09/01/2014
Năm 2013 là năm đánh dấu một khởi đầu mới trong mối quan hệ song phương Mỹ-Trung, chủ yếu là nhờ vào các thỏa thuận mà hai bên đã đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử tại Annenberg hồi tháng 6 về xây dựng quan hệ giữa các nước lớn theo mô hình mới.
Tại cuộc gặp này, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã vạch ra lộ trình cụ thể cho tiến trình phát triển quan hệ song phương trong tương lai, đồng thời nhất trí xây dựng mối quan hệ kiểu mới giữa các nước lớn dựa trên nguyên tắc tránh xung đột, tránh đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác đôi bên cùng có lợi. Bất chấp không ít thách thức, các nỗ lực chung từ đó của Mỹ và Trung Quốc về cơ bản đã đi đúng hướng, được phản ánh phần nào qua những kết quả đã đạt được trong quá trình tăng cường trao đổi và hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.
Kết thúc chuyến thăm chính thức Trung Quốc kéo dài hai ngày hồi đầu tháng 12 vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định năm 2013 là một năm quan hệ Mỹ-Trung đạt được nhiều kết quả, được thể hiện qua các cuộc trao đổi và đối thoại cấp cao, vốn không diễn ra thường xuyên và hiếm khi đạt các kết quả khả quan trong quá khứ.
Giới phân tích cho rằng mối quan hệ song phương chắc chắn sẽ không phát triển đến vậy nếu không có cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 6. Lãnh đạo hai bên đã có các cuộc đàm phán sâu sắc trong bầu không khí cởi mở về hàng loạt vấn đề nổi cộm trên thế giới. Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đã cùng nhất trí một vấn đề, được đánh giá là mang tính lịch sử, nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng mối quan hệ nước lớn theo mô hình mới, dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và hợp tác đôi bên cùng có lợi, thông qua việc duy trì các cơ chế trao đổi và đối thoại hiện nay, cũng như mở rộng hợp tác và giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hợp lý.
Cuộc gặp được dư luận hết sức hoan nghênh vì nó đã mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới. Douglas Paal - Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế - cho rằng đây là "quyết định lịch sử" của cả hai nhà lãnh đạo nhằm chớp lấy cơ hội chiến lược quan trọng để "tạo tiền đề cho việc củng cố quan hệ song phương trong ngắn và trung hạn".
Trên thực tế, các cuộc trao đổi song phương ở cấp cao cũng đã diễn ra trước cuộc gặp thượng đỉnh ngày 7/6. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew đã thăm Bắc Kinh hồi tháng 3 vừa qua, sau đó Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey đều có các chuyến công du tới Trung Quốc vào tháng 4.
Với những lạc quan có được sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo hai nước, các trao đổi song phương đã được thúc đẩy mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2013. Hồi tháng 7, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì đã cùng Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew và Ngoại trưởng Kerry đồng chủ tọa vòng đàm phán thứ 5 của cuộc Đối thoại Kinh tế và Chiến lược (S&ED). Bên cạnh đó, sau chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9 của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Phó Thủ tướng Lưu Diên Đông cũng đã tới Washington hồi tháng 11 để cùng người đồng cấp Mỹ Biden chủ trì hội nghị Tham vấn cấp cao Mỹ-Trung về Trao đổi Nhân lực (CPE). S&ED và CPE là hai trong số các thành tựu quan trọng của hai nước trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương, tăng cường trao đổi nhân lực và mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực như thương mại, biến đổi khí hậu, năng lượng mới và an ninh mạng.
Tuy nhiên, thành tựu lớn nhất mà hai bên đạt được là các biến chuyển tích cực trong hợp tác quân sự, vốn từ lâu vẫn bị coi là mắt xích lỏng lẻo nhất trong quan hệ song phương Mỹ-Trung. Trong năm 2013, hai bên đã tăng cường ngoại giao quân sự nhằm xây dựng mô hình quan hệ quân sự mới theo những gì đã được nhất trí trong hội nghị tại Annenberg. Ông Paal nhận định: "Cải thiện quan hệ quân sự Mỹ-Trung thực sự là tín hiệu tích cực, đánh dấu những thay đổi đáng kể so với quá khứ". Ông cho rằng những mối quan hệ tương tự có thể góp phần không nhỏ nhằm giúp hai bên tránh xung đột.
Trung Quốc cũng đã tích cực hợp tác với Mỹ trong việc giải quyết nhiều vấn đề nổi cộm của thế giới, như hỗ trợ tìm kiếm các giải pháp hợp lý cho vấn đề vũ khí hóa học ở Syria và vấn đề hạt nhân của Iran. Theo Bonnie Glasser, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, những hợp tác này chỉ ra rằng tuy hai nước còn nhiều bất đồng về cách thức đạt được các mục tiêu chồng lấn, song Mỹ và Trung Quốc "vẫn có thể hợp tác cùng nhau".
Năm 2013 có thể coi là một năm "sóng yên bể lặng" đối với mối quan hệ Mỹ-Trung, do không mấy bị ảnh hưởng bởi các vấn đề nóng trong quá khứ như tiền tệ, nhân quyền, Tây Tạng và việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Tuy nhiên, con đường xây dựng quan hệ Mỹ-Trung vẫn còn nhiều trở ngại ở phía trước. Một năm có thể gọi là khá yên bình đã kết thúc không mấy suôn sẻ sau khi hai nước tranh cãi về việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không trên biển Hoa Đông.
Không chỉ vậy, các tranh chấp chủ quyền lãnh hải trong khu vực Thái Bình Dương tiếp tục là một trong các vấn đề đe dọa làm chệch hướng mối quan hệ Mỹ-Trung đang được tích cực xây dựng. Nói theo cách khác, vấn đề này nhấn mạnh tới tầm quan trọng của các trao đổi quân sự song phương nhằm tránh khỏi các hiểu lầm và quyết định tiêu cực.
Robert Daly - Giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ và Trung Quốc, thuộc Trung tâm Woodrow Wilson (một viện nghiên cứu tại Washington) - cho rằng cả Trung Quốc và Mỹ đều hy vọng thúc đẩy mối quan hệ song phương đi theo đúng lộ trình để hướng tới hòa bình và thịnh vượng chung, "song vẫn còn phải chờ xem liệu các bên có sẵn sàng điều chỉnh các chính sách và cách hành xử" sao cho phù hợp để đạt được các mục tiêu đó hay không.
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông là chuỗi hội thảo thường niên do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy đối thoại chuyên sâu, cởi mở và thẳng thắn về những diễn biến đa chiều liên quan đến Biển Đông.
Ngày 1 tháng 7 năm 2022, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Ngày 12 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Viện Biển Đông, trực thuộc Học viện Ngoại giao, là đơn vị chuyên nghiên cứu về các vấn đề bảo vệ biển, đảo,...
Nhằm đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như tình hình khu vực và thế giới trong sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông ban hành Quy định về Chương trình Học bổng Thắp sáng Đam mê Nghiên cứu Biển Đông.
Bất kể lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới Chính quyền Joe Biden thực sự đã “quay lại”.
Chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 28/7 đến ngày 4/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) liên tục ra 10 thông báo về các cuộc tập trận quân sự trên biển. Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc tập trận phạm vi lớn nhất trên Biển Đông kéo dài từ ngày 6-10/8. Các chuyên gia của Trung Quốc...