Quan điểm xuyên suốt của tác giả xuất phát từ lập trường và chính sách Biển Đông phi lý và vô căn cứ của Trung Quốc, luôn coi Mỹ và các nước phương Tây là thế lực cản trở cái gọi là “nỗ lực duy trì hoà bình và ổn định trên Biển Đông” của Trung Quốc nhằm tập hợp lực lượng kiềm chế Trung Quốc. Trên cơ sở đó, tác giả tập trung vào phê phán, chỉ trích hành động của Mỹ trên Biển Đông trong thời gian qua, bao gồm hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông, các dự luật mới nhằm vào Trung Quốc; lên án Mỹ tăng cường hợp tác quân sự với các nước đồng minh và đối tác, đồng thời gia sức nâng cao năng lực cho các nước trong khu vực. Ngoài Mỹ, tác giả cũng chỉ trích phương Tây đang can dự vào Biển Đông theo hướng “nghiêng về một bên”. Xuất phát từ tình hình đó, tác giả cho rằng, trong thời gian tới, tình hình Biển Đông sẽ đi theo xu hướng phức tạp, rối ren, nhiều biến động khó lường trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, quân sự, thực địa, pháp lý.

Không quá khó hiểu khi bài bình luận của ông Ngô Sĩ Tồn mang đậm phong vị chỉ trích Mỹ, đồng thời đề cao những thành tựu mà Trung Quốc đạt được với một số bên yêu sách trên Biển Đông như Philippines, Malaysia trong năm 2019 vừa qua. Ông Ngô Sĩ Tồn được biết đến là học giả có uy tín bậc nhất trong giới nghiên cứu Biển Đông ở Trung Quốc. Ông được coi là “cây bút chiến” trong việc thực thi yêu sách Biển Đông phi lý của Trung Quốc đồng thời là cây bút tuyên truyền mạnh mẽ ở cả trong nước và ra bên ngoài quốc tế của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Một trong những nội dung Trung Quốc tập trung vào tuyên truyền xuyên suốt trong thời gian qua đó là chỉ trích sự can dự của Mỹ vào vấn đề Biển Đông khiến an ninh khu vực trở nên bất ổn và rối ren, Trung Quốc luôn bất bình rằng, Mỹ muốn tận dụng điểm nóng Biển Đông để kiềm chế sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc. Chính vì vậy mà trong bài phân tích ở nhiều chỗ, ông Ngô Sĩ Tồn khẳng định “chính sách và thủ đoạn của Mỹ ở Biển Đông là nhằm kiềm chế Trung Quốc, điều ấy đã quá rõ ràng”, để từ đó đi đến cáo buộc mang đầy tính chủ quan “sự hiện diện quân sự với tần suất cao, thường xuyên, mang tính hệ thống và có sự kết nối giữa các nước trong và ngoài khu vực ở Biển Đông đã khiến tình hình an ninh hàng hải trở nên khó lường hơn trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị giữa nước lớn ở Biển Đông đang ngày càng trở nên gay gắt”.

Cũng phải nhìn nhận một sự thực rằng, trong khi liên tục chỉ trích Mỹ là “kẻ gây rối ở Biển Đông”, lên án Mỹ trong năm qua đã “7 lần triển khai các hoạt động tự do hàng hải nhằm vào Trung Quốc tại Biển Đông”, thực tế cho thấy, chính Trung Quốc mới là bên chủ đạo tiến hành các hoạt động trên thực địa gây căng thẳng trên khu vực Biển Đông trong suốt thời gian qua. Một mặt, Trung Quốc chủ động tiến hành các hành vi gây căng thẳng trên biển với tần suất thường xuyên hơn và tính chất nghiêm trọng hơn, nổi bật như vụ cử số lượng lớn các tàu đến bao vây đảo thị Tứ của Philippines (tháng 4/2019), cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia ở cụm bãi cạn Luconia (tháng 7/2019), cử tàu khảo sát địa chấn HD08 vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (tháng 7-10/2019). Ngoài ra, Trung Quốc cũng gia tăng tần suất tập trận quân sự. Trong khi theo ông Ngô Sĩ Tồn buộc tội, trong năm 2019, Mỹ đã tiến hành 7 đợt tự do hàng hải trên Biển Đông thì chỉ tính riêng trong nửa cuối năm 2019, theo thống kê, Trung Quốc đã tiến hành đến 25 cuộc tập trận quân sự trong đó lần đầu tiên Trung Quốc tập trận với quy mô lớn tại Trường Sa (29/6-3/7). Mặt khác, Trung Quốc vẫn tiếp tục quân sự hoá các đảo, đi vào hoàn thiện các công trình phục vụ quân sự như: tàu sân bay thứ 3, phóng thử tên lửa đạn đạo chống hạm, lắp đặt hệ thống phá sóng máy bay, tăng cường sử dụng vũ khí lazer quấy nhiễu và đi vào sử dụng nhiều thiết bị công cụ mới nhằm tăng cường năng lực trên Biển Đông của Trung Quốc.

Ngoài ra, tính “tuyên truyền đen” trong bài viết còn thể hiện rất rõ qua việc Trung Quốc nhiều lần xuyên tạc các quốc gia yêu sách như Việt Nam “đang dựa vào Mỹ để chống lại Trung Quốc”. Ông Ngô Sĩ Tồn đã không ngần ngại chỉ đích danh Việt Nam “đơn phương tiến hành các hoạt động ở Biển Đông”, đồng thời cáo buộc ta “lôi kéo các nước bên ngoài như EU, Anh, Pháp,… can dự vào Biển Đông theo hướng nghiêng về phía Việt Nam”; đồng thời ngang nhiên cho rằng, “Mỹ đã tận dụng Việt Nam để cản trở tiến trình đàm phán COC”.

Xét ở khía cạnh này, đầu tiên phải khẳng định, mục tiêu đối ngoại xuyên suốt của Việt Nam là bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi; thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá trong quan hệ đối ngoại. Do đó, việc Việt Nam mở rộng quan hệ với các đối tác trong và ngoài khu vực trên cơ sở lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc là thực hiện theo đúng mục tiêu đối ngoại xuyên suốt của ta trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, không quá khó hiểu khi Trung Quốc đã nhanh chóng lợi dụng vấn đề này để “xuyên tạc” đường lối và chính sách nhất quán, xuyên suốt của ta. Trong bàn cờ Biển Đông hiện nay, Trung Quốc đã bước đầu đạt được thành quả là thoả thuận hợp tác với Philippines và tiếp sau đó là Malaysia. Tuy nhiên, với Việt Nam, Trung Quốc lại vẫn ra sức “lèo lái” mà chưa đạt được ý đồ. Không chỉ vậy, trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh những hành động bành trướng, ngang ngược, phi lý, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông với tần suất thường xuyên hơn, mức độ cứng rắn hơn và tính chất nguy hiểm hơn, điều này càng củng cố quyết tâm dùng mọi công cụ để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông của Việt Nam. Chính điều này đã khiến Trung Quốc nhiều lần thử phản ứng và dùng áp lực để gây sức ép lên Việt Nam. Và một trong những cách Trung Quốc vẫn đang làm là dùng kênh học giả để vừa tuyên truyền định hướng, vừa “đánh động” mang tính răn đe, kiềm chế hành động của ta. Đặc biệt trong bối cảnh năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm những vị trí quan trọng như Chủ tịch luân phiên của ASEAN và uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Khi đó, Trung Quốc càng cần dùng nhiều cách thức, thông qua nhiều kênh khác nhau với các biện pháp đa dạng và linh hoạt hơn để phần nào tác động đến quyết sách và hành động của ta trong thời gian tới.

Để có thêm chi tiết về cách thức Trung Quốc tuyên truyền và định hướng dư luận theo hướng có lợi cho Trung Quốc, xin mời quý độc giả tham khảo nội dung bài phân tích của ông Ngô Sỹ Tồn ở dưới đây.

[Lan Hoàng gt] 

Ghi chú: Nội dung dưới đây là toàn văn bài dịch được đăng trên Tạp chí Tri thức thế giới (Trung Quốc) số 1 năm 2020 của tác giả Ngô Sĩ Tồn. Bài viết được dịch sang tiếng Việt nhằm mục đích cung cấp thông tin và tư liệu nghiên cứu cho độc giả. Do đó, không thể hiện quan điểm của website nghiencuubiendong.vn hay quan điểm của Việt Nam.

Website Nghiên cứu Biển Đông trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bản dịch bài viết “Triển vọng tình hình Biển Đông năm 2020: Những biến động khó lường” của tác giả Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải (Trung Quốc) đăng trên Tạp chí Tri thức Thế giới số 1/2020.

Năm 2019, vấn đề Biển Đông (Trung Quốc trong bản gốc gọi là Nam Hải) vẫn nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế, đây vừa là vấn đề thu hút truyền thông quốc tế theo dõi và đưa tin, vừa là vấn đề được bàn thảo đến trong hàng loạt các hội thảo mang tính học thuật cũng như những tham vấn chính trị song phương và đa phương. Tình hình Biển Đông năm 2020 mặc dù vẫn có thể dự đoán sẽ tương đối ổn định và nằm trong tầm kiểm soát, tuy nhiên các nhân tố tiêu cực và bất ổn cũng sẽ tăng lên rõ rệt, không thể xem nhẹ những áp lực mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong việc duy trì chủ quyền và ổn định trên Biển Đông. Cùng với việc thúc đẩy tiến trình trao đổi xây dựng văn bản Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), quá trình xây dựng các luật lệ trong khu vực sẽ bước vào giai đoạn cạnh tranh ảnh hưởng và quyền dẫn dắt, những biến động mới có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Biển Đông có khả năng rơi vào “thời kỳ rối ren” lần nữa

Năm 2019, tình hình Biển Đông với cục diện “hai bánh cùng lăn” vẫn duy trì xu hướng phát triển tốt.

Một mặt, các tranh chấp và bất đồng giữa Trung Quốc với các nước liên quan trực tiếp như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei vẫn nằm trong tầm kiểm soát, tình hình Biển Đông nhìn chung vẫn tương đối ổn định. Ở cấp độ đa phương, Trung Quốc và các nước ASEAN tích cực thực hiện những nhận thức chung về hợp tác đã đạt được trong khuôn khổ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hoàn thành trước thời thời hạn vòng thẩm duyệt đầu tiên của dự thảo đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), và tương đối suôn sẻ khi tiếp tục tiến đến vòng thẩm duyệt thứ hai. Ở cấp độ song phương, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo hai bên, hai nước Trung Quốc - Philippines đã phát huy đầy đủ vai trò của cơ chế tham vấn giữa hai nước, không chỉ kiểm soát hiệu quả các tranh chấp trên biển, mà còn chính thức thành lập ban chỉ đạo liên chính phủ về hợp tác dầu khí và nhóm công tác giữa các công ty dầu khí, các tiến trình hợp tác có liên quan cũng được đẩy nhanh rõ rệt. Trung Quốc và Malaysia cũng đạt được nhất trí về việc thiết lập cơ chế tham vấn song phương về các vấn đề trên biển, tạo ra một nền tảng thể chế hóa mới để giải quyết tranh chấp thông qua con đường đối thoại và đàm phán.

Mặt khác, vấn đề Biển Đông không chỉ là tranh chấp về chủ quyền một số đảo đá quanh quần đảo Trường Sa (Trung Quốc trong văn bản gốc gọi là quần đảo Nam Sa) và quyền tài phán tại vùng biển này giữa các quốc gia ven biển có liên quan, mà nó còn trở thành “cái bẫy địa chính trị” không thể vượt qua trong cuộc đọ sức giữa các nước lớn và tiến trình thiết lập lại trật tự khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, không khó để lí giải tại sao các tranh chấp ở Biển Đông khi thì sóng yên biển lặng, khi thì biến động mạnh mẽ, các nhân tố như việc các nước lớn tìm kiếm quyền lực, nước nhỏ theo đuổi lợi ích, đọ sức quân sự hay tranh giành quyền phát ngôn đan xen lẫn nhau, khiến cho tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp.

Mỹ liên tục đổi mới các chính sách và thủ đoạn ở Biển Đông, ý đồ lợi dụng vấn đề Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc đã trở nên rõ ràng. Đầu tiên, Mỹ công khai tuyên bố sẽ ứng xử với các tàu đánh cá “có hợp tác với phía quân đội” và tàu hải cảnh của Trung Quốc ở Biển Đông giống như các tàu hải quân. Tiếp đó Mỹ tuyên bố cung cấp sự đảm bảo về an ninh cho quân đội, máy bay và tàu thuyền của Philippines khi bị tấn công bằng vũ lực ở Biển Đông dựa theo Điều 4 của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines. Mỹ lần đầu tiên điều động tàu chiến đấu ven biển đóng tại Singapore thực hiện “hoạt động tự do hàng hải” nhằm vào Trung Quốc. Kể từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ cũng lần đầu tiên bố trí lực lượng tuần duyên tại Biển Đông để hỗ trợ lực lượng hải quân thực hiện nhiệm vụ. Mỹ còn đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống mạng lưới kiềm chế Trung Quốc có sự thúc đẩy đồng thời trên cả hai mặt trận ngoại giao và quân sự, có sự phối hợp hành động quân sự và “bán quân sự” và có sự tham gia tích cực của các nước đối tác đồng minh. Ngoài ra, Mỹ còn bắt đầu gây ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán COC thông qua “người đại diện” của nước này trong nội bộ ASEAN, đồng thời áp dụng những công cụ lập pháp trong quốc hội Mỹ để gia tăng áp lực lên các nước. Ví dụ như, tháng 5/2019, 15 thượng nghị sĩ liên bang từ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ của Mỹ tiếp tục đề xuất cái gọi là “Đạo luật trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông”, thúc đẩy các biện pháp trừng phạt đối với “tất cả các công ty và cá nhân Trung Quốc từng tham gia các hoạt động xây dựng tại Biển Đông”.

Sự tham gia về mặt quân sự của các nước ngoài khu vực trong vấn đề Biển Đông được tăng cường. Năm 2019, theo các báo cáo công khai, Mỹ đã 7 lần triển khai các “hoạt động tự do hàng hải” nhằm vào Trung Quốc tại Biển Đông, hoạt động với tần suất cao và tính khiêu khích như vậy trước nay chưa từng có. Đồng thời, quân đội Mỹ cũng bố trí lực lượng cả ở trên không, trên mặt nước và dưới mặt nước, luân phiên điều động các lực lượng trên biển và trên không (Hạm đội 7 và Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ) ở trong và ngoài khu vực Tây Thái Bình Dương, hàng chục lần điều các tàu sân bay, máy bay ném bom và máy bay trinh sát đi qua khu vực biển Việt Nam, triển khai các hoạt động răn đe và trinh sát tại khu vực xung quanh các đảo đá của Trung Quốc, trong đó có Bãi cạn Scarborough (Trung Quốc trong bản gốc gọi là đảo Hoàng Nham) [Chú thích của người dịch: đoạn này, tác giả viết dựa trên quan điểm của Trung Quốc khi cho rằng các hoạt động Mỹ thực hiện là “tại các khu vực xung quanh đảo đá của Trung Quốc”. Tuy nhiên, trên thực tế, Biển Đông vẫn đang tồn tại nhiều loại tranh chấp đa phương và song phương chưa được giải quyết]. Mỹ cũng hợp tác với các nước đối tác đồng minh như Nhật Bản, Úc, Anh, Ấn Độ tổ chức các cuộc tập trận quân sự song phương và đa phương với các nước ASEAN như Việt Nam và Philippines tại Biển Đông và vùng biển xung quanh, điều động các trang thiết bị tiên tiến như tàu chiến đấu ven biển, tàu khu trục tên lửa, máy bay tuần tra chống ngầm P-8, tổ chức tập trận chung trên biển lần đầu tiên với các nước ASEAN tại vùng biển gần Thái Lan, Việt Nam. Nhật Bản bên cạnh việc tiếp tục gửi tàu hộ tống lớp Izumo tới Biển Đông để thực hiện các cuộc tập trận chung trên biển với tàu sân bay Reagan của quân đội Mỹ, còn lần đầu điều động Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đến Biển Đông để phối hợp thực hiện các hoạt động quân sự. Sự hiện diện quân sự với tần suất cao, thường xuyên, mang tính hệ thống và có sự kết nối giữa các nước trong và ngoài khu vực ở Biển Đông đã khiến tình hình an ninh hàng hải trở nên khó lường hơn trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị giữa nước lớn ở Biển Đông đang ngày càng trở nên gay gắt.

Một số quốc gia xung quanh Biển Đông không hề lo lắng mà tiếp tục duy trì các hoạt động đơn phương trên biển. Từ tháng 5 đến tháng 10/2019, Việt Nam đã một lần nữa đơn phương triển khai các hoạt động thăm dò dầu khí tại khu vực vùng biển thuộc Bãi Tư Chính (Trung Quốc trong bản gốc gọi là Bãi Vạn An) thuộc quần đảo Trường Sa (Trung Quốc trong bản gốc gọi là Nam Sa) và thực hiện khoan thăm dò dưới đáy biển gần lô “Vạn An Bắc – 21” của Trung Quốc (Việt Nam gọi là lô 06-1), dẫn đến cuộc đối đầu trên biển nghiêm trọng và dai dẳng giữa hai nước Trung-Việt kể từ “sự kiện HD981 ở khu vực Nam Tri Tôn” năm 2014 (Trung Quốc trong bản gốc gọi là Nam Trung Kiến). Các nước có yêu sách chủ quyền khác cũng tăng cường kiểm soát, đổi mới trang thiết bị trên các đảo đá mà mình chiếm đóng, đồng thời triển khai các hành động đơn phương như thăm dò khai thác dầu khí ở những vùng biển có tranh chấp, điều này tạo ra nguy cơ va chạm và xung đột trên biển, Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức ngày càng gay gắt hơn trong việc kiểm soát những tranh chấp này.  

Liên minh châu Âu và một số quốc gia thành viên ngày càng trở nên “phô trương” trong việc tham gia vào các sự vụ ở Biển Đông, thể hiện rõ lập trường nghiêng về một phía của mình. Dưới áp lực của Mỹ và quá trình vận động hành lang, lôi kéo của các nước có yêu sách chủ quyền khác như Việt Nam, các nước EU như Anh, Pháp, Đức xuất phát vì suy tính lợi ích chiến lược của bản thân, tiếp tục ủng hộ hành động gửi tàu quân sự vào Biển Đông của Mỹ để thực hiện các hoạt động riêng biệt hoặc hoạt động chung. Tháng 8 năm 2019, các nước EU lần đầu tiên đưa ra “Tuyên bố chung EU về tình hình biển Đông” và “Tuyên bố chung Anh, Pháp, Đức về tình hình Biển Đông”. Hai tuyên bố này không chỉ ngang nhiên trở thành chỗ dựa cho các hành động đơn phương khai thác của Việt Nam tại vùng biển Bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa của Trung Quốc, mà còn đích danh chỉ trích các hành động phản đối chính đáng của Trung Quốc, thái độ nghiêng về phía Việt Nam thể hiện một cách trắng trợn.

Ba cặp mâu thuẫn ảnh hưởng đến xu hướng phát triển của tình hình Biển Đông trong tương lai

Cùng với sự thúc đẩy của tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), những nỗ lực xây dựng một “trật tự dựa trên nguyên tắc” tại khu vực Biển Đông có khả năng sẽ vấp phải một số khó khăn khó có thể dự báo trước, hình thành ba cặp mâu thuẫn chủ yếu dưới đây:

Đầu tiên là mâu thuẫn giữa những nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng trật tự khu vực mới dựa trên luật lệ và có sự tham gia của các nước trong khu vực với hệ thống an ninh đồng minh dựa trên sức mạnh mà Mỹ lãnh đạo. Tháng 10 năm 2019, Thiếu tướng Wikoff, Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm 70 của Hải quân Mỹ, tuyên bố rằng COC sẽ gây tổn hại đến “tự do hàng hải” ở Biển Đông, tháng 11 năm 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper chỉ trích Trung Quốc có hành vi thao túng COC tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. Kể từ tháng 5 năm 2019, Mỹ đã có ý đồ cản trở tiến trình đàm phán COC thông qua việc xúi giục các quốc gia có yêu sách chủ quyền như Việt Nam nêu các vấn đề mang tính cản trở và đối phó như khai thác dầu khí tại vùng biển có tranh chấp, tính ràng buộc pháp lý của COC,…; đổi lại, các nước này nhận được những trao đổi lợi ích từ Mỹ như viện trợ ngoại giao, cung cấp vũ khí. Mỹ đã thay đổi lập trường “ủng hộ” và “thúc giục” trước đây đối với COC, mong muốn “ kìm hãm” những tiến triển trong đàm phán giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN. Điều này cũng phản ánh rằng Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn các quốc gia xây dựng một trật tự khu vực có khả năng xung đột với cấu trúc an ninh do Mỹ lãnh đạo. Việc Mỹ đưa ra biện pháp can thiệp sâu hơn vào quá trình đàm phán COC sẽ trở thành một chỉ số quan trọng để phán đoán sự phát triển của tình hình Biển Đông trong tương lai.

Thứ hai là mâu thuẫn giữa ý muốn thông qua việc xây dựng các quy tắc mới ở Biển Đông để ràng buộc các hành động đơn phương và kiểm soát những bất đồng của phần lớn các nước trong khu vực mâu thuẫn với ý đồ muốn đơn phương thực hiện tối đa hóa lợi ích đã đạt được trước khi quy tắc mới có hiệu lực của một số nước có yêu sách chủ quyền. Theo dự kiến, COC sẽ xây dựng nhiều quy định ràng buộc hơn về quy tắc ứng xử trên biển so với DOC và những quốc gia có liên quan có các hành động đơn phương bừa bãi sẽ phải đối mặt với nhiều ràng buộc hơn, mức phạt khi vi phạm cũng sẽ tăng theo, điều này rõ ràng không có lợi đối với một số quốc gia trong việc duy trì lợi ích đã đạt được. Do đó, một số quốc gia có yêu sách chủ quyền có thể sẽ lợi dụng “giai đoạn không có nút chặn” trước khi kí kết COC để đẩy nhanh các hoạt động đơn phương trên biển, củng cố lợi ích đã đạt được, đồng thời tối đa hóa lợi ích và chủ trương của mình. Điều này cũng bao gồm khả năng các quốc gia trong đó có Việt Nam có thể sử dụng hoặc đe dọa sử dụng cơ chế trọng tài đối với một số tranh chấp với Trung Quốc, gây trở ngại cho quá trình đàm phán COC.

Thứ ba là hành vi của các nước liên quan như Nhật Bản, Anh, Úc và Ấn Độ cố gắng xác lập ảnh hưởng tới trật tự khu vực mới thông qua các biện pháp ngoại giao, kinh tế và quân sự trong quá trình tái cấu trúc quyền lực khu vực và xây dựng lại các quy tắc, nhằm chiếm một vị trí trong quá trình cạnh tranh địa chính trị và phân chia quyền lực tại khu vực Biển Đông trong tương lai, hành vi này mâu thuẫn với những nỗ lực của các quốc gia trong khu vực trong đó có Trung Quốc nhằm khôi phục sự ổn định ở Biển Đông. Nhật Bản coi Biển Đông là “huyết mạch trên biển”, muốn mượn vấn đề Biển Đông để mở rộng ảnh hưởng của mình trong các vấn đề an ninh tại khu vực Đông Nam Á, phục vụ cho mục tiêu trở thành cường quốc quân sự và chính trị của mình, những nhu cầu lợi ích mạnh mẽ đối với việc xây dựng trật tự khu vực Biển Đông của nước này sẽ tạo ra những mâu thuẫn khó có thể hòa dịu đối với “ý tưởng kép” mà Trung Quốc đề xướng nhằm giải quyết vấn đề Biển Đông.

Năm xu hướng lớn trong sự phát triển của tình hình Biển Đông

Chịu sự ảnh hưởng của cuộc chạy đua tranh giành lợi ích giữa các quốc gia, đặc biệt là kể từ khi Mỹ từng bước thực hiện chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, tình hình Biển Đông rất có khả năng sẽ lại dậy sóng.

Đầu tiên, hành động đơn phương của nước có yêu sách chủ quyền sẽ là nguyên nhân chính dẫn đến những biến động ở Biển Đông. Các quốc gia có khả năng đơn phương thúc đẩy các chủ trương, chính sách của mình  đồng thời tiến hành thăm dò tại các lô dầu khí có triển vọng khai thác tốt, các nước này còn có khả năng sẽ triển khai hoạt động thăm dò hoặc đơn phương khai thác dầu khí tại các lô có tiềm năng về nguồn tài nguyên và có thể khai thác.

Thứ hai, đàm phán xây dựng văn bản COC có khả năng sẽ vấp phải những khó khăn khó dự đoán. Khi văn bản duy nhất bước vào vòng thẩm duyệt thứ hai, những bất đồng giữa các quốc gia có tranh chấp xung quanh các vấn đề như COC sẽ hạn chế điều gì, hạn chế ai, sẽ áp dụng với phạm vi vùng biển nào, liệu có những ràng buộc mang tính pháp lý hay không, làm thế nào để giám sát việc triển khai, hay liệu có thể thiết lập một cơ chế thực thi hay không đều sẽ lộ rõ. Đối với vấn đề khai thác dầu khí và tập trận quân sự chung ở Biển Đông của nước ngoài khu vực, các nước lớn ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Nga cũng có thể gây ảnh hưởng đến quá trình đàm phán dự thảo COC bằng nhiều kênh khác nhau, xuất phát từ nhu cầu về lợi ích chiến lược và kinh tế của mình.

Thứ ba, cuộc đấu tranh pháp lý ở Biển Đông có thể sẽ lại trở nên gay gắt. Kể từ nửa cuối năm 2016, chính phủ Trung Quốc và Philippines đã đạt được sự đồng thuận trong việc gác lại phán quyết của trọng tài trong vụ kiện Biển Đông. Tuy nhiên, một số lực lượng thân Mỹ chống Trung Quốc ở Philippines đã không ngừng gây áp lực với chính phủ Duterte, yêu cầu ông phải giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên kết quả phán quyết của tòa trọng tài. Các quốc gia có yêu sách chủ quyền khác như Việt Nam, vẫn trích dẫn phán quyết của trọng tài và coi đó là chỗ dựa cho các hành động đơn phương của mình. Giới chính trị và học thuật Việt Nam đa phần ủng hộ việc đệ trình các tranh chấp có liên quan với Trung Quốc lên Tòa án Công lý hoặc Trọng tài quốc tế. Có được sự ủng hộ của Mỹ và một số nước EU, liệu Việt Nam sẽ có những bước đi mang tính thực chất trong cuộc chiến pháp lý giữa hai nước hay không? Trung Quốc khó có thể coi đây là một sự kiện xảy ra với “xác suất thấp”.

Thứ tư, với sự thúc đẩy của một số quốc gia, việc “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông có khả năng sẽ ngày càng đi xa. Việc mở rộng và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông từ lâu đã là mục tiêu chính trong chính sách Biển Đông của một số nước có yêu sách chủ quyền, trên mặt trận chính trị ngoại giao, các nước này đã lợi dụng các cơ hội và cơ chế đa phương để thổi phồng vấn đề Biển Đông, tuyên truyền “thuyết mối đe dọa đến từ Trung Quốc đối với Biển Đông”; trên mặt trận quân sự, dùng các phương thức như sử dụng căn cứ quân sự, mua sắm vũ khí, tập trận quân sự chung để lôi kéo và gia tăng sự hiện diện của các nước ngoài khu vực ở Biển Đông; trên mặt trận kinh tế, thông qua những sách lược như “nhượng bộ lợi ích kinh tế”, “ràng buộc lợi ích” để đổi lại sự ủng hộ của các quốc gia khác, đưa các công ty dầu khí phương Tây vào khai thác dầu khí tại các khu vực tranh chấp. Việc “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông dưới sự thúc đẩy và dẫn dắt của những quốc gia này là một xu hướng khó có thể đi ngược lại.

Thứ năm, sự hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong vấn đề Biển Đông có thể tạo ra “Sự kiện thiên nga đen” mới (“Black swan” incidents). Mỹ muốn lợi dụng vấn đề Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc, và Việt Nam muốn mượn Mỹ để cạnh tranh với Trung Quốc đồng thời củng cố, mở rộng những lợi ích đã đạt được. Kể từ khi xảy ra đối đầu giữa hai nước Trung – Việt xung quanh sự kiện Bãi Tư Chính, Mỹ đã thường xuyên lên tiếng ủng hộ Việt Nam thông qua các kênh ngoại giao và dư luận, hai nước mượn cơ hội này để đẩy nhanh hợp tác quốc phòng và an ninh như chia sẻ thông tin tình báo, tổ chức các chuyến thăm của tàu hải quân và viện trợ vũ khí. Năm 2020, Việt Nam, với tư cách là chủ tịch luân phiên của ASEAN và là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, có thể sẽ có những hành động đơn phương mới ở Biển Đông, thúc đẩy quốc tế hóa và mở rộng vấn đề Biển Đông, Mỹ có ý đồ muốn biến Việt Nam trở thành “người đại diện” gây rối trật tự mới đồng thời là chỗ dựa quan trọng của Mỹ trong việc triển khai lực lượng hải cảnh và quân sự, thu thập thông tin tình báo, giám sát và kiềm chế đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và có thể tạo ra những trở ngại mới  cho “trật tự dựa trên luật lệ” mà Trung Quốc và các nước ASEAN đang xây dựng.

Biển Đông là khu vườn chung của các quốc gia ven biển Biển Đông trong đó có Trung Quốc, đây là cầu nối quan trọng để Trung Quốc và các nước ASEAN xây dựng một cộng đồng vận mệnh chung trên biển. Hòa bình lâu dài và ổn định ở Biển Đông không chỉ phù hợp với lợi ích của các nước trong khu vực, mà còn là kỳ vọng chung của toàn bộ cộng đồng quốc tế. Tình hình Biển Đông tiếp tục ổn định hay là quay trở lại với những biến động, bất ổn, năng lượng tích cực để duy trì sự ổn định của tình hình đến từ sự tin tưởng lẫn nhau, đồng thuận và hợp tác giữa Trung Quốc và các nước có yêu sách chủ quyền khác và thậm chí cả các nước ASEAN, vì vậy chúng ta cần phải giữ vững lòng tin, loại bỏ những cản trở, tăng cường lòng tin, gia tăng niềm tin, kiên trì hợp tác, cố gắng xây dựng trật tự khu vực công bằng, minh bạch, cởi mở và hợp tác, ngăn không cho tình hình Biển Đông quay trở lại vòng xoáy tăng nhiệt và xung đột. Mỹ và các đối tác đồng minh cũng nên nhìn nhận mong muốn của các nước, suy nghĩ về việc làm thế nào để phát huy vai trò mang tính xây dựng vì một Biển Đông hòa bình, ổn định và thịnh vượng, thay vì khăng khăng làm những việc đi ngược lại xu hướng chung.

Tác giả Wu Shicun (Ngô Sĩ Tồn), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc. Bài báo gốc được đăng trên “Tri thức thế giới” số 1 năm 2020