Đứng cạnh Tổng Thống Philippines Aquino, Thủ Tướng Abe tuyên bố Tokyo và Manila sẽ tăng cường quy mô hợp tác biển và kinh tế. Nhật Bản sẽ tăng một khoản vay tín dụng hiện có đối với Philippines để giúp tăng cường khả năng phòng chống thiên tai và đề nghị tiếp tục hỗ trợ cho tiến trình hòa bình Mindanao, cùng các sáng kiến khác. Kể từ khi được thiết lập vào năm 2011, Quan hệ đối tác Chiến lược Nhật Bản-Philippines ban đầu chỉ để thúc đẩy trao đổi hàng hóa, dịch vụ, con người và đầu tư giữa hai nền kinh tế thông qua thực hiện Thỏa thuận Quan hệ Đối tác Kinh tế Nhật Bản-Philippines. Nhưng kể từ khi Abe được bầu làm thủ tướng, mối quan hệ này đã tập trung vào hợp tác an ninh biển. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Thủ Tướng Abe cam kết một thỏa thuận cho vay nhằm trang bị 10 tàu tuần tra cho lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines.

Sự hợp tác mới này có thể được coi rõ ràng để đối phó với một mối đe dọa chung - việc phát triển trên biển của Trung Quốc tại Hoa Đông và Biển Đông. Mối quan hệ với Nhật Bản chỉ là một nhân tố trong chiến lược rộng lớn hơn của Philippines: tăng cường hợp tác quốc phòng với các đồng minh để trang trải cho khả năng quân sự hạn chế và tình trạng mất an ninh của nước này. Cách tiếp cận đa phương về an ninh của Manila tại Biển Đông cũng nhằm đối phó với ý đồ muốn giải quyết tranh chấp trên cơ sở song phương của Trung Quốc - điều có thể làm xói mòn những tuyên bố chủ quyền của Manila về phương diện pháp lý và chiến lược. Đó là lý do khiến Tổng Thống Aquino cho phép Mỹ và Nhật Bản được tiếp cận căn cứ hải quân Subic.

Nhật Bản cũng được hưởng lợi từ sự tăng cường hợp tác với Philippines. Người Philippines sẽ đóng một vai trò trong chiến lược phòng thủ mới của Nhật Bản về triển khai lực lượng hải quân và các máy bay do thám không người lái nhằm bảo vệ các đảo xa của Nhật tại Hoa Đông. Ngoài ra, một mối quan hệ tốt hơn với Philippines cũng phù hợp với chiến lược đối ngoại tái can dự với ASEAN của Nhật Bản.

Mối quan hệ đối tác được điều chỉnh cũng không chỉ giúp cân bằng với Trung Quốc mà còn hữu ích trong lĩnh vực kinh tế. Thủ Tướng Abe và Tổng Thống Aquino đã cam kết thúc đẩy hợp tác kinh tế vào thời điểm cả Nhật Bản và Philippines đều đang trải qua thời kỳ phục hồi kinh tế và giành được lòng tin quốc tế thông qua việc kết hợp kích thích tài khóa và cải cách kinh tế.

Chính phủ Nhật Bản biết rằng nền kinh tế Nhật cần đến những mối quan hệ gần gũi hơn với các nước ASEAN năng động nếu muốn những cải cách của mình thành công. Với tư cách là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh trong khu vực, Philippines trở thành một địa điểm đầu tư cạnh tranh và thị trường hấp dẫn cho các công ty Nhật Bản vốn đang tìm kiếm điểm đến ngoài Trung Quốc do những làn sóng chống Nhật tại nước này. Trong khi đó, Tổng Thống Aquino cho rằng Nhật Bản có thể trở thành động lực lớn cho sự tăng trưởng kinh tế tương lai của Philippines. Vào năm 2012, Nhật Bản đã là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines với khoảng 16 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương và là nước đầu tư FDI lớn thứ hai.

Trong chuyến thăm của Thủ Tướng Abe, những người Philippines còn sống sót từ thời nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản trong Thế chiến thứ II, đã thúc giục Aquino đề cập đến đòi hỏi của họ về một lời xin lỗi chính thức từ phía Nhật Bản. Tuy nhiên, Tổng Thống Aquino đã không đáp ứng yêu cầu này và thậm chí còn cho rằng người Philippines đã thoát ra khỏi cuộc xung đột lịch sử với Nhật Bản. Chính phủ Philippines trước đó đã tuyên bố ủng hộ việc Nhật Bản tái vũ trang nhằm đối trọng với Trung Quốc ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Các lợi ích chiến lược và kinh tế của Nhật Bản và Philippines đang hội tụ với nhau. Mối quan hệ giữa hai nước không còn bị chi phối bởi những ký ức cay đắng về sự chiếm đóng tàn bạo của Nhật Bản. Thay vào đó, những ưu tiên của hai nước là nhằm bảo đảm tăng trưởng kinh tế và chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc./.

Julius Cesar I. Trajano là nhà phân tích cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang. Bài viết đăng trên trang East Asia Forum”.

Mỹ Anh (gt)