Cụ thể là vào 8 giờ tối ngày 10/4, 10 chiến hạm của hải quân Trung Quốc đã liên tục xuất hiện tại vùng biển giữa quần đảo Okinawa và đảo Miyakojima và cách Okinawa 140km theo hướng Tây - Tây Nam. Sau đó, sáng ngày 8/4 và chiều ngày 21/4, máy bay trực thăng của hải quân Trung Quốc đã liên tiếp tiếp cận tàu tuần tra của hải quân Nhật với khoảng cách gần nhất là 90m. Mặc dù đây là vùng biển thuộc hải phận quốc tế nhưng việc 10 chiến hạm với quy mô lớn xuất hiện ở vùng biển cửa ngõ của Nhật là “chưa có tiền lệ”. Việc này cho thấy rõ việc hải quân Trung Quốc đã chuyển từ “chiến lược hải quân bảo vệ ven biển, gần bờ” sang “chiến lược hải quân chủ động xa bờ”. Trung Quốc gọi tuyến phòng vệ nối liền giữa Nhật Bản, quần đảo Okinawa và Đài Loan là tuyến phòng vệ số 1 và đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ giành ảnh hưởng tuyệt đối tại khu vực này. “Thời báo học tập”, cơ quan ngôn luận của Trường Đảng Trung ương, ngày 26/4 có bài xã luận khẳng định phạm vi hoạt động của hải quân Trung Quốc trong tương lai không chỉ là những vùng biển gần mà còn kéo dài đến tận Tây Bắc của Thái Bình Dương và cần phải nỗ lực giành khả năng kiểm soát (control of the sea) khu vực này.

 

Nhật Bản phản đối việc trực thăng của hải quân Trung Quốc tiếp cận quá gần tàu tuần tra Nhật Bản vì cho rằng quá nguy hiểm nhưng Trung Quốc cho rằng Nhật Bản không nên theo dõi và cản trở ở cự ly quá gần trong khoảng thời gian dài đối với các chiến hạm của hải quân Trung Quốc trong khi đang diễn tập thông thường.

 

Trung Quốc đã thực hiện chiến lược từng bước. Tàu điều tra thăm dò hải dương của Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động điều tra thăm dò tại khu vực này từ mùa xuân năm 1996. Tàu này đã tiến hành thu thập các số liệu cần thiết cho hành trình của tàu ngầm quân sự như phân bố nhiệt độ, thành phần nước biển... Từ năm 1999 trở đi, chiến hạm của hải quân Trung Quốc liên tục xuất hiện tại vùng biển Đông Hải gần Nhật Bản. Năm 2008, 4 tàu khu trục của hải quân Trung Quốc đã đi qua vùng biển này và tiến ra Thái Bình Dương. Có thể nói Trung Quốc đã thực hiện chiến thuật “từng bước” bằng cách tăng dần ảnh hưởng theo thứ tự tàu thăm dò đến chiến hạm tại khu vực Biển Đông và lần này tiếp tục áp dụng tại khu vực biển Đông Hải gần Nhật Bản. Khu vực biển này rất quan trọng đối với hải quân Trung Quốc vì đây là con đường chính để thoát ra Thái  Bình Dương và trong trường hợp xẩy ra chiến tranh Đài Loan thì sẽ dễ dàng tấn công hàng không mẫu hạm của Mỹ từ khu vực này.

 

Mặt khác, việc bảo vệ tài nguyên biển và tăng cường bảo vệ tuyến đường vận tải biển được cho là nguyên nhân chính dẫn đến việc Trung Quốc tăng cường vươn ra Biển Đông và Ấn Độ Dương. Từ tháng 1/2009, hải quân TQ đã bắt đầu thực hiện các hoạt động bảo vệ chống cướp biển tại khu vực biển Somalia và kết quả huấn luyện viễn dương đạt kết quả tốt.

 

Về năng lực chiến đấu thì hải quân Trung Quốc vẫn còn thua kém hải quân Nhật nhưng Trung Quốc đang dần thu hẹp khoảng cách bằng cách áp dụng những vũ khí hiện đại của Nga. Vụ việc lần này là một ví dụ điển hình. Trong đó có tàu khu trục lớp Soburemennui, còn được gọi dưới tên “sát thủ hàng không mẫu hạm”, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tên lửa hiện đại; và tàu ngầm lớp Kilô có khả năng không gây tiếng ồn. Trong bối cảnh ngân sách dành cho quốc phòng không tăng và hải quân Nhật Bản không có điều kiện gia tăng tiềm lực thì hải quân Trung Quốc liên tục hiện đại hóa nhằm đuổi kịp Nhật - Mỹ. Vấn đề là có thể xẩy ra các tình huống khó lường trong tương lai. Tuy Nhật - Trung đã đồng ý thiết lập đường dây nóng giữa hải quân hai nước nhưng vẫn còn chưa xây dựng được cơ cấu làm việc cụ thể.