Vào tháng tới, hai nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc và Nga sẽ tiến hành cuộc tập trận mang tên “Biển Chung” ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết đây là “cuộc tập trận thường xuyên” nhằm tăng cường hợp tác và “không nhằm chống lại bên thứ ba”. Lực lượng hải quân Nga và Trung Quốc đã tổ chức tập trận ở Biển Nhật Bản và Địa Trung Hải năm ngoái. 

Cuộc tập trận được thông báo từ tháng 4/2016, tuy nhiên khi đó người ta đã biết rằng cuộc tập trận rõ ràng được tổ chức là do phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện của Philippines chống Trung Quốc theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Cũng không khó để dự đoán vì Trung Quốc thậm chí đã từ chối trình diện trước tòa trong vụ kiện này (Ngoại trưởng Vương Nghị đã bác bỏ, coi phiên tòa xét xử vụ kiện như “một trò hề”), nên phán quyết bất luận thế nào cũng gây phản ứng tiêu cực. 

Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ - thường dưới hình thức bóng gió như “một ảnh hưởng bên ngoài” hay “một bên thứ ba” – thúc đẩy sự phản đối của khu vực về việc kiểm soát Biển Đông đã được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Các hình ảnh vệ tinh mới công bố trong tuần này qua Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế ở Washington cho thấy Trung Quốc đã xây dựng được trên 20 nhà chứa máy bay bằng bê tông trên các đảo nhân tạo và bồi đắp ở Trường Sa trên đá Chữ Thập, Subi và Mischief, mà theo các nguồn từ Mỹ cho rằng được sử dụng để chứa máy bay quân sự. 

Tháng 9/2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trở thành khách mời danh dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin dự lễ duyệt binh, diễu hành của xe tăng, quân đội, bệ phóng tên lửa… trên Quảng trường Đỏ nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Phátxít Đức trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, trong khi các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu được mời lại chọn cách tránh xa sự kiện này. 

Bốn tháng sau đó, ông Putin đứng cạnh ông Tập Cận Bình trong sự đoàn kết được thể hiện rất rõ khi xe tăng, bệ phóng tên lửa và 12.000 binh sỹ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) diễu hành qua Quảng trường Thiên An Môn kỷ niệm 70 năm đánh thắng Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai; và một lần nữa, phần lớn các nhà lãnh đạo phương Tây lại đứng ngoài sự kiện này. Sau khi trở thành Chủ tịch Trung Quốc năm 2013, Moskva chính là điểm công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình. 

Khi Tổng thống Putin thăm Bắc Kinh tháng 6/2015, ông có nói: “Nga và Trung Quốc có quan điểm rất gần với nhau hay gần như là đồng quan điểm trên trường quốc tế”. Ông Tập Cận Bình bày tỏ tin tưởng rằng hai nước sẽ vẫn là “những người bạn mãi mãi”. 

Mới đây, Đô đốc Hải quân Mỹ Scott Swift, khi thăm thành phố cảng Thanh Đảo ở Đông Bắc Trung Quốc trên một tàu khu trục có tên lửa dẫn đường như một phần nhằm bắc cầu xây dựng mối quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Trung Quốc, đã nói rằng việc Trung Quốc lựa chọn Biển Đông để tập trận chung với Nga là không có lợi cho “sự gia tăng ổn định trong khu vực”. Ông cho rằng Biển Đông và biển Hoa Đông là những nơi rất nhạy cảm, ở trong tình trạng đối kháng cao. 

Trung Quốc đã cử 5 tàu hải quân, trong đó có một tàu khu trục có tên lửa dẫn đường và một tàu khu trục nhỏ cùng 1.200 binh sỹ tới tham gia cuộc tập trận RIMPAC ở Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu - cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới - vừa kết thúc.

Hiện vẫn chưa rõ số tàu mà hải quân Trung Quốc và Nga sẽ triển khai cho cuộc tập trận "Biển Chung", nhưng mối quan hệ song phương này là một trong những nỗ lực hàng đầu, kể từ khi ông Putin lên nắm quyền ở Nga, nhằm tạo một liên minh quân sự và kinh tế gần gũi. Những nước không phải là những đồng minh quân sự chính thức theo nghĩa mà Mỹ thiết lập với Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, thì mỗi nước đều đồng ý bảo vệ bên kia trong trường hợp bị tấn công. Tuy nhiên, buôn bán thiết bị quân sự với Trung Quốc trong nhiều năm qua cũng rất mạnh và khách hàng hàng đầu này của một trong những ngành công nghiệp lớn nhất của Nga đã nhập khẩu một số lượng lớn động cơ máy bay quân sự. 

Mặc dù vậy, gần đây Trung Quốc đã tự sản xuất được tàu chiến, những hệ thống đổ bộ và máy bay với năng lực vượt nhiều lực lượng khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên, ông Tập Cận Bình tập trung chủ yếu vào hiện đại hóa PLA, giảm số lượng nhưng tập trung nâng cấp công nghệ và chuyển đổi cơ cấu chỉ huy. 

Trung Quốc đang phải xây dựng ngành công nghiệp quân sự của chính mình vì, theo Giáo sư Zhu Feng ở Đại học Nam Ninh, Trung Quốc là “một cường quốc đang lên cô đơn” với duy nhất CHDCND Triều Tiên, trong số 14 nước có chung đường biên giới, là đồng minh đầy đủ. 

Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đã vươn ra ngoài khu vực qua chiến lược mang tên “Một vành đai, một con đường” nhằm tái xây dựng Con đường tơ lụa và thúc đẩy nhanh việc phát triển cơ sở hạ tầng trên khắp châu Á, trong đó có việc thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á. Trung Quốc đã thành công trong sử dụng chiến lược ngoại giao “cây gậy và củ cà rốt” để hướng 10 nước thành viên ASEAN tránh xa sự đối đầu sau phán quyết của Tòa Trọng tài. Nhưng nước này thực sự thiếu những người bạn tin cậy, ngoại trừ có thể là Pakistan. 

Nga cũng thiếu những đồng minh - với những nước thuộc Liên Xô trước đây ở Trung Á như Kazakhstan, thì cũng đang ngày càng ngả về phía Trung Quốc - một nền kinh tế sôi động và sẵn tiền.

Vì thế mà việc Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau là điều hoàn toàn tự nhiên, mặc dù một chủ thể thứ ba có thể làm hỏng mối quan hệ này trong trường hợp ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Ông Trump từng nói về ông Putin một cách đầy ngưỡng mộ: “Ông ấy là một nhà lãnh đạo, không giống những gì mà chúng ta có ở nước Mỹ”. 

Khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Trung Quốc gặp nhau ở Moskva hồi tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết trong năm nay hai nước sẽ tiến hành thêm các cuộc tập trận chung. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nên được giải quyết “mà không cần bất cứ sự can thiệp từ bên thứ ba nào hay bất kỳ nỗ lực nào nhằm quốc tế hóa chúng”, tôn trọng chặt chẽ quan điểm của Bắc Kinh. 

Trung Quốc đã sẵn sàng chấp nhận nỗi sợ hãi bản năng về sự chia cắt đất nước - vốn liên tục phải đấu tranh để giữ Tây Tạng và Tân Cương, và thậm chí bây giờ là Hong Kong thuộc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và cũng đang phải lôi kéo cả Đài Loan, để ủng hộ Moskva khi nước này sáp nhập Crimea. Đổi lại, Nga ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề về Biển Đông, quay lưng lại với đồng minh thân cận trước đây là Việt Nam, nước cùng với Philippines có những tranh chấp gay gắt nhất với Trung Quốc trong vấn đề này. 

Việt Nam gần đây đã cho lắp đặt các bệ phóng tên lửa di động trên 5 hòn đảo mà nước này nắm giữ ở quần đảo Trường Sa, có khả năng chống lại những gì Trung Quốc xây dựng trên 7 hòn đảo được cải tạo ở quần đảo này. 

Về phía Bắc, Trung Quốc và Nga cùng quay lưng lại với Hàn Quốc, chủ yếu do Seoul quyết định hợp tác với Washington triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) để đánh chặn những tên lửa từ Triều Tiên. Tờ Nhân dân Nhật Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ trích Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ủng hộ THAAD, cảnh báo bà rằng “không lưu ý đến việc hủy hoại sự ổn định khu vực hay tổn hại lợi ích an ninh của các cường quốc lân cận một cách vô ích”. 

Trung Quốc và Nga đã ra tuyên bố công khai được nhắc lại nhiều lần về việc Nga thiện chí cung cấp khí đốt cho thị trường khát năng lượng của Trung Quốc. Nga đang tìm cách đa dạng hóa thị trường sau sự phụ thuộc đầy rủi ro vào những khách hàng châu Âu, và đã hoàn thành một đường ống dẫn dầu thô dài 1.000 km vào năm 2010. Hai bên cũng thường xuyên đề cập đến sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cảnh giác về độ tin cậy của Nga như một đối tác lâu dài trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt mang tính chiến lược như vậy. 

Ông Andrew O’Neil, trưởng khoa nghiên cứu trường kinh doanh tại Đại học Griffith và là một trong những chuyên gia hàng đầu của Úc về các vấn đề chiến lược của châu Á, cho rằng việc tái khẳng định mối quan hệ quốc phòng Nga-Trung trong bối cảnh Biển Đông dậy sóng như vậy là do giới chính trị ở Bắc Kinh và Moskva tìm cách tái khởi động mối quan hệ song phương. Ông nói: “Có sự trao đổi kinh tế đáng kể giữa Trung Quốc và Nga, trong đó có những liên doanh trong lĩnh vực khai thác mỏ, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn, mặc dù dự án đường ống dẫn khí đốt dường như bị đình trệ gần đây”. 

Về mặt chiến lược, ông nhận định: “Cuộc tập trận chung này sẽ không giống bất cứ thứ gì như giữa các đồng minh với nhau, vốn liên quan đến sự hội nhập sâu rộng các lực lượng dựa trên sự tin cậy và kinh nghiệm được chia sẻ, và nên được xem là mang tính biểu tượng về chính trị hơn bất cứ điều gì khác. Cuộc tập trận này thể hiện rõ sự liên kết chính trị giữa Bắc Kinh và Moskva, họ không thích Mỹ xen vào chuyện của mình, và mối quan hệ kinh tế cũng tạo động lực mạnh mẽ để hợp tác trong các vấn đề chiến lược”. Tuy nhiên, ông O’Neil kết luận: “Chúng ta nên thận trọng với sự phóng đại về mối quan hệ mạnh mẽ giữa Trung Quốc và Nga. Cả hai bên vẫn còn mất lòng tin và nhiều người Nga vẫn chỉ xem Trung Quốc như một đối thủ tiềm tàng". Ông nói: “Họ đã có cuộc chiến tranh biên giới căng thẳng vào năm 1969 và quan hệ vẫn rất phức tạp trong những năm vừa qua. Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Bắc Kinh và Moskva hướng tới thành lập một liên minh (kiểu như Mỹ hiện nay) chia sẻ thông tin tình báo cao cấp, khả năng tương tác quân sự chân thực và, quan trọng nhất là tin tưởng trong việc xây dựng chiến lược sâu sắc trong các mối quan hệ”. 

Giáo sư Zhao Huasheng tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, người đứng đầu nhóm soạn thảo báo cáo Đối thoại Nga-Trung gần đây, cho biết Trung Quốc không xem các mối quan hệ giữa họ, Nga và Mỹ như “lôgích” được mất ngang nhau”. Ông nói: “Trung Quốc hy vọng phát triển quan hệ với Nga và Mỹ một cách song song. Ngoại trừ có một sự kiện địa chính trị lớn nào như chiến tranh, thì không có lựa chọn để chọn ai và từ bỏ ai”. 

Malcolm Cook, chuyên viên cao cấp ở Viện Yusof Ishak thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở ở Singapore nói: “Cuộc tập trận hải quân Nga-Trung được lên kế hoạch vào tháng tới có thể trở thành ngòi nổ mới hoặc đơn giản như tập trận thông thường, sự lựa chọn là ở họ. Nếu cuộc tập trận diễn ra trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Việt Nam, Indonesia hay Malaysia, hoặc sử dụng các cơ sở quân sự của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa, thì điều này sẽ đánh đi tín hiệu rằng Nga ủng hộ tuyên bố chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc ở Biển Đông. Còn nếu cuộc tập trận chỉ diễn ra quanh đảo Hải Nam hay căn cứ hải quân Trạm Giang vốn là nhà của Hạm đội Nam Hải), thì sẽ chẳng có phản ứng gì đối với cuộc tập trận này. 

Tuy nhiên, ông nói thêm: “Các hành động bành trướng của Nga và Trung Quốc thực tế càng khiến họ bị các nước láng giềng có ảnh hưởng cũng như ngày càng đông các nước trên toàn cầu cô lập. Các nước Đông Á, do lo sợ Trung Quốc, đang tỏ ra lo ngại hơn khi theo dõi những gì Nga làm, cũng như những lo ngại của các nước châu Âu đối với hành động của Trung Quốc ở Đông Á. Theo ông Malcolm Cook, miễn là ông Putin và ông Tập Cận Bình còn nắm quyền, những quỹ đạo hỗ trợ lẫn nhau khó có thể đảo ngược. Ông nói: “Kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh đang phát triển mạnh mẽ và cái bóng quá khứ của nó đang phủ ngày càng tối lên châu Âu và châu Á”.

Theo The Australian

Văn Cường (gt)