Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) cho hay tại cuộc đối thoại lần này, lãnh đạo 20 bộ ngành của cả hai nước sẽ tham gia thảo luận về các lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế-tài chính trên các khía cạnh song phương, khu vực và toàn cầu. Ngoài các hoạt động chung, sự kiện lần này còn bao gồm các vòng đối thoại chiến lược, đối thoại kinh tế, đối thoại an ninh chiến lược lần thứ ba, hội nghị lần thứ nhất nhóm công tác mạng và rất nhiều vấn đề khác.

Trong bài bình luận có tiêu đề “Tăng cường đối thoại, thúc đẩy hợp tác”, được “Nhật báo phố Wall” (Mỹ) ngày 9/7 và mạng "Tân Hoa" (Trung Quốc) ngày 10/7 đăng tải, Phó Thủ tướng Uông Dương (Wang Yang) cho rằng với Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ 5, chính phủ hai nước đã tiến thêm một bước quan trọng trong việc xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới Trung-Mỹ.

Trong 34 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, mậu dịch thương mại song phương đã tăng 198 lần. Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu có đà tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ, trong khi Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đến Mỹ đầu tư. Tính đến nay, các tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc đã xây dựng nhà máy tại 13 bang của Mỹ, sử dụng hơn 12.000 nhân công là người bản địa, trong khi đó tính tổng cộng Mỹ cũng có hơn 60.000 doanh nghiệp đầu tư tại Trung Quốc. Hợp tác kinh tế-thương mại Trung-Mỹ không ngừng đi vào chiều sâu, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế hai nước, tạo thêm việc làm và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Tuy nhiên, sự phát triển về hợp tác kinh tế-thương mại cũng song hành với một số tranh chấp và nghi ngờ lẫn nhau. Cùng với đó, khoảng cách chênh lệch giữa hai nước rất lớn, giao lưu kinh tế lại tăng trưởng rất nhanh, bởi vậy khó tránh khỏi những tiếng nói bất đồng. Phương thức đúng đắn để hai bên giải quyết tranh chấp và nghi ngờ chỉ có thể là tăng cường hiểu biết lẫn nhau và xây dựng lòng tin. Từ Đối thoại Chiến lược và Kinh tế lần thứ nhất năm 2006 đến nay, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng từ 267,7 tỷ USD lên gần 500 tỷ USD vào năm 2012. Thực tiễn đã chứng minh quan hệ kinh tế thương mại Trung-Mỹ là cùng có lợi và không thể tách rời.

Xung quanh cuộc đối thoại lần này, theo ông Mã Chấn Cương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngoại giao Công cộng Trung Quốc, có 4 vấn đề lớn đáng quan tâm:

1. Chiến lược châu Á-Thái Bình Dương mới của Mỹ: Câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra là chiến lược “Tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” của Mỹ có tạo thành mối đe dọa đối với an ninh khu vực của Trung Quốc hay không. Ông Mã cho rằng mấy năm trở lại đây, khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có sự phát triển mạnh mẽ và nhiều thành tựu nhất. Trong bối cảnh này, việc Mỹ điều chỉnh chiến lược cũng có thể coi là điều bình thường. Mối quan hệ tương hỗ lành mạnh Mỹ-Trung hoàn toàn là điều có thể diễn ra.

2. Tình hình bán đảo Triều Tiên: Trong hợp tác về các vấn đề quốc tế, hồ sơ bán đảo Triều Tiên là nơi Trung Quốc và Mỹ có nhiều điểm chung nhất. Nhưng điều này không có nghĩa mọi biện pháp của hai bên đều có thể đạt được sự nhất trí. Tuy nhiên, nếu hai bên cùng mềm dẻo và đề cao hợp tác thì bất chấp các va chạm có thể xảy ra, quá trình đối thoại vẫn có thể đạt được nhận thức chung.

3. Quan hệ thương mại Mỹ-Trung: Ông Mã cho rằng thương mại song phương có tính bổ sung cho nhau rất lớn. Việc Mỹ đưa nhân tố chính trị vào kinh tế thương mại là không hợp lý, về mặt chiến lược không có lợi cho Mỹ. Chỉ cần Mỹ có thể cho các doanh nghiệp Trung Quốc cơ hội bình đẳng chứ không can dự chính trị, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể tiến hành đầu tư rất bình thường tại Mỹ, đồng thời tạo điều kiện cho quan hệ kinh tế song phương.

4. An ninh mạng: Trên thực tế, đây là vấn đề liên quan đến các nước trên thế giới chứ không chỉ là Mỹ hay Trung Quốc. Ông Mã hy vọng lần gặp gỡ này có thể đạt được thành quả tương đối tích cực, thúc đẩy hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng.

Cũng trong ngày 10/7, mạng tin "Tân Hoa" đã đăng bài viết “Triển vọng Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ vòng 5” của chuyên gia Tôn Triết - Giáo sư Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế thuộc trường Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc). Trong đó, tác giả cho rằng Đối thoại Chiến lược và Kinh tế giữa hai nước đã dần bước vào môi trường tốt đẹp và hình thành tác phong mang tính thực chất. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc định vị Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung, đặc biệt là việc lý giải quy mô “mang tính chiến lược” giữa hai nước vẫn còn khác biệt, và việc xây dựng chương trình nghị sự cho các vòng đối thoại vẫn tồn tại bất đồng. Theo bài viết, một số chính khách Mỹ vẫn mong muốn biến sự kiện này thành cơ chế đàm phán nhằm “ngăn chặn khủng hoảng” của Mỹ, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng nguyện vọng của Mỹ trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy, tác giả kiến nghị Trung Quốc cần kiên trì điều hòa tổng hợp các vấn đề trong nước, vận dụng đa dạng các biện pháp ngoại giao để bảo đảm lợi ích quốc gia của mình.

Tác giả cho rằng sự ổn định chính trị và phát triển bền vững của Trung Quốc cuối cùng vẫn phải dựa vào chính Trung Quốc. Mặc dù trên rất nhiều vấn đề, Mỹ vẫn kiên trì thái độ áp đặt người khác, nhưng thái độ vừa công vừa thủ trong đối thoại song phương giữa hai nước thời gian vừa qua đã có sự chuyển biến lớn, quyền phát ngôn giữa hai nước đang dần đi theo hướng cân bằng hơn. Do chưa có bài học kinh nghiệm lịch sử, việc hai nước Trung-Mỹ tạo dựng quan hệ nước lớn kiểu mới vẫn đang trong quá trình thăm dò tìm tòi. Bất cứ thành quả tích cực nào đều có thể chuyển hóa thành điểm tựa quan trọng để hai nước học hỏi lẫn nhau, bảo vệ lợi ích quốc gia của mỗi nước và lợi ích quốc tế chung của nhân loại. Tác giả cho rằng Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung đã thể hiện trí tuệ chính trị và năng lực ngoại giao của hai nước, hy vọng vòng đối thoại lần này có thể tìm thấy đáp án cho các vấn đề cũ tồn tại giữa hai nước cũng như những vấn đề mới đặt ra cho hai nước trong việc xây dựng mối quan hệ nước lớn kiểu mới.

Trong 5 năm tới, sự phát triển của Trung Quốc sẽ là cơ hội thương mại cho Mỹ và cả thế giới, hợp tác kinh tế-thương mại hai nước Trung-Mỹ có triển vọng tươi sáng. Theo Phó Thủ tướng Uông Dương, trong bối cảnh phục hồi kinh tế thế giới không vững chắc và thiếu cân bằng, cơ hội và thách thức cùng tồn tại, hợp tác kinh tế-thương mại Trung-Mỹ không chỉ đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước, mà còn có lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế thế giới. Bởi vậy, xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng lợi nên là nhận thức chung của không chỉ chính quyền và người dân hai nước Mỹ-Trung mà còn là sự kỳ vọng của cả thế giới.

Lê Sơn (gt)