sukiengiankhoan981.jpg

Trung Quốc có thể tăng cường đáng kể sức mạnh tại Biển Đông nhờ các căn cứ mới tại Trường Sa vốn được xây dựng để sử dụng vào cả hai mục đích quân sự và dân sự ở Biển Đông, cùng các căn cứ tại Hoàng Sa đã được nâng cấp. Trong khi vẫn không từ bỏ các yêu sách chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông, “các quyền lịch sử” trong phạm vi “Đường 9 đoạn” Trung Quốc đưa ra đều trái với luật pháp quốc tế. Chính quyền Mỹ vẫn chưa đưa ra chính sách rõ ràng đối với Biển Đông, gây nghi ngờ đối với cam kết của nước này tại khu vực. Ngoại trừ sự kiên định của Việt Nam, phản ứng của các nước Đông nam Á với những diễn biến gần đây khác nhau từ sự “chủ bại” của Philippines tới sự “thờ ơ” có chủ định của Indonesia và Malaysia.

Ở thời điểm này, các nhà phân tích cần đặt ra câu hỏi phải chăng Mỹ và các nước có cùng quan điểm đã thua cuộc? Đã đến lúc Mỹ từ bỏ lợi tại đây và để mặc các nước ASEAN có tranh chấp tự tranh đấu với Trung Quốc? Có lẽ một trong những nguyên nhân chính ở đây là nhiều người Mỹ vẫn chưa hiểu rõ tại sao cần phải quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Thậm chí, ngay trong nội bộ của Chính quyền Mỹ, câu trả lời cho vấn đề này chưa hoàn toàn giống nhau. Do đó, Mỹ và các đối tác khó có thể giành chiến thắng nếu chưa có sự đồng thuận về giá trị của chiến thắng đó.

Biển Đông không phải là vấn đề song phương giữa Mỹ và Trung Quốc, do đó không thể giải quyết thông qua sự mặc cả giữa hai nước này. Biển Đông căn bản cũng không phải vấn đề cân bằng sức mạnh và không thể giải quyết bằng giải pháp quân sự. Điều này không có nghĩa Trung Quốc không dùng đến sức mạnh quân sự tại các khu vực tranh chấp tại Biển Đông hoặc sự tăng cường năng lực của quân đội Trung Quốc thông qua việc sử dụng các đảo nhân tạo.

Như học giả Bill Hayton từng phát biểu, tranh chấp tại Biển Đông thực sự là cuộc cạnh tranh của chủ nghĩa dân tộc, đặc biệt là những ngụy biện của Trung Quốc đối với các sự thật lịch sử, luật pháp quốc tế và lợi ích của các quốc gia láng giềng. Những nhận thức về lợi ích và quyết tâm theo đuổi của Trung Quốc bằng bất cứ giá nào đã trực tiếp đe dọa tới lợi ích của Mỹ. Những hành động này của Trung Quốc đã đe dọa tới trật tự dựa trên các quy định do Mỹ hậu thuẫn.

Trong bối cảnh trật tự dựa trên các quy định không được Trung Quốc tôn trọng, Mỹ cần gia tăng sự ủng hộ về mặt quân sự đối với các nước lớn khác tại khu vực như Úc, Nhật Bản và Ấn Độ nhằm tạo thế cân bằng với Trung Quốc. Mỹ cần ngăn chặn các hành động hiếu chiến và các hành động leo thang khác của Trung Quốc như đã từng ngăn chặn thành công kế hoạch của Trung Quốc trong việc xây dựng đảo nhân tạo tại bãi cạn Scarborough hồi năm ngoái. Các quốc gia đối tác cũng cần xây dựng năng lực cho các lực lượng Hải quân và bảo vệ bờ biển để duy trì sự hiện diện tại các vùng nước tranh chấp trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng áp lực. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa thể giải quyết được hoàn toàn vấn đề.

Mục tiêu Mỹ và các đối tác trong khu vực hướng đến là buộc Trung Quốc phải đảm bảo các tuyên bố chủ quyền phù hợp với luật pháp quốc tế và cư xử bình đẳng với các nước láng giềng. Đây là mục tiêu không dễ dàng, đòi hỏi phải có các chiến dịch ngoại giao, pháp lý quốc tế đánh thẳng vào các tuyên bố chủ quyền vô căn cứ của Trung Quốc, dù cho điều này có thể tổn hại tới uy tín của Trung Quốc. Cần xác định đây là cuộc đấu tranh lâu dài, sẽ mất hàng thập kỷ hoặc lâu hơn. Trong tình hình hiện nay, Trung Quốc có thể trụ được trong một thời gian dài, nhưng sẽ không thể “miễn dịch” mãi với áp lực và dư luận quốc tế và càng không thể đứng ngoài luật pháp quốc tế.

Trong bối cảnh Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte “chìa ra cành ô liu” cho Trung Quốc và Chính quyền của ông Trump lại quan tâm đến các vấn đề khác, Trung Quốc vẫn tiếp tục củng cố các cơ sở ở Biển Đông. Bên cạnh các cảng biển và cơ sở hạ tầng gần được hoàn thiện, Trung Quốc đã cho bố trí nhiều tàu chiến tại phía nam của “Đường 9 đoạn”. Cùng với việc mở rộng các hoạt động đến các vùng biển của các quốc gia láng giềng, Trung Quốc đang dần tăng cường khả năng ngăn chặn các nước Đông Nam Á khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên tại vùng biển của họ. Bất chấp đây là các hoạt động khai thác phù hợp với luật pháp quốc tế.

Nếu không có gì thay đổi, Trung Quốc sẽ thiết lập sự kiểm soát thực tế đối với các vùng biển, không phận và các nguồn tài nguyên tại Biển Đông. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động tuần tra tại các vùng biển có tranh chấp, bỏ qua các hoạt động quấy nhiễu của Trung Quốc, các bên tranh chấp sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Việt Nam có thể vẫn kiên trì quan điểm của mình song các quốc gia khác cuối cùng sẽ chấp nhận thực tế. Kết quả là hệ thống quốc tế và trật tự tại khu vực châu Á sẽ bị thay đổi vĩnh viễn theo hướng phương hại các lợi ích của Mỹ.

Để giải quyết thách thức này, Mỹ cần nhận thức được các vấn đề liên quan. Chính quyền của ông Trump cần có chính sách rõ ràng, mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích của Mỹ, đặc biệt là trật tự dựa trên các quy định. Chính quyền Mỹ cần nắm bắt cơ hội khi Chính quyền của ông Duterte nhận ra Bắc Kinh không hề đem lại hy vọng cho họ. Nhất là từ ngày 1/5, khi Trung Quốc bắt đầu thực thi lệnh cấm đánh bắt cá tại các khu vực, bao gồm cả tại bãi cạn Scarborough. Mỹ nên đưa ra tuyên bố và cam kết lâu dài rằng Hiệp định quân sự Mỹ-Philippines bao gồm cả việc bảo vệ các lực lượng của Philippines tại Biển Đông. Sau đó, Mỹ mới có thể bắt đầu nhiệm vụ khó khăn là khôi phục mặt trận đoàn kết quốc tế đối phó với yêu sách của Trung Quốc.

Tác giả Gregory B. Poling là Giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Biển châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Bài viết đăng trên “AMTI”.

Vũ Hiền (gt)