Thứ nhất, Liên minh châu Âu (EU) ngập sâu vào cuộc khủng hoảng nợ công chưa thể tự thoát ra được, trong khi các nền kinh tế mới nổi đã có đóng góp trên 50% đối với kinh tế toàn cầu. Điều này không chỉ có nghĩa rằng trong 10 năm tới, trục trung tâm Mỹ-Nhật Bản-EU từng chi phối nền kinh tế thế giới suốt thời gian dài sẽ bị thay thế bởi trục trung tâm Trung Quốc-Nga-Ấn Độ-Trung Đông-Mỹ Latinh, thương mại và trao đổi tư bản giữa các nền kinh tế mới nổi sẽ trở thành nguồn tăng trưởng của cải thế giới; điều có ý nghĩa hơn là sau khi châu Âu mất đi vị thế trung tâm tạo ra của cải, Mỹ sẽ phải coi việc liên kết kinh tế với Trung Quốc là chỗ dựa để tạo ra tính lưu động cho đồng USD, và lợi dụng sự tăng trưởng kinh tế bền vững và có thể hoán đổi của Trung Quốc, điều này sẽ làm mất đi vị thế bá quyền của đồng USD. 

Thứ hai, tình hình Trung Đông tiếp tục biến loạn, cùng với việc khai thác dầu khí ở khu vực Bắc Cực và khai thác dầu lửa hải dương, vị trí trung tâm năng lượng thế giới của Trung Đông sẽ dần bị thay đổi mang tính căn bản trong vòng 20 năm tới. Tuy nhiên, Trung Đông là nơi giao nhau giữa ba châu lục Á-Âu-Phi, có trình độ khoa học kỹ thuật công nghiệp hóa và dự trữ tài sản nhất định, sau này có thể trở thành một khu tăng trưởng thực thể kinh tế mới. Do đó, ai kiểm soát được, chủ đạo được tình hình và sự phát triển tương lai của khu vực này, người đó sẽ có ưu thế chắc chắn trên thế giới. 

Xyri là khu trung tâm thần kinh của Trung Đông, biến loạn ở đây đã kéo dài gần hai năm, làm thế nào để kết thúc biến loạn Xyri đang là đề bài khó khăn nhất đối với Mỹ. Sự lựa chọn của Mỹ sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới quan hệ giữa các nước lớn trong tương lai, một khi cuộc khủng hoảng Xyri được kết thúc bằng sự can thiệp vũ lực của Mỹ, Iran chắc chắn sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo. Từ Irắc tới Libi rồi tới Xyri, nếu như các quân đôminô tiếp tục đổ đến Iran, chúng sẽ thay đổi toàn bộ tình hình địa chính trị khu vực Trung Đông, ép Trung Quốc và Nga phải dựa sát vào nhau hơn nữa. Trong khi đó, vấn đề Palextin dây dưa mãi không được giải quyết và còn xấu đi sẽ có nguy cơ lại dấy lên làn sóng chống Mỹ mới ở khu vực. Là một nhà chiến lược sáng suốt, Mỹ thừa hiểu rằng nhất định phải tránh để xảy ra tình hình tồi tệ này. Ngày 7/1, Tổng thống Obama đã bổ nhiệm ông Chuck Hagel làm Bộ trưởng Quốc phòng mới. Cần nhớ rằng Hagel là người phản đối trừng phạt Iran. Việc bổ nhiệm tân Bộ trưởng Quốc phòng này ở mức độ nào đó đã phản ánh hướng chiến lược tiếp theo của Mỹ ở khu vực Trung Đông sẽ được điều chỉnh dưới tiền đề là tránh ép Trung Quốc và Nga tiến sát gần nhau hơn nữa. 

Thứ ba, trong năm 2012, các cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với Philíppin ở Biển Đông và với Nhật Bản ở biển Hoa Đông đã trở thành các vấn đề nóng trong năm qua. Mỹ đã lợi dụng được tầm nhìn hạn chế về chiến lược của các nước liên quan và đóng thành công hai “cái chêm” tại khu vực Đông Á, tạo dựng các điểm chi viện cho việc chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang phía Đông. Thông qua việc đứng sau tạo sóng gió trong vấn đề Biển Đông, Mỹ không chỉ tạo ra hố ngăn cách giữa một số nước ASEAN với Trung Quốc, mà còn tạo ra sự bất đồng giữa các nước ASEAN với nhau. Trong khi đó, vấn đề Điếu Ngư/Senkaku cũng khiến hợp tác tiền tệ Trung-Nhật rơi vào bế tắc từ năm 2011. Sự hợp tác tiền tệ Trung-Nhật lẽ ra đã được thúc đẩy thêm một bước, có khả năng kết hợp với nguồn tài nguyên dầu khí của các nước trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hình thành một khối kinh tế năng lượng thoát khỏi đồng USD. Đó sẽ là một đòn giáng mạnh đối với sự bá quyền của đồng USD. Tuy nhiên, dưới sự xúi giục của Mỹ, Trung-Nhật đối chọi nhau, đồng USD được lợi. 

Mỹ là siêu cường số một thế giới, quan sát kỹ thuật thống trị thế giới của Mỹ có thể thấy điểm then chốt của nó là “tạo mâu thuẫn, vận dụng mâu thuẫn, kiểm soát mâu thuẫn”. Trong tình hình như vậy, điều Trung Quốc trước hết cần phải làm là trở thành một kỳ thủ có thể chơi bình đẳng với Mỹ, chứ không phải là quân cờ trong tay Mỹ. Trong năm 2012, Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh Trung-Mỹ cần xây dựng mối quan hệ nước lớn kiểu mới, hạt nhân của nó chính là Trung Quốc phải tranh đấu lấy vị trí nước lớn của mình trong quan hệ với Mỹ. Năm 2013, điểm nhạy cảm trong quan hệ Trung-Mỹ là ở chỗ Trung Quốc sẽ thoát ra khỏi vị trí quân cờ bị Mỹ khống chế trước đây, tiết tấu bố cục toàn cầu của Mỹ sẽ bị phá vỡ. Đằng sau các điểm nóng của thế giới như Xyri, Biển Đông, Điếu Ngư/Senkaku, thậm chí Bắc Triều Tiên và Mianma đều sẽ liên quan đến hướng đi của quan hệ Trung Quốc trong 20 năm tới. Chỉ một nước cờ không thận trọng có thể thua cả ván cờ. Năm nay là năm Mỹ bao vây Trung Quốc và Trung Quốc cần phải phá vây, và cũng là năm chuyển hướng chiến lược của hai nước, quan hệ hai nước tất sẽ trải qua một cuộc khảo nghiệm lớn. 

Theo “Tín báo” (ngày 5/2)

Lê Sơn