc biệt… đan xen lẫn nhau rất có thể phát sinh ảnh hưởng tiêu cực đối với quan hệ Trung-Nhật. Năm 2014 là năm đầu tiên Nhật Bản dựa trên đề cương kế hoạch phòng vệ mới ra sức tăng cường sức mạnh quân sự, Nhật Bản sẽ nỗ lực hình thành và củng cố ưu thế hải-không quân nhằm vào Trung Quốc và theo đuổi quyền tự vệ tập thể. Như vậy sẽ khiến cho mâu thuẫn Trung-Nhật lần đầu tiên sau chiến tranh trở thành mâu thuẫn chủ yếu ở khu vực Đông Bắc Á. Một khi súng đã nổ trên vùng biển đảo Điếu Ngư thì hậu quả sẽ khó lường trước được. Song, trước khi hiến pháp hiện hành bị sửa đổi, Nhật Bản vẫn khó chủ động phát động chiến tranh ra bên ngoài, quan hệ Trung-Nhật năm 2014 có khả năng ở vào trạng thái “hoà bình lạnh”. 

Hội nghị ngoại giao cấp cao Đông Bắc Á năm 2014 sẽ tương đối sôi nổi. Nội các Abe sẽ tranh thủ chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 4 của Obama, tiếp tục đề tài nhằm vào Trung Quốc, để Obama phải bày tỏ thái độ ủng hộ Nhật Bản rõ ràng xung quanh các vấn đề như đảo Điếu Ngư, Mỹ-Nhật cùng nhau phối hợp bảo vệ đảo Điếu Ngư. Nhật-Nga tuy đã xây dựng cơ chế hội nghị “2+2”, nhưng trên thực tế trống đánh xuôi kèn thổi ngược, mỗi bên một phách, Nga không muốn cùng với Nhật Bản đối đầu với Trung Quốc. Trung Quốc đăng cai tổ chức hội nghị không chính thức các nhà lãnh đạo APEC, lãnh đạo các nước hăng hái tham gia. Quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng chủ yếu xung quanh sẽ tiếp tục được cải thiện. Là phương hướng của các nỗ lực, 4 nước lớn Trung-Mỹ-Nhật-Nga cần phải cùng nhau xây dựng 6 thập niên mới “an ninh, hợp tác, hội nhập”. 

NĂM 2014, TRỌNG TÂM CHIẾN LƯỢC CỦA MỸ TIẾP TỤC CHUYỂN DỊCH SANG CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG 

(Bài viết của Lý Hải Đông, Giáo sư Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế, Học viện ngoại giao Trung Quốc) 

Chính sách ngoại giao của Mỹ trong năm 2014 sẽ thể hiện những đặc điểm nổi bật về bố cục kinh tế thương mại toàn cầu, trọng tâm chiến lược sẽ tiếp tục chuyển dịch sang châu Á-Thái Bình Dương, giảm bớt mức độ tham gia trong các vấn đề tranh chấp quốc tế. 

Trước tiên, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục thúc đẩy một cách mạnh mẽ Hiệp định quan hệ đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (T-TIP) và Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ tham gia và chủ đạo ở mức độ rất lớn. T-TIP là do Mỹ và châu Âu khởi động và thúc đẩy toàn diện vào tháng 6/2013, với mục đích tăng cường tiến trình đàm phán thuế quan thúc đẩy trao đổi thương mại song phương, TPP là tiến trình điều chỉnh tự do hóa kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương do Chính quyền Obama chủ đạo thúc đẩy từ khi lên cầm quyền đến nay. T-TIP và TPP đều có mối liên hệ chặt chẽ với sự phục hồi nhanh chóng kinh tế trong nước Mỹ hiện nay và địa vị chủ đạo kinh tế của Mỹ trên thế giới trong tương lai, ra sức thực hiện hai hiệp định sẽ là chương trình nghị sự ngoại giao quan trọng của Chính quyền Obama trong năm 2014. 

Thứ hai, Mỹ sẽ tiếp tục xu hướng thu hẹp tổng thể hiện nay về phương diện quân sự. Sau khi từng bước giảm thiểu sự hiện diện của Mỹ ở châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông và tuyên bố cuộc chiến chống khủng bố đã kết thúc, năm 2014 Mỹ cùng với NATO sẽ rút lực lượng chiến đấu ra khỏi Afghanistan. Trong tiến trình giảm thiểu quân số và tối ưu hóa cơ cấu các quân binh chủng, Mỹ sẽ điều động lực lượng hải quân và không quân chủ yếu sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà Mỹ cho rằng có thể sẽ tạo thành thách thức trực tiếp đối với địa vị bá quyền của nước này. Cho dù trong tiến trình tái bố trí lực lượng quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ chủ yếu sẽ vẫn phát huy vai trò cân bằng, phụ thuộc hơn nữa vào các nước đồng minh và các nước đối tác của Mỹ để xử lý tranh chấp khu vực. 

Thứ ba, trong vấn đề điểm nóng khu vực và toàn cầu, Mỹ sẽ nghiêng về giải pháp ngoại giao, chứ không chủ đạo giải quyết bằng vũ lực. Về vấn đề hạt nhân Triều Tiên và vấn đề hạt nhân Iran, Mỹ sẽ tiếp tục tiến trình giải quyết bằng cơ chế đa phương. Về vấn đề Syria, trong khi vẫn tiếp tục chủ trương tiêu hủy vũ khí hóa học của Chính phủ Syria, Mỹ đồng thời sẽ cố gắng làm yếu đi tính hợp pháp của Chính phủ Syria hiện nay bằng biện pháp phi quân sự. Ở các khu vực hỗn loạn rối ren như Trung Đông-Bắc Phi, Mỹ sẽ làm rõ đòi hỏi lợi ích cốt lõi của mình và sẽ không áp dụng biện pháp mạnh. Về việc xử lý vấn đề tranh chấp của các nước lớn như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ..., Mỹ tiếp tục thực hiện chính sách đối thoại hiện có của mình. Về việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, khủng bố, không phổ biến vũ khí hạt nhân, bảo vệ môi trường..., Mỹ khó có nhiều hành động, nhưng vẫn sẽ tham gia vào đó. Việc tránh để cho các vấn đề nóng mang tính khu vực thậm chí toàn cầu mất kiểm soát sẽ có lợi cho Chính quyền Obama thực hiện kế hoạch trong nước và ngoài nước của mình. 

Thứ tư, về chính sách đối với Trung Quốc, Mỹ sẽ tiếp tục khuôn khổ chính sách hợp tác tổng thể với Trung Quốc hiện nay, sẽ đi song hành với chủ trương xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới do Trung Quốc đề xuất. Quan hệ Trung-Mỹ trong năm 2014 vẫn ở vào thời kỳ bước ngoặt quan trọng. Ở các phương diện như tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ, mở cửa thị trường, nhập siêu thương mại..., Mỹ sẽ tăng cường gây sức ép đối với Trung Quốc, đồng thời tăng cường tẩy chay các biện pháp của Trung Quốc trong việc bảo vệ quyền lợi biển như hoạch định khu vực nhận dạng phòng không, sự va chạm giữa Trung Quốc và Mỹ về chiến lược và kinh tế sẽ còn tiếp tục. Nhưng hiện tượng “phân cực” chính trị và tình hình suy thoái kinh tế trong nước Mỹ khiến cho nước này cho dù có lập trường cứng rắn cũng khó có thể hành động. Việc giải quyết các vấn đề trong nước và quốc tế của Mỹ sẽ ngày càng dựa vào sự hợp tác với Trung Quốc, mức độ công nhận Trung Quốc là nước lớn mang tính toàn cầu sẽ ngày càng cao, triển vọng xây dựng lòng tin chiến lược giữa hai bên sẽ được thúc đẩy ngày càng ổn định. Tầm quan trọng của đối thoại và hợp tác quân sự trong quan hệ Trung-Mỹ sẽ ngày nổi rõ hơn trong năm 2014. 
Tóm lại, trong năm 2014, Chính quyền Obama sẽ tiếp tục tuân thủ nguyên tắc theo đó kế hoạch ngoại giao phục vụ cho kinh tế trong nước phục hồi và tăng thêm công ăn việc làm cho dân chúng, nguyên tắc này sẽ có ảnh hưởng tích cực hơn nữa đến tiến trình xây dựng quy mô kinh tế quốc tế, làm yếu đi mức độ chủ đạo của Mỹ trong các công việc an ninh quốc tế. 

TÌNH HÌNH TRUNG ĐÔNG NĂM 2014 PHỨC TẠP HƠN 

Tình hình khu vực Trung Đông trong năm 2014 phức tạp hơn, mở màn cuộc đọ sức lớn giữa các bên tham gia quốc tế 

(Bài viết của Ngưu Tân Xuân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Đông thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc) 

Vào thời điểm khu vực Trung Đông bước vào rối ren chính trị, Mỹ là bên tham gia ngoài khu vực lớn nhất ở Trung Đông lại đang điều chỉnh chính sách Trung Đông, khiến cho tình hình vốn đã phức tạp lại càng thêm phức tạp. Năm 2013 các nước liên quan đã cảm nhận được tình hình căng thẳng trước khi sự việc xảy ra, nên đã lập tức hành động, năm 2014, các bên tất sẽ tỏ rõ bản lĩnh của mình để giành trước thời cơ. Việc Mỹ hạ thấp tầm quan trọng của khu vực Trung Đông trong chiến lược toàn cầu của nước này là để giảm bớt đầu tư chiến lược đối với Trung Đông, bắt đầu thay đổi biện pháp xử lý vấn đề Trung Đông. Nguồn năng lượng là nhân tố mang tính cơ bản trong chính sách Trung Đông của Mỹ, nhưng do tiến triển cách mạng năng lượng của Mỹ vượt trước dự kiến nên trong vài năm tới, rất có khả năng Bắc Mỹ sẽ thực hiện tự cung cấp năng lượng, Mỹ giảm thiểu phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Trung Đông là điều chắc chắn.

Đồng thời, lại không một nước lớn nào có thể tạo được thế cạnh tranh chiến lược đối với Mỹ. Vì vậy, từ góc độ chiến lược cho thấy tầm quan trọng của Trung Đông đối với Mỹ đang giảm bớt. Nhưng do sự ràng buộc của các nhân tố như an ninh của Israel, sự lệ thuộc của thị trường năng lượng quốc tế vào Trung Đông, chống khủng bố, trách nhiệm lãnh đạo quốc tế…, nên Mỹ lại không thể chỉ rút khỏi Trung Đông là được. Vì vậy, Mỹ bắt đầu điều chỉnh sách lược, dùng biện pháp mềm dẻo thay thế biện pháp cứng rắn, coi trọng việc giải quyết bằng ngoại giao và tránh can dự quân sự, để tạo ra môi trường và tiền đề cho Mỹ có thể giảm thiểu đầu tư vào Trung Đông. Năm 2014, Mỹ sẽ tập trung nỗ lực vào 3 cuộc đàm phán hòa bình ở Trung Đông là các cuộc đàm phán về các vấn đề Syria, vấn đề hạt nhân Iran và vấn đề hòa bình giữa Israel và Palestine. Chỉ khi nào 3 vấn đề này đều được giải quyết, thì mục tiêu chiến lược giảm thiểu đầu tư vào Trung Đông của Mỹ mới có thể thực hiện, nếu mục tiêu này có thể thực hiện, cục diện chính trị Trung Đông sẽ có những thay đổi quan trọng. 

Đối diện với triển vọng Mỹ thực hiện chính sách mềm dẻo hơn ở Trung Đông, các nước đồng minh của Mỹ ở Trung Đông trước tiên cảm thấy bất an. Nếu quan hệ giữa Mỹ với Iran thực sự có thể hòa hoãn ở mức độ nào đó, thì Iran là nước từ lâu nay vốn luôn bị kiềm chế sẽ nhanh chóng thể hiện rõ tiềm năng của mình, trở thành lực lượng mới nổi trong cục diện chính trị Trung Đông. Nếu vậy, Saudi Arabia, Israel, vốn là kẻ thù của Iran, sẽ vô cùng lo lắng. Một mặt, tuân theo nguyên tắc kẻ thù của kẻ thù là bạn, bộ đôi kẻ thù không đội trời chung trước đây là Saudi Arabia và Israel sẽ bắt đầu tiếp cận, thảo luận kế hoạch cùng ngăn chặn kế Iran. Mặt khác, các nước Trung Đông đều đang tìm kiếm sự ủng hộ khác ngoài Mỹ, một số nước lớn trong cộng đồng quốc tế là mục tiêu theo đuổi mới của những nước này. 

Từ trước đến nay, ngoại giao của Nga luôn nổi tiếng là nhanh chóng, quyết đoán, đứng trước thời cơ có thể xuất hiện ở Trung Đông, Nga đã nhanh tay nắm bắt. Về vấn đề Syria, địa vị chủ đạo của Nga ngày càng rõ rệt, có thể tưởng tượng cuộc đàm phán tại Geneva diễn ra vào ngày 22/1 chắc chắn là vũ đài để Nga tỏa ánh hòa quang. Đồng thời, Nga cũng nhanh chóng tấn công vào sân sau của Mỹ tại Trung Đông, cuối năm 2013, sau hơn 30 năm rời khỏi Ai Cập, lần đầu tiên Nga tổ chức Hội đàm 2+2 giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao với Ai Cập, đồng thời bán vũ khí quân sự trị giá 4 tỷ USD cho Ai Cập. Trước thực tế này các phương tiện thông tin đại chúng của phương Tây kinh ngạc nhận định rằng Nga sắp quay trở lại Trung Đông. Tuy việc Nga có bao nhiêu thực lực để một lần nữa phát huy ảnh hưởng nước lớn trên vũ đài Trung Đông vẫn là một ẩn số, nhưng chiêu thức đầu tiên đã bộc lộ. 

Trong khi Mỹ xem ra đang do dự chần chừ ở Trung Đông, Pháp lại giống như là đang trở lại thời đại thực dân cũ trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, hệt như hình dạng lãnh tụ của phương Tây, ở đâu cũng chạy trước mặt Mỹ. Trong vấn đề Syria, Pháp chính là nước đầu tiên kêu gọi tấn công quân sự, Mỹ chỉ có thể đứng đằng sau Pháp. Trong vấn đề vũ khí hóa học của Syria, Pháp cũng đi đầu chủ trương tấn công quân sự, buộc Mỹ cùng tham gia. Về vấn đề hạt nhân Iran, Pháp cũng từng đề xuất điều kiện còn hà khắc hơn so với Mỹ. Đương nhiên, trong thời điểm quan hệ Mỹ-Israel, quan hệ Mỹ-các nước Arập xuất hiện vết rạn, biểu hiện của Pháp lại được các nước Arập và Israel đánh giá cao, chỉ trong vài tháng, ở Trung Đông, Pháp đã ký được hợp đồng lớn bán vũ khí quân sự hàng chục tỷ USD. 

Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Trung Đông sẽ không vắng mặt trong cục diện chính trị của khu vực này, trong một tháng mới đây, Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, Đặc phái viên Trung Quốc về vấn đề Trung Đông Ngô Tư Khoa liên tiếp đến thăm Trung Đông, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Trung Đông đến thăm Trung Quốc nhiều hơn, Trung Quốc đang phát huy vai trò lớn hơn tại Trung Đông là xu thế lớn sẽ diễn ra. Tuy các nước có thể lợi dụng thời cơ Mỹ điều chỉnh chiến lược để mở rộng lợi ích của mình, thậm chí có thể nhấn vào cân bằng ảnh hưởng của Mỹ trên một vài lĩnh vực, nhưng trong thời gian tương đối dài, sẽ không có một nước lớn nào có khả năng và tham vọng thay thế địa vị của Mỹ ở Trung Đông, Mỹ vẫn là bên tham gia lớn nhất ở Trung Đông. 

Những điểm nóng ở Trung Đông năm 2014 có xu hướng xuất hiện biến số, cuộc đọ sức Mỹ- Nga được quan tâm nhiều 

(Bài viết của An Huệ Hậu, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Ai Cập, Liban và Tunisia) 

Năm 2014, rất nhiều vấn đề điểm nóng của Trung Đông sẽ đứng trước thời điểm mang tính then chốt. Những thời điểm này qua đi thế nào, sẽ ảnh hưởng đến chiều hướng của các vấn đề liên quan, còn xu hướng của những điểm nóng sẽ quyết định sự an nguy trong tình hình Trung Đông. 

Trước tiên, Ai Cập sẽ tổ chức bỏ phiếu toàn dân về bản dự thảo hiến pháp, nếu được thông qua, lập tức Ai Cập sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội và bầu cử tổng thống, thành lập chính phủ mới. Nếu tất cả đều thuận lợi, Ai Cập có thể đi vào ổn định. Nếu không, tình hình rối ren sẽ vẫn gay gắt. Điều kiện thuận lợi là: sau khi quân đội nắm quyền, tuy tổ chức Anh em Hồi giáo vẫn biểu tình phản đối, các vụ bạo động nhỏ vẫn liên tục xảy ra, nhưng tình hình tổng thể có xu hướng hòa dịu; sau gần 3 năm khó khăn bất ổn, lòng dân đã bắt đầu có những suy nghĩ ổn định. Điều kiện bất lợi là: tổ chức Anh em Hồi giáo tuyên bố sẽ ngăn chặn cuộc bỏ phiếu thông qua hiến pháp; các thành phần thế tục phức tạp, khó tránh khỏi tranh giành quyền lực; kinh tế Ai Cập khó khăn, đời sống dân sinh khốn khó, vẫn có thể dẫn đến biến động. Ai Cập là nước lớn trong thế giới Arập, việc Ai Cập đi vào ổn định, sẽ khiến cho các quốc gia Arập khác ổn định; nếu Ai Cập biến động trở lại, các quốc gia Arập khác cũng không an toàn. 

Thứ hai, Hội nghị quốc tế Geneva về vấn đề Syria được ấn định tổ chức vào ngày 22/1/2014, tiêu hủy vũ khí hóa học phải hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2014, tháng 4 còn phải bầu lại tổng thống. Ba vấn đề này liên quan với nhau, vấn đề quan trọng nhất là Hội nghị Geneva có được thành quả tích cực hay không. Một mặt, Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn đứng vững, Nga và Iran sẽ không chấp nhận để cho lợi ích của minh bị tổn hại. Mặt khác, các nước lớn phương Tây do Mỹ đứng đầu và một số nước ở khu vực Trung Đông, ban đầu kiên trì thành lập một bộ máy quá độ loại bỏ Bashar al-Assad. Gần đây, báo chí đưa tin Mỹ và các nước phương Tây do lo ngại thế lực cấp tiến Hồi giáo có được quyền thế, nên không tiếp tục yêu cầu Bashar al-Assad từ chức; trong khi đó một số nước trong khu vực Trung Đông vẫn đang ra sức ủng hộ phe đối lập. Kết cục Hội nghị Geneva có thể đạt được thành quả như thế nào, thì triển vọng vẫn tồn tại biến số. Nếu không thể đạt được biện pháp giải quyết chính trị mà các bên đều có thể chấp nhận, thì nội chiến vẫn sẽ tiếp tục. 

Thứ ba, đàm phán hạt nhân Iran đạt được phương án sơ bộ trong 6 tháng, mối quan hệ giữa Mỹ và Iran có phần bớt căng thẳng. Điều này phù hợp với lợi ích của cả Mỹ và Iran, cũng có lợi cho hòa bình và ổn định của khu vực Trung Đông. Nhưng vấn đề hạt nhân Iran vô cùng phức tạp, mâu thuẫn giữa Mỹ và Iran đã ăn sâu bén rễ; thế lực cứng rắn của cả Mỹ và Iran đều rất mạnh; các nước đồng minh của Mỹ như Israel, Saudi Arabia... vẫn đầy hoài nghi, lo lắng liệu trong 6 tháng có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng cho vấn đề hạt nhân Iran hay không, quan hệ Mỹ-Iran liệu có thể được hòa dịu nữa hay không, những triển vọng này vẫn rất khó dự đoán. 

Thứ tư, tái khởi động đàm phán hòa bình Palestine-Israel, dự định sẽ đạt được thỏa thuận trong 9 tháng. Đã 5 tháng qua đi, tiến trình đàm phán vẫn gặp nhiều khó khăn, 4 tháng còn lại liệu có được kỳ tích hay không? Tất cả đều khiến cộng đồng quốc tế vừa mong đợi vừa khó lạc quan. Thực lực của Mỹ yếu đi tương đối. Năm 2013, bao nhiêu sự việc xuất hiện ở khu vực Tây Á-Bắc Phi cho thấy khả năng chủ đạo các công việc Trung Đông của Mỹ đã giảm xuống. Mỹ chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang phía Đông, ra sức thúc đẩy “chiến lược tái cân bằng” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương; còn các vấn đề điểm nóng của khu vực Trung Đông đang ngày càng gay gắt, Mỹ lại không thể không can dự, luôn được cái này mất cái kia, lực bất tòng tâm. Liệu trong năm 2014, sức mạnh quốc gia của Mỹ có thể phục hồi đến mức độ có thể quan tâm được cả châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông dễ dàng hay không, khả năng chủ đạo có chuyển biến tăng trở lại được hay không? 

Nga tích cực quay trở lại Trung Đông, trong vấn đề Syria đã hình thành cục diện vừa đối kháng, vừa phối hợp, cùng chủ đạo với Mỹ. Nga còn tích cực phát triển quan hệ với Ai Cập, đã ký hợp đồng bán khối lượng lớn vũ khí cho Ai Cập. Cuộc đọ sức giữa Nga và Mỹ ở Trung Đông cũng là một mục tiêu dư luận quan tâm. 

Ba sự kiện ở Trung Đông sẽ chi phối các trang đầu của báo chí năm 2014 

(Bài viết của Ngưu Tân Xuân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Đông thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc )

Từ năm 2010 đến nay, khu vực Trung Đông luôn là nơi có nhiều sự việc xảy ra, cung cấp cho báo chí nhiều tin nóng. Nhìn vào triển vọng trong năm 2014, ba sự kiện lớn là đàm phán hòa bình Syria, vấn đề hạt nhân Iran và trưng cầu dân ý thông qua hiến pháp của Ai Cập, vừa có ảnh hưởng khu vực và quốc tế, cũng vừa nhận được sự quan tâm của các phương tiện truyền thông quốc tế, chắc chắn sẽ nhiều lần trở thành những tin đầu của các phương tiện truyền thông. 

Syria trải qua cuộc nội chiến đẫm máu trong gần 3 năm, hàng trăm nghìn người bị chết oan uổng, hàng triệu người không chốn nương thân, tình hình của Syria vô cùng thê thảm. Theo kế hoạch dự kiến, ngày 22/1/2014 vòng đàm phán hòa bình về vấn đề Syria lần thứ hai sẽ được tổ chức tại Geneva, lúc đó không phải là Chính phủ Syria và phe vũ trang chống đối chính phủ, mà là các bên tham gia lớn trong cộng đồng quốc tế như Mỹ… sẽ phải đối diện với những lựa chọn khó khăn. Mỹ luôn kiên trì hai mục tiêu ở Syria, một là Chính quyền Bashar al-Assad sụp đổ, hai là kết thúc xung đột bạo lực. Hiện nay, hai mục tiêu này xung đột và đối lập với nhau, muốn kết thúc xung đột thì không thể yêu cầu Bashar al-Assad từ chức, mà chỉ có Bashar al-Assad mới có khả năng kết thúc cuộc xung đột này. Hoặc là tại Hội nghị Geneva, Mỹ chấp nhận tính hợp pháp của Chính quyền Bashar al-Assad, hoặc là Mỹ lựa chọn tiếp tục nội chiến. Nếu lựa chọn tiếp tục nội chiến, Bashar al-Assad rất có thể thắng cử và tiếp tục cầm quyền trong cuộc bầu cử dân chủ vào năm 2014, đến lúc này Mỹ chắc chắn sẽ phải lựa chọn liệu có thừa nhận vị tổng thống do dân bầu ra này hay không. Từ đầu năm 2013 đến nay, Chính quyền Bashar al-Assad không ngừng giành được thắng lợi trên chiến trường, cuộc khủng hoảng Syria chỉ có 3 kết cục: một là Bashar al-Assad giành chiến thắng; hai là Syria chia rẽ; ba là nội chiến tiếp diễn. Đối với Mỹ và cộng đồng quốc tế, Bashar al-Assad giành chiến thắng là lựa chọn tốt nhất, nhưng việc lựa chọn kết quả này chẳng khác nào Obama tự sát chính trị. 

Vào ngày 24/11/2013, cộng đồng quốc tế đạt được thỏa thuận bước đầu về vấn đề Iran, Mỹ và Iran đồng ý “cùng tạm dừng” trong 6 tháng – Iran tạm dừng phát triển khả năng hạt nhân, Mỹ thì tạm dừng các biện pháp trừng phạt mới. Vì vậy, 6 tháng tới sẽ là giai đoạn quan trọng để phát triển quan hệ Mỹ-Iran, cũng chắc chắn trở thành 6 tháng vô cùng thận trọng. Chính phủ Mỹ và Chính phủ Iran đều đầu tư nhiều nguồn lực chính trị cho thỏa thuận này, và sẽ đều cố gắng để thực hiện thỏa thuận. Nhưng ngoài việc bản thân hiệp định có nhiều mâu thuẫn, mơ hồ, đây còn là thỏa hiệp cần thiết để có thể đạt được thỏa thuận lúc đó, và cũng đã chôn vùi mầm họa để có thể thực hiện thỏa thuận. Đồng thời, trong cả hai nước sẽ có rất nhiều người cũng lợi dụng mọi cơ hội để gây phiền phức cho những người không thỏa mãn với thỏa thuận, các nước như Israel… cũng tìm mọi để khiến cho thỏa thuận thất bại khi mới manh nha. Có thể dự đoán, đây sẽ là một cuộc đọ sức lớn có nhiều bên tham gia, cũng không thể thiếu những tin nóng. 

Tháng 1/2014, Ai Cập sẽ bỏ phiếu trưng cầu dân ý về hiến pháp mới, đây là bước đầu tiên thực hiện quá độ đến dân chủ, nhưng bước đi này tất sẽ vô cùng mạo hiểm. Sau khi chính quyền của tổ chức Anh em Hồi giáo năm 2013 bị quân đội lật đổ, hòa giải chính trị giữa quân đội với tổ chức Anh em Hồi giáo vẫn chưa được thực hiện, trái lại đối lập chính trị của hai bên ngày càng phát triển theo xu thế hai cực, việc tổ chức Anh em Hồi giáo bị tuyên bố là tổ chức khủng bố, đã khiến cho khả năng hòa giải tiêu tan. Theo tính toán, tổ chức Anh em Hồi giáo vẫn có 20%-30% số người ủng hộ, và vẫn là thế lực chính trị có tính tổ chức tốt nhất của Ai Cập. Có thể cho rằng cuộc bỏ phiếu về hiến pháp và quá độ dân chủ theo cách loại bỏ gần ¼ người dân Ai Cập sẽ gặp nhiều khó khăn, rất có thể sẽ nảy sinh nhiều xung đột không lường trước được. Trung Đông từng được coi một khu vực đặc biệt có nền chính trị siêu ổn định trên bản đồ thế giới, cục diện này đã bị phá vỡ, trong thời gian tương đối dài sẽ ở vào giai đoạn rối ren nhưng đầy sức sống, năm 2014 chỉ là một mảng hình trong quá trình lâu dài. 

VIỄN CẢNH KINH TẾ MỸ LATINH NĂM 2014 KHÔNG SÁNG SỦA, CHÍNH QUYỀN CÁNH TẢ GẶP “VẬN ĐEN” 

(Bài viết của Đào Đoản Phòng, bình luận viên của mạng Nhật báo Trung Quốc) 

Năm 2013 đối với cả Mỹ Latinh, việc “rời bỏ chủ nghĩa Monroe” là một sự kiện lớn. Đi theo Chủ nghĩa Monroe đã có từ 190 năm nay vẫn luôn là chiến lược cao nhất mà Mỹ đã định ở Mỹ Latinh, song ngày 19/11/2013 chiến lược này đã kết thúc dưới hình thức tuyên bố của Ngoại trưởng John Kerry. Cái bắt tay của Obama với chủ tịch Cuba Raul Castro tại tang lễ ông Mandela rất giàu ý nghĩa tượng trưng, vậy mà phía Mỹ lại đang ra sức xoá mờ sự việc này. Cặp đôi đối đầu Mỹ-Cuba trong năm 2014 có thể hòa dịu ở một mức độ nào đó hay không, triển vọng này khiến người ta phải chú ý quan tâm. Sự quan tâm của bên ngoài đối với Cuba tập trung nhiều hơn cả vào phương diện cải cách của nước này: Năm 2013 Cuba tuyên bố “biện pháp cải cách kinh tế giai đoạn mới”, bao gồm loại bỏ dần sự kiểm soát đối với các doanh nghiệp nhà nước, xoá bỏ hệ thống tiền tệ kép mà người Trung Quốc gọi là “giấy chứng nhận ngoại hối Cuba”, cũng như đặc khu phát triển Mariel-đặc khu kinh tế đầu tiên-được khai trương vào ngày 1/11/2013. Những biện pháp cải cách kinh tế này cho đến nay là dấu ấn cải cách lớn nhất của đảo quốc Caribbean khép kín này, “di sản” của Fidel Castro đã rời về tuyến sau, năm 2014 sẽ đi được bao xa cũng sẽ là điều đáng để chú ý. 

Là “nước thuộc nhóm BRICS” duy nhất của Mỹ Latinh, Brazil trải qua năm 2013 không tốt lắm. Báo cáo triển vọng kinh tế cuối cùng năm 2013 mà Ngân hàng Trung ương vừa tuyên bố cho thấy tăng trưởng kinh tế của năm dự kiến từ 2,5% giảm xuống 2,3%, dự báo lạm phát vẫn duy trì ở mức 5,8%. Dự báo triển vọng kinh tế 2014 cũng không lý tưởng, theo dự kiến mới nhất của Ngân hàng Trung ương, tốc độ tăng trưởng e rằng cũng chỉ có thể duy trì ở mức 2,3%, trong khi lạm phát sẽ giảm nhẹ. Nền kinh tế Brazil phần nhiều vẫn phụ thuộc vào thị trường quốc tế, và lãi suất quá cao đã hạn chế khả năng điều tiết kinh tế thông qua đòn bẩy tài chính. Năm 2014 là năm Brazil đăng cai tổ chức World Cup, nếu có biện pháp thích hợp, bóng đá sẽ đóng vai trò “chất kết dính” đặc biệt tại “đất nước của điệu samba” này; ngược lại, khán đài đông đúc của sân vận động bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành môi trường thích hợp xảy ra bạo động, và giới truyền thông quốc tế tụ tập ở đó sẽ lại đóng vai trò vô tình “phóng đại bạo lực”. 

“Quá xa với thiên đường, quá gần với Mỹ” đó là cách khái quát đối với Mexico, nước lớn nhất Trung Mỹ. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mexico từng có nhiều cơ hội tăng trưởng kinh tế, và nhiều lần được hứa hẹn sẽ trở thành thành viên của “BRICS”, nhưng đến mỗi thời khắc quan trọng lại “xui xẻo”, năm 2013 cũng không ngoại lệ. Tháng 5/2013, “Báo cáo triển vọng kinh tế” của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) từng dự đoán một cách lạc quan rằng Mexico sẽ là nền kinh tế Mỹ Latinh có biểu hiện tốt nhất trong năm nay, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ đạt 3,4%, trong 34 nước thành viên chỉ đứng sau Chile và Israel, vậy mà “Báo cáo triển vọng kinh tế” mới dây nhất vào tháng trước, dự đoán này đã bị giảm mạnh xuống còn 1,2%, xếp hạng giảm xuống vị trí thứ 15. 

Trong tình hình quốc tế sau chiến tranh, Mỹ Latinh luôn là một kiểu riêng biệt, chủ nghĩa dân tuý cánh tả sau cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ Latinh từ cuối thế kỷ trước đã cuốn sâu vào lục địa Nam Mỹ, chính quyền của giới tinh hoa cánh hữu chỉ còn sót lại số ít cứ điểm như Mexico, Colombia… Chính quyền dân tuý cánh hữu duy nhất – Chính quyền Diniella của Chile cũng bị đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống Chile gần đây, cho dù trong cả Mỹ Latinh thậm chí trong cả 35 nước mà “báo cáo triển vọng kinh tế” OECD thống kê, biểu hiện kinh tế của Chile đều tốt nhất. Năm 2014 đối với một số chính phủ dân tuý cánh tả của Mỹ Latinh này, bất luận là tương đối vững chắc như Chính quyền Rousseff của Brazil, Cristina của Argentina, hay là tương đối cấp tiến như Maduro của Venezuela, Correa của Ecuador, Evo Morales của Bolivia… cũng đều gặp “xui xẻo” như vậy. Nền tảng của sự gắn kết dân tuý cánh tả chính là sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng tầng lớp thấp, tình hình đặt ra như vậy cần phải có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, phúc lợi xã hội rộng rãi và dồi dào, mà đòi hỏi này đối với các nước nói trên là không dễ dàng. Do kinh tế các nước này phụ thuộc khá nhiều vào thị trường quốc tế trong khi kinh tế toàn cầu phục hồi lại tương đối chậm, khiến các nước này đều đứng trước áp lực chuyển đổi và cải cách nặng nề, Brazil trong năm 2013 xuất hiện “biểu tình tăng giá vé xe buýt”, đây cũng là lời nhắc nhở các nước Mỹ Latinh – dân ý không phải tự nhiên mà ủng hộ chủ nghĩa dân tuý cánh tả. (Còn tiếp)

Lê Sơn (gt)