Bề ngoài, các vụ va chạm giữa Trung Quốc và Việt Nam là xoay quanh việc nước nào có chủ quyền về nguồn lợi tự nhiên trong vùng cả hai cùng nói là của mình. Khi hãng dầu khí PetroVietnam thực hiện khảo sát địa chấn, tàu hải giám và tàu cá của Trung Quốc đã can thiệp và phá hủy các dây cáp tàu của họ. Đáp lại, Việt Nam đã diễn tập hải quân bắn đạn thật nhằm thể hiện sự không khuất phục Trung Quốc. 

Theo luật hay không? 

Nhưng về cơ bản, cuộc tranh chấp tại vùng biển này còn xoay quanh một chủ đề lớn hơn: Đó là liệu một nước Trung Quốc đang trỗi dậy có cần phải tuân theo các luật pháp quốc tế hay không? 

Phản ứng chính thức từ Oasinhtơn trước sự kiện căng thẳng leo thang trong vùng Biển Đông là hết sức trung lập. Mỹ kêu gọi kiềm chế và tìm giải pháp hòa bình. Nhưng để thái độ kiểu ngoại giao đó sang một bên, nước Mỹ đang phải đối mặt với một bước đi rất khó cân bằng trong vụ tranh chấp biển này. 

Theo quan điểm của Bắc Kinh, Oasinhtơn là bên phải chịu lỗi một phần về căng thẳng hiện nay. Chưa đầy một năm trước, trong bài phát biểu tại Diễn đàn khu vực ASEAN ở Hà Nội, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã gây sốc cho phía Trung Quốc khi tuyên bố rằng Mỹ có “lợi ích quốc gia quan trọng” tại Biển Đông, và hy vọng các bên đang tranh chấp chủ quyền phải tôn trọng nguyên tắc tự do hàng hải và giải quyết các tranh chấp theo đúng luật quốc tế. 

Về cơ bản, phát biểu của bà Clinton không đi xa khỏi quan điểm từ lâu của Mỹ, nó gây nhiều chú ý vì chưa có một bộ trưởng ngoại giao nào trước đó của Mỹ tuyên bố rõ về chính sách này, hay nêu ra quyền lợi của Mỹ trong cuộc tranh chấp ở mức “lợi ích quốc gia”. 

Địa điểm bà đưa ra tuyên bố là Hà Nội cũng làm tăng thêm tính biểu tượng về ngoại giao và gửi tới Bắc Kinh thông điệp rõ ràng rằng Trung Quốc đừng mong đợi muốn làm gì tại Biển Đông cũng được. 

Thời điểm quan điểm đó được đưa ra đã khiến các nhà ngoại giao Trung Quốc hoàn toàn bất ngờ, vì nó xảy đến ngay sau khi các nước Đông Nam Á than phiền về cách Trung Quốc thực thi quy định cấm đánh cá hung bạo, cũng như các hành vi quấy nhiễu khác trong vùng biển tranh chấp. 

Không nghi ngờ gì nữa, tuyên bố mang tính chính sách mạnh mẽ của Oasinhtơn đã làm biến đổi nhận thức trong vùng. Mỹ được xem như đã đặt cho mình vị trí vững chắc bên phía các nước yếu hơn về quân sự trong tranh chấp với Trung Quốc. 

Cùng lúc, lời tuyên bố không đủ mạnh mặt pháp lý của Trung Quốc rằng họ có chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển đã trở nên khó bảo vệ. Ở một mức độ khá cao, có thể cho rằng việc Mỹ muốn cân bằng lại với đối thủ là Trung Quốc trong việc giành ảnh hưởng tại Đông Nam Á đã khiến các nước khác cùng đòi hỏi chủ quyền trong cuộc tranh chấp, nhất là Việt Nam tự tin hơn. Nước này cũng tuyên bố chủ quyền của toàn bộ khu vực tranh chấp và chưa hề tỏ ra sợ Trung Quốc.

Nhưng tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc đang leo thang lên một mức nguy hiểm, khiến Oasinhtơn rơi vào vị thế khó khăn. 

Trái với cách nhìn của những người theo thuyết âm mưu tại Bắc Kinh, mục tiêu của Oasinhtơn không phải là để dùng các nước láng giềng như Việt Nam ngăn chặn Trung Quốc hay ủng hộ tuyên bố chủ quyền của họ để chống lại Trung Quốc. Mỹ thực ra có ba mối lo ngại hàng đầu. 

Thứ nhất, Oasinhtơn muốn thấy các luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (dù Mỹ không ký), được nêu cao trong việc dàn xếp tranh chấp. Mỹ sẽ chống lại việc bất cứ bên nào sử dụng vũ lực. Quan điểm này có lợi hơn cả cho các nước như Philíppin và Malaixia vốn có những tuyên bố chủ quyền vững nhất về mặt pháp lý, nhưng không có lợi cho Trung Quốc và Việt Nam, hai nước vốn có lý lẽ yếu hơn. 

Thứ hai, vì Biển Đông là một tuyến đường biển trọng yếu, Oasinhtơn muốn đảm bảo rằng không có nước nào dùng tuyên bố chủ quyền của họ để ngăn cản quyền tự do hàng hải. Quan điểm này ngầm thách thức cách diễn giải bành trướng của Trung Quốc về quyền của họ trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ). Chính phủ Trung Quốc đã từng phản đối hoạt động khảo sát của hải quân Mỹ ở Biển Đông với lý do những hoạt động này gây hại cho an ninh quốc gia của Trung Quốc. Còn từ góc độ của Mỹ, việc cho phép Trung Quốc hay nước nào khác đòi chủ quyền quốc gia trên toàn bộ vùng biển tranh chấp, dù trên cơ sở dẫn chứng lịch sử không rõ ràng, mà không phải theo căn bản pháp lý, sẽ gây nguy hiểm về cơ bản cho nguyên tắc tự do hàng hải. 

Thứ ba, sự trỗi dậy của Trung Quốc không nên phá vỡ thế cân bằng quyền lực tại Đông Á hay trung hòa ảnh hưởng của Mỹ. Bằng cách đem uy tín ngoại giao và sức mạnh quân sự ra chống đỡ cho các nước Đông Nam Á vốn quá yếu không thể đối chọi được với Trung Quốc, Mỹ có thể giúp duy trì cán cân quyền lực trong vùng. 

Để đạt được những mục tiêu chiến lược này, Mỹ cần tỏ ra tế nhị. Một mặt, Mỹ không muốn thấy Trung Quốc lấn lướt các nước láng giềng yếu hơn trong cuộc tranh chấp Biển Đông, cũng không muốn đối mặt trực tiếp với Trung Quốc nhân danh các nước kia. Mỹ cũng không nên cho các nước kia hy vọng rằng Mỹ sẽ ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của họ một cách vô điều kiện. Kiềm chế Trung Quốc không nhất thiết phải gây ra bất hòa hiện là những băn khoăn của Oasinhtơn. 
Cho tới nay, Mỹ đã tỏ ra có đủ khả năng duy trì cách tiếp cận cân bằng trước cuộc tranh chấp. Mỹ đã tránh không đứng về bên nào và nhấn mạnh đến giải pháp hòa bình. Thái độ khá kiềm chế của Mỹ sau khi Việt
Nam cho diễn tập bắn đạn thật có thể đến từ chỗ Bắc Kinh ý thức được rằng Oasinhtơn đang theo dõi Trung Quốc rất sát sao. 

Cuộc khẩu chiến ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc đã bùng lên nhưng khả năng căng thẳng hơn nữa là khó xảy ra. Với nguồn lợi thiên nhiên to lớn trong vùng, việc đảm bảo có một giải pháp hòa bình tại Biển Đông đang trở thành nhiệm vụ ngày một khó khăn cho Oasinhtơn. 

Nghiên cứu Biển Đông giới thiệu