Đường dẫn dầu quan trọng của Nga tới các Châu Âu, Samuel Baily

Tuy nhiên, việc chuyển đổi các thị trường khí đốt đang mở ra cho Liên minh châu Âu (EU) một phạm vi hành động rộng lớn hơn. Việc thúc đẩy “mối quan hệ đối tác phương Đông” với Đông Âu sẽ củng cố xu hướng trên. 

Liệu có đúng khi nói về “cuộc chiến khí đốt” giữa Nga và châu Âu? Xuất khẩu khí đốt của Nga tới EU và các nước thành viên liên minh này có biến Tổng thống Nga Putin thành một “người chủ của châu Âu”? Một sự thừa nhận như vậy sẽ là đồng lõa với cách nhìn đầy hám lợi một phía của nước Nga trong thập kỷ qua. Không ai có thể khẳng định điều trên trong khi mọi thứ đang có lợi cho nước Nga. Các nhà lãnh đạo Nga đã bị khuấy động bởi lôgích lợi ích duy nhất. Tuy nhiên, những động thái cấm vận năng lượng của Nga, đi ngược lại lợi ích của các nước láng giềng, mang tầm vóc của một cuộc xung đột địa chính trị giữa Moskva với các nước xung quanh, chủ yếu giáp với phần biên giới phía Tây của nước này. 

Một lĩnh vực năng lượng dưới quyền của Điện Kremlin 

Nếu chúng ta do dự khi sử dụng thuật ngữ chiến tranh – đó không phải là những cuộc xung đột vũ trang đẫm máu giữa các tập đoàn chính trị thì hiển nhiên tồn tại một “đại chiến lược” của Nga. Các nhà lãnh đạo Nhà nước này đang dựa vào xuất khẩu năng lượng để tái lập một sức mạnh trên phạm vi quốc tế và củng cố quyền lực. Ngay nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Putin đầu những năm 2000, việc kiểm soát Điện Kremlin và các phe nhóm quyền lực “Siloviki” chủ yếu dựa vào lĩnh vực năng lượng, một phần bị tư hữu hóa dưới thời Tổng thống Yeltsin. Trong lĩnh vực khí đốt, trường hợp của Tập đoàn Gazprom đã trở thành biểu tượng và rất nổi tiếng trong công chúng. Tập đoàn khác lớn mạnh tương đương trong thế giới dầu khí Nga là Rosneft, một công ty nhà nước dưới sự lãnh đạo của nhân vật Igor Sechin gần gũi với Tổng thống Putin. Rosneft hưởng lợi lớn từ sự sụp đổ của tập đoàn tư nhân Yukos. Vụ Khodorkovski đánh dấu một bước ngoặt chính trị đối với nước Nga hậu Xôviết. 

Lĩnh vực khí đốt của Nga được đặt dưới sự quản lý độc quyền của nhà nước: Gazprom chuyên về khí đốt và đường ống dẫn khí, Rosneft chuyên về dầu lửa và Transneft chuyên về đường ống dẫn dầu. Bên cạnh đó còn phải kể đến việc Liên bang Nga nắm quyền kiểm soát chặt chẽ nguồn tài nguyên mỏ. Cuối cùng, chúng ta đang còn ở xa một giai đoạn chuyển tiếp hướng tới một nền kinh tế thị trường được phân quyền, song thực sự năng lượng là một lĩnh vực mang tầm vóc chiến lược và địa chính trị lớn đối với Nga. 

Chủ nghĩa độc tài di sản đang định hình chính sách của Nga và một phần giải thích cho mục đích trung tâm của hệ thống quyền lực (sự giàu có hay sức mạnh?). Hệ thống trên được đánh dấu bởi sự lẫn lộn giữa quyền lực kinh tế và quyền lực chính trị. Mối quan hệ chính là mối quan hệ liên kết “người chủ” và “khách hàng” xét theo nghĩa mà giới băng đảng chính trị hay sử dụng. Việc tiếp cận quyền lực chính trị đồng nghĩa với tiếp cận các lợi ích năng lượng và khác nữa. Điều này đôi khi củng cố lập luận cuộc chiến quyền lực chỉ xoay quanh sự giàu có. Nếu việc quốc hữu hóa lĩnh vực năng lượng chắc chắn không phải là một hành động vụ lợi nhằm mang lại cho dân tộc sự giàu có, sẽ thật nhầm lẫn khi phán xét vị Tổng thống Putin đơn giản là một nhân vật, một nhà kinh doanh chạy theo lợi nhuận ích kỷ. Rõ ràng đang tồn tại một “đại chiến lược” Nga. Xuất khẩu năng lượng đang hình thành một đòn bẩy quyền lực. Điều chính xác hơn, đó là chiến lược này nằm trong “chiến lược an ninh quốc gia” Nga. 

Năng lượng trong “đại chiến lược” Nga 

Chiến lược trên đang chuyển hướng nhằm khôi phục sức mạnh, quyền lực bằng cách cố gắng thiết lập một Liên minh Á-Âu với trọng tâm là “Nga-Á-Âu”. Trong cuộc chiến giành quyền lực, lợi thế đáng kể của Nga là sở hữu nguồn tài nguyên năng lượng khổng lồ và xuất khẩu lớn tới châu Âu. EU và các nước thành viên của liên minh này đang nhập khẩu khoảng 60% khí đốt và 80% dầu lửa. Xuất khẩu dầu khí của Nga tới phía Tây nước này chiếm hơn ¼ nhu cầu tiêu thụ của EU. Thị trường dầu lửa thế giới có nhiều nhà cung cấp cạnh tranh song vấn đề tranh cãi không phải nằm ở dầu lửa mà là khí đốt. Khí đốt của Nga tới châu Âu qua các hệ thống cung cấp cố định (các đường ống dẫn khí) theo các hợp đồng dài hạn và do đó người ta không thể dễ dàng thay thế bằng một nhà cung cấp khác. Vai trò của Nga trong việc cung cấp cho châu Âu nằm giữa những ràng buộc và phụ thuộc. 

Các nhà lãnh đạo Nga đang tìm cách thoát khỏi những ràng buộc cố hữu khi phải vận chuyển năng lượng quá cảnh qua Belarus và Ukraine (những năm trước chiếm tới 80% lượng khí cung cấp cho châu Âu). Do đó đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Nam đi qua biển Baltic đã được xây dựng và dự án Dòng chảy phương Bắc qua biển Đen đã được khởi công. Dự án trên cũng nhằm kiềm chế các nước châu Âu tiếp cận bồn địa Caspia giàu tiềm năng dầu khí và buộc châu Âu phải quá cảnh năng lượng qua lãnh thổ Nga. Cần nhắc lại đường ống Dòng chảy phương Nam được đánh giá nhằm cạnh tranh với dự án đường ống dẫn khí Nabucco, nối biển Caspi tới châu Âu qua phía Nam nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, được coi là đầu cầu năng lượng và “cửa ngõ xuyên Á-Âu”. Nabucco đã không trở thành hiện thực. Liên minh quốc tế do tập đoàn BP đứng đầu đang khai thác khí đốt tại Azerbaijan đã lựa chọn giải pháp khác, đó là dự án đường ống TAP (Trans-Adriatic Project) khớp nối với đường ống dẫn khí Thổ Nhĩ Kỳ-Azerbaijan-TANAP (Trans-Anatolian Pipeline). 

Nhìn rộng hơn, Tổng thống Putin đang có tham vọng đưa nước Nga trở thành trung tâm cung cấp năng lượng giao thoa giữa châu Âu và châu Á. Điều này có nghĩa Nga đang tái định hướng các luồng cung cấp tới Trung Quốc và châu Á-Thái Bình Dương. Mục đích trên nằm trong một chiến lược, dựa vào những nước lớn đại diện toàn cầu trong nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và một thế giới đa cực (như trong thông điệp mà ông Putin đọc tại Munich ngày 10/2/2007) mở ra “một biên giới mới” của nước Nga. Một sự tái định hướng như vậy sẽ tác động tới châu Âu cũng như sức mạnh trong đàm phán của Moskva. Thực tế, châu Âu là thị trường tiêu thụ năng lượng chính của Nga và sẽ tiếp tục là như vậy. Nhu cầu năng lượng đang nghiêng về phía châu Âu. Khu vực Tây Siberia của Nga đang đảm bảo tới 90% sản lượng dầu và khí đốt Nga. Xét tình hình hiện nay, xuất khẩu dầu khí của Nga tới châu Á bắt nguồn từ khu vực hồ Baikal và Sakhalin không lớn hơn 3% tổng sản lượng dầu khí xuất khẩu. Tuy nhiên, cần chú ý tới sự phát triển mối quan hệ kinh doanh năng lượng giữa Nga và Trung Quốc. Trung Quốc cũng đang muốn phá thế bao vây của Nga đối với nguồn dầu khí từ biển Caspia thông qua các đường ống dẫn khí qua Kazakhstan và Turkmenistan thông qua khu vực Dzungaria tới Tân Cương của Trung Quốc. 

Không gian hành động của châu Âu 

Nhìn tổng thể, có một cuộc xung đột địa chính trị tiềm tàng giữa Nga và EU xung quanh vấn đề năng lượng nói chung và xuất khẩu khí đốt nói riêng. Nhìn rộng hơn, cuộc xung đột trên liên quan đến việc xác định và cấu trúc của lục địa. Moskva có tham vọng đề cao mô hình chế độ độc tài-di sản trong phạm vi Đông Âu, một khu vực trung gian giữa “không gian lớn” châu Âu-Đại Tây Dương (toàn bộ EU-NATO) và Nga-Á-Âu. Các nhà nước ra đời từ sự tan rã của Liên Xô, thậm chí một số nước Đông Âu và Trung Âu từng là vệ tinh quanh Nga, cũng bị Moskva coi là thuộc vòng ảnh hưởng của mình ngay từ đầu những năm 1990. Chính chủ nghĩa phục hưng nước Nga trên thúc đẩy ý chí của Tổng thống Putin thực hiện kế hoạch “liên minh Á-Âu”. Điện Kremlin cũng gây sức ép lên Ukraine, Gruzia và các nước khác trong “đối tác phương Đông” của EU với mục đích nhằm cản trở các nước này ký kết các hiệp định liên minh với EU trong Hội nghị thượng đỉnh Vilnius (từ 28-29/11/2013). 

Về phần mình, EU và các nhà nước thành viên không chịu bất động. Được thành lập dựa trên các nguyên tắc cạnh tranh, cách tiếp cận vấn đề năng lượng của các nước này khác với Nga trong đó chúng ta từng chứng kiến Nga từ chối thông qua Hiến chương năng lượng và áp đặt các quy định đòi hỏi phá bỏ mọi sự độc quyền nhà nước. Tập đoàn Gazprom đang nằm trong tầm ngắm của Ủy ban châu Âu với một thủ tục tố tụng do lạm dụng vị thế độc quyền. Trong khi Gazprom đang tìm cách mua lại các công ty phân phối khí đốt tại châu Âu thì liên minh này cũng áp dụng các biện pháp tách rời chức năng sản xuất và phân phối. Điều này đã cản trở sức mạnh Nga: Tổng thống Putin đã tuyên bố rằng Gazprom là một công ty chiến lược và bị cấm trình lên Ủy ban châu Âu các tài liệu khi bị kiện. 

Nhìn rộng hơn, EU và các nước thành viên đang trang bị cho mình một chính sách năng lượng của châu Âu hướng tới đa dạng hóa và an toàn hóa nguồn cung năng lượng. Các mục tiêu trên mở ra và củng cố các tuyến cung cấp mới hướng tới bồn địa Caspia. Nếu dự án Nabucco không ra đời, các dự án TAP và TANAP mặc dù khiêm tốn về tham vọng và khả năng cũng sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung. Cuối cùng, xét phạm vi toàn cầu, sự phát triển của khí tự nhiên hóa lỏng, sự bùng nổ cuộc “cách mạng” khí đá phiến tại Bắc Mỹ cũng như nguồn tài nguyên khí đốt phi quy ước mà các nước châu Âu khác nhau đang thử nghiệm (Anh, Pháp, Ba Lan, Ukraine…), các mỏ khí tại Địa Trung Hải, quanh Cyprus và Israel, cũng là những nhân tố đóng vai trò một thị trường khí đốt thế giới giúp tháo gỡ gọng kìm bao vây châu Âu. 

Một cuộc xung đột rộng hơn 

Nhìn tổng thể, nếu không xảy ra một cuộc chiến theo nghĩa hẹp tại châu Âu xung quanh vấn đề khí đốt, sẽ có những căng thẳng địa chính trị, thậm chí một cuộc xung đột lớn tiềm tàng trong đó kết cục sẽ vượt ra ngoài yếu tố dầu khí. Trong trung và dài hạn, quyền lực của Nga nhằm phân rã hệ thống hợp tác địa chính trị bị hạn chế bởi biên giới bên ngoài EU và NATO. Dự án hiệp ước an ninh đã được Tổng thống Nga Medvedev giới thiệu tại Berlin ngày 5/6/2008 (một tháng trước cuộc xung đột với Gruzia) dựa trên ý tưởng một sự rút lui của Mỹ và EU với các trò chơi liên minh và chống liên minh giữa các nhà nước khác nhau của Lục địa Già. Trong một bối cảnh như trên, Nga sẽ có thể phát huy những lợi ích cơ bản (lãnh thổ, năng lượng và khả năng quân sự được đổi mới). 

Trong bối cảnh đó, EU và các nước thành viên sẽ không bị thua thiệt. Nếu cách tiếp cận của Nga và những thế mạnh năng lượng thay đổi, những bất đồng sẽ ít hơn giai đoạn Tổng thống Medvedev (2008-2012). Những hy vọng gắn với việc “cài đặt lại” quan hệ đang tiêu tan. Thực tế địa chính trị đang đổ lỗi cho nhau và các nhà lãnh đạo châu Âu dường như đánh giá đúng hiện tượng Putin. Với những gì có thể, chính sách năng lượng của châu Âu đang tồn tại và những tiến triển trên thị trường khí đốt thế giới tạo ra nhiều phạm vi hành động hơn cho EU và các nước thành viên. Điều còn thiếu là một tầm nhìn địa chính trị tổng thể, đôi khi mạnh mẽ song có lúc còn chia rẽ. Hội nghị thượng đỉnh Vilnius và việc làm sâu sắc mối quan hệ giữa EU và Đông Âu, gồm cả Nam Caucasus, sẽ là một bước quyết định./.

Mạng tin “Địa chính trị”

Thùy Anh (gt)