Tham luận của TS. Philips Saunders, Đại học Quốc phòng Mỹ về Vai trò của các lực lượng trên biển ở Biển Đông

 

Trước khi phát biểu tôi xin khẳng định những gì tôi trình bày hôm nay là quan điểm của cá nhân tôi, không đại diện cho quan điểm của Đại học Quốc phòng Mỹ hay của Bộ Quốc phòng Mỹ. Để giới hạn lại đề tài, tôi muốn bắt đầu bằng việc đề cập đến những gì mà tôi cho là thách thức khu vực của Trung Quốc. Một mặt, nước này muốn có một môi tường an ninh khu vực ổn định, muốn khẳng định với các nước láng giềng rằng mình không phải là một thế lực gây rối. Mặt khác, Trung Quốc vẫn muốn bảo vệ các yêu sách lãnh thổ của mình và các hành động hung hăng để bảo vệ yêu sách biển đó đã gây ra lo ngại cho các nước trong khu vực. Do đó, mà tôi nghĩ rằng tình thế lưỡng nan phát sinh từ việc phải xử lý mâu thuẫn giữa hai mục tiêu trên là thách thức lớn nhất mà Trung Quốc đang phải đối mặt.

Tôi sẽ trình bày về vai trò của hải quân và lực lượng bán quân sự trong cách tiếp cậncủa Trung Quốc đối với các tranh chấp biển. Cần lưu ý rằng Trung Quốc dựa chủ yếu vào lực lượng bán quân sự trong đội ngũ bảo vệ bờ biển mới xây dựng. Và Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật lát cắt salami để mở rộng sự quản lý hiệu quả của mình đối với các vùng tranh chấp sao cho không dẫn tới nguy cơ đụng độ quân sự. Tôi sẽ trình bày về lực lượng bảo vệ bờ biển, sau đó là hải quân và những hoạt động mà hai lực lượng trên tiến hành.

Điểm chính yếu là lực lượng bán quân sự đóng vai trò tiên phong trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát những vùng biển và lãnh thổ trên biển đang tranh chấp. Một phần nguyên nhân là do lực lượng này phù hợp hơn đối với một số nhiệm vụ như thực thi các quy định về đánh bắt cá và Bắc Kinh nghĩ rằng các lực lượng quân sự không mang nhiều tính khiêu khích, do đó hạn chế nguy cơ đối đầu và làm leo thang căng thẳng hoặc xung đột quân sự.

Trước tháng 3/2013, Trung Quốc có 5 cơ quan khác nhau (đôi khi được biết đến như “5 con rồng”) chịu trách nhiệm về an ninh biển. Điều này được đề cập trong bài viết của tôi nên tôi sẽ không đi vào chi tiết. Tuy nhiên, tôi nghĩ điểm mà các nhà phân tích Trung Quốc quan tâm nhiều là việc củng cố năng lực. Một mặt họ biết rằng lực lượng bán quân sự không có đủ số lượng tàu để tiến hành các nhiệm vụ. Mặt khác, khi nguồn lực được chia về 5 cơ quan quản lý biển với những nhiệm vụ trùng lặp và mâu thuẫn về mặt hành chính sẽ khiến tiêu tốn công sức, tài nguyên và vấn đề phối hợp trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, Trung Quốc đã cố gắng giải quyết vấn đề trên bằng cách sáp nhập 4 trong 5 cơ quan trên thành lực lượng bảo vệ bờ biển mới vào tháng 3/2013 dưới sự quản lý của Cục Hải dương Quốc gia. Nhưng tôi nghĩ điểm quan trọng là Bộ Công An đưa ra phương hướng vận hành và quản lý, và họ có nhiều ảnh hưởng đối với lực lượng bảo vệ bờ biển.

Thứ nhất, là việc củng cố, thứ hai là những nỗ lực xây dựng năng lực. Tôi nghĩ rằng bản báo cáo Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2014 cung cấp những minh họa rõ ràng về điều này. Quá trình này bao gồm 2 giai đoạn: (1) từ năm 2004 đến 2008 với sự gia tăng của 20 tàu; (2) từ năm 2009 với sự tăng cường quá trình hiện đại hóa với mục tiêu gia tăng thêm 30 tàu cỡ vừa và lớn, khoảng 100 tàu tuần tra nhỏ để mở rộng quy mô và chấm dứt sử dụng những tàu khả năng kém hơn. Kết quả là sẽ tăng cường lực lượng lên 25% thông qua việc đóng mới thêm và bổ sung các tàu lớn hơn, một số được chuyển sang từ lực lượng Hải quân của quân đội nhân dân Trung Hoa. Về mặt chất lượng, lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc sẽ có nhiều hơn các tàu lớn có thể tuần tra xa bờ hơn trong thời gian dài hơn. Nhiều tàu trong số này được trang bị vũ trang, hỗ trợ hoạt động của máy bay trực thăng góp phần tăng đáng kể khả năng của họ. Những cải thiện về mặt lực lượng đã được nỗ lực thực hiện trong suốt một thập niên qua giờ đây giúp lực lượng bảo vệ bờ biển duy trì sự hiện diện mạnh mẽ tại Biển Đông và xa hơn nữa.

Chuyển sang lực lượng Hải quân của Quân đội nhân dân Trung Hoa, tôi không bàn về tất cả mọi thứ của quá trình hiện đại hóa mà chỉ tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp tới Biển Đông. Tôi xin bắt đầu bằng việc nhấn mạnh rằng Đài Loan vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhất, nhưng việc bảo vệ những tuyên bố về lãnh thổ của Trung Quốc đang ngày càng trở thành 1 nhiệm vụ quan trọng. Nếu nhìn lại các số liệu trên giấy tờ, những điều bạn thấy là những mở rộng về số lượng khá lớn các tàu chiến đấu, tàu khu trục, tàu hộ tống… Nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất là sự gia tăng về chất. Bằng chứng là có nhiều tàu cũ đã được cho ngưng hoạt động và thay thế bằng những tàu hiện đại với năng lực cao hơn. Điều này dẫn tới sự những nâng cấp đáng kể trong lực lượng Hải quân của quân đội Nhân dân Trung Hoa như tàu mới hiện đại với hệ thống rada và liên lạc hiệu quả hơn, năng lực phòng không cho phép mang nhiều tên lửa hành trình hơn và phạm vi tác chiến rộng hơn…. Nhiều năng lực được cải thiện có liên quan tới Biển Đông – nơi các lực lượng có thể hoạt động ngoài tầm kiểm soát của các căn cứ không quân trên đất liền. Những điểm đáng chú ý khác như: Liêu Ninh là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, tàu này vốn được đóng bởi Ucraina nhưng chưa hòan thiện, thay vào đó được hoàn thiện bởi Trung Quốc. Tàu này vẫn chưa được đưa vào vận hành dù đã trải qua đợt huấn luyện đầu tiên.

Tôi sẽ trình bày những năng lực mới của Trung Quốc, nhưng tập trung chủ yếu vào việc chúng sẽ được sử dụng như thế nào và sự sẵn sàng của Trung Quốc trong việc khai thác những năng lực này. Về mặt lịch sử, Trung Quốc đã từng do dự trong việc thể hiện những khả năng mới và lo lắng về tính minh bạch, nhưng tôi nghĩ đang có một sự thay đổi khi sức mạnh QĐND Trung Hoa tăng lên đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể muốn phô diễn khả năng của mình nhằm định hình môi trường an ninh khu vực.

Có nhiều ví dụ gần đây cho thấy Trung Quốc đã hành xử như vậy. Vào tháng 3/2013, một đội 4 tàu của lực lượng Hải quân QĐND Trung Hoa đã tiến vào Biển Đông; các lính thủy đánh bộ và thủy thủ đã thực hiện một lễ tuyên thệ được truyền hình trực tiếp ngay bãi ngầm James. Đây là một sự kiện đáng chú ý, bởi vài tuần sau đó ông Tập Cận Bình đã đến Tam Sa để thăm những người trong đội tàu này. Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc – Liêu Ninh tiến hành tập luyện lần đầu tiên vào tháng 11/2013, di chuyển từ Thanh Đảo tới Biển Đông. Mặc dù chưa đưa vào sử dụng nhưng tàu Liêu Ninh cho thấy những khả năng mới về hải quân của Trung Quốc và những khả năng khác liên quan tới vấn đề Biển Đông. Tháng 1/2014, Hải quân Trung Quốc triển khai 2 tàu khu trục và 1 tàu đổ bộ không chỉ ở Biển Đông mà còn ở eo Sunda Lombok, eo Malacca để tiến hành diễn tập tìm kiếm và cứu nạn và diễn tập chống cướp biển bắn đạn thật - một lần nữa cho thấy năng lực tuần tra xa bờ của nước này.

Và điểm cuối cùng mà tôi muốn đề cập đến đó là sự phối hợp giữa hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển. Nhìn chung, Trung Quốc thường để lực lượng bảo vệ bờ biển dẫn đầu, và có thể thấy trong các căng thẳng ở Scarborough và Senkaku với lực lượng kiểm soát biển và ngư chính trực tiếp chỉ đạo việc khẳng định chủ quyền và hải quân chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Đây chính là cách tiếp cận mà Trung Quốc ưa chuộng. Nhưng chúng ta có thể thấy từ tháng 7/2009, hai lực lượng này đã có nhiều hoạt động diễn tập chung, các quan hệ đào tạo, huấn luyện giữa lực lượng của hai bên cũng ngày một được tăng cường.

Ví dụ tiêu biểu nhất cho sự kết hợp giữa hai lực lượng đó là việc triển khai giàn khoan của CNOOC vào tháng 5 vừa qua tại vùng biển tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Điều đáng nói ở đây là giàn khoan được hộ tống bởi các tàu bảo vệ, trong đó có 7 tàu chiến của hải quân. Vị trí đặt giản khoan cũng cho thấy Trung Quốc mong đợi sự phản kháng, ngăn chặn và tấn công những cũng sẵn sàng để đáp trả nếu điều đó xảy ra. Và một điều đáng lưu ý nữa là việc triển khai giàn khoan lần này cho thấy một kế hoạch được chuẩn bị và phối hợp cẩn thận và Trung Quốc có thể kết hợp sức mạnh của hải quân, lực lượng bảo vệ bờ biển và doanh nghiệp nhà nước. Và đây là một bước tiến bộ đối với họ.

Kết luận lại: sự đầu tư của Trung Quốc vào nâng cao năng lực cho hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển đã nâng cao khả năng của Trung Quốc trong việc củng cố các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã sẵn sàng hơn cho việc sử dụng các năng lực này và đáp trả lại với các thách thức. Nhưng cách tiếp cận cứng rắn này của Trung Quốc đi ngược lại với các nỗ lực nhằm thuyết phục các nước láng giềng tin rằng Trung Quốc cam kết phát triển hòa bình và đóng góp cho ổn định khu vực. Và tôi nghĩ rằng duy trì sự cân bằng giữa hai mục tiêu đó thực sự là một thách thức. Trung Quốc đang cố gắng tiến hành hàng loạt các chính sách: dựa chủ yếu vào lực lượng bán quân sự, củng cố yêu sách chủ quyền, ngăn chặn thách thức từ các nước khác, kiên quyết với việc giải quyết song phương nhằm ngăn chặn các nước khác đoàn kết chống lại chiến thuật của mình và tìm kiếm sự sẵn sàng khai thác chung, ít nhất ở cấp độ quốc gia. Trung Quốc hi vọng rằng những biện pháp này cùng với chiến lược dụ dỗ của mình sẽ giúp Trung Quốc dần mở rộng việc quản lý hiệu quả mà không cần sử dụng đến vũ lực.

Trung Quốc thực hiện chiến lược này dựa trên niềm tin rằng cân bằng sức mạnh khu vực đang dịch chuyển theo hướng có lợi cho Trung Quốc và các nước yêu sách khác cuối cùng cũng sẽ đi theo hướng thỏa hiệp mà thôi. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều biết rằng các nước trong tranh chấp đều phải đối mặt với ý kiến người dân trong nước và không thể đơn giản từ bỏ yêu sách chủ quyền của mình, mà vẫn đang theo đuổi những chính sách không thỏa hiệp. Tôi cho rằng các nỗ lực của Trung Quốc theo hướng cứng rắn như hiện nay sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng và môi trường an ninh khu vực. Do đó mà quản lý căng thẳng theo nguyện vọng của Trung Quốc cần một chính sách từ từ và việc quản lý hiệu quả cũng như phối hợp giữa lực lượng quân sự và bán quân sự. Không may thay, môi trường chính sách dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc và việc quản lý tranh chấp lúc không ổn định trong quá khứ không thể tạo ra sự tin tưởng về khả năng của Bắc Kinh trong việc duy trì cân bằng lực lượng hợp lý.

TS. Philips Saunder – Đại học Quốc phòng Mỹ.Bài phát biểu được trình bày tại Hội thảo “Những diễn biến gần đây ở Biển Đông và chính sách của Mỹ” được tổ chức bởi CSIS vào ngày 10 và 11 tháng 7 năm 2014 tại Washington D.C, Mỹ. 

Người dịch: Thùy Anh

Hiệu đính: Minh Ngọc