Giáo sư Renaud Girard là nhà nghiên cứu địa chính trị, giảng viên trường Đại học Khoa học chính trị Paris. Ông từng đảm nhiệm công tác phóng viên chiến trường trong những năm 1980, đưa tin về các cuộc xung đột lớn trên thế giới cho chuyên mục "Biên niên sự kiện quốc tế". Trong bài trả lời phỏng vấn báo Le Figaro, ông đã phân tích về châu Á, khu vực "bùng nổ nhất" thế giới với tâm điểm là cuộc xung đột ở Biển Đông. Dưới dây là nội dung bài phỏng vấn.

Hỏi: Mọi người đã rất nói nhiều về mối đe dọa của Nga và sự hỗn loạn ở Trung Đông, nhưng dường như mọi người quên mất châu Á? Sau phán quyết chống lại Trung Quốc của Tòa Trọng tài, liệu cuộc khủng hoảng ở Biển Đông có trở nên nghiêm trọng hơn hay không? 

Trả lời: Hiện tại, chúng ta đang phải đối mặt với các cuộc chiến tranh cường độ thấp. Cuộc chiến tranh mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo tuyên chiến với chúng ta là một cuộc chiến tranh có cường độ rất thấp. Nên nhớ rằng trong 4 năm của Chiến tranh thế giới thứ nhất, con số thương vong trung bình của nước Pháp là 1.000 người chết mỗi ngày. Đặc biệt, trận Marne năm 1914 đã làm 20.000 người chết trong một ngày. 

Giờ đây, mối nguy hiểm lớn nhất là sự quay trở lại của một cuộc chiến tranh toàn diện quy mô lớn, theo kiểu cuộc chiến 1914-1918. Tôi không tin rằng một cuộc chiến tranh như vậy có thể đến từ nước Nga, bởi vì cuối cùng thì Vladimir Putin cũng cho thấy ông đã hành động hợp lý ở Ukraine. Lẽ ra ông đã có thể chiếm cả cảng Mariupol và sau đó thiết lập một khu vực nối liền giữa lãnh thổ Nga và bán đảo Crimea. Song ông đã không làm điều đó. Vladimir Putin chỉ thử cách giải quyết của chúng ta mà thôi. Đó là lý do tại sao ông đã đưa máy bay ném bom và một số tàu ngầm đến nhiều nơi, kể cả eo biển Manche, và đặc biệt là ở Biển Baltic. Sau khi chúng ta cho thấy rằng chúng ta đang có mặt tại đó – giống như những người bạn đáng tin cậy chứ không phải như kẻ thù - bởi vì đó là những gì ông muốn, nên Putin đã thể hiện sự tôn trọng nhiều hơn đối với chúng ta. Cần phải cho Putin thấy rằng chúng ta có máy bay tiêm kích Rafale và tàu ngầm tấn công hạt nhân và rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không để ai đụng đến chủ quyền lãnh thổ của các thành viên của nó. 

Ngược lại, sự bành trướng trên biển của Trung Quốc ở châu Á là rất đáng lo ngại. Nó có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thuộc loại mà chúng ta nghĩ là không còn nữa, đó là cuộc chiến tranh toàn diện cường độ cao. Rõ ràng là Trung Quốc tỏ ra coi thường luật pháp quốc tế và các cuộc đàm phán đa phương về vấn đề này. Dưới góc độ địa chính trị, việc Trung Quốc coi thường phán quyết của Tòa Trọng tài là điều làm tôi lo lắng nhất trong năm 2016. 

Hỏi Trung Quốc đảo ngược lập luận bằng cách giải thích rằng họ muốn đàm phán, nhưng Philippines không muốn như vậy và nước này đã đệ đơn kiện lên Tòa Trọng tài?

Trả lời: Nói chính xác là Trung Quốc không bao giờ muốn đàm phán đa phương. Họ luôn yêu cầu tiến hành các cuộc đàm phán song phương. Hãy hình dung rằng trong một cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Brunei, Bắc Kinh chắc chắn sẽ có lợi thế hơn. Điều này là cực kỳ nguy hiểm. Trên Biển Đông, Bắc Kinh triển khai chính sách "việc đã rồi" khi chiếm giữ các bãi đá mà trong luật pháp quốc tế người ta gọi là "terra nullius" (đất vô chủ), vì những bãi đá đó chưa ai chiếm đóng. Như vậy là người Trung Quốc muốn xây dựng một "bức tường cát" bằng cách chuyển các đảo nhỏ thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thành thật nhiều các căn cứ không quân. Với chiến lược xây dựng đảo nhân tạo lớn, Trung Quốc đã thiết lập các căn cứ quân sự, hàng không và hàng hải, những căn cứ trên thực tế nằm gần Philippines hay Việt Nam hơn là bờ biển của họ... Trung Quốc có tham vọng ngăn cấm tất cả các tàu nước ngoài đi vào vùng cách các bãi đá này 12 hải lý và muốn được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tại đây. 

Giờ đây, Trung Quốc tỏ ra vô cùng bạo lực đối với các ngư dân Việt Nam, những người đang liều mạng đánh bắt hải sản trong không gian kinh tế mà Trung Quốc cho là của mình. 

Tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông thực sự giống như một ảo giác. Ngoài ra, việc Trung Quốc tranh chấp đảo Senkaku với Nhật Bản trên biển Hoa Đông cũng rất đáng lo ngại. Cho đến nay, các căng thẳng vẫn đang được kiểm soát, nhưng không thể loại trừ rằng Tập Cận Bình sẽ phá vỡ luật lệ vào một ngày nào đó. Trước tiên, bởi ông ta có nhiều quyền lực hơn so với trước đây: Ông ít bị 6 thành viên khác của Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát hơn trước. Quy định "Tập thể lãnh đạo" trong Ban Thường vụ ít mang tính tập thể hơn trước. Bên cạnh đó, ở Trung Quốc người ta đang quay trở lại với sự tôn sùng cá nhân và việc một người có quyền lực bao trùm đứng đầu Nhà nước. Nền kinh tế Trung Quốc đang ổn định ngày hôm nay có thể bị suy yếu nghiêm trọng vào ngày mai, chủ yếu là do hệ thống ngân hàng hoạt động hoàn toàn thiếu minh bạch có thể bị sụp đổ vào bất cứ lúc nào. Không ai có thể lường trước được mọi việc vì để giải quyết những bất mãn nội bộ ở Trung Quốc, Tập Cận Bình đã kêu gọi tinh thần dân tộc chủ nghĩa nhằm tập hợp người dân và sau đó sẽ là một vòng luẩn quẩn khó gỡ. 

Cũng đừng quên rằng Mỹ có những thỏa thuận chiến lược trong khu vực, chủ yếu với Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỹ thậm chí đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Thật tuyệt vời! Trong khi đó lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đối với Trung Quốc kể từ vụ Thiên An Môn vẫn còn hiệu lực! Trên thực tế, cuộc Chiến tranh năm 1914 bắt đầu từ một tình huống ban đầu ít mang tính bùng nổ hơn nhiều so với những gì đang diễn ra hiện nay. Sau các vụ đụng độ về hải quân, rất khó có thể tránh được những hệ lụy nghiêm trọng trước một Trung Quốc đang sục sôi chủ nghĩa dân tộc. Điều này từng xảy ra trong lịch sử gần đây với các quốc gia có vai trò ít quan trọng hơn trên trường quốc tế. Chẳng hạn như các nhà độc tài người Argentina đã cố gắng tập hợp nhân dân bằng cách dùng vũ lực chiếm giữ quần đảo Falklands vào năm 1982. 

Hỏi Vậy Mỹ đã có chiến lược gì để đối phó với với sự bành trướng trên biển của Trung Quốc? 

Trả lời: Với chính sách "xoay trục sang châu Á", Mỹ đã thực hiện sự thay đổi chiến lược và bớt tập trung vào khu vực Trung Đông, được thể hiện bởi chính sách "Cai trị từ phía sau" của Tổng thống Obama đối với khu vực Levant (bao gồm Syria, Liban, Jordan, Israel và vùng lãnh thổ Palestine). Không phải vô cớ khi mà ngày hôm nay Mỹ tìm kiếm một thỏa hiệp với Nga về vấn đề Syria, bởi vì trên thực tế, Nga có lợi thế hơn Mỹ trong vấn đề này. 

Chuyến thăm gần đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam (22-24/5) và Nhật Bản (24-28/5) đã cho thấy người Mỹ có lợi ích rõ ràng trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Mục tiêu của họ là duy trì tự do trên biển. Washington không thể chấp nhận việc Trung Quốc chiếm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính sách "xoay trục" của Mỹ thể hiện rõ với hơn 60% lực lượng của Hải quân Mỹ, lực lượng hải quân đứng đầu thế giới, hiện đang có mặt ở khu vực này. Lực lượng này tương ứng với sự gia tăng sức mạnh theo cấp số nhân của hải quân Trung Quốc. Điều đó phát đi tín hiệu về cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Chưa bao giờ một nước Úc ôn hòa, không thích chiến tranh lại dành đến 34 tỷ euro để mua 12 tàu ngầm của Pháp nếu như không phải là nước này vô cùng lo lắng về mối đe dọa Trung Quốc, buộc phải mua vũ khí để phòng vệ. 

Hỏi: Tổng thống Barack Obama có thể tạo ra sự cân bằng với Bắc Kinh bằng cách nào? Liệu sự cân bằng trong khu vực này có bền vững? 

Trả lời: Người Trung Quốc cho rằng Mỹ không có việc gì để làm trong khu vực này. Họ liên tục nhắc rằng sự can dự của Mỹ vào khu vực này luôn ẩn chứa nhiều tai họa, tất nhiên là họ nói bóng gió đến cuộc Chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, giờ đây, ngay cả người Việt Nam, những người có liên quan nhiều nhất về sự có mặt trước đây của Mỹ trong khu vực này, cũng đã thay đổi cách nghĩ. 

Chính Trung Quốc, do sự vụng về của mình, đã khiến tất cả các nước châu Á xa lánh trong khi lúc đầu nước này được nhìn nhận một cách khá thiện cảm trong khu vực. Trong khi đó, việc Mỹ trở lại châu Á - không phải với ý định can thiệp chính trị hay âm mưu đế quốc – lại được chào đón bởi nó cho phép giải tỏa mối lo ngại của các nước trong khu vực là phải đối phó với Trung Quốc. Cựu Tổng thống Philippines thậm chí đã so sánh Tập Cận Bình với Hitler. 

Như vậy là Mỹ đang trở lại một cách mạnh mẽ, nhưng chính sách của Barack Obama là khá cân bằng. Điều này có nghĩa rằng liên quan đến vấn đề cốt lõi của tranh chấp là tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Washington không đưa ra quan điểm. Mỹ chấp nhận phần đầu phép biện chứng của Trung Quốc, theo đó Washington không có gì để làm ở châu Á. Mỹ không đặt mình vào vị trí của một nước châu Á, mà xem xét vấn đề dưới góc độ luật biển quốc tế, luật mà họ đòi hỏi đảm bảo sự tuân thủ. Mỹ không đóng vai trò trọng tài phân giải giữa Nhật Bản và Trung Quốc về chủ quyền của quần đảo Senkaku hay giữa Trung Quốc và Philippines về chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Mỹ cũng không xác định việc phân chia các nguồn tài nguyên hải sản và địa chất trên biển giữa các nước láng giềng. Thay vào đó, Tổng thống Obama nói rằng các nước liên quan cần tiến hành các hội nghị đa phương để cùng nhau quản lý tất cả những nguồn lợi từ biển. 

Trung Quốc hiện đang tiến hành một chính sách vũ lực không thể chấp nhận được trên Biển Đông. Chắc chắn không ai có thể chấp nhận chính sách "việc đã rồi" của Bắc Kinh. Tất cả các cường quốc châu Á và cả Úc đều lo ngại về Trung Quốc. Cho đến nay, mọi thứ vẫn được kiểm soát do có cuộc đối thoại chiến lược thường niên cấp cao nhất giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngoại giao đã hoàn toàn làm công việc của mình trong chừng mực Barack Obama coi trọng Trung Quốc đồng thời tỏ ra kiên quyết liên quan đến các nguyên tắc tự do hàng hải. Chính trong bối cảnh đó Barack Obama đã thường xuyên điều các tàu khu trục của Hải quân Mỹ tuần tra trong khu vực Trường Sa và Hoàng Sa, cách các đảo 2 hải lý chứ không phải 12 hải lý, mà không hề xin phép Trung Quốc. 

Hiện tại, ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa bày tỏ rõ nét chính sách đối ngoại của mình. Nhưng việc ông thích trực giác hơn là suy ngẫm hoàn toàn không phải là một dấu hiệu tốt. Ngược lại, chúng ta có thể tin tưởng Hillary Clinton, người sẽ phản đối quyết liệt sự bành trướng trên biển nguy hiểm của Trung Quốc. Nhưng trong trường hợp ứng cử viên của đảng Dân chủ được bầu làm Tổng thống, bà Hillary sẽ phải giải quyết một hồ sơ Trung Quốc phức tạp hơn nhiều so với ông Obama vì Trung Quốc hiện nay hiếu chiến hơn rất nhiều so với Trung Quốc của Thế vận hội Olympic 2008. 

Do đó, nguy cơ về một cuộc chiến tranh quy mô lớn, có thể xảy ra trong nay mai, đến từ khu vực châu Á, vẫn luôn tồn tại bởi hiện chưa có giải pháp toàn diện nào được triển khai. Vòng luẩn quẩn của các mối liên minh và các đòn trả đũa sẽ rất khó tránh khỏi trước một dân tộc Trung Quốc mà tinh thần dân tộc chủ nghĩa của họ đã được hun đúc và thổi bùng.

 

Theo La Figaro (Pháp)

Hương Lan (gt)