Những bước tiến tích cực trong chuyến thăm Myanmar lần thứ hai của Đặc phái viên ASEAN

Nguồn: Bộ Ngoại giao Campuchia

Từ ngày 30/6 - 02/7/2022, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia PrakSokhonn, Đặc phái viên của ASEAN về Myanmar đã có chuyến thăm thứ hai tới Myanmar sau chuyến thăm đầu tiên vào tháng 3/2022. Chuyến thăm Myanmar lần này của Đặc phái viên ASEAN không chỉ tiếp nối những nỗ lực của các bên đã đặt ra từ chuyến thăm lần trước mà còn đạt được những bước tiến bộ so với thời điểm ASEAN ra Đồng thuận 5 điểm về Myanmar tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN tháng 4/2021 tại Indonesia.

Những bước chuyển biến  

Chuyến thăm Myanmar lần thứ hai của Đặc phái viên ASEAN hướng tới xây dựng đối thoại chính trị giữa các bên ở Myanmar. Bên cạnh việc thúc đẩy Đồng thuận 5 điểm của ASEAN và viện trợ nhân đạo như chuyến thăm lần thứ nhất, trong chuyến thăm lần này, ông Prak Sokhonn đã nhấn mạnh: “Một giải pháp hòa bình cho một cuộc xung đột, bất kể nó phức tạp đến mức nào, phải có sự chia sẻ không gian chính trị của tất cả các bên có liên quan.”[1]. Nói cách khác, Đặc phái viên thể hiện mong muốn thúc đẩy đối thoại toàn diện để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột. Điều này trước hết cần có sự tham gia đầy đủ của tất cả các đảng phái chính trị có liên quan ở Myanmar.  

Đặc phái viên ASEAN đã tiếp xúc với nhiều bên ở Myanmar hơn. Tương tự chuyến thăm thứ nhất, ông Prak Sokhonn đã gặp và trao đổi với các bên tại Myanmar, gồm Thống tướng Min Aung Hlaing, Bộ trưởng Ngoại giao của chính quyền quân sự Myanmar U Wunna Maung Lwin, Đại diện Nhóm Đặc trách ASEAN về vấn đề nhân đạo tại Myanmar U Ko Ko Hlaing và Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết quốc gia và Đàm phán hòa bình (NSPNC) Trung tướng Yar Pyae.

Một điểm đáng chú ý về thành phần tiếp xúc trong chuyến thăm lần này là Đặc phái viên ASEAN đã gặp được đại diện của bảy nhóm vũ trang dân tộc thiểu số[2]- các bên đã tham gia ký kết Thỏa thuận ngừng bắn quốc gia (NCA) với chính quyền quân sự và gặp đại diện của bảy đảng phái chính trị ở Myanmar, gồm Tổ chức Quốc gia Pa-O, Đảng Quốc gia Ta’ang, Đảng Đoàn kết Liên hiệp và Phát triển, Đại hội Zomi vì Dân chủ, Đảng Quốc gia Arakan, Đảng mặt trận Arakan và Đảng Đoàn kết Mon. Việc gặp các đại diện này là dấu hiệu tích cực cho thấy, sau thời gian giao tranh ác liệt, các nhóm vũ trang và chính quyền quân sự đã phần nào thể hiện thiện chí để ngồi lại tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho Myanmar.

Tuy nhiên, trong chuyến thăm lần này, Đặc phái viên ASEAN cũng không gặp được các đại diện của Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) như Cố vấn Aung Suu Kyi (đang bị chính quyền quân sự giam giữ) và bà Su Su Lwin, Phu nhân Cựu Tổng thống Htin Kyaw giai đoạn 2016-2018 và là thành viên sáng lập của NLD (bà Su Su Lwin không được NLD coi là đại diện hợp pháp của NLD thay cho bà Aung Suu Kyi và Tổng thống U Win Myint. Bà Su Su Lwin cũng chủ động tránh tạo ra bất đồng trong nội bộ đảng NLD).

Nội trung trao đổi tích cực

Trong hội đàm giữa Đặc phái viên với Thống tướng quân sự Min Aung Hlaing, hai bên đã thảo luận cụ thể về diễn biến tình hình tại Myanmar và thách thức trong việc triển khai Đồng thuận 5 điểm. Bên cạnh hưởng ứng việc kêu gọi chấm dứt bạo lực như cuộc gặp lần trước, Thống tướng Min Aung Hlaing bày tỏ sẵn sàng tham gia Thỏa thuận ngừng bắn quốc gia (NCA), khẳng định “ủng hộ hoàn toàn” để giúp Đặc phái viên ASEAN hoàn thành nhiệm vụ của mình. Điều này cũng là dấu hiệu tích cực phản ánh phần nào thiện chí của chính quyền quân sự, cho thấy Đặc phái viên và chính quyền quân sự đã bắt đầu có các cuộc trao đổi thực chất hơn liên quan đến tình hình an ninh của Myanmar thay vì kêu gọi hòa bình và đối thoại, hòa giải một cách chung chung như trước.

Trong cuộc gặp với đại diện của Nhóm Đặc trách ASEAN về vấn đề nhân đạo tại Myanmar, Đặc phái viên và đại diện Nhóm Đặc trách đã chính thức làm rõ cách thức các cơ quan chuyên ngành của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế có thể tham gia vào tiến trình hỗ trợ nhân đạo ở Myanmar, bao gồm đánh giá nhu cầu chung ở các khu vực khó tiếp cận. Đặc phái viên ASEAN yêu cầu Nhóm Đặc trách Myanmar tạo điều kiện thuận lợi và đơn giản hóa các thủ tục. Trong khi đó, Nhóm Đặc trách phía Myanmar kêu gọi hợp tác nhiều hơn với chính quyền địa phương, các tổ chức và đối tác quốc tế. Tiến bộ trong công tác cứu trợ nhân đạo là vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình đang còn leo thang căng thẳng và khủng hoảng xã hội trầm trọng, việc người dân Myanmar được tiếp cận các hỗ trợ nhân đạo như vắc-xin, các nhu yếu phẩm là vô cùng cấp thiết.

Ông Prak Sokhonn và Trung tướng Yar Pyae, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết quốc gia và Đàm phán hòa bình cũng bắt đầu thảo luận về chương trình nghị sự và cách tiếp cận để các tổ chức vũ trang dân tộc thiểu số tham gia thỏa thuận ngừng bắn quốc gia. Trong trao đổi với đại diện của bảy tổ chức vũ trang dân tộc và bảy đảng phái chính trị ở Myanmar, các bên đã chia sẻ mối quan tâm lớn về những tác động nghiêm trọng của bạo lực, bày tỏ mong muốn chung về hòa bình và chấm dứt khủng hoảng. Đây là lần đầu tiên các tổ chức vũ trang thiểu số được tham gia đối thoại, chia sẻ lập trường của mình về tình hình Myanmar.

Các yếu tố tạo ra bước tiến tích cực của chuyến thăm

Những chuyển biến tích cực trên xuất phát từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Nhìn chung, bối cảnh tình hình Myanmar đã có những chuyển biến đáng kể, đặc biệt là tương quan lực lượng giữa chính quyền quân sự và các lực lượng nổi dậy, với bất lợi nghiêng về phía chính quyền quân sự; bản thân Campuchia cũng có những tính toán và chuẩn bị nhất định trong chuyến thăm lần này; đồng thời, sức ép của nội bộ các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế đối với vai trò của Đặc phái viên ngày càng lớn. Cụ thể:

Cục diện Myanmar gần đây có những biến chuyển đáng chú ý, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của Đặc phái viên ASEAN. Các lực lượng đối lập đã kiểm soát các cứ điểm quan trọng, từ 40-50% lãnh thổ Myanmar[3] và ngày càng hoàn thiện hơn về mặt tổ chức và nhân lực, gây sức ép ngày càng lớn lên chính quyền quân sự. Các hoạt động tấn công, phối hợp của quân đội đã không thể ngăn chặn các lực lượng nổi dậy tại vùng trung tâm Bamar. Chiến dịch chống nổi dậy đã gây ra sự phản đối vũ trang ở khắp miền Trung Myanmar. Lực lượng Phòng vệ Nhân dân địa phương (PDF) trở nên đông đảo hơn, được tổ chức và trang bị vũ trang tốt hơn[4], xuất hiện liên tiếp và rất nhanh ở các thị trấn và thành phố, gây thách thức cho các lực lượng chính quyền quân sự.[5] Để bảo toàn lực lượng và khắc phục những khó khăn về quân số và tổ chức, chính quyền quân sự có xu hướng trở nên hòa dịu hơn so với trước. Do đó, chính quyền quân sự thiện chí hơn với Đặc phái viên ASEAN trong thảo luận về cải thiện tình hình an ninh leo thang ở Myamar vì an toàn cho người dân cũng như sẵn sàng ngồi vào đàm phán với các lực lượng đối lập.

Hơn nữa, chính quyền quân sự cũng không thể phớt lờ vai trò của ASEAN vì trong điện đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Sen vào tháng 5/2022, Thống tướng Aung Hlaing đã công khai nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho Đặc phái viên ASEAN trao đổi với các tổ chức vũ trang dân tộc thiểu số để tìm cách chấm dứt bạo lực.[6]

Sự thay đổi cục diện, đặc biệt là tương quan lực lượng giữa quân đội Myanmar và các lực lượng vũ trang là yếu tố chủ chốt thúc đẩy tiến bộ trong chuyến thăm của Đặc phái viên ASEAN. Bởi lẽ, vấn đề Myanmar phải do chính các bên ở Myanmar giải quyết, đặc biệt là chính quyền quân đội là lực lượng đảo chính và châm ngòi cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Bên cạnh đó, Đặc phái viên ASEAN nói riêng và Campuchia với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2022 nói chung đã rút kinh nghiệm nhất định từ chuyến thăm lần đầu và chuẩn bị tốt hơn cho chuyến thăm. Có thể thấy, ở chuyến thăm trước của Đặc phái viên ASEAN đã không đạt được những kết quả mong đợi. Ngoài các thảo luận về tình hình hỗ trợ nhân đạo, triển khai Đồng thuận 5 điểm và phân phối vắc-xin công bằng đến những nơi cần, hy vọng về việc các bên ngồi cùng bàn đàm phán với nhau vẫn là điều phi thực tế. Rút kinh nghiệm từ chuyến thăm trước, Campuchia đã có những chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến thăm thứ hai của Đặc phái viên ASEAN. Trên cơ sở thảo luận của chuyến thăm lần đầu, các bên đã tổ chức tham vấn về cứu trợ nhân đạo vào đầu tháng 5. Cũng trong thời gian này, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Chủ tịch ASEAN hiện tại, đã thúc giục lãnh đạo quân sự Myanmar để Đặc phái viên ASEAN gặp bà Suu Kyi để “tạo ra một môi trường thuận lợi để bắt đầu một cuộc đối thoại chính trị toàn diện”, điều này cũng tạo áp lực nhất định để chính quyền quân sự Myanmar có các dàn xếp phù hợp.[7] Ở phương diện truyền thông, trước chuyến thăm vài ngày, Bộ Ngoại giao Campuchia đã ra thông cáo báo chí kêu gọi chính quyền quân sự để bà Aung Suu Kyi ở lại nơi bị giam trước đó thay vì bị đưa đi tống giam biệt lập ở Naypyidaw.[8]

Đồng thời, áp lực bên trong và bên ngoài khu vực Đông Nam Á gia tăng khiến cho Đặc phái viên ASEAN phải nỗ lực đạt được kết quả nhất định để đảm bảo uy tín của năm Chủ tịch ASEAN 2022 của Campuchia và vai trò xử lý các vấn đề khu vực của ASEAN nói chung.

Với việc ASEAN dường như vẫn bế tắc trong thúc đẩy triển khai Đồng thuận 5 điểm trong chuyến thăm đầu tiên, nội bộ các nước ASEAN đã có bất đồng ý kiến và một số nước đã lên tiếng. Một số nước ASEAN không mấy hài lòng với kết quả đạt được và có hành động đơn lẻ để xúc tiến tình hình. Malaysia cũng từng có nhiều tuyên bố, phát ngôn từ phía Bộ Ngoại giao bày tỏ quan ngại về tiến độ thực hiện Đồng thuận 5 điểm, cho biết nếu tình hình không được cải thiện, Malaysia sẵn sàng công nhận chính quyền của Chính phủ Thống nhất quốc gia Myanmar (NUG). Các quan chức cấp cao Malaysia cũng có xu hướng đẩy mạnh tương tác với các đại diện từ phe dân chủ thông qua các cuộc gặp như cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ ngày 13/5 giữa Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah và người đồng cấp từ Chính phủ Thống nhất Quốc gia Myanmar (NUG). Trên Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Saifuddin cho biết Malaysia "sẵn sàng làm việc hướng tới khôi phục hòa bình và dân chủ ở Myanmar".

Bộ Ngoại giao Singapore cũng từng bày tỏ sự thất vọng đối với tiến độ của việc triển khai Đồng thuận 5 điểm[9], Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrisnan không mấy hy vọng về giải pháp lâu dài đạt được trong vấn đề này.[10] Là một bên đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển cứu trợ dọc biên giới Myanmar - Thái Lan, Hội Chữ thập đỏ Thái Lan cũng đã phối hợp với các bên trong cứu trợ nhân đạo đồng thời làm việc với Liên hợp quốc để phối hợp đồng bộ trong triển khai công tác nhân đạo ở Myanmar. Trong cuộc gặp với Đặc phái viên Liên hợp quốc về Myanmar ngày 14/6, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan nhấn mạnh Thái Lan có lợi ích đối với hòa bình và ổn định của Myanmar, sẵn sàng làm việc với ASEAN, Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế để khôi phục hòa bình, tìm kiếm giải pháp bền vững cho tình hình Myanmar.[11]

Các tổ chức quốc tế tăng cường tham gia vào hỗ trợ nhân đạo ở Myanmar. Vào tháng 3, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về vấn đề Myanmar đã gặp Đặc phái viên ASEAN để thảo luận về tình hình Myanmar;[12] kêu gọi các lãnh đạo ASEAN và các bên tham gia có nguyên tắc vào mạng lưới hỗ trợ nhân đạo cho những người cần, cam kết với các tổ chức nhân sự và mạng lưới nhân đạo địa phương, kêu gọi tiếp cận cứu trợ nhân đạo an toàn, không phân biệt đối xử.[13] Chuyên gia của Liên hợp quốc cũng từng kêu gọi các nước khu vực cần có động thái cứng rắn hơn trong giải quyết vấn đề.[14]

Nói cách khác, lập trường cứng rắn của các nước đầu tàu ASEAN cũng như sự tham gia chủ động, tích cực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc đối với vấn đề Myanmar cũng phần nào khiến cho Đặc phái viên cần nhận thức rõ cần thúc đẩy hơn nữa vai trò của mình, tránh làm cộng đồng quốc tế thất vọng hơn.

Tóm lại, chuyến thăm Myanmar lần thứ hai của Đặc phái viên ASEAN đã cho thấy một bước chuyển tích cực so với chuyến thăm lần đầu tiên và kể từ khi ASEAN ra Đồng thuận 5 điểm. Có nhiều yếu tố tạo nên bước chuyển tích cực này, trong đó, quan trọng nhất vẫn là sự thay đổi cục diện tình hình Myanmar theo hướng thuận lợi cho chuyến thăm của Đặc phái viên. Sau chuyến thăm, nhiều khả năng, công tác hỗ trợ nhân đạo sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn khi có sự phối hợp với bên ngoài. Tuy nhiên, một giải pháp hòa bình hoàn toàn đối với vấn đề Myanmar chỉ có thể đạt được khi các bên bắt đầu ngồi lại đàm phán chân thành với nhau, hướng tới mục tiêu chung là vì lợi ích của người Myanmar.

Nguyễn Phương Hoài

 

[1] Reuter, “ASEAN envoy appeals to Myanmar junta to spare Suu Kyi jail”, June 27, 2022, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/asean-envoy-appeals-myanmar-junta-spare-suu-kyi-jail-2022-06-27/

[2] Bảy nhóm này gồm Quân đội Phật giáo Karen dân chủ (DKBA), Hội đồng hòa bình KNU/KNLA, Tổ chức Giải phóng Quốc gia Pa-Oh (PNLO), Đảng nhà nước Mon mới (NMSP), Đảng Giải phóng Arakan (ALP), Hội đồng khôi phục quân đội Nhà nước Shan (SCSS/SSA), Liên minh dân chủ Lahu (LDU). Xem thêm: https://www.mfaic.gov.kh/posts/2022-07-04-Press-Release-Outcomes-of-the-Second-Visit-of-the-Special-Envoy-of-the-ASEAN-Chair-on-Myanmar-to-the-Republic-of-t-17-42-34 

[3] Michael Martin, “Is Myanmar’s Military on Its Last Legs?”, Center for Strategic and International Studies (CSIS), June 21, 2022, https://www.csis.org/analysis/myanmars-military-its-last-legs?s=09

[4] Athony Davis, “Is Myanmar’s military starting to lose the war?”, Asia Times, May 30, 2022, https://asiatimes.com/2022/05/is-myanmars-military-starting-to-lose-the-war/

[5] The Irrawaddy, “Myanmar Junta in ‘Political and Military Cul-de-Sac’: Security Expert”,  22 June 2022 , https://www.irrawaddy.com/in-person/interview/myanmar-junta-in-political-and-military-cul-de-sac-security-expert.html

[6] Kingdom of Cambodia, Ministry of Foreign Affairs and International Cooperation, “Outcomes of the Video Call between Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen, Prime Minister of the Kingdom of the State Administration Council of the Republic of the Union of Myanmar on 2 May 2022”, https://www.mfaic.gov.kh/files/uploads/IN7W0VUZXLEN/Final_ENG_Outcomes_of_STPM's_Video_Call_with_Senior_General_Min.pdf

[7] Reuters, “Cambodia PM appeals to Myanmar junta for access to Suu Kyi”, May 3, 2022, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/cambodia-pm-appeals-myanmar-junta-access-suu-kyi-2022-05-03/

[8] Kingdom of Cambodia, Ministry of Foreign Affairs and International Cooperation, “ASEAN Chair Special Envoy Urges Return of Daw Aung San Suu Kyi To Home”, 27 June 2022, https://www.mfaic.gov.kh/posts/2022-06-27-Press-Release-ASEAN-Chair-Special-Envoy-Urges-Return-of-Daw-Aung-San-Suu-Kyi-To-Home--11-57-24

[9] Singapore Ministry of Foreign Affairs, “Statement on the Situation in Myanmar”, 01 February 2022, https://www.mfa.gov.sg/Newsroom/Press-Statements-Transcripts-and-Photos/2022/01/20220201-Myanmar

[10] Singapore Ministry of Foreign Affairs, “Transcript of Minister for Foreign Affairs Dr Vivian Balakrishnan’s Interview with Doordarshan TV in New Delhi, 17 June 2022 “, 21 June 2022, https://www.mfa.gov.sg/Newsroom/Press-Statements-Transcripts-and-Photos/2022/06/20220621-transcript-min-delhi

[11] Ministry of Foreign Affairs, Kingdom of Thailand, “DPM/FM met with UNSG Special Envoy on Myanmar”, 15 Jun 2022, https://www.mfa.go.th/en/content/sesg140665-2?cate=5d5bcb4e15e39c306000683c

[12] Sophen Cheang, “UN special envoy on Myanmar meets with ASEAN counterpart”, AP News, March 31 2022, https://apnews.com/article/business-asia-myanmar-global-trade-united-nations-09fdec8004e977bc1674eb3ba02a6b50

[13] United Nations, “Note to Correspondents: Statement by the Secretary-General’s Special Envoy on Myanmar regarding the ASEAN Humanitarian Consultations”, 3 May 2022, https://www.un.org/sg/en/content/sg/note-correspondents/2022-05-03/note-correspondents-statement-the-secretary-general%E2%80%99s-special-envoy-myanmar-regarding-the-asean-humanitarian-consultations#:~:text=The%20United%20Nations%20Secretary%2DGeneral's,local%20humanitarian%20networks%20to%20effectively

[14] United Nations, “Myanmar: UN expert encouraged by Malaysia’s leadership on Myanmar crisis; urges regional states to adopt similar stance”, 23 June 2022, https://www.ohchr.org/en/press-releases/2022/06/myanmar-un-expert-encouraged-malaysias-leadership-myanmar-crisis-urges