Giới thiệu

Trong phán quyết vụ Biển Đen, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) tuyên bố rằng cách tiếp cận ba bước đã được xác định là một phương pháp phân định chính xác. Tòa giải thích rằng ba bước này bao gồm: (i) bước đầu tiên là thiết lập “một đường phân định tạm thời bằng các biện pháp kỹ thuật hình học khách quan, phù hợp với địa hình địa lý của khu vực cần phân định”; (ii) bước thứ hai là xem xét toàn bộ các yếu tố liên quan có ảnh hưởng đến việc điều chỉnh hoặc dịch chuyển đường phân định tạm thời để đạt được một kết quả công bằng; (iii) bước thứ ba là kiểm tra kết quả. Tòa nhấn mạnh rằng tầm quan trọng của “đường trung tuyến” và “đường cách đều” tại bước đầu tiên khi xác định đường phân định tạm thời bằng các biện pháp kỹ thuật khách quan và phù hợp với địa hình địa lý của vùng biển cần phân định.[1] Thật vậy, các Tòa án quốc tế và Tòa trọng tài đều ủng hộ cách tiếp cận ba bước kể từ khi phán quyết vụ Biển Đen được ban hành.

Trong bài này, tôi sẽ đánh giá tiến trình mà các Tòa án và Tòa trọng tài đóng góp cho tính chính xác của cách tiếp cận ba bước và thảo luận về nhiệm vụ của các Tòa án và Tòa trọng tài trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến phân định biển.

1.    Phân định biển trước khi thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS): Phân định thềm lục địa

Để xem xét các nguyên tắc và phương pháp đối với phân định biển, chúng ta cần nhìn lại phán quyết của Tòa ICJ trong vụ Thềm lục địa Biển Bắc vì kết luận trong vụ này đã góp phần cấu thành các thành tố cơ bản của thềm lục địa và ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của khái niệm thềm lục địa.

Tòa đưa ra ba ý tưởng mà sau này trở thành nền tảng cho việc phát triển chế độ pháp lý của thềm lục địa: Đầu tiên là nghĩa vụ của các quốc gia đối với việc đàm phán một cách có ý nghĩa; thứ hai là nghĩa vụ của các quốc gia cư xử phù hợp với nguyên tắc công bằng, thỏa đáng và thứ ba là bản chất của thềm lục địa là một phần kéo dài tự nhiên của đất liền.[2] Liên quan đến điểm thứ ba, Tòa cũng nhấn mạnh nguyên tắc “đất thống trị biển” và “đất liền là cơ sở hợp pháp để quốc gia thực hiện thẩm quyền đối với lãnh thổ kéo dài ngoài biển.”.[3] Phản hồi lại lập luận của các Bên trong vụ Tunisia/Libya[4] liên quan đến yếu tố kéo dài tự nhiên, Tòa kết luận rằng kéo dài tự nhiên không phải là một yếu tố cần xem xét trong thực tiễn phân định vì trong trường hợp này thềm lục địa là một khối thống nhất. Sau đó, Tòa áp dụng nguyên tắc công bằng, thỏa đáng đối với việc phân định và xem xét một vài các yếu tố khác là hoàn cảnh khách quan.[5]

2.    UNCLOS và phân định biển

(1) Sự tồn tại song song của hai quy chế: Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa trong UNCLOS

Các nhà soạn thảo UNCLOS đã quy định hai quy chế ngoài vùng lãnh hải, đó là EEZ và thềm lục địa. Hai vùng nước này khác biệt về bản chất nhưng liên quan chặt chẽ đến nhau. Theo phán quyết của Tòa trong vụ Thềm lục địa Biển Bắc, thềm lục địa được coi là một quy chế có trong luật tập quán quốc tế và yếu tố “sự kéo dài tự nhiên” được quy nạp vào định nghĩa của thềm lục địa tại Điều 76, khoản 1. Trong khi đó, quy chế của vùng EEZ trong Điều 55 lại là một điểm mới trong Công ước và định nghĩa của nó chỉ dựa vào khoảng cách từ bờ biển tại Điều 57. Mỗi một quốc gia ven biển có quyền thực hiện quyền chủ quyền trong vùng biển theo định nghĩa tại các điều khoản trên. Do vậy, các quy định này cấu thành cơ sở cho các quyền mà quốc gia ven biển được hưởng liên quan đến các vùng biển nằm ngoài lãnh hải.

(2) Sự cần thiết của việc cân đối các nguyên tắc và phương pháp để phân định EEZ và thềm lục địa

Dù các nhà soạn thảo đã cố gắng làm rõ các nguyên tắc và phương pháp phân định đối với hai vùng nước trên nhưng họ cuối cùng đã không thể đi đến một sự thống nhất. Như một sự thỏa hiệp đối với các quan điểm khác nhau, Điều 74 và Điều 83 đều thiếu các nguyên tắc và phương pháp cụ thể đối với việc phân định.[6] Chính bởi vì sự mập mờ trong các nguyên tắc và phương pháp phân định tại Điều 74 và 83, các tòa án và tòa trọng tài quốc tế có vai trò quan trọng trong việc giải thích và áp dụng các nguyên tắc phân định chung để “đạt được một giải pháp công bằng” trong trường hợp các Bên không thể giải quyết tranh chấp bằng thỏa thuận. Cụ thể, khi tranh chấp liên quan đến việc phân định EEZ và thềm lục địa, các tòa án và tòa trọng tài quốc tế được yêu cầu cân đối giữa các nguyên tắc và phương pháp để phân định đối với hai quy chế vùng nước khác nhau này.

(i) Vụ Libya/Malta (Phán quyết 1985)

Tòa đã xem xét vấn đề này trong Phán quyết tại vụ Libya/Malta. Dù vấn đề này chỉ liên quan đến việc phân định thềm lục địa, nhưng Tòa cũng cân nhắc về ảnh hưởng của sự tồn tại song song hai vùng EEZ và thềm lục địa và thừa nhận rằng có một sự liên quan giữa EEZ và thềm lục địa và giải thích như sau:

“điều này không có nghĩa rằng khái niệm thềm lục địa được quy nạp trong khái niệm EEZ mà cho thấy cần quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố chung của cả hai khái niệm, như khoảng cách tính từ bờ biển”.[7]

Với việc nhấn mạnh vào yếu tố khoảng cách, Tòa trước tiên xác định một đường trung tuyến tạm thời và sau đó điều chỉnh đường trung tuyến này sau khi xem xét tất cả các yếu tố hữu quan để đạt được một kết quả thỏa đáng.[8]

….

Đọc toàn bản dịch tại đây.

Mariko Kawano, Giáo sư Luật quốc tế, Khoa Luật, Đại học Waseda, Nhật Bản. Bài viết được trình bày tại Hội thảo Các vấn đề Biển và Công ước Liên Hợp Quốc về  Luật biển (UCNLOS): Chia sẻ cách Tiếp cận của Châu Âu và Châu Á đối với Tranh chấp Lãnh Thổ do Học viện Ngoại giao tổ chức với sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu.



[1] Vụ Biển Đen, Tòa ICJ, 2009, trang 101, đoạn 116.

[2] Vụ Thềm lục địa Biển Bắc, Tòa ICJ, 1969, trang 46, đoạn 85.

[3] Như trên trang 51-52, đoạn 96-99.

[4] Vụ Tusinia/Lybia, Tòa ICJ, 1982, trang 44-49, đoạn 38-50.

[5]Như trên, trang 58, đoạn 68 và 92, 93.

[6] M. Kawano: “International Courts and Tribunals and the Development of the Rules and Methods Concerning Maritime Delimitation,”Journal of International Law and Diplomacy, Vol. 112, No. 3 (2013), trang 434-435.

[7] Libya/Malta, Tòa ICJ, 1985, trang 33, đoạn 33.

[8] Như trên, trang 38, các đoạn: 45, 46-47, 60-63 và trang 55-56, đoạn 77-78.