10223096684_18077ebe4d_h.jpg

Niềm kiêu hãnh quốc gia cũng như tham vọng kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc phải hứng chịu tác động xấu sau phán quyết hôm 12/7 vừa qua của PCA về vụ kiện mà Philippines đệ trình. Đúng như dự đoán, Bắc Kinh kịch liệt phản đối phán quyết này, tuyên bố phán quyết không có hiệu lực và không có thẩm quyền bắt buộc thi hành. Trong một chuỗi các tuyên bố chính thức, trong đó có bản Sách Trắng mới, Trung Quốc tái khẳng định quan điểm và cảnh báo sẽ phản ứng kiên quyết đối với bất cứ hành vi khiêu khích nào chống lại lợi ích của họ tại Biển Đông.

Tuy nhiên, phản ứng về mặt chính sách của Trung Quốc đối với phán quyết này vẫn chưa rõ ràng. Sau khi thể hiện thái độ giận dữ và cam kết với người dân Trung Quốc rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết có thể sẽ xem xét lại cách tiếp cận của nước này đối với những tranh chấp ở Biển Đông. Kết quả là hoặc Trung Quốc sẽ càng kiên quyết hơn trong những hành động kháng cự, hoặc Trung Quốc sẽ xem xét lại chiến lược Biển Đông theo hướng thiện chí hơn. Nếu ông Tập Cận Bình lựa chọn gia tăng kháng cự với những nỗ lực kiểm soát vùng biển và vùng trời trên Biển Đông, thì những căng thẳng sẽ càng gia tăng và có nguy cơ dẫn tới xung đột quân sự.

Trung Quốc có thể điều máy bay chiến đấu đến ba sân bay mới của họ ở Trường Sa và quân sự hóa nhiều hơn các đảo nhân tạo. Với việc không tuân thủ phán quyết của PCA và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Trung Quốc có thể sẽ vẽ những đường cơ sở xung quanh Trường Sa và tuyên bố về các vùng nước bên trong đường cơ sở, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) cũng có thể được thiết lập để phản ánh tuyên bố "Đường 9 đoạn". Trong một động thái đặc biệt khiêu khích, Bắc Kinh có thể tiến hành kế hoạch nạo vét và xây dựng các đồn trú ở khu vực bãi cạn Scarborough - chỉ cách 123 dặm từ đảo Luzon của Philippines.

Những hành vi phi pháp như sử dụng các tàu hải cảnh, áp dụng các quy định đánh bắt cá... cũng có thể được nước này sử dụng để cản trở các tàu cá của các quốc gia khác và tiến hành khai thác năng lượng tại những khu vực trên Biển Đông mà Trung Quốc coi là có "quyền lịch sử". Một sự lựa chọn khác là Tập Cận Bình có thể quyết định điều chỉnh dần chính sách của Trung Quốc, phù hợp với một số phần trong phán quyết và tìm kiếm sự dàn xếp với các nước láng giềng. Ví dụ như Trung Quốc có thể đàm phán một thỏa thuận với Phillippines cho phép các ngư dân của cả hai nước đánh bắt cá trong vùng lãnh hải của bãi cạn Scarborough. Đây có thể là một giải pháp đôi bên cùng có lợi. Ngư dân Philippines có thể đảm bảo kế sinh nhai tại vùng nước mà họ bị cấm hơn 4 năm qua. Trung Quốc có thể ra tín hiệu sẽ không ngăn cản Manila khai thác dầu và khí đốt ở Bãi Cỏ Rong, chấm dứt tuyên bố khu vực cấm đánh bắt cá hàng năm ở Hoàng Sa và kiềm chế các hoạt động gây hấn với ngư dân Việt Nam, kiềm chế xây dựng các đảo mới. Sự phối hợp giữa Trung Quốc với ASEAN có thể được đẩy mạnh thông qua một thỏa thuận áp dụng các quy định và trình tự thủ tục theo UNCLOS về bộ quy tắc ứng xử trong các vụ đụng độ không báo trước trên biển.

Những phản ứng leo thang của Trung Quốc dễ xảy ra nếu họ cảm thấy bị Mỹ và các nước đồng minh dồn vào chân tường. Vì vậy, Philippines cần phải khiêm tốn với chiến thắng của mình và các quốc gia khác cũng nên kiềm chế việc bôi nhọ, cô lập Trung Quốc và nên tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong UNCLOS nhằm tránh việc Trung Quốc tìm cớ cho những hành vi vi phạm của họ trong tương lai. Hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông cần tiếp tục duy trì nhưng thời điểm và cách thức cần cân nhắc hết sức thận trọng. Những nhiệm vụ này nên được thực hiện một cách yên ắng, tránh ồn ào không cần thiết. Nếu chi tiết về hoạt động tự do hàng hải của Mỹ bị rò rỉ trên các phương tiện truyền thông, Bộ Quốc phòng Mỹ có thể chỉ đơn giản nói rằng đây là hoạt động tự do hàng hải theo thông lệ và không hề nhằm thách thức chủ quyền của Trung Quốc. Nếu phát ngôn và hành động của Trung Quốc dần dần thay đổi, thể hiện rằng họ không còn có những "tuyên bố thái quá" về quyền tài phán trên biển và hoạt động của họ phù hợp với các quy định của UNCLOS thì những hoạt động tự do hàng hải có thể không cần thiết nữa.

Về phần mình, Chính quyền Mỹ nhiệm kỳ tới nên thông qua UNCLOS, đặt trọng tâm chính sách của Mỹ hướng tới Biển Đông theo trật tự dựa trên cơ sở luật pháp đúng đắn. Việc kêu gọi Trung Quốc tuân thủ UNCLOS, trong khi Mỹ lại từ chối tham gia công ước này thể hiện sự mâu thuẫn, thậm chí giả dối. Nếu những nguyên tắc và việc thực hiện UNCLOS là quan trọng đối với lợi ích của Mỹ thì Washington nên thông qua công ước này. Hiện phán quyết đã được đưa ra và những tranh chấp ở Biển Đông sẽ bước sang một giai đoạn mới có cả thách thức và cơ hội. May mắn là Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị G20 sắp diễn ra tại Trung Quốc vào tháng 9/2016 sẽ mang lại một khoảng thời gian trì hoãn đối với vấn đề Biển Đông. Mỹ và những quốc gia có cùng quan điểm nên chủ động sử dụng thời gian vài tháng tới để thúc đẩy sự thay đổi trong chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông theo hướng tuân theo luật pháp quốc tế và hài hòa với các nước láng giềng.

Tác giả Bonie Glaser là nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Bài viết đăng trên Tờ "Interpreter" (ngày 18/7).

Anh Thư (gt)