Hôm thứ tư, Indonesia đã kỷ niệm Ngày Quốc khánh với một tiếng nổ - cho nổ tung một số tàu thuyền của Trung Quốc bị bắt quả tang và tịch thu do đánh bắt trái phép trong vùng biển của Indonesia.

Dù Trung Quốc không có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Indonesia, nhưng ngư dân Trung Quốc đang ngày càng gây ra những mối quan ngại cấp bách. Theo báo cáo của  truyền thông quốc gia Trung Quốc trong tuần này, vấn nạn đánh bắt quá mức và ô nhiễm đã làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản của Trung Quốc đến mức độ mà ở một số nơi - bao gồm cả Biển Hoa Đông – gần như không còn con cá nào.

Đó là một viễn cảnh đáng sợ đối với một đất nước mà nhu cầu đang ngày càng gia tăng: Trung Quốc chiếm 35% lượng tiêu thụ thủy sản trên thế giới trong năm 2015. Việc tìm kiếm nguồn đánh bắt ở những ngư trường xa hơn - bao gồm cả vùng biển của Indonesia - thực sự không phải là một giải pháp; trữ lượng cá tại những vùng biển tranh chấp ở Biển Đông đã giảm đến 95% so với những năm 1950.

Nếu không muốn nguồn thủy sản còn lại của châu Á phải chịu chung số phận tương tự như mình thì Trung Quốc sẽ phải suy nghĩ một cách toàn diện hơn rất nhiều về việc làm thế nào để tạo ra một nguồn cung cấp thực phẩm bền vững cho khu vực.

Như ở các nước đang phát triển khác, sự thăng tiến trong bậc thang thu nhập ở Trung Quốc đi kèm với sự cải thiện về chất lượng và số lượng về chế độ ăn uống. Hải sản – từng là một nguồn thực phẩm xa xỉ ở nhiều nơi ở Trung Quốc – nay đã trở nên phổ biến, ngay cả ở vùng nội địa; Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ và xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.

Tác động kinh tế thật phi thường. Giữa năm 1979 và năm 2013, đội tàu đánh cá được cơ giới hóa của Trung Quốc đã tăng từ 55.225 lên 694.905 tàu, trong khi đó, số người làm việc trong ngành công nghiệp đánh bắt cá đã bùng nổ tăng từ 2,25 triệu lên tới hơn 14 triệu người.

Trong khi đó, thu nhập trung bình hàng tháng của ngư dân tăng từ khoảng 15 đô la Mỹ (20 đô la Singapore) lên tới gần 2.000 đô la Mỹ mỗi tháng.

Ngày nay, ngành công nghiệp đánh bắt cá mang lại hơn 260 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, chiếm khoảng 3% GDP của Trung Quốc.

Nhưng việc theo đuổi tăng trưởng (và đánh bắt) bằng mọi giá, ngư dân Trung Quốc đã hủy hoại môi trường một cách khủng khiếp.

Hiện nay, sông Dương Tử, nơi cung cấp 60 % lượng đánh bắt nước ngọt của Trung Quốc, chỉ cung cấp chưa đến một phần tư lượng cá so với năm 1954, và hầu hết 170 loài trên con sông này đang trên bờ vực tuyệt chủng.

Tình hình đánh bắt xa bờ cũng không khá hơn. Chính phủ Trung Quốc thừa nhận rằng, lượng thủy sản mà ngư dân Trung Quốc đánh bắt trong lãnh hải nước này thường xuyên vượt quá giới hạn đánh bắt bền vững hàng năm ở mức 30% hoặc hơn.

Ghé thăm bất cứ chợ thủy sản nào của Trung Quốc cũng sẽ bắt gặp một lượng lớn cá có kích thước nhỏ hơn tiêu chuẩn cho phép mà ngay từ ban đầu không bao giờ được phép đánh bắt.

Trách nhiệm của tình trạng này thuộc về cả ngành công nghiệp đánh bắt cá và chính phủ Trung Quốc, một quốc gia mà chỉ riêng năm 2013 đã chi tới 6,5 tỷ đô la để trợ cấp cho ngành đánh bắt thủy sản.

Gần như tất cả số tiền đó đều được trợ cấp cho nhiên liệu giá rẻ, điều này cho phép và khuyến khích ngư dân Trung Quốc đi đánh bắt xa bờ hơn, họ thường đi vào những vùng đặc quyền kinh tế gần như không bị cướp bóc của các nước như Indonesia.

Tệ hơn nữa, quân đội Trung Quốc đã công khai tiếp tay cho những nỗ lực này bằng cách trợ cấp tất cả mọi thứ từ đá lạnh (dùng để bảo quản cá-ND) cho tới GPS cho các tàu đánh cá của Trung Quốc. Mục đích: để củng cố yêu sách của Trung Quốc về "quyền đánh cá lịch sử" ở Biển Đông, một vùng biển rộng lớn và tồn tại những tranh chấp sâu sắc.

Các nhà quản lý Trung Quốc đang chiến đấu một trận chiến nắm chắc phần thua trước các phe cánh khác trong chính phủ. Năm 1999, Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá theo mùa ở Biển Đông, và vào năm 2002, các nhà quản lý đã làm điều tương tự ở các khu vực của sông Dương Tử. Nhưng sự suy giảm liên tục nguồn thủy sản ở cả hai khu vực này chỉ càng thể hiện rõ sự không hiệu quả của những lệnh cấm trên. Để đối phó, trong năm 2013, một nhà khoa học Trung Quốc đã đề xuất một lệnh cấm đánh bắt cá hoàn toàn trong 10 năm tại sông Dương Tử. Tuần này, các quan chức Trung Quốc đã đánh tín hiệu rằng, họ chào đón ý tưởng này và thậm chí còn xem xét chọn lọc số lượng lớn đội tàu đánh cá của Trung Quốc.

Mặc dù cả hai biện pháp này sẽ mang lại lợi ích đối với nguồn thủy sản châu Á, nhưng chúng mới chỉ là sự khởi đầu. Để tạo sự khác biệt thực sự, Trung Quốc sẽ cần phải phi quân sự hóa các tàu đánh cá của mình và chấm dứt trợ cấp nhiên liệu gây tai hại do quân đội tài trợ, đây là điều đang khuyến khích hoạt động đánh bắt không được kiểm soát, đó là còn chưa kể đến việc chúng gây ra những căng thẳng địa chính trị. Đội tàu đánh cá phải do lực lượng dân sự và cơ quan nông nghiệp quản lý, chứ không phải bởi các tướng lĩnh ít quan tâm đến sự bền vững của môi trường.

Quan trọng không kém, Trung Quốc cần gắn kết trách nhiệm phục hồi và bảo tồn nguồn thủy sản với nguồn nước sạch và các sáng kiến ​​môi trường khác trong các văn bản kế hoạch kinh tế của mình, bao gồm cả kế hoạch 5 năm của chính phủ. Làm như vậy sẽ nâng chúng thành ưu tiên quốc gia giống như ưu tiên làm sạch không khí của Bắc Kinh.

Những ưu tiên này sau đó có thể được mở rộng đối với các hiệp định thương mại, bao gồm cả Hiêp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực mà Trung Quốc hiện đang đàm phán với các quốc gia châu Á khác, cũng như các thỏa thuận song phương với các bên tranh chấp khác ở Biển Đông. Mục tiêu là biến Trung Quốc trở thành người đi đầu - và có lẽ thậm chí là một thương hiệu – về hải sản bền vững.

Nếu may mắn thành công, điều đó sẽ không chỉ cung cấp thêm nhiều cá cho người Trung Quốc mà nó còn mang lại cả danh tiếng là một công dân toàn cầu có trách nhiệm.

Adam Minter là tác giả người Mỹ thường trú tại châu Á, nơi ông theo dõi các vấn đề về chính trị, văn hóa và kinh doanh. Ông là tác giả của cuốn “Junkyard Planet: Travels in the Billion-Dollar Trash Trade.” Bài viết được đăng trên Today Online.

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.