Những chỉ dấu cho kỳ họp Lưỡng hội 2022 của Trung Quốc

Diễn ra  trước thềm Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Kỳ họp Lưỡng hội 2022, dự kiến khai mạc vào tuần sau (4-5/3/2022), đang thu hút sự chú ý của không chỉ người dân trong nước mà cả dư luận quốc tế. Sau khi Trung Quốc tuyên bố với thế giới rằng, nước này đã đạt được mục tiêu 100 năm đầu tiên - xây dựng xã hội khá giả toàn diện - người dân Trung Quốc và thế giới lại đang tiếp tục “ngóng chờ” đến mục tiêu một trăm năm lần thứ hai của Trung Quốc. Kỳ họp Lưỡng hội lần này được kỳ vọng sẽ phát đi những tín hiệu đầu tiên xung quanh con đường phát triển của Trung Quốc trong giai đoạn mới.

Tăng trưởng kinh tế vẫn là mối quan tâm hàng đầu

Năm 2021, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 6%. Tuy nhiên, trong báo cáo công tác năm 2022 của các chính quyền địa phương Trung Quốc, hầu hết các tỉnh đều hạ kỳ vọng tăng trưởng GDP trong năm nay. Theo số liệu thống kê, 44.9% các tỉnh của Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 dưới 6%[1], trong đó những thủ phủ kinh tế của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Tây đều đặt mục tiêu tăng trưởng giảm lần lượt là 5%, 5.5% và 6.5%, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra năm 2021 (Bắc Kinh, Thượng Hải là trên 6% và Quảng Tây là 7.5%). Trong số các tỉnh thành, Hải Nam và Tây Tạng là hai đơn vị hành chính cấp tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng cao nhất cả nước với mục tiêu lần lượt là 9% và 8%.

Mặc dù hiện nay các cuộc thảo luận xoay quanh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Trung Quốc vẫn đang tiếp tục diễn ra,  việc quan sát các chỉ số của chính quyền địa phương công bố có thể là những chỉ dấu bước đầu để dự báo mục tiêu tăng tưởng kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ được công bố trong Báo cáo công tác chính phủ được thông qua tại kỳ họp (kiểm tra lại: Đại hội hay kỳ họp Lưỡng hội?) tới đây.

 Theo Zhang Yiping, nhà phân tích kinh tế vĩ mô của Trung Quốc, dựa trên mục tiêu tăng trưởng của các địa phương và dự báo của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, có thể dự báo khả năng năm nay chính phủ Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là “trên 5%”, giảm 1% so với mục tiêu năm 2021[2]. Cũng theo Zhang Yiping, Trung Quốc không nhất thiết phải đặt mục tiêu tăng trưởng trên 5.5%, vì mốc trên 5% đã phù hợp với yêu cầu của chính phủ trung ương Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm trong thời gian thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 14.

Lý giải nguyên do điều chỉnh giảm, chuyên gia nước này nhận định, mặc dù năm 2021 Trung Quốc đã đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, song bối cảnh hiện nay đang gia tăng khó khăn lên Trung Quốc; thách thức từ môi trường bên ngoài với nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay là hết sức khắc nghiệt và vô cùng phức tạp. Trung Quốc đang phải đối mặt với 3 tầng thách thức đến từ sự sụt giảm nguồn cầu, các cú sốc nguồn cung và kỳ vọng tăng trưởng giảm; những điều này còn ảnh hưởng đến niềm tin của thế giới bên ngoài đối với sự phát triển của Trung Quốc[3].

Một số “điểm nhấn” trong biện pháp tháo gỡ?

Dựa vào kế hoạch ưu tiên của các tỉnh thành địa phương Trung Quốc, có thể thấy ổn định tăng trưởng vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Lưỡng hội Trung Quốc trong năm nay. Trong đó, dư luận Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến các biện pháp thúc đẩy cải cách và tiếp tục mở cửa nền kinh tế.

Khi sức ép với nền kinh tế ngày càng lớn, động lực với Trung Quốc trong thời gian qua là thúc đẩy cải cách. Dư luận Trung Quốc cho rằng, điểm nhấn trong chính sách thúc đẩy cải cách nền kinh tế Trung Quốc thời gian qua là xoay quanh vấn đề trung hoà khí thải carbon trước năm 2060.

Theo Liu Qiao, Viện trưởng Viện Quản lý Quang Hoa, Đại học Bắc Kinh, vấn đề trung hoà khí thải carbon năm 2021 lần đầu tiên được đưa vào báo cáo công tác chính phủ và đã được triển khai trên thực tế. Vấn đề này có liên quan đến nhiều lĩnh vực và tác động sâu sắc đến nhiều mặt của nền kinh tế Trung Quốc. Nói rộng hơn, đây là bài toán quản lý mối liên hệ giữa giảm carbon với an ninh năng lượng, an ninh chuỗi cung ứng công nghiệp, an ninh lương thực và cuộc sống của 1.4 tỷ dân.[4] Trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và ít phát thải carbon, có rất nhiều vấn đề nảy sinh mà Trung Quốc cần phải đổi mặt. Các câu hỏi xoay quanh con đường đạt tới mục tiêu “kinh tế xanh” của Trung Quốc, và cách thức xử lý các mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình chuyển đổi sẽ là những vấn đề trọng điểm để Lưỡng hội lần này bàn thảo.

Bên cạnh thúc đẩy cải cách, tiếp tục mở cửa được coi là chìa khoá để tháo gỡ những khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc. Theo thông tin từ Hội nghị trực tuyến công tác đầu tư nước ngoài toàn quốc Trung Quốc, quy mô vốn FDI năm 2021 của Trung Quốc thực hiện đạt 1.150 tỷ NDT (182,5 tỷ USD) - lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ NDT, tăng 14,9% - lần đầu tiên tăng mức 2 chữ số trong 10 năm qua[5]. Trong bối cảnh đại dịch thế kỷ phức tạp như hiện nay, cục diện đầu tư quốc tế điều chỉnh sâu sắc, tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài ngày càng phức tạp, những con số trên cho thấy nỗ lực mở cửa, kêu gọi đầu tư nước ngoài của Trung Quốc.

Trong năm nay, từ 1/1, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng bắt đầu có hiệu lực. Theo Bai Ming, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Thị trường Quốc tế, Học viện Thương mại Trung Quốc, Hiệp định có hiệu lực sẽ giúp Trung Quốc tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng trong khu vực, ổn định kinh tế vĩ mô của Trung Quốc, tăng cường lợi thế cạnh tranh quốc tế, duy trì và thống nhất các nguyên tắc cơ bản của ngoại thương và đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, làm thế nào để Trung Quốc nắm bắt được các cơ hội và lợi thế mà RCEP đem lại sẽ là một chủ đề được Lưỡng hội lần này quan tâm thảo luận[6].

Và một số vấn đề khác

Tại Kỳ họp Lưỡng hội 2021, Trung Quốc đã thể hiện quyết tâm phải mạnh từ bên trong thông qua mục tiêu phát triển khoa học - công nghệ, khẳng định tự chủ, tự cường và sáng tạo về khoa học - công nghệ. Thời gian qua, mặc dù Trung Quốc đang có nhiều tiến bộ trong khoa học - công nghệ, nhưng vẫn còn phụ thuộc không ít vào Mỹ và các nước phương Tây  đặc biệt trong lĩnh vực nhập khẩu linh kiện công nghệ cao. Do đó, nhiều tỉnh thành của Trung Quốc đã lựa chọn “đổi mới công nghệ”, phát triển “kinh tế số” là một trong các nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên trong chính sách công nghiệp. Vì vậy, Kỳ họp Lưỡng hội lần này sẽ tiếp tục thảo luận về các biện pháp và chính sách nhằm ưu tiên cho đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế số.

Năm 2022 cũng là năm cuối cùng của “cuộc chiến 3 năm đổi mới doanh nghiệp nhà nước”[7] ở Trung Quốc, do đó, Lưỡng hội năm nay cũng sẽ có những thảo luận đánh giá về kết quả triển khai đổi mới doanh nghiệp nhà nước cũng như các chính sách liên quan.

Và vấn đề làm thế nào để cải thiện sinh kế người dân lên mức cao hơn vẫn là chủ đề “muôn thưở” của các kỳ họp Lưỡng hội Trung Quốc. Sau khi chiến thắng “cuộc chiến chống đói nghèo” và xây dựng xã hội khá giả toàn diện, Trung Quốc đang đi tới nhiệm vụ tiếp theo là “thịnh vượng chung”. Tất nhiên, thịnh vượng chung là một vấn đề “lâu dài và gian khổ”, cũng chẳng thể hoàn thành trong một sớm một chiều ở Trung Quốc, song những vấn đề như an sinh xã hội, chăm sóc y tế, lương hưu,… và các nội dung khác liên quan đến lợi ích sống còn của người dân sẽ luôn là trọng điểm thảo luận trong các kỳ họp Lưỡng hội của Trung Quốc.

Hoàng Lan, nghiên cứu viên, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không đại diện cho cơ quan, tổ chức nơi tác giả đang làm việc.

 

[1] 29 tỉnh thành của Trung Quốc công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022, https://www.thepaper.cn/newsDetail_forward_16426315

[2] Zhang YiPing, mục tiêu tăng trưởng 5% hay 5.5%, Bắc Kinh – Thượng Hải sẽ trả lời, https://www.sohu.com/a/517967510_121123928

[3] Wang En Bo, Những tín hiệu trong giai đoạn lịch sử của Trung Quốc, https://www.sohu.com/a/524796013_162758

[4] Thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh – các thiết kế ở cấp cao nhất, http://www.escn.com.cn/news/show-1339430.html

[5] Hội nghị trực tuyến về công tác đầu tư trực tuyến nước ngoài năm 2022 của Trung Quốc http://www.mofcom.gov.cn/article/xwfb/xwbldhd/202202/20220203281494.shtml

[6] Bốn tín hiệu của Kỳ họp Lưỡng hội 2022 sắp diễn ra ở Trung Quốc, https://politics.gmw.cn/2022-02/23/content_35538824.htm

[7] Chín tín hiệu từ Kỳ họp Lưỡng hội của các địa phương 2022, https://stock.finance.sina.com.cn/stock/go.php/vReport_Show/kind/macro/rptid/696507060416/index.phtml