03/02/2012
Năm 2012 sẽ là một năm tiềm ẩn nhiều bất ổn khó đoán định đối với thế giới. Dưới tiêu đề “The big questions for 2012”, tờ "Thời báo Tài chính" số ra gần đây tổng hợp ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu thế giới về 5 vấn đề lớn, đó là nghịch lý chính trị trong việc cứu vãn nền kinh tế toàn cầu, vai trò của nhà nước trong nền kinh tế, sự bất công bằng kinh tế, bất ổn xã hội và an ninh năng lượng.
Một nghịch lý sẽ làm tê liệt chính trị thế giới
Theo nhận định của nhà báo kỳ cựu Gideon Rachman, phụ trách chính chuyên mục chính sách đối ngoại của tờ "Thời báo Tài chính", những nỗ lực để giải cứu nền kinh tế thế giới trong năm 2012 sẽ bị ảnh hưởng bởi một nghịch lý chính trị nguy hiểm, đó là nhu cầu hợp tác quốc tế càng lớn và càng cần thiết thì khả năng đạt được lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Năm 2012 bắt đầu với việc thế giới vẫn bị phủ bóng của mối đe dọa từ cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất kể từ năm 1945. Tuy nhiên, khi tình hình kinh tế xấu đi, những hành động đòi hỏi các nhà lãnh đạo quốc gia phải thực hiện trở nên cấp bách hơn bao giờ hết và cũng trở nên khó thực thi ở trong nước hơn bao giờ hết: đó là việc tham gia vào các khoản cứu trợ lớn dành cho các quốc gia gặp khó khăn, trợ giúp cho các ngân hàng không được lòng dân, hợp tác một cách kiên nhẫn với các quốc gia mà phần đông dân số của mình tin rằng là các quốc gia phá sản và không trung thực. Trong năm 2012, các nhà lãnh đạo quan trọng nhất của thế giới nhiều khả năng sẽ bị đòi hỏi phải thực hiện tất cả các việc trên - và họ sẽ thấy khó thực hiện hơn bao giờ hết. Các điều kiện của suy thoái, bất ổn và hoảng loạn đòi hỏi sự hợp tác quốc tế cũng khiến cho các cử tri giận dữ hơn và trở nên ít khoan dung hơn. Các áp lực chính trị từ cuộc khủng hoảng kinh tế quốc tế đã và đang ngăn cản Liên minh châu Âu (EU) có những giải pháp hiệu quả đối với các thách thức từ cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu. Trong năm 2012, tình hình khủng hoảng có thể sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn bởi một số trong số các quốc gia có tầm quan trọng nhất sẽ tổ chức bầu cử hoặc có những thay đổi về giới lãnh đạo, khiến việc quan tâm tới vấn đề ngoại giao trở nên khó khăn hơn. Dự kiến sẽ có các cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ, Pháp và Nga - và giới lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc sẽ có những cải tổ vào cuối năm. Những đòi hỏi lớn nhất sẽ tập trung vào quốc gia không có bầu cử. Năm 2012, cũng như trong năm 2011 vừa qua, thế giới sẽ hướng tới Đức với hy vọng nước này sẽ cung cấp vật lực và trí lực để kéo khu vực đồng euro ra khỏi bờ vực đổ vỡ. Tuy nhiên, Đức cực kỳ miễn cưỡng trong việc tiếp tục mở hầu bao một lần nữa. Thay vào đó, Đức lại tập trung vào việc nỗ lực đạt được một hiệp ước châu Âu mới nhằm đặt ra những giới hạn hà khắc về thâm hụt ngân sách - một chính sách không liên quan tới cuộc khủng hoảng nợ trong ngắn hạn và có thể sẽ phản tác dụng trong dài hạn. Cách hành xử của Đức chỉ có thể giải thích được khi được hiểu trong bối cảnh chính trị trong nước. Các chính sách của Thủ tướng Angela Merkel được định hình bằng mong muốn đại chúng rằng Đức không nên tài trợ thêm cho các gói cứu trợ ở châu Âu và thay vào đó là xuất khẩu "văn hóa về sự ổn định" của chính mình.
Thủ tướng Merkel bị các nhà lãnh đạo nước ngoài chỉ trích vì để cho những vấn đề chính trị trong nước quyết định cách tiếp cận của bà đối với cuộc khủng hoảng. Nhưng nhìn ra xung quanh thế giới có thể thấy rằng tất cả các nhà lãnh đạo các nước khác cũng hành động tương tự. Đối tác chính của Đức tại châu Âu trong những tháng tới đây sẽ là Pháp - quốc gia sẽ bận rộn với cuộc bầu cử tổng thống. Ông Nicolas Sarkozy sẽ chỉ có thể nỗ lực thúc đẩy sự thay đổi trong cuộc khủng hoảng sau ngày bỏ phiếu cuối cùng là ngày 6/5, đồng thời phải bảo vệ chính mình trước các cáo buộc từ phe cánh tả và cực hữu rằng ông đã đi quá xa trong việc nhượng chủ quyền cho một nước Đức thiếu kiên nhẫn. Còn về nước Mỹ thì sao? Bill Clinton đã từng tự hào rằng Mỹ là "quốc gia không thể thiếu". Nhưng khi xét tới những cơn đau tột cùng của khu vực đồng euro, Mỹ sẽ hạnh phúc hơn bao giờ hết nếu như có thể tránh dính dáng đến. Hiện không có khoản tiền nào dành cho một kế hoạch Marshall hiện đại cho châu Âu. Tất cả những thảo luận về viện trợ nước ngoài đều sẽ bị ghét cay ghét đắng trong năm bầu cử. Ước muốn lớn nhất của Tổng thống Barack Obama trong năm 2012 là các nước châu Âu đoàn kết cùng hành động và tránh kéo thế giới vào suy thoái trước khi cử tri Mỹ bỏ phiếu vào tháng 11/2012. Với nước Mỹ đang tập trung vào các vấn đề trong nước, một số lãnh đạo sẽ hướng tới Trung Quốc để tìm nguồn tiền và sự lãnh đạo. Điều này đã xảy ra trong năm 2011 khi các quan chức châu Âu kết thúc hội nghị thượng đỉnh EU bằng cách kêu gọi Bắc Kinh mua thêm nợ của châu Âu - một nỗ lực không thành công và đáng tủi hổ. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ dành phần lớn thời gian của năm 2012 để tranh giành vị trí của mình. Trong khi các nhân vật chóp bu dường như đã rõ ràng, gồm Chủ tịch và Thủ tướng mới dự kiến là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, các vị trí khác thấp hơn vẫn còn đủ cho mọi người. Sức ép buộc Trung Quốc tập trung vào các vấn đề nội bộ sẽ được nhấn mạnh bằng nỗi lo ngại ngày càng gia tăng về bất ổn kinh tế và chính trị trong nước. Giới lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng cảnh tỉnh trước "Mùa Xuân Arập". Các cuộc biểu tình mới đây ở Mátxcơva phản đối cuộc bầu cử cũng tạo ra những quan ngại tại Bắc Kinh. Trong khi đó, cũng vẫn còn những lo ngại về lạm phát, bong bóng giá cả nhà đất và bất ổn xã hội ngày càng lớn tại các trung tâm sản xuất ở Trung Quốc. Điều đó có thể có nghĩa là quá trình chuyển đổi giới lãnh đạo tại Trung Quốc sẽ sống động và cạnh tranh mạnh mẽ hơn nhiều người dự đoán. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là Trung Quốc chỉ còn ít tham vọng đóng góp cho sự hợp tác quốc tế. Trong năm 2012, chúng ta chỉ có thể "ngắm nhìn" nền chính trị thế giới dưới góc nhìn giải trí mà các cuộc bầu cử sẽ mang lại chứ không phải là các giải pháp cho các vấn đề toàn cầu.
Vai trò nhà nước trong nền kinh tế
Giáo sư DeAnne Julius, từng là nhà phân tích của CIA và hiện là chủ tịch danh dự của Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Chatham (Luân Đôn) cho rằng một chủ đề tranh luận lớn trong năm 2012 sẽ là về vai trò của chính phủ trong nền kinh tế. Mặc dù điều này nghe giống như một vấn đề kinh tế nhưng nó thực sự là về chính trị. Không hề có một kích thước tối ưu về mặt kinh tế của chính phủ. Các cử tri sẽ phải chọn lựa hoặc là họ muốn chi tiêu công lớn và những ưu đãi hào phóng đi đôi với các mức thuế cao hơn để trả giúp các khoản chi tiêu cho họ, hoặc là một mức chi tiêu công khiêm tốn và những ưu đãi cơ bản cùng với mức thuế thấp hơn, và các hộ gia đình sẽ phải trả nhiều hơn. Cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra cung cấp bằng chứng rõ ràng rằng mô hình chi tiêu công cao có được vì nợ công ngày càng cao đã thất bại. Chiến dịch vận động bầu cử tại Mỹ đang định hình xung quanh vấn đề này. Các ứng cử viên Cộng hòa có vẻ quyết tâm vượt lên bằng cách phản đối cách chi tiêu của chính phủ, dù là cho y tế hay sửa chữa đường sá. Các lập luận mà họ đưa ra thay đổi theo vị trí chính trị của họ. Người có quan điểm trung dung hơn tập trung vào vấn đề thiếu hiệu quả và chất lượng thấp của các dịch vụ công. Người có quan điểm cực hữu hơn thì cho rằng thật là phi đạo lý khi chính phủ sung công tiền thu thập của người dân thông qua hệ thống thuế. Họ cho rằng các cá nhân cần phải có quyền giữ lại thu nhập của họ và chi tiêu theo nhu cầu của họ chứ không phải đưa ra quyết định chọn lựa các giải pháp do chính quyền đặt ra. Về phía đảng Dân chủ, Barack Obama đang đấu tranh để duy trì chương trình cải cách y tế của mình và kéo dài chương trình hỗ trợ thất nghiệp. Tuy nhiên, ông Obama cũng tuyên bố rằng những ưu đãi như vậy chỉ có thể có được thông qua đánh thuế cao hơn đối với "các tỷ phú và các triệu phú". Một số ít các nhà kinh tế ủng hộ quan điểm đó. Quan trọng hơn, các cuộc thăm dò cho thấy công chúng rất lo ngại về nợ chính phủ gia tăng và hoài nghi rằng thâm hụt ngân sách lớn hơn sẽ kích thích tăng trưởng. Bất kể những tranh luận như trên, Mỹ vẫn có thể tránh được vấn đề này thêm một thời gian nữa. Hiện vẫn có những đối tác sẵn sàng mua nợ của Mỹ tại châu Á, và nếu như năm 2012 mang lại thêm nhiều cú sốc tài chính thì đồng USD có thể sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, thời gian đối với châu Âu không còn dài và châu lục già phải bắt đầu xuất phát từ một vị trí tồi tệ hơn. Các loại thuế đã cao tới mức kìm hãm tăng trưởng, bởi chúng khiến cho châu Âu trở thành nơi thiếu sức cạnh tranh cho nhiều doanh nghiệp. Vấn đề này ngày càng tồi tệ đối với các thành viên khu vực đồng euro, vốn không thể điều chỉnh bằng cách phá giá. Trong khi đó, chi tiêu phúc lợi và việc làm trong ngành công mang lại nhiều lợi ích cho các cử tri và rất khó để cho các chính trị gia chiến thắng bằng cách cắt giảm. Hợp đồng xã hội làm cơ sở cho dân chủ đòi hỏi phải có thỏa hiệp. Nhưng tranh luận chính trị sẽ ngày càng trở nên đối đầu trong năm 2012. Nó sẽ là một năm mà khủng hoảng tài chính chuyển thành một loạt các cuộc khủng hoảng chính trị.
Bất bình đẳng về kinh tế
Chuyên gia nghiên cứu cao cấp Moisés Naím thuộc Viện Carnegie Endowment (Mỹ) cho rằng bất công bằng sẽ là chủ đề chính trong năm 2012. Vấn đề này luôn luôn tồn tại và sẽ không mất đi nhưng năm nay nó sẽ là chủ đề chính trong chương trình nghị sự toàn cầu của các cử tri, những người biểu tình và các chính trị gia tìm kiếm chiếc ghế trong các cuộc bầu cử quan trọng của thế giới. Không có gì mới trong thực tế rằng một số người quá giàu có và quá nhiều người lại quá nghèo. Ở một số nơi (Liên Xô và hầu hết các quốc gia với chế độ độc tài) bất bình đẳng đã từng được che giấu bằng dân số; tại một số nơi (Mỹ Latinh), nó được người ta biết nhưng lại được dung thứ, và tại một số nơi (chẳng hạn Mỹ) thì nó được tán dương. Năm 2011, cuộc khủng hoảng kinh tế làm cho thế giới nhận thức rõ hơn mức độ và phạm vi của nó. Trong năm 2012, cùng tồn tại hòa bình với sự bất bình đẳng sẽ kết thúc và những nhu cầu, những hứa hẹn xóa bỏ bất bình đẳng sẽ trở nên khốc liệt và lan rộng hơn nhiều so với từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Các tít báo chẳng hạn như tít báo gần đây là "Sáu người thừa kế Walmart giàu hơn 30% dân số nghèo nhất của Mỹ" trên tờ Los Angeles Times là hình ảnh thu nhỏ của tâm trạng mới. Việc tìm hiểu về cuộc sống và việc làm của "1%" dân số sẽ trở thành nỗi ám ảnh. Cùng với sự dung thứ mới tìm thấy cho bất bình đẳng, chúng ta cũng sẽ chứng kiến những nỗ lực thường xuyên nhằm giải thích rằng không phải tất cả các hình thức bất bình đẳng đều là xấu. Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, nói: "Hành động như thể tất cả những người đã thành công đều xấu và tất cả những người giàu có đều xấu - Tôi không thể hiểu được điều đó". Phía sau sự phức tạp trong câu nói của ông Jamie Dimon là giả định rằng sự giàu có thường có được từ sự cách tân, tài năng và sự chăm chỉ được xã hội biểu dương. Nhưng như chúng ta biết, sự giàu có và bất bình đẳng cũng có thể bắt nguồn từ tham nhũng, phân biệt đối xử, độc quyền, hành vi ngược đãi của các tập đoàn hoặc hành động phi pháp như siêu lừa Madoff. Các học sinh học về bất bình đẳng muốn đánh đồng nó với chất béo gây xơ cứng động mạch Colextêrôn: Có cả sự bất bình đẳng tốt và bất bình đẳng xấu, và bí quyết là tăng cường bất bình đẳng tốt và giữ bất bình đẳng xấu ở mức thấp nhất có thể. Ở đây xuất hiện vấn đề: giảm bất bình đẳng mà không gây phương hại tới các mục tiêu khác (đầu tư, cách tân, chăm chỉ) không phải là việc dễ làm. Cuộc đấu tranh vì một xã hội công bằng hơn là mục tiêu của vô số những thí nghiệm mà kết quả nó mang lại là ngày càng bất bình đẳng, nghèo đói lan rộng và mất tự do. Tuy nhiên, có một bằng chứng thuyết phục là bất bình đẳng cao là không tốt cho sự thịnh vượng của một quốc gia: nó dẫn tới sự bất ổn chính trị lớn hơn và bạo lực nhiều hơn, tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh và tăng trưởng. Năm 2012, các cuộc bầu cử sẽ diễn ra tại Mỹ, Pháp, Nga, Đài Loan, Mêhicô, Ai Cập và Hàn Quốc. Trung Quốc cũng sẽ thay đổi lãnh đạo. Bất bình đẳng sẽ trở thành một phần của cuộc tranh luận bầu cử và sẽ là chủ đề chính của năm 2012.
Bất ổn xã hội
Giáo sư Anne-Marie Slaughter của trường Đại học Princeton (Mỹ), từng là Giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng một vấn đề lớn của năm 2012 sẽ là bất ổn xã hội: các cuộc biểu tình sẽ diễn ra ở nhiều nước và sẽ biến thành các cuộc cách mạng tại một số quốc gia. Đó là kết quả của "công nghệ hủy diệt" và chúng ta mới chỉ đang ở giai đoạn đầu để có thể hiểu được chính xác nghĩa của nó. Nó có nghĩa là sự hủy diệt trong cuộc sống của các cá nhân - thông qua bắt bớ, đánh đòn, tra tấn, hãm hiếp, giam giữ, bắt cóc và tàn sát - có một khả năng rất cao sẽ làm sụp đổ toàn bộ các xã hội. Sự khác biệt so với công nghệ truyền thống là tốc độ, quy mô và khả năng phục hồi. Sự trực tiếp, sự xác thực rõ ràng và quyền lực xúc cảm của lời nói và hình ảnh được truyền ngay lập tức tới hàng nghìn, và sau đó là hàng triệu người có thể sẽ chuyển những sự bất bình hiện tại thành cơn lũ của sự giận dữ. Quan trọng tương tự, khi một quốc gia có hành động dẹp tan những làn sóng biểu tình thứ nhất thì các hình ảnh đó sẽ tạo ra những kẻ sẵn sàng tử vì đạo và tạo ra một sự quyết tâm gia tăng rằng những người đã ngã xuống sẽ không ngã một cách vô ích. Cuối cùng là, sự thành công tại một quốc gia sẽ thúc đẩy cảm nhận về cả khả năng có thể cũng như khả năng cạnh tranh trong toàn khu vực. Người Ai Cập tuần hành tới quảng trường Tahrir đã lấy cảm ứng từ niềm hy vọng và sự cạnh tranh thân thiện nhưng thực sự: "Nếu người Tuynidi có thể làm điều đó...". Trong năm 2012, chúng ta sẽ thấy nhiều cuộc biểu tình hơn nữa tại châu Phi Hạ Xahara. Dimbabuê là một trong những ứng cử viên rõ ràng; Xuđăng là một ứng cử viên khác. Ở Nigiêria cũng có thể nổi lên cuộc biểu tình lan rộng chống lại tham nhũng lan tràn; các cuộc nổi dậy cũng có thể nổ ra ở Êtiôpia , Uganđa và một số quốc gia nhỏ hơn. Ở Nga, sự tủi hổ trong tầng lớp có học thức rằng Vladimir Putin chỉ là một sa hoàng mới nhất, kết hợp với tuyệt vọng kinh tế ngày càng lớn và tham nhũng trong khu vực nông thôn, có thể tạo ra một cuộc cách mạng Nga khác. Và sẽ không ngạc nhiên khi thấy các cuộc biểu tình ở một số nước Trung Á, tại Pakixtan, một lần nữa tại Iran, tại Angiêri, Mêhicô, Vênêxuêla hay Cuba.
Tại Mỹ, phong trào "Chiếm giữ" sẽ hoạt động thông qua các hoạt động gây gián đoạn theo kiểu bất thình lình liên tiếp, nhưng chúng ta cũng sẽ chứng kiến các hành động quyết tâm hơn nhiều, chẳng hạn như việc chống lại các hành động tịch thu tài sản để thế nợ - một chiến thuật tiên phong ở Tây Ban Nha. Ở các nước châu Âu đang ngột ngạt bởi chính sách thắt lưng buộc bụng, các cuộc biểu tình cũng có khả năng biến thành sự không phục tùng, tập trung vào việc từ chối trả các loại thuế mới hoặc thuế cao hơn. Và Trung Đông cũng sẽ tiếp tục rừng rực cháy. Cách mạng là giai đoạn cuối cùng của sự sụp đổ, nó sẽ là một sự thương lượng chứ không phải sự tái định hình thông qua cải cách. Các chính phủ khôn ngoan sẽ ngăn chặn trước cách mạng và trả lời những người biểu tình bằng việc cải tổ nhanh chóng và có ý nghĩa. Nhưng các chính phủ khôn ngoan lại rất ít, và các chính phủ khôn ngoan có đủ khả năng hành động nhanh chóng lại càng ít hơn. Và kết quả là năm 2012 sẽ là một năm hết sức hỗn loạn.
An ninh năng lượng
Chuyên gia Roger Altman, người sáng lập và là chủ tịch của Công ty Tư vấn Ngân hàng và Đầu tư Evercore Partners, từng là Thứ trưởng Tài chính Mỹ năm 1993-1994, nhận định công nghệ đang thanh đổi mạnh mẽ phương trình năng lượng thế giới và các hệ quả địa chính trị của nó. Tính hiệu quả của năng lượng tại các quốc gia phát triển đã tăng mạnh, cho thấy rằng nhu cầu của họ đã đạt đỉnh, và việc khám phá các mỏ dầu khí, đặc biệt là khí, đã được thực hiện tại các nơi ổn định về chính trị, trong đó có cả Mỹ. Điều này cho thấy khí đốt trong tương lai sẽ chiếm một phần lớn hơn trong nguồn cung năng lượng thế giới. Trong khi các bước phát triển này là tích cực đối với sự ổn định địa chính trị thì chúng cũng có thể tạo ra những thách thức đối với khí hậu. Kể từ lệnh cấm vận năm 1973, đã có một sự bận tâm toàn cầu về trọng tâm của dầu mỏ, nguồn cung của nó, giá cả của nó và chính trị thế giới của nó. Khi các nền kinh tế lớn dần và nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng lên, việc khai thác, sản xuất dầu mỏ và khí đốt ngày càng chuyển sang các quốc gia xa và không ổn định về chính trị, chẳng hạn như Nga, Irắc, Libi, Iran và Vênêxuêla. Đồng thời, OPEC nổi lên nắm quyền lực; quân đội Mỹ tái triển khai bảo vệ Vùng Vịnh; và có những quan ngại ngày càng lớn rằng thế giới có thể cạn kiệt dầu mỏ. Kỷ nguyên khó khăn giờ đây sắp kết thúc và công nghệ là lý do chính. Các kỹ thuật tìm kiếm và khoan dầu tại các vùng nước sâu và cát hắc ín đã được phát triển. Cách tiếp cận mới với việc khoan ngang và khoan thủy lực đã giúp cho việc tách dầu và khí đốt từ đá phiến sét mà vẫn có lợi nhuận là có khả năng thực hiện. Các ứng dụng của nó là rất lớn. Các nguồn khí đốt tự nhiên lớn giờ đây đã có thể được tiếp cận và vai trò của khí đốt trong nguồn cung năng lượng thế giới đang tăng nhanh chóng. Trong vòng 25 năm, khí đốt sẽ vượt qua than trở thành nguồn cung toàn cầu lớn thứ hai, sau dầu mỏ. Điều này là tích cực bởi khí đốt sạch hơn than nhiều. Mỹ đang trải nghiệm một giai đoạn bùng nổ năng lượng và hiệu quả năng lượng cao, ở cả trong lĩnh vực sản xuất ngoài khơi và trên bờ. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ đòi lại vai trò của mình với tư cách là nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới, và điều không ngờ là cuối cùng sẽ trở thành nước chuyên xuất khẩu năng lượng. Braxin , Canađa và Ôxtrâylia, tất cả các nước ổn định, đang trải qua giai đoạn bùng nổ năng lượng tương tự. Những thay đổi lớn như thế luôn luôn có một nhược điểm. Các tác động môi trường của các công nghệ này vẫn chưa rõ ràng. Phong trào hướng tới nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân và sự ổn định khí hậu có thể bị chậm lại bởi sự thừa thãi mới của dầu mỏ và khí đốt tự nhiên và giá cả tương đối thấp của khí đốt. Ngay cả trong năm 2040, các dự báo đáng tin cậy cho rằng các nhiên liệu hóa thạch vẫn sẽ cung cấp 80% nhu cầu năng lượng của thế giới. Tuy nhiên, an ninh năng lượng và an ninh quốc gia cho phần lớn thế giới sẽ được cải thiện, khi ảnh hưởng của các quốc gia giàu dầu mỏ giảm đi. Đó thực sự là một ưu thế./.
Theo FT (ngày 2/1)
Hương Trà (gt)
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...