jsrafp1806e.jpg

Những hình ảnh chụp được bằng vệ tinh của những dải cát rực rỡ nổi lên phía trên mặt nước màu xanh biếc và xung quanh nó là một mạng lưới chằng chịt các tàu hỗ trợ gây kích động khắp toàn cầu. Những hòn đảo nhân tạo đã cho thấy một cách sống động những nỗ lực dần dần khẳng định quyền kiểm soát nhiều hơn của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng còn hơn thế, chúng thể hiện một thách thức trực tiếp đối với Mỹ, nước từ lâu đã giám sát tuyến đường biển trọng yếu với nền kinh tế toàn cầu.

Những hình ảnh này được Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington công bố, đã đóng góp vào sự thay đổi đặc biệt trong cuộc tranh luận ở Mỹ về Trung Quốc. Washington bắt đầu có vẻ lo lắng. Mỹ không chỉ lo ngại về chính sách đối ngoại đầy tham vọng của Trung Quốc, dù là ở Biển Đông hay việc thành lập các ngân hàng quốc tế của chính nước này, mà còn có một nỗi lo sợ đang len lỏi rằng Mỹ không còn chắc chắn về việc làm thế nào để đối phó với ảnh hưởng đang gia tăng của Bắc Kinh.

Frank Jannuzi, cựu cố vấn về châu Á cho ông John Kerry và hiện là Giám đốc Mansfield Foundation, một tổ chức tư vấn của Washington nói rằng sự đồng thuận trong 35 năm và 5 đời chính phủ về việc làm thế nào để đối phó với Trung Quốc đang mai một đi nghiêm trọng tới mức chúng ta đã đánh mất sự tin tưởng vào những nền tảng cơ bản của chính sách Mỹ-Trung. Vì vậy, mọi người đang bắt đầu tìm kiếm một cách tiếp cận mới.

Một thập kỷ trước, Robert Zoellick, khi đó là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, đã kết luận đầy tự tin về điều Mỹ coi là sự trỗi dậy của Trung Quốc khi ông thúc giục Bắc Kinh trở thành một bên tham gia có trách nhiệm trong một thế giới do Mỹ lãnh đạo. Tuy nhiên, thay vì là một bên tham gia có trách nhiệm, nhiều người ở Washington hiện nay nhận thấy một đối thủ ngày càng cứng rắn và có kế hoạch gây áp lực đẩy Mỹ ra khỏi châu Á.

Nhà Trắng vẫn cam kết với cách tiếp cận can dự với Trung Quốc và phòng ngừa sức mạnh quân sự ngày càng tăng của nước này. Tiềm năng hợp tác sẽ được nhấn mạnh khi hai bên gặp gỡ ở Washington trong một hội nghị thượng đỉnh thường niên, với tên gọi Đối thoại chiến lược và kinh tế.

Nhưng trong số các cựu quan chức, các nhà phân tích và các tổ chức tư vấn tạo không khí chung cho cuộc tranh luận rộng hơn của Washington, cần phải nhanh chóng tìm kiếm một kế hoạch B. Những đề xuất có từ chi tiêu quân sự lớn đến đạt được một sự mặc cả lớn với Bắc Kinh nhưng chúng đều xuất phát từ nỗi lo sợ rằng không thể giữ được nguyên trạng nữa.

Cố vấn cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Jeb Bush ông Zoellick cho rằng mức độ thách thức của Trung Quốc đối với hệ thống do Mỹ lãnh đạo đôi khi được nói quá lên, lưu ý đến vai trò mang tính xây dựng của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng ông thừa nhận rằng đây là một trong những giai đoạn dễ thay đổi và Mỹ đã mất đi thế chủ động về nhiều trong những vấn đề này.

Vạn lý trường thành bằng cát

Washington nhiều năm qua đã phàn nàn về chi tiêu quân sự của Trung Quốc và cách ứng xử của nước này trên không gian mạng nhưng trong những tháng gần đây, sự khó chịu đó đã được biểu lộ rõ ràng. Có lẽ hơn bất cứ chủ đề nào khác, chính Biển Đông đã làm thay đổi quan điểm của Mỹ về những gì mà một Trung Quốc trỗi dậy sẽ đưa lại. Lầu Năm Góc đã lo ngại quan sát khi Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ bồi đắp các thực thể thành các đảo nhân tạo có cảng biển, sân bay và các cơ sở quân sự, tạo ra một bức vạn lý trường thành bằng cát, theo lời của Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Harry Harris.

Hoạt động cải tạo đất quy mô lớn của Trung Quốc diễn ra sau khi nước này tuyên bố thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông vào năm 2013. Chính sách xoay trục Châu Á của Chính quyền Obama, được công khai vào năm 2011, phần nào để kiềm chế Trung Quốc. Nhưng tham vọng biển của Trung Quốc có thể là đã tăng lên, đặc biệt là kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012.

Chiến lược của Trung Quốc trong các tranh chấp trên biển đôi khi được mô tả là một chiến lược “bắp cải”, với việc tích lũy một cách từ từ, có chủ đích và sự hiện diện về hải quân dần dần làm thay đổi cán cân quân sự ở Biển Đông. Mỹ đang nhìn nhận một cách nghiêm túc viễn cảnh bị đẩy ra khỏi một đường huyết mạch quan trọng trên biển chiếm tới 50% hoạt động thương mại toàn cầu. Michael Green, cựu giám đốc phụ trách về Châu Á thuộc Hội đồng an ninh quốc gia của Nhà Trắng nhận xét rằng Trung Quốc đang “bẻ từng lá bắp cải một”.

Mối lo ngại về một Bắc Kinh quyết đoán ngày càng tăng lên trước các báo cáo về những cuộc tấn công mạng của Trung Quốc thực hiện nhằm vào các công ty và các cơ quan chính phủ của Mỹ. Trong bài diễn văn một thập kỷ trước đây, ông Zoellick đã cảnh báo rằng Mỹ sẽ không khoan nhượng trước hành động ăn cắp tài sản trí tuệ tràn lan. Tuy nhiên, thay vì ngừng lại, các quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc đã phủ nhận những cáo buộc và đẩy nhanh tốc độ tấn công mạng vào những bí mật thương mại được bảo vệ.

Sự hoang tưởng về mối đe dọa tấn công mạng của Trung Quốc đôi lúc có thể che mờ thực tế rằng Mỹ cũng thực hiện một số việc tương tự đối với Trung Quốc. Nói về vụ tấn công mạng nhằm vào hồ sơ nhân sự của Chính phủ Mỹ gần đây, cựu giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Michael Hayden đã miêu tả vụ việc này là hoạt động gián tiếp xứng đáng. Ông nói thêm: “Để nắm được thông tin tương tự trong bộ máy nhà nước Trung Quốc, tôi sẽ không suy nghĩ nhiều”.

Mỹ dường như cũng lúng túng trước việc Trung Quốc xây dựng các thể chế có thể thách thức vai trò trung tâm của nước này trong hệ thống tài chính quốc tế. Sau khi Bắc Kinh thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), mà nhiều người xem là đối thủ tiềm tàng với Ngân hàng Thế giới, Chính quyền Obama đã tìm cách thuyết phục các đồng minh không tham gia ngân hàng này ít nhất cho tới khi vai trò của Trung Quốc trong ngân hàng này được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, Mỹ dường như đã bị cô lập sau khi Anh và các đồng minh khác tham gia thể chế tài chính có trụ sở đặt tại Bắc Kinh này.

Một số nhân vật ở Washington đang theo dõi chặt chẽ để xem Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) có đồng ý để đồng nhân dân tệ làm đồng tiền dự trữ chính thức hay không, đã lo sợ rằng tổ chức này sẽ cho đồng tiền của Trung Quốc một con dấu hợp pháp quan trọng để thách thức đồng USD.
Hơn nữa, khả năng của Chính phủ Mỹ đưa ra một chiến lược kinh tế chặt chẽ ở châu Á đã vấp phải sự phản đối đáng kể từ Quốc hội. Gần đây, chính quyền Mỹ đã phải vật lộn để giành được sự ủng hộ từ Quốc hội cho Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương gồm 12 nước.

Một số bạn bè, đối tác thân cận nhất của Mỹ ở khu vực đã cảnh báo rằng những lá phiếu thương mại sẽ quan trọng cho chiến lược châu Á của nước này. Ngoại trưởng Singapore K.Shanmugam nói rằng nếu Quốc hội Mỹ ngăn cản hiệp định thương mại Thái Bình Dương, thì làm thế nào các nước khác có thể xem cam kết của Mỹ là đáng tin cậy?

Tìm kiếm Kế hoạch B

Trong bối cảnh như vậy, 3 cách tiếp cận để trang bị lại công cụ chính sách Mỹ-Trung đã được đưa ra. Theo truyền thống, việc vận động hành lang thúc giục chính phủ cứng rắn hơn với Trung Quốc được các quan chức diều hâu trong Lầu Năm Góc thúc đẩy. Nhưng hiện nay nhóm này đang thu hút sự ủng hộ từ các thành viên trong bộ máy chính sách đối ngoại. Ví dụ đáng chú ý nhất là báo cáo từ Hội đồng quan hệ đối ngoại của Robert Blackwill, một cựu đại sứ ở Ấn Độ, người từng có thời gian làm việc rất gần với Henry Kissinger và Ashley Tellis.

Bên cạnh việc kêu gọi Mỹ duy trì ưu thế vượt trội về quân sự so với Trung Quốc, một trong những đặc điểm đáng chú ý nhất của báo cáo là cách thức đề cấp về một số công cụ kinh tế trong chiến lược kiềm chế được sử dụng để chống lại Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh. Báo cáo kêu gọi phải có sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc xuất khẩu các mặt hàng công nghệ sang Trung Quốc, đặc biệt là với những hàng hóa có thể được sử dụng trong quân sự, và kêu gọi các thỏa thuận thương mại trong khu vực mà gạt Trung Quốc ra ngoài một cách có chủ ý.

Theo ông Tellis, nhờ trật tự kinh tế tự do trong 30 năm qua, Trung Quốc đã phát triển đáng kể. Nhưng sự phát triển của Trung Quốc hiện nay đã chuyển sang các khả năng quân sự cơ bản. Ngân sách quân sự chính thức của Trung Quốc là 145 tỷ USD (một số người cho là con số này còn cao hơn thế) bằng khoảng 1/4 ngân sách quân sự của Mỹ, nhưng trong khi Mỹ có các trách nhiệm mang tính toàn cầu, Trung Quốc chỉ tập trung vào sân sau châu Á của mình.

Tuy nhiên, cách tiếp cận như vậy có thể thúc đẩy một chu kỳ các biện pháp thương mại mang tính trả đũa của Bắc Kinh nhằm gây thiệt hại cho các công ty của Mỹ ở Trung Quốc. Những người khác kêu gọi Mỹ đi theo hướng ngược lại và tìm ra những cách thức mới để thỏa hiệp với Bắc Kinh. Quan điểm là Mỹ vẫn vượt trội về mặt quân sự so với Trung Quốc, vì thế tốt hơn là tìm cách thiết lập một hiện trạng mới khi ở thế mạnh thay vì thế yếu trong khoảng thời gian một thập kỷ.

Michael Swaine tại viện Carnegie Endowment ở Washington đã đề xuất những điểm chính cho một cuộc mặc cả địa chính trị ở châu Á mà có thể khiến một số điểm xung đột nguy hiểm nhất ít căng thẳng hơn. Điều đó có nghĩa là hạn chế chặt chẽ hơn việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, chẳng hạn, để đổi lấy cam kết của Trung Quốc không sử dụng vũ lực đối với hòn đảo này, trong khi hai nước nên hợp tác để xây dựng một nước Triều Tiên thống nhất và không liên kết.

Những đề xuất như vậy vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Khó khăn về mặt chính trị trong việc tiến hành một cuộc mặc cả là các nhà lãnh đạo ở Washington và Bắc Kinh dễ bị tổn hại trước những cáo buộc là phản bội. Nhiều nhà quan sát của Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ xem một nỗ lực như vậy là dấu hiệu cho thấy sự yếu đuối của Mỹ, khuyến khích họ thúc đẩy cứng rắn hơn thay vì tìm kiếm một thỏa thuận. Rồi có phản ứng trong khu vực này. Nếu Mỹ đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc, các nước như Nhật Bản và Việt Nam có thể đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực an ninh để đối phó sự thống trị của Bắc Kinh.

Nhóm thứ ba lập luận rằng Mỹ và Trung Quốc cần thúc đẩy các dự án chung để giúp xây dựng lòng tin, từng chút một. Tuy nhiên, dù cách tiếp cận như vậy có thể tạo ra sự ổn định nào đó nhưng sẽ không giải quyết các vấn đề như Biển Đông nơi sự căng thẳng có khả năng làm tổn hại các khía cạnh khác trong mối quan hệ này.

Các quan chức của Mỹ thừa nhận rằng lối hành xử của Trung Quốc đã cứng rắn hơn trong những năm gần đây. Nhưng họ cũng có xu hướng chán ngấy với vô số đề xuất về các thức để đối phó Bắc Kinh. Họ khăng khăng rằng thậm chí xảy ra những tranh chấp lớn, hai chính phủ có thể hợp tác cùng nhau về các vấn đề then chốt, dù đó là cuộc đàm phán hạt nhân Iran hay thỏa thuận về sự biến đổi khí hậu. Thậm chí những người hoài nghi cũng hiểu rằng Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục can dự với Bắc Kinh. Chính phủ sử dụng mối lo ngại này để thúc đẩy mối quan hệ khắp khu vực. Sự hợp tác về quân sự với các nước trong khu vực từ Nhật Bản đến Việt Nam đã được mở rộng. Ngay cả với ảnh hưởng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, Mỹ vẫn duy trì vị thế độc tôn ở châu Á.

Ông Zoellick cho rằng Mỹ cần phản ứng một cách kiên quyết đối với các tranh chấp an ninh và trên mạng giữa các nước nhưng Chính phủ Mỹ có thể tìm các cách khác để hợp tác với Trung Quốc. Thay vì coi đồng nhân dân tệ là một mối đe dọa đối với đồng USD, Mỹ có thể sử dụng khát vọng của Bắc Kinh muốn đồng tiền của nước này đóng một vai trò lớn hơn làm đòn bẩy để khuyến khích thực hiện cải cách đối với hệ thống tài chính của Trung Quốc mà từ lâu Washington mong muốn. Hợp tác với các nhà cải cách kinh tế của Trung Quốc có thể thực sự củng cố lợi ích quốc gia của Mỹ.

Đối mặt với quyết định khó khăn

Tuy nhiên, vấn đề gai góc mà chính phủ không thể né tránh là Biển Đông. Trong năm qua, Lầu Năm Góc đã và đang chuẩn bị những lựa chọn để buộc Bắc Kinh phải rút lui, mà có thể bao gồm việc triển khai các tàu và máy bay vào các khu vực xung quanh các vùng lãnh thổ có tranh chấp.

Thông điệp là rõ ràng: Mỹ không công nhận các đảo nhân tạo được bồi đặp với các vùng biển xung quanh. Nhưng những đề xuất như vậy nhìn chung không được ủng hộ trong chính phủ. Một số quan chức quan ngại về sự trả đũa của Trung Quốc, trong khi những người khác cảnh giác về một cuộc đối đầu khi mà Mỹ đang chữa cháy ở Trung Đông và châu Âu.

Chuyên gia Elbridge Colby tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, một tổ chức tư vấn ở Washington, cho rằng câu hỏi lớn là liệu Mỹ có thể tăng cường đáng kể sự can dự ở một nơi nào đó như Biển Đông mà không ảnh hưởng đến sự hợp tác Mỹ - Trung ở tất cả các khu vực khác. Đây là câu hỏi chưa có lời giải./.

Theo “Financial Times

Anh Thư (gt)