Bài viết trên tạp chí “Tri thức thế giới” của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng mọi sự can thiệp của Mỹ trong vấn đề tranh chấp Biển Đông đều gắn liền với chiến lược an ninh toàn cầu tổng thể của Mỹ, đặt vấn đề Biển Đông trong khuôn khổ của chiến lược an ninh châu Á-Thái Bình Dương, cụ thể là mượn lý do tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước khác cạnh Biển Đông để tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á, tạo ra bàn đạp nền tảng số một kiềm chế Trung Quốc. Chính vì vậy mà Mỹ đã bằng mọi cách thực hiện mục tiêu, kể cả lời nói không đi đôi với việc làm, tỏ rõ sự ứng xử thiên lệch với các nước Đông Nam Á tranh chấp với Trung Quốc, khắc họa rõ chính sách “trở lại châu Á” của Mỹ cũng như thể hiện rõ chiều hướng và mục tiêu của chính sách này.

Ngày 21/6/2012, Bộ Dân chính Trung Quốc ra Thông cáo, tuyên bố Quốc vụ viện (Chính phủ) đã phê chuẩn hủy bỏ Văn phòng Hoàng Sa, Trường Sa thuộc tỉnh Hải Nam, thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa, bao gồm các quần đảo Hoàng Sa, Macclesfield bank, và vùng biển khu vực này. Ngày 24/7, nghi thức thành lập thành phố Tam Sa được tổ chức tại đảo Vĩnh Hưng (Việt Nam gọi là Phú Lâm), đồng thời Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng thành lập khu vực bảo vệ thành phố Tam Sa. 

Trong cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng phản đối bất cứ hành động đơn phương nào trong việc thành lập thành phố Tam Sa.

Đầu tháng 8, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố, chỉ trích việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa và khu bảo vệ Tam Sa đã làm gia tăng tình hình căng thẳng ở Biển Đông.

Mỹ là nước lớn ngoài khu vực Biển Đông, vì sao lại quan tâm tới việc Trung Quốc thành lập cơ cấu như vậy trong phạm vi lãnh thổ của Trung Quốc? Thái độ của Mỹ đối với việc thành lập thành phố Tam Sa có ý đồ sâu xa như thế nào? Để giải đáp cho những thắc mắc nói trên, cần phải xem xét từ chiến lược “trở lại châu Á” của Mỹ.

I- Nhân tố Trung Quốc trong chiến lược “trở lại châu Á” 

Những năm gần đây, chiến lược quân sự đối ngoại của Mỹ có sự điều chỉnh lớn. Xu hướng chủ yếu là chuyển trọng tâm chiến lược quân sự toàn cầu từ phía Tây sang phía Đông. Chính quyền Obama đã tiếp tục nâng chính sách “trở lại châu Á” lên thành hành động toàn diện. Về kinh tế, Mỹ tích cực đẩy mạnh và mở rộng “Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương”, hòng thiết lập hệ thống hợp tác châu Á-Thái Bình Dương do Mỹ chủ đạo. Về mặt chính trị, Mỹ tỏ ra rất hào hứng tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á, mà mục tiêu là chính thức trở thành thành viên của Hội nghị cấp cao Đông Á. Về mặt an ninh, Mỹ không ngừng lợi dụng liên minh quân sự, tăng cường quan hệ quân sự và an ninh với các nước châu Á.

Có thể nói, trong mỗi bước “trở lại châu Á” của Mỹ đều có hình bóng của Trung Quốc trong đó.

Bước sang thế kỷ 21, vai trò của khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng quan trọng, tiến trình nhất thể hóa Đông Á diễn ra nhanh hơn. Trong những trường hợp không có mặt của Mỹ, các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã đề xuất một loạt sáng kiến hợp tác khu vực, Trung Quốc là người lãnh đạo quan trọng trong loạt sáng kiến đề xuất đó. Đây chính là điều Mỹ không muốn thấy.

Trong điều kiện kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh, thực lực quốc gia tổng hợp không ngừng tăng lên, việc Trung Quốc trỗi dậy đã là sự thực không phải tranh cãi. Báo chí Mỹ rộng rãi cho rằng Trung Quốc đang từng bước làm thay đổi cục diện địa chính trị, địa vị của Trung Quốc đang dần được nâng lên khiến cho ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương bị thu hẹp lại nên Mỹ phải kiềm chế và cân bằng lại với ảnh hưởng của Trung Quốc. 
Đồng thời, một số nước ở Đông Nam Á tuy đã tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng về chính trị lại ngày càng xa rời Trung Quốc, cảm thấy không thích ứng được với việc Trung Quốc trỗi dậy nhanh chóng. Về an ninh họ hướng sang Mỹ, hy vọng Mỹ phát huy vai trò tích cực trong vấn đề khu vực. Mỹ lại nhân đó để thâm nhập, ủng hộ các nước Đông Nam Á tẩy chay ảnh hưởng kinh tế đang chuyển hóa thành ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc. Ngoài ra, tranh chấp Biển Đông luôn là nút thắt trong phát triển quan hệ giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. Như vậy, cũng chính điểm này đã trở thành lý do chủ yếu để chính phủ các nước ASEAN chấp nhận cho Mỹ tăng cường lực lượng quân sự của họ ở khu vực này. Mỹ “trở lại châu Á” lại tạo cho điều kiện thuận lợi hơn cho chính sách lập lờ như vậy của các nước ASEAN nói trên.

II- Bộc lộ rõ khuynh hướng chính sách của Mỹ

Trong hành động thực tế “trở lại châu Á”, Mỹ đã coi khu vực Đông Nam Á là bàn đạp nền tảng số một, trong khi vấn đề Biển Đông trở thành cái cớ tuyệt hảo cho Mỹ “trở lại châu Á”, tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực này. Thái độ của Mỹ trước việc thành lập thành phố Tam Sa của Trung Quốc đã bộc lộ rõ khuynh hướng chính sách “trở lại châu Á” của họ. 
Ngày 21/6, Trung Quốc và Philíppin một lần nữa đã xảy ra sự kiện đối đầu ở vùng biển thuộc đảo Hoàng Nham (Scarborourgh). Trong khi tranh chấp Biển Đông tiếp tục nóng lên, Chính phủ Trung Quốc ra quyết định thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa. Ngày 24/7, nghi thức thành lập và gắn biển thành phố Tam Sa được tổ chức, đồng thời PLA thành lập khu bảo vệ Tam Sa, đánh dấu sự quản lý, khai thác và bảo vệ của Trung Quốc đối với các bãi đảo và vùng biển ở Biển Đông bước vào thời kỳ quy phạm hơn, cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước thực tế này, Mỹ đã có phản ứng rất nhanh. Ngay trong ngày hôm đó, Bộ Ngoại giao Mỹ lần đầu tiên tỏ ý phản đối bất cứ hành động đơn phương nào trong việc thành lập thành phố Tam Sa, cho rằng vấn đề Biển Đông chỉ có thể giải quyết bằng phương thức ngoại giao thông qua đối thoại và hợp tác đa phương giữa các nước liên quan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Nuland nhấn mạnh trong khi tham gia Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) hồi tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton đã cho biết rõ Mỹ phản đối giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng bất kỳ phương thức đe dọa nào về kinh tế và quân sự. Cách bày tỏ thái độ nói trên tuy không có từ ngữ nào nhắc đến Trung Quốc nhưng trong việc phản đối thành lập thành phố Tam Sa, hàm nghĩa ám chỉ Trung Quốc là hết sức rõ rệt. Ngày 25/7, Thượng nghị Mỹ Daniel Webster yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ điều tra hành vi thành lập thành phố Tam Sa ở Biển Đông của Trung Quốc có vi phạm luật pháp quốc tế hay không. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Hamer ngày 26/7 cho các phóng viên biết rằng Mỹ quả thực lo ngại việc Trung Quốc có hành động đơn phương ở Biển Đông, kêu gọi các nước liên quan thông qua đối thoại đa phương để giải quyết tranh chấp. Trước những tiếng nói phản đối Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa, phía Trung Quốc cho rằng việc Trung Quốc thành lập cơ cấu liên quan lãnh thổ của Trung Quốc không liên quan gì đến nước khác. Vào đầu tháng 8, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố phê phán Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa và khu bảo vệ thành phố Tam Sa đã làm cho tình hình Biển Đông căng thẳng thêm. Người phát ngôn Nuland cho biết tranh chấp Biển Đông cần phải được giải quyết theo luật của quốc gia và Công ước Liên hợp quốc về luật biển, việc nghị sĩ quốc hội đề xuất chủ trương của họ là rất quan trọng. Trung Quốc đã lập tức thể hiện thắc mắc và khẩn cấp triệu kiến Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc đến để phê phán nghiêm khắc về việc Mỹ lên tiếng phản đối như vậy.

Thái độ của Chính phủ Mỹ đối với việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa là sự tiếp nối về lập trường của Mỹ trong vấn đề Biển Đông từ những năm 90 thế kỷ trước đến nay, đó là: tranh chấp chủ quyền Biển Đông diễn ra và phát triển không thể đi ngược lại với chiến lược an ninh toàn cầu tổng thể của Mỹ. 
III- Phía sau chủ trương “can dự tích cực”

Sau khi Trung Quốc và Mỹ bình thường hóa quan hệ, lập trường của Mỹ trong vấn đề Biển Đông đã trải qua quá trình chuyển biến từ “trung lập tiêu cực” đến “quan tâm mật thiết”, rồi đến “can dự tích cực”. Trong những năm 70 và 80 thế kỷ trước, Mỹ giữ thái độ gọi là “trung lập” trong vấn đề chủ quyền Biển Đông. Sau những năm 90 cùng với trọng tâm chiến lược an ninh của Mỹ chuyển sang châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ cũng từng bước đặt vấn đề Biển Đông vào khuôn khổ của chiến lược an ninh châu Á-Thái Bình Dương, nâng vấn đề Biển Đông lên tầm cỡ an ninh của cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ bắt đầu kiềm chế Trung Quốc, tăng cường đề phòng và ngăn chặn chiến lược đối với Trung Quốc trong các lĩnh vực. Được coi là tuyến đường giao thông quan trọng trong thương mại quốc tế, các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đã gây ra tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, tạo cơ hội tốt cho Mỹ kiềm chế Trung Quốc theo ý nghĩa chiến lược. 
Những năm gần đây, trong khi vấn đề tranh chấp Biển Đông liên tục nóng lên, sự quan tâm của Mỹ trong vấn đề Biển Đông đã chuyển sang can dự một cách mạnh mẽ. Ngày 23 tháng 7 năm 2010, tại Diễn đàn an ninh khu vực tổ chức ở Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã lớn tiếng bàn về tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp Biển Đông đối với ổn định khu vực, tuyên bố tranh chấp Biển Đông đã cản trở thương mại trên biển phát triển, gây trở ngại cho các bên khác đi vào vùng biển quốc tế ở khu vực này, rằng việc giải quyết tranh chấp “liên quan đến lợi ích quốc gia của nước Mỹ”. Nội dung chính trong lời lẽ của H. Clinton chính là giải quyết tranh chấp Biển Đông liên quan đến lợi ích quốc gia của Mỹ. Ngôn luận như vậy đã thể hiện rõ quyết tâm chuẩn bị can thiệp vào tranh chấp Biển Đông của Mỹ. Khi lý giải về chiến lược toàn cầu “trở lại châu Á” của Mỹ, sẽ không khó để có thể nhận ra được ý đồ của Mỹ muốn mượn lý do tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước khác ven Biển Đông để tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á, tạo ra một lãnh địa quân sự do Mỹ chủ đạo ở Đông Nam Á. Lợi ích quốc gia mà Mỹ tìm kiếm ở khu vực Biển Đông không chỉ là phát triển giao thông và thương mại trên biển, mà quan trọng hơn nữa là địa vị bá chủ của Mỹ ở khu vực này. Hãng tin Reuters bình luận: “Mỹ đã dấn sâu vào tranh chấp Biển Đông”. 

Tranh chấp chủ quyền Biển Đông là một vấn đề hết sức phức tạp, Mỹ trong khi can thiệp tranh chấp Biển Đông đã thể hiện cho thấy lời nói và việc làm không thống nhất, miệng nói “không đứng về một bên nào” nhưng trên thực tế có sự thiên vị rất rõ. Ngày 13/7, trong hội kiến với Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, bà H. Clinton nói: “Mỹ không có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, chúng tôi sẽ không đứng về bên nào trong trong tranh chấp lãnh thổ hoặc tranh chấp biên giới biển, nhưng chúng tôi có lợi ích về tự do hàng hải, bảo vệ hòa bình ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế và đảm bảo thương mại chính đáng được lưu thông suôn sẻ”. Ngoài ra, bà Hillary cũng lớn tiếng phản đối việc “bắt ép” trong vấn đề Biển Đông, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực... Ngày 26/7, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Hamer đã cho các phóng viên biết là Mỹ lo ngại hành vi đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng đồng thời cũng hết sức quan tâm tới việc Việt Nam trước đó đã đơn phương thông qua “Luật biển Việt Nam” liên quan tâm đến lãnh thổ ở Hoàng Sa và Trường Sa, kêu gọi các nước liên quan giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại đa phương. 

Tuy nhiên, trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, trước những hành động khiêu khích không ngừng diễn ra của Philíppin và Việt Nam, Mỹ đều không tỏ bất cứ thái độ gì. Sau khi Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa và thiết lập khu bảo vệ Tam Sa theo pháp luật của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lập tức ra tuyên bố, nói rằng “những ngôn luận mang tính đối kháng, những bất đồng trong khai thác tài nguyên ở Biển Đông, những hành động mang tính bắt ép về kinh tế, bao gồm cả những sự kiện sử dụng chướng ngại vật ngăn chặn đi vào khu vực xung quanh đảo Hoàng Nham không ngừng leo thang, đặc biệt là việc Trung Quốc nâng cấp hành chính đối với thành phố Tam Sa, thành lập khu bảo vệ mới ở khu vực tranh chấp, đi ngược lại với cách giải quyết bất đồng thông qua hợp tác ngoại giao, như vậy đã làm tăng thêm rủi ro trong tình hình khu vực đang căng thẳng”. Sự chỉ trích điểm mặt chỉ tên đích danh như vậy là không thấy nhiều trong thực tiễn ngoại giao quốc tế. Những lời lẽ của Mỹ phản ứng trước việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa bề ngoài có vẻ công bằng xác đáng như vậy nhưng trên thực tế đã chĩa mũi giáo vào Trung Quốc, tạo ra ấn tượng mơ hồ lẫn lộn trong cộng đồng quốc tế rằng tình hình Biển Đông là hết sức lo ngại do hành động đơn phương của Trung Quốc.

Trước sự việc thành lập thành phố Tam Sa, thái độ của Mỹ đã thể hiện vai trò của các nhân tố thuộc ba phương diện: 

Một là, nước Mỹ đã nhìn nhận hành động của các bên ở Biển Đông bằng những tiêu chuẩn khác nhau. Có thể nhìn lại một số diễn biến lịch sử: Năm 1982, Việt Nam thành lập “Huyện đảo Hoàng Sa” ở quần đảo Hoàng Sa và “Huyện đảo Trường Sa” ở quần đảo Trường Sa; năm 1978 Philíppin thành lập “Thành phố Kalayaan” ở đảo Trung Nghiệp (Việt Nam gọi là đảo Thị Tứ) thuộc quần đảo Trường Sa, Mỹ khi đó không hề có thái độ nào tương tự. 
Hai là, đòi hỏi lợi ích của Mỹ ở Biển Đông mâu thuẫn với Trung Quốc. Một số nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông muốn lôi kéo các nước lớn ngoài khu vực như Mỹ và Nhật Bản… vào vòng tranh chấp Biển Đông, đặc biệt là coi việc Mỹ can thiệp vấn đề Biển Đông là lực lượng cân bằng đối với Trung Quốc. Mỹ nhân thời cơ đó đẩy mạnh thành lập một cơ chế quốc tế để giải quyết vấn đề Biển Đông, khiến tình hình Biển Đông trở nên quốc tế hóa để chống lại chủ trương nhất quán của Trung Quốc về giải quyết tranh chấp Biển Đông. Chủ trương đó của Trung Quốc là, bất cứ tranh chấp nào về chủ quyền Biển Đông cũng đều cần giải quyết trên cơ sở đàm phán song phương, phản đối quốc tế hóa vấn đề tranh chấp.

Ba là, tiếp tục lấy lý do về bảo vệ an ninh hàng hải ở Biển Đông phản đối cái gọi là hành động đơn phương, kiềm chế Trung Quốc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. 

Từ đó có thể thấy, thái độ phê phán của Mỹ trước việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa là sự khắc họa về chính sách “trở lại châu Á” của Mỹ, một lần nữa thể hiện rõ chiều hướng và mục tiêu của chính sách này./. 

 

Thuỳ Anh(gt)