140210013639-xi-jinping-putin-horizontal-large-gallery.jpg

Sự hòa hoãn giữa Mỹ-Trung Quốc ở Biển Đông lại đang nóng trở lại, khi Mỹ phái một hạm đội nhỏ đến khu vực này sau khi có những thông tin rằng Bắc Kinh đã củng cố một đảo chính bằng không lực và chiến đấu cơ. Người ta đã nói nhiều và viết nhiều về tranh chấp này, nhưng các nhà phân tích của Nga vẫn còn đang cân nhắc: liệu Nga sẽ đóng vai trò gì nếu tình hình trở nên xấu thêm?

Hôm thứ năm, Tờ Navy Times đưa tin rằng Mỹ đã điều một tàu sân bay, chiếc USS John C. Stennis, hai tàu khu trục và hai tầu tuần dương từ Hạm đội 7 của Mỹ đến Biển Đông, có vẻ như nhằm đáp trả các báo cáo cho rằng Trung Quốc đã điều các chiến đấu cơ tới đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp ở Biển Đông.

Không lâu sau đó, Trung Quốc đã có ngay phản ứng. Thứ Sáu (ngày 4/3) Bà Phó Oánh, phát ngôn viên của Quốc hội Trung Quốc đã bình luận cho rằng “sức mạnh” này của Mỹ “đã làm tăng cảm giác phẫn nộ trong người dân Trung Quốc”, và các hành động của Washington dường như nhằm mục đích gây kích động căng thẳng”.

Tranh chấp quanh các đảo ở Biển Đông đã diễn ra hàng thập kỷ, bao gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Bãi cạn Scarborough. Các nhóm đảo bị tranh giành giữa Trung Quốc, Việt Nam, Phiplippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei. Về phần mình, Mỹ không thể trực tiếp phản đối các yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền, nhưng bản thân Mỹ đã dính líu vào tranh chấp dưới danh nghĩa bảo vệ các đồng minh của mình.

Tháng trước, Mỹ đã buộc tội Trung Quốc về việc quân sự hóa Biển Đông bằng việc lắp đặt hệ thống tên lửa phòng không, ra-đa hiện đại và điều các chiến đấu cơ đến Đảo Phú Lâm, góp phần giúp Bắc Kinh mở rộng quyền kiểm soát trên lãnh thổ biển nơi gần một phần ba thương mại thế giới đi qua. Phản ứng trước việc Washington cho rằng động thái này sẽ “làm tăng căng thẳng hơn nữa trong khu vực”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng Bắc Kinh có mọi quyền để duy trì các hệ thống quân sự phòng thủ trong phạm vi lãnh thổ của mình.

Bình luận về tranh chấp đang diễn ra trong một bài báo đăng trên một tạp chí độc lập của Nga, Syobodnaya Pressa, nhà bình luận Andrei Ivanov cho rằng giữa những căng thẳng đang gia tăng lên giữa Washington và Bắc Kinh, một điều rõ ràng rằng: “ Mâu thuẫn giữa hai cường quốc này không chỉ là về các đảo. Trung Quốc đang đấu tranh giành quyền lãnh đạo thế giới, điều mà Mỹ sẽ không bao giờ dễ dàng từ bỏ. Rốt cuộc, chừng nào mà Washington còn được thừa nhận là bá chủ thế giới, các nghĩa vụ nợ nần của Mỹ có thể được hoán đổi cho các thành quả lao động của các nước trên toàn thế giới”.

Ông Ivanov lưu ý rằng “điều thú vị là tại các cuộc họp báo mà Bà Phó Oánh đề cập đến sự xâm lược của Mỹ, người phát ngôn của Quốc hội Trung Quốc lại có những lời lẽ ấm áp dành cho Nga”.

Tại cuộc họp báo, Bà Oánh đã nhấn mạnh rằng “Quan hệ Trung-Nga đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử”. Bà Oánh còn nói thêm rằng sự phát triển hơn nữa mối quan hệ này là hợp lý bởi nó đáp ứng lợi ích của đôi bên” Bắc Kinh và Moscow không có bất kỳ mâu thuẫn nghiêm trọng nào, “không cần phải gây áp lực cho nhau” và “có thể tập trung toàn bộ vào việc thảo luận hợp tác cũng như chia sẻ ý kiến”.

Những lời lẽ của người phát ngôn, theo Ivanov cho thấy rằng “có thể lý do khiến Trung Quốc dám triển khai một chính sách cứng rắn hơn ở Thái Bình Dương là bởi vì Trung Quốc cho rằng có thể dựa vào sự ủng hộ của đất nước chúng ta”.

Các quy luật địa chính trị

Khi được yêu cầu bình luận về tình hình Biển Đông, chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Quân sự thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Quốc gia Nga, Mikhail Alexandrov nói với tạp chí Svobodnaya rằng những sự việc đang xảy ra ở khu vực đang diễn biến theo các quy luật địa chính trị.

Một sự tái cấu trúc lực lượng đang diễn ra trên toàn thế giới. Sức mạnh của các trung tâm quyền lực độc lập với phương Tây như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Brazil, đang ngày càng gia tăng trong khi Mỹ không còn khả năng kiểm soát toàn bộ thế giới nữa. Một khi, Mỹ dính vào đối đầu với bất kì một trung tâm quyền lực nào, thì các trung tâm quyền lực khác sẽ tranh thủ cơ hội để mở rộng ảnh hưởng.

Mikhail Alexandrov lưu ý: “Trung Quốc đã tận dụng triệt để xung đột giữa Nga và phương Tây. Các nguồn lực của Mỹ đã chuyển hướng sang châu Âu và Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine. Thậm chí đã có những cuộc bàn luận về khả năng xảy ra chiến tranh ở châu Âu. Còn Mỹ leo thang căng thẳng quanh Baltic. Và họ đã bỏ qua thực tế rằng như vậy Trung Quốc đã nhờ đó mà mạnh lên.”

Từ góc nhìn chiến lược, Alexandrov cho rằng, những động thái của Trung Quốc “là hoàn toàn chính xác. Trung Quốc đã nhìn thấy được các nguồn lực của Mỹ tập trung nơi khác, và tranh thủ triển khai máy bay cũng như hệ thống phòng không ở Biển Đông. Còn Mỹ, thì nhận ra điều nay quá muộn và những nỗ lực khắc phục tình thế sẽ rất khó khăn”.

Mỹ có thể không còn khả năng loại bỏ Trung Quốc khỏi khu vực

“Vậy Mỹ có thể làm gì? Châm ngòi một xung đột? Bất cứ một va chạm nào với Trung Quốc sẽ không phải là điều dễ dàng với Mỹ. Trung Quốc hiện có đủ sức mạnh để đẩy lui các cuộc tấn công của hai hay ba nhóm hàng không mẫu hạm của Mỹ. Nga có thể cung cấp tên lửa hành trình cho Trung Quốc. Bởi vậy, chiến thắng của Mỹ trong một trận chiến trên biển là không hoàn toàn chắc chắn. Và nếu như người Mỹ thua hay thậm chí là hoà, sự bá chủ của Mỹ trên toàn thế giới sẽ sụp đổ một cách liên hoàn. Bởi vậy, Mỹ đang đứng trước một rủi ro lớn và họ biết điều này”.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, Trung Quốc vẫn chưa đạt được thế cân bằng quân sự với liên minh Phương Tây, “tuy nhiên nếu xảy ra một cuộc hải chiến trên vùng biển của họ, họ có thể thắng. Hơn nữa, quân đội Trung Quốc đã và đang được trang bị nhiều tàu ngầm mới, máy bay mới và tên lửa đạn đạo tầm trung nhằm tấn công các tàu mẫu hạm. Nói một cách khác, Trung Quốc đã được trang bị đầy đủ cho những trận chiến kiểu này”.

Quá nhiều nhân tố trong khu vực? Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đang diễn tập gần Biển Đông

“Lẽ thông thường, Trung Quốc cũng lo ngại các động thái của Mỹ, bao gồm kiểm soát hàng hải ở Biển Đông và Hoa Đông, ngăn cản sự thống nhất của Đài Loan và Trung Quốc lục địa”. Bởi vậy, “ nhiệm vụ của Trung Quốc là thể hiện sức mạnh để Mỹ không thể tiến sâu vào khu vực, và Trung Quốc đang từ từ làm điều đó”.

Alexandrov dự đoán “Mỹ sẽ cần khởi động một cuộc đua vũ trang ở khu vực, và đồng thời ở châu Âu và Vịnh Ba tư. Nhưng tôi không tin rằng Mỹ và thậm chí cả toàn châu Âu có khả năng làm điều này bởi tình hình kinh tế quá bất lợi”.

Washington đang “lực bất tòng tâm”

Khi được hỏi, trước tình hình như vậy, liệu có tốt hơn nếu Washington rời bỏ châu Á-Thái Bình Dương một cách lặng lẽ để giữ thể diện, nhà phân tích Alexandrov nhấn mạnh rằng với những gì đã diễn ra thì điều này là không thể.

“Chúng tôi từ lâu đã đề nghị với người Mỹ rằng hãy để yên cho không gian hậu Xô Viết. Từ lâu chúng tôi đã nói với họ rằng 'hãy để yên cho chúng tôi trong không gian [Xô Viết trước đây] , và chúng tôi sẽ không làm phiền họ ở những nơi khác trên thế giới.” Nhưng Washington không đồng ý với điều này: họ muốn hiện diện ở khắp nơi trên thế giới. Chỉ trừ khi là nguồn lực của họ không thể đáp ứng được tham vọng”.

“Về nguyên tắc, họ sẽ không bao giờ làm như vậy. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, trong một thời gian dài, Nga đã mơ tưởng một cách sai lầm về việc hội nhập vào phương Tây; Mỹ sau đó tự coi mình là một nhà lãnh đạo không thể bị thách thức. Ảo tưởng về một quyền lực tuyệt đối từ đó đã sinh ra. Đó là một ảo tưởng mà Washington vẫn tiếp tục nuôi dưỡng, và điều này thực sự rất nguy hiểm, bởi nó gây ra nguy cơ về một cuộc chiến tranh lớn. Và cũng cần giải thích rõ nguy cơ này với người Mỹ đang sử dụng các công cụ về kinh tế, chính trị và quân sự. Washington cần phải hiểu rằng họ không phải là đấng toàn năng.”

Khi người phỏng vấn nhắc lại rằng Trung Quốc đang phụ thuộc vào Mỹ như một đối tác thương mại chính, chuyên gia Alexandrov đã bác bỏ khi nhấn mạnh rằng trên thực tế, “chúng ta thực sự chưa biết rõ bên nào sẽ là bên phụ thuộc nhiều hơn ... Nếu Trung Quốc phá vỡ hoàn toàn quan hệ thương mại với Mỹ, như điều Mỹ từng làm với Nga, một hệ thống tài chính thay thế khác, không có sự tham gia của phương Tây, sẽ hình thành, nhất là khi năng lực sản xuất khổng lồ đã được hình thành tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương ...Chiến thắng trọn vẹn trước Trung Quốc là một chuyện. Nhưng cắt đứt mối quan hệ với Trung Quốc không phải điều mà Mỹ sẽ làm, và Mỹ cũng sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt”.

“Hiện tại chúng ta đang chứng kiến các hành động phô trương lực lượng. Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng sức mạnh ở khu vực. Mỹ cần chứng minh rằng nước này vẫn là cường quốc biển hùng mạnh nhất trên thế giới. Cuộc chạy  đua vũ trang sẽ tiếp tục cho đến khi một bên bị hụt hơi – rất có thể sẽ là Mỹ. Mỹ đang phải chịu một khoản thâm hụt ngân sách lớn và một khoản nợ công khổng lồ. Và Mỹ không thể chịu thêm được gánh nặng nếu phải tiến hành một cuộc chạy đua vũ trang với Nga.”

Khi được hỏi Nga có thể đóng vai trò gì, nếu có, trong cuộc đối đầu kịch tính giữa Mỹ-Trung, ông Alexandrov nhấn mạnh Trung Quốc đang nhận được sự ủng hộ của Nga, vì “Nga là quốc gia duy nhất bán công nghệ vũ khí hiện đại cho Trung Quốc. Nếu không có sự hỗ trợ của Nga, Trung Quốc sẽ tụt hậu rất xa so với tên lửa hành trình và chiến đấu cơ của phương Tây”.

Hơn nữa, “Trung Quốc và Nga đã ký một thỏa thuận thân thiện và hợp tác, trong đó có một điều khoản về tham vấn trong trường hợp một trong hai bên bị đe dọa. Và nếu Trung Quốc có xung đột với Mỹ, Nga có thể hỗ trợ cho Trung Quốc, thỏa thuận cho phép làm như vậy”.

“M” nghĩa là đa cực

Cuối cùng, chuyên gia Alexandrov nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng ta là hình thành một hệ thống đa trung tâm - đó là, đánh bật Mỹ khỏi vị trí bá chủ toàn cầu. Hiện nay, Mỹ có thể đưa ra điều kiện và áp đặt quyết định của mình lên các nước khác. Trong một thế giới đa cực, các bên có thể xây dựng các liên minh chiến thuật để đối phó những bên khác. Chúng ta đang nói về một hệ thống thúc đẩy sự cân bằng quyền lực – một hệ thống cho phép các nước có quyền hành động, và không để cho bất kỳ một cường quốc nào nắm 'quyền chi phối' trong các vấn đề thế giới.”

“Khi hệ thống đa trung tâm này được tạo ra, chúng ta có thể đánh giá xem việc tiếp tục hợp tác với Trung Quốc có lợi cho nước Nga hay không. Hiện tại, mối quan hệ hợp tác này đang lợi cho Nga.”

Bài viết tiêu đề “What Role Will Russia Play in the US-Chinese South China Sea Drama?” đăng trên trang “Sputniknews” (ngày 5/3).

Người  dịch: Hương Hạnh