....

KẾT LUẬN - CÁCH HÀNH XỬ TRÊN BIỂN CỦA TRUNG QUỐC TRONG TƯƠNG LAI GẦN

Hình ảnh của Trung Quốc với tư cách là một bên yêu sách cứng rắn ở Biển Đông sẽ không thay đổi. Tập Cận Bình đã vạch ra đường lối rất rộng mở về việc theo đuổi lợi ích biển với tuyên bố rằng Trung Quốc nên lên “kế hoạch một cách tổng thể đối với cả hai nhiệm vụ: duy trì sự ổn định và bảo vệ các quyền lợi của Trung Quốc.”[1] Nhưng ông đã không nêu rõ các phương hướng cụ thể để cân bằng hai mục tiêu này với nhau. Các quan chức khác, một tập hợp đa dạng của những chủ thể an ninh biển, vốn thường được thúc đẩy bởi những lợi ích riêng của họ, sẽ định hình các chính sách và quyết định các hành động cụ thể.

Bên cạnh lực lượng Cảnh sát Biển Trung Quốc, các chủ thể an ninh biển quan trọng nhất của Trung Quốc là: các quan chức cao cấp của Quân Giải phóng quân Trung Hoa (PLA); quan chức cấp cao ở các tỉnh ven biển, Bộ Công an, Cục Hải dương Quốc gia (SOA), Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC); và các giám đốc điều hành cấp cao của các công ty dầu khí quốc gia. Các nhóm này sẽ nắm bắt mọi cơ hội để đạt được lợi thế thương mại, uy tín, hoặc nguồn vốn nhà nước. Tuy nhiên, họ cũng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bất chấp vị thế mạnh mẽ của mình, Tập Cận Bình không thể làm ngơ trước nhu cầu của các nhóm lợi ích quan trọng này.

Một số nhà phân tích Trung Quốc băn khoăn rằng liệu cam kết về lòng trung thành của các tướng lĩnh của PLA hồi tháng 6/2014 có nên được hiểu như là một dấu hiệu của sự bất an của Tập Cận Bình, thay vì là một dấu hiệu cho thấy sức mạnh của ông. Sự quyết tâm mà Tập Cận Bình đã thể hiện trong cuộc chiến chống tham nhũng kể từ khi trở thành lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc có thể tăng cường uy tín của ông trong mắt người dân thường, nhưng điều này chắc chắn cũng đã tạo ra cho ông nhiều kẻ thù trong cả chính phủ lẫn quân đội Trung Quốc. Một nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc đã gọi chiến dịch này như “một cuộc tấn công trực tiếp tới chính phủ và quân đội Trung Quốc.”[2] Việc biết rằng có rất nhiều quan chức cấp cao và sĩ quan quân đội bất bình sẽ chỉ làm trầm trọng thêm những “nỗi lo lắng sống còn” của các nhà lãnh đạo hàng đầu, rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ mất đi quyền lực vốn có của nó như Đảng Cộng sản Liên Xô.[3]

Những hành động trên biển của Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn ra một cách vô hệ thống và bột phát, chứ không phải là một chiến lược tổng thể. Nhiều chủ thể khác nhau, ví dụ như giám đốc các công ty khai thác tài nguyên và các quan chức địa phương sẽ hợp tác khi cả hai bên có cùng lợi ích. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy chính phủ trung ương Trung Quốc đã phê duyệt một "kế hoạch lớn" chỉ đạo các chủ thể khác nhau để cưỡng ép các bên tranh chấp khác theo một cách có tính toán để đạt được một mục tiêu chung.[4] Đối với các nhà hoạch định chính sách quốc tế đang muốn cho Trung Quốc thấy tầm quan trọng của ổn định khu vực, thì một “kế hoạch lớn” trên thực tế sẽ ít mang tính đe dọa hơn là hoàn cảnh bất ổn nảy sinh do các chủ thể khác nhau của Trung Quốc theo đuổi những biện pháp bột phát nhằm phục vụ lợi ích riêng của mình. Môi trường chính sách mang nặng tinh thần dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc hiện nay đang khuyến khích các loại hành vi này.

Những người Trung Quốc được phỏng vấn tuyên bố rằng lãnh đạo nước này dành sự tập trung cho Biển Hoa Đông nhiều hơn Biển Đông, và điều này đặt ra câu hỏi rằng có phải lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đang chủ định cho phép các chủ thể của nước này được tự do trong hành xử ở Biển Đông hay không. Có thể, nhưng điều này cũng phụ thuộc vào hoàn cảnh và thời gian. Khi căng thẳng với các bên có yêu sách khác nổ ra bất chợt và có khả năng gây tổn hại tới hình ảnh Trung Quốc trên trường quốc tế, ví dụ như khi vụ giàn khoan HYSY-981 dẫn đến cuộc bạo động chống Trung Quốc ở Việt Nam, các lãnh đạo cấp cao đã quyết định đưa ra một lời giải thích để gỡ gạc thể diện và giàn khoan được rút đi. Còn ở những thời điểm khác, các lãnh đạo Trung Quốc bị chi phối bởi áp lực trong nước và nhu cầu của các chủ thể khác nhau trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc (hoặc những gì Trung Quốc tuyên bố là của mình). Điều đó cho thấy, vấn đề Biển Hoa Đông chỉ đơn giản là không tạo ra các chủ thể của Trung Quốc các cơ hội giống như ở vùng Biển Đông rộng lớn. Ví dụ, các mỏ năng lượng gần Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư không được đánh giá là hấp dẫn như các mỏ ở gần quần đảo Hoàng Sa.[5]

Sự mâu thuẫn của các chính sách của Trung Quốc ở khu vực sẽ tiếp diễn. Bài phát biểu chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình tại Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 11/2014 đã vừa cung cấp lập luận cho những người ủng hộ cách tiếp cận hòa giải vừa ủng hộ những người thúc đẩy Trung Quốc bảo vệ các quyền trên biển của mình.[6] Hình ảnh quyến rũ của Trung Quốc, ví dụ như chuyến thăm của Tập Cận Bình tới Úc năm 2014, trong phút chốc sẽ bị xóa nhòa bởi tin tức về các hoạt động cải tạo đất gây tranh cãi ở các bãi đá có tranh chấp. Mặc dù có nhiều chủ thể đang đẩy chính sách của Bắc Kinh theo chiều hướng khiêu khích hơn, song vẫn có những tiếng nói ôn hòa hơn, chẳng hạn như chính quyền địa phương và các tập đoàn đầu tư vào khu vực Đông Nam Á và một số học giả, những người kêu gọi chính phủ Trung Quốc theo đuổi một chiến lược mang tính xây dựng hơn trong khu vực.[7] Họ cho rằng Trung Quốc cần tiếp tục duy trì một môi trường ổn định để phát triển thịnh vượng. Quan hệ hữu nghị trong khu vực là bắt buộc để chống lại ảnh hưởng của Mỹ. Mối quan hệ mang tính xây dựng với Mỹ cũng lợi cho Trung Quốc. Nếu nhìn ra ngoài vấn đề biển đảo, có thể thấy rất nhiều chính sách thương mại và đầu tư của Trung Quốc được chào đón ở các nước láng giềng.

Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục phát triển năng lực chấp pháp dân sự của mình bằng cách tăng cường sự hiện diện trên biển và khả năng giám sát các vùng biển có tranh chấp. Lực lượng Cảnh sát Biển mới của Trung Quốc sẽ không ngại sử dụng sức mạnh mới của mình để gây áp lực lên các nước láng giềng khi cần thiết. Một số người Trung Quốc cho rằng sự đe dọa này - cả trên phương diện tâm lý và lẫn việc “va chạm” thực sự bằng tàu Hải giám và sử dụng vòi rồng - sẽ làm nhụt chí các bên có yêu sách khác, đặc biệt là nếu nền kinh tế của Trung Quốc không ngừng phát triển và các bên có yêu sách khác có sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc ngày một lớn hơn.

Điều quan trọng cần được nhấn mạnh, như M. Taylor Fravel - Đại học Công nghệ Massachusetts đã chỉ ra, là Trung Quốc không dựa vào lực lượng hải quân của mình để khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình, và cũng không dựa vào lực lượng Cảnh sát Biển để tiến hành điều đó.[8] PLA được dự kiến sẽ tiếp tục là lực lượng "hiện diện đằng xa", ít nhất là trong thời gian hiện nay.[9] Liệu PLA sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong việc phối hợp giải quyết các tình huống căng thẳng trong vùng biển tranh chấp (như đã thể hiện rất rõ ràng trong việc “bảo vệ” giàn khoan HYSY-981) hay không là một câu hỏi mở. Sự gia tăng các cuộc tập trận giữa lực lượng quân sự và dân sự thời gian gần đây có thể là một dấu hiệu cho thấy PLA đang thể hiện vai trò đó. Ngoài ra, vai trò điều phối của PLA có thể được xem như một ngoại lệ xảy ra do những vấn đề hiện nay về tái cơ cấu đang diễn ra trong nội bộ Cảnh sát Biển Trung Quốc.

Chính sách đối ngoại và an ninh phải phục vụ chiến lược đối nội của Tập Cận Bình. Người ta không thể loại trừ ý kiến cho rằng một số lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc - mà có thể là chính Tập - muốn tạo ra hình ảnh của Trung Quốc mạnh mẽ bằng cách tiến hành những động thái quyết liệt trong vấn đề biển đảo để chống lại những lời chỉ trích mà lãnh đạo nước này đang phải đối mặt với người dân của mình về các vấn đề trong nước. Những vấn đề này bao gồm bất công xã hội và ô nhiễm môi trường, cả hai đều gây tổn hại tới tính hợp pháp của Đảng và ảnh hưởng đến tầng lớp tinh hoa và trung lưu. Người dân cũng đang tỏ ra thất vọng với tốc độ chậm chạp của quá trình cải cách kinh tế.

Cuộc chiến tuyên truyền khốc liệt về các quyền trên biển cũng sẽ tiếp tục. Các chủ thể bên ngoài ngày càng coi Trung Quốc như một kẻ bắt nạt bao nhiêu, thì việc đánh giá một cách khách quan về các tranh chấp chủ quyền tại các vùng biển lân cận của Trung Quốc lại càng khó khăn bấy nhiêu.

Đối với các nhà hoạch định chính sách trong khu vực, sự hiện diện các chủ thể an ninh biển đa dạng, kiên quyết, và mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc là một mối quan tâm lớn. Cùng với đó là sự không chắc chắn về vai trò của Hải quân PLA. Các chủ thể này khiến những động thái của Trung Quốc trở nên không thể đoán trước được, vì họ có thể tiếp tục mở rộng giới hạn của những gì được phép làm, lấy lý do từ những chỉ đạo rất chung chung của Tập Cận Bình trong việc bảo vệ những quyền lợi trên biển của Trung Quốc. Những chủ thể này cũng không có sự thống nhất, làm cản trở sự phối hợp và điều hành hiệu quả. Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các chủ thể này sẽ tiếp tục gây nên sự bất ổn, khó đoán định. Do đó, tồn tại một nguy cơ rõ ràng về một sự cố trên biển (hoặc trên không) vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Sự tương tác phức tạp giữa các chủ thể an ninh biển của Trung Quốc sẽ khiến cho tình hình Biển Hoa Đông và Biển Đông tiếp tục bất ổn.[10]

 

Đọc toàn bộ bản dịch báo cáo tại đây.

Linda Jakobson, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc hàng đầu của Viện Lowy. Trước khi tới Úc vào năm 2011, bà Jakobson đã công tác tại Trung Quốc trong 20 năm và từng đảm nhận chức vụ Giám đốc của Chương trình Trung Quốc và An ninh Toàn Cầu và nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm từ năm 2009-2011. Bà đã xuất bản 6 cuốn sách về Trung Quốc và các quốc gia Đông Á. Bài phân tích được đăng lần đầu trên trang Lowy Institute.

Nhóm dịch giả: Đinh Tuấn Anh, Đỗ Mạnh Hoàng,

Nguyễn Hùng Sơn, Vũ Quang Tiệp

Hiệu đính: Nguyễn Minh Ngọc

 



[1] M. Taylor Fravel, “Xi Jinping’s Overlooked Revelation on China’s Maritime Disputes,” The Diplomat, 15/8/2013, truy cập tại http://thediplomat.com/2013/08/xijinpings-overlooked-revelation-on-chinas-maritime-disputes/ .

[2] Bài phỏng vấn của tác giả với một quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc, ngày 9/9/2014. Trong một vài cuộc hội thoại với tác giả, các nhà phát ngôn của Trung Quốc đã bày tỏ sự bất mãn trong nội bộ chính phủ - và một vài đơn vị trong PLA - về chiến dịch chống tham nhũng.

[3] Linda Jakobson và Sergei Medvedev, “Sovereignty or Interdependency” trong cuốn At the Crossroads of Post-Communist Modernization: China and Russia in Comparative Perspective, Christer Pursiainen (biên tập) (Houndsmill: Palgrave Macmillan, 2012).

[4] Tác giả nhận thức được quan điểm trái chiều về vấn đề này. Xem Glaser, “People’s Republic of China,” Cronin (chủ biên), Tailored Coercion; Glaser, “Beijing as an Emerging.”

[5] Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ước tính rằng có khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên nằm dưới đáy Biển Đông, bao gồm cả những mỏ ước lượng đã được xác thực và mới được dự tính. Nếu những số liệu ước lượng này là chính xác, thì Biển Đông có thể sánh ngang với Mexico, một nước sản xuất khí đốt bậc trung, và nằm trong top 10 trên thế giới về sản xuất khí đốt. Chris Horten, “Beijing Zooms in on Energy Potential of South China Sea,” New York Times, 28/10/2014. Ở Biển Hoa Đông, trữ lượng khí đốt là không đáng kể, “Disputed Claims in the East China Sea. An Interview with James Manicom,” Cơ quan Quốc gia về Nghiên cứu Châu Á (NBR), 25/11/2011, http://www.nbr.org/research/activity.aspx?id=159 .

[6] “Xi Eyes More Enabling Int’l Environment for China’s Peaceful Development,” Xinhuanet, 30/11/2014, http://news.xinhuanet.com/english/china/2014-11/30/c_133822694.htm . Xem thêm Rory Medcalf, “Xi Jinping’s Speech. More Diplomacy, Less Raw Power,” The Interpreter (blog), 1/12/2014, http://www.lowyinterpreter.org/post/2014/12/01/Xi-Jinping-speech-Morediplomacy-less-raw-power.aspx?COLLCC=3951519263& .

[7] Xem ví dụ [Huang Ao], “澎湃对话王缉思” [Trong hội thoại với Wang Jisi ], 澎湃 [The Paper], 19 July 2014, http://www.thepaper.cn/newsDetail_forward_1251648 .

[8] M. Taylor Fravel, “Maritime Security in the South China Sea and the Competition for Maritime Rights” trong cuốn Cooperation from Strength: The United States, China and the South China Sea, Patrick Cronin và William Rogers, (Biên tập). (Washington DC: Center for New American Security, Tháng 1/2012), tr. 42.

[9] Michael McDevitt, “China’s Maritime Disputes in the East and South China Seas”, U.S.-China Economic and Security Review Commission, Washington DC, 4 tháng 4 năm 2013, trang 3, http://www.uscc.gov/sites/default/files/McDevitt%20Testimony,%20April%204%202013_0.pdf .

[10] Saich, Chính trị và Cai trị, trang 145.