South China Sea(1).jpeg

Trái ngược với quan điểm cho rằng các tranh chấp trên Biển Đông được thúc đẩy bởi khao khát được sở hữu các nguồn năng lượng dưới đáy biển trong khu vực, phần thưởng thực sự trước mắt chính là nguồn cá và môi trường biển nuôi dưỡng chúng. Cũng chính việc nhìn nhận cuộc xung đột thông qua lăng kính mới này khiến người ta có thể cảm nhận sâu sắc tác động của phán quyết mới đây của Tòa Trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Có vẻ như dầu mỏ có sức hấp dẫn hơn nhiều so với nguồn cá, hay ít nhất là sức hút từ các nguồn năng lượng dưới đáy biển có tác động thúc đẩy mạnh mẽ hơn tới các nhà hoạch định chính sách, các nhà bình luận cũng như giới truyền thông. Tuy nhiên, tài nguyên thực sự bị đe dọa chính là nguồn cá ở Biển Đông và môi trường biển nuôi dưỡng chúng.

Chỉ trong diện tích tương đối nhỏ (chỉ khoảng 3 triệu km vuông), Biển Đông cung cấp trữ lượng cá vô cùng dồi dào. Đây là nơi sinh sống của ít nhất 3.365 loài cá và theo ước tính năm 2012, khoảng 12% sản lượng đánh bắt cá của thế giới, trị giá 21,8 tỷ USD, tới từ khu vực này. Các nguồn tài nguyên sống này có giá trị hơn rất nhiều so với tiền bạc; chúng là nền tảng đảm bảo an ninh lương thực cho hàng trăm triệu ngư dân ven biển. Ngư nghiệp cũng là ngành nghề sử dụng ít nhất 3,7 triệu lao động (con số thấp hơn thực tế bởi chưa tính đến các thuyền đánh bắt cá trái phép không khai báo trong khu vực). Đây được cho là một trong các lợi ích quan trọng nhất mà nghề cá ở Biển Đông mang lại cho cộng đồng thế giới - đó là tạo ra công ăn việc làm cho gần 4 triệu người trẻ tuổi, những người có thể sẽ không có nhiều lựa chọn nghề nghiệp khác. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên quan trọng này đang đứng trước sức ép vô cùng lớn.

Nguồn cá ở Biển Đông đang thực sự bị khai thác quá mức. Một báo cáo năm 2015 có sự tham gia của hai trong ba tác giả cho thấy 55% các tàu hải giám trên thế giới hoạt động ở Biển Đông. Báo cáo cũng chỉ ra rằng trữ lượng cá đã giảm khoảng 70-95% so với những năm 1950. Trong 30 năm qua, sản lượng cá đánh bắt mỗi giờ đã giảm 1/3, điều này đồng nghĩa rằng các ngư dân đang phải nỗ lực nhiều hơn trong khi sản lượng thu về thấp hơn. Thực tế này ngày càng trầm trọng bởi phương thức đánh bắt hủy diệt, như việc sử dụng thuốc nổ và chất xyanua trên các rạn san hô, cùng hoạt động xây đảo nhân tạo. Các rạn san hô ở Biển Đông đang sụt giảm với tốc độ 16% mỗi thập kỷ. Việc tiếp cận các nguồn cá là mối quan tâm lâu dài của các nước xung quanh Biển Đông và các vụ đụng độ giữa các tàu cá đóng vai trò kéo dài cuộc tranh chấp này. Các tàu cá của Trung Quốc và Đài Loan đang có số lượng áp đảo trên Biển Đông. Thực tế này có được là do nhu cầu cá trong nước ở mức cao cộng thêm nguồn trợ cấp dồi dào của nhà nước để cho phép các ngư dân Trung Quốc đóng các con tàu lớn hơn với tầm hoạt động xa hơn.

Các tàu cá hiện không chỉ được sử dụng cho mục đích đánh bắt. Các tàu này từ lâu đã được sử dụng như công cụ gián tiếp xác lập chủ quyền trên biển. Các hạm đội tàu cá của Trung Quốc đã được miêu tả như “lực lượng dân quân trên biển”. Rất nhiều vụ đụng độ đã diễn ra giữa các tàu cá của Trung Quốc hoạt động trong cái gọi là “Đường 9 đoạn” của nước này nhưng ngay sát các nước ven biển khác, trong khu vực mà các nước này coi là một phần trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ. Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hỗ trợ hậu cần, như tiếp nhiên liệu, cũng như can thiệp để bảo vệ tàu cá của Trung Quốc không bị bắt giữ trước nỗ lực thực thi chủ quyền trên biển của các nước khác ven Biển Đông.

Phán quyết hồi tháng 7 vừa qua của Tòa Trọng tài đã bác bỏ cơ sở pháp lý đối với yêu sách của Trung Quốc ở khu vực ở phía Nam Biển Đông cũng như phủ nhận các quyền khai thác tài nguyên của nước này. Kết quả là Philippines, và rộng ra là Malaysia, Brunei và Indonesia, được tự do tuyên bố chủ quyền ở khu vực 200 hải lý tính từ đường cơ sở là một phần trong EEZ của họ. Quy định này cũng tạo ra một loạt các hải phận quốc tế ở trung tâm Biển Đông, nằm ngoài các khu vực tuyên bố chủ quyền của các quốc gia.

Một trở ngại hiện nay đó là Trung Quốc một mực phủ nhận phán quyết này. Hiện có dấu hiệu rõ ràng rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục hoạt động trong “Đường 9 đoạn” và các lực lượng hải quân Trung Quốc sẽ tìm cách bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của họ tại đó. Viễn cảnh u ám này lại càng được nhấn mạnh bởi thực tế rằng Trung Quốc mới đây đã cho mở một cảng cá ở đảo Hải Nam có sức neo đậu khoảng 800 tàu cá và dự kiến sẽ mở rộng sức chứa lên tới 2.000 tàu. Theo một quan chức địa phương, cảng cá này được dự đoán sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc “bảo vệ các quyền đánh bắt cá của Trung Quốc trên Biển Đông”. Ngày 2/8, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh có quyền khởi tố những người nước ngoài “xâm nhập trái phép vùng biển Trung Quốc” - bao gồm các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền nhưng theo phán quyết của Tòa Trọng tài là thuộc EEZ của các nước xung quanh - và bắt giam họ tới một năm tù. Một ngày sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã cảnh báo rằng Trung Quốc nên chuẩn bị “chiến tranh nhân dân trên biển” để “bảo vệ chủ quyền”. Động thái này mở đường cho các cuộc xung đột ngày càng gia tăng giữa các tàu cá.

Biển Đông đang rất cần có một ban quản lý đa phương, ví dụ như thông qua Khu bảo tồn biển (MPA) hoặc khôi phục ý tưởng có từ vài thập kỷ qua về việc biến một số khu vực ở Biển Đông, có thể là vùng trung tâm hải phận quốc tế, thành một Công viên biển hòa bình (MPP). Các lựa chọn này sẽ giúp bảo vệ các hệ sinh thái san hô dễ bị tổn thương trong khu vực và giúp bảo tồn các nguồn sinh vật biển có giá trị cao. Một giải pháp phối hợp vượt lên trên các bất đồng hiện nay ở Biển Đông dường như khó có thể đạt được. Tuy nhiên, nếu không có hành động như vậy, nghề cá tại đây sẽ đối mặt với nguy cơ bị xóa bỏ, với nhiều hậu quả thảm khốc với khu vực. Cuối cùng, các ngư dân và nguồn cá sẽ là bên thiệt hại nhiều nhất nếu tranh chấp vẫn diễn ra.

Các tác giả là Giáo sư Clive Schofield thuộc Đại học Wollongong; Giáo sư Rashid Sumaila và Phó giáo sư William Cheung thuộc Đại học British Columbia. Bài viết đăng trên “The conversation” (ngày 16/8).

Hương Trà (gt)