South-China-Sea-400x266(1).jpg

Để hiểu ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc tại Myanmar là gì, người ta cần phải biết rằng sự can dự của Bắc Kinh trong tiến trình hòa bình, các nỗ lực tái khởi động dự án xây đập thủy điện Myitsone trị giá 3,9 tỷ USD hiện đang bị đình trệ, hay việc đảm bảo quyền khai thác đồng tại mỏ Letpadaung vùng Tây Bắc quốc gia này, thực chất chỉ là để phục vụ cho những gì Bắc Kinh thực sự muốn ở Myanmar. Đó là mở ra cánh cửa kinh tế và chiến lược tiến vào vùng Ấn Độ Dương thông qua cảng nước sâu Kyaukpyu, phía Tây bang Rakhine, một mắt xích quan trọng trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) trị giá 1 nghìn tỷ USD mà Bắc Kinh đang thúc đẩy.

Tuy nhiên, cùng lúc với việc các ý đồ của Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn, người ta ngày càng lo ngại về các điều khoản trong dự án Kyaukpyu trị giá 10 tỷ USD. Cố vấn kinh tế hàng đầu của chính phủ Myanmar Sean Turnell gần đây cho rằng mức giá đề ra dành cho các khoản đầu tư xây dựng cảng biển này – ước tính khoảng 7,5 tỷ USD – là một cái giá “trên trời” và “điên rồ”.

Các nguồn tin gần đây cho biết chính phủ đang xem xét dự án này. Kế hoạch xây cảng nước sâu tại Kyaukpyu lần đầu tiên được công bố vào năm 2007, trước khi dư luận Myanmar trở nên nhạy cảm với lo ngại trở thành con nợ của Trung Quốc vì nhu cầu vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế. Dù một số hạng mục đang được thi công tại Kyaukpyu, song kế hoạch này thực chất vẫn nằm trên giấy.

Khi những kỳ vọng kinh tế phai nhạt dần vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ tại Myanmar khiến các nhà đầu tư phương Tây e dè, quốc gia này lại đứng trước nguy cơ rơi vào “bẫy nợ ngoại giao” của Trung Quốc, buộc phải nhượng bộ một phần chủ quyền khi không đủ sức chi trả cho các khoản nợ xây dựng cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ BRI.

Một ví dụ điển hình là cảng Hambantota đi vào hoạt động từ 7 năm trước tại Sri Lanka. Khi Colombo không thể chi trả các khoản nợ cho Trung Quốc, năm 2016, hai bên đã ký một thỏa thuận để bán 80% cổ phần cảng biển này cho doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc China Merchants Port Holdings. Số cổ phần của Trung Quốc sau đó chỉ còn khoảng 70% do sự phản đối của các liên hiệp thương mại và lý do chính trị. Tuy nhiên, dù trên danh nghĩa Hambantota được cho là “liên doanh” giữa Trung Quốc và chính quyền Sri Lanka, quyền kiểm soát cảng nước sâu có ý nghĩa chiến lược này thực chất nằm trong tay Bắc Kinh.

Điều tương tự cũng đang diễn ra tại Djibouti, nơi Trung Quốc khai trương căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên hồi tháng 8 năm ngoái. Với vị trí địa lý chiến lược tại vùng Sừng châu Phi và là cửa ngõ đi vào Biển Đỏ và Kênh đào Suez, cảng biển tại đất nước Djibouti bé nhỏ đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi các cảng biển mà Trung Quốc xây dựng hoặc nâng cấp dọc vùng duyên hải Ấn Độ Dương. Rõ ràng việc cho Trung Quốc thuê căn cứ này giúp Djibouti có nguồn ngoại tệ cần thiết song họ cũng phải gánh những khoản nợ khổng lồ để phục vụ việc xây dựng một cảng biển mới, một tuyến đường sắt nối liền với thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, một sân bay và đường ống nước sạch từ Ethiopia. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các khoản nợ này ước tính lên tới 1,1 tỷ USD, vượt quá sức chi trả của Djibouti.

Tại Pakistan, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang tham gia xây dựng một cảng biển lớn tại Gwadar, một cửa ngõ nối với Ấn Độ Dương. Tầm quan trọng của cảng biển này nằm ở vị trí của nó, cho phép Trung Quốc dễ dàng vươn tới Biển Arập, điều mà cả Bắc Kinh và Islamabad đều phủ nhận.

Trong số hai hành lang nối Trung Quốc với Ấn Độ Dương, tuyến đường qua Myanmar quan trọng hơn với lĩnh vực thương mại và có ý nghĩa về mặt ảnh hưởng chiến lược trong dài hạn, điều mà Trung Quốc cần đảm bảo cho các hoạt động nhập khẩu dầu mỏ từ Trung Đông và tuyến đường thương mại từ châu Phi và châu Âu. Khoảng 80% số năng lượng nhập khẩu của Trung Quốc đi qua eo biển Malacca giữa Malaysia và Indonesia, là nơi Bắc Kinh luôn lo ngại Mỹ có thể phong tỏa nếu nảy sinh xung đột. Chưa rõ khối lượng dầu mỏ và khí đốt được vận chuyển qua đường ống nối liền bờ biển Rakhine với tỉnh Vân Nam là bao nhiêu, song rõ ràng dự án này được thúc đẩy là để giảm bớt sự lệ thuộc vào tuyến đường qua Malacca.

Thực chất việc thiết lập một hành lang chiến lược đi qua Myanmar là chính sách có từ trước BRI của Chủ tịch Tập Cận Bình, sáng kiến được đưa ra năm 2013 nhằm cung cấp các nguồn viện trợ và cho vay để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng tại châu Á-Thái Bình Dương và xa hơn nữa. Lo ngại về ý đồ của Trung Quốc và nguy cơ rơi vào bẫy nợ, tháng 7/2014 Chính quyền Myanmar dưới thời Tổng thống Thein Sein đã hủy bỏ biên bản ghi nhớ về việc hợp tác xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao từ Kyaukpyu, dự án có tổng trị giá lên tới 20 tỷ USD. Gần 3 năm sau, Thein Sein tiếp tục đình chỉ dự án xây đập thủy điện Myitsone 3,9 tỷ USD.

Dù vậy, Myanmar vẫn còn khoản nợ 880 triệu USD mà các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc cho biết đã bỏ ra cho dự án Myitsone. Giới chỉ trích tại Myanmar cho rằng Bắc Kinh có thể dùng số tiền này làm điều kiện trong các cuộc đàm phán để mở đường cho dự án tại Kyaukpyu. Trung Quốc có vẻ như sẵn sàng làm tất cả những gì họ cần để đạt được mục tiêu của mình và nếu dự án tại Kyaukpyu được tiến hành như đã định, Myanmar sẽ trở thành con nợ lớn của Trung Quốc vì một dự án mà giới chỉ trích cho là phục vụ các lợi ích của Bắc Kinh nhiều hơn là của Naypyidaw.

Dù giới chức tuyên bố vẫn đang cân nhắc chi phí và các điều khoản của dự án này song không ai đủ tự tin cho rằng chính quyền đủ sức và đủ cương quyết từ chối sự mời chào từ Trung Quốc, nhất là khi xét đến những ảnh hưởng về mặt chiến lược và kinh tế mà Bắc Kinh đã có tại quốc gia ngập trong nợ nần này.

Theo “Atimes

Hương Trà (gt)