Người Mỹ hy vọng rằng thông qua biện pháp này, họ có thể kiềm chế được Bắc Kinh, qua đó gìn giữ được hòa bình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Oasinhtơn đang cố gạt bỏ những "di sản" từ thời chiến tranh Lạnh và những khác biệt về giá trị để liên kết với các quốc gia vốn có bất đồng quan điểm với Mỹ trên một số lĩnh vực, đặc biệt là nhân quyền, để duy trì sự cân bằng sức mạnh trong khu vực.

Việt Nam là một nhà nước do Đảng Cộng sản cầm quyền, và nước này vẫn luôn tự hào về chiến thắng của mình trước quân đội Mỹ trước đây, coi đấy là động lực cho sự phát triển. Việt Nam chưa bao giờ thờ ơ với những gì đã diễn ra trong lịch sử của mình, hay gạt sang bên những nhà lãnh đạo cách mạng từng đi đầu trong cuộc chiến chống Mỹ trước đây để đổi lấy việc bình thường hóa và phát triển quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, những yếu tố này không cản trở Mỹ trong việc ngày càng thắt chặt các mối quan hệ về kinh tế và an ninh với Hà Nội. 

Mianma đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận trong quá trình mở cửa và tự do hóa cả về chính trị lẫn kinh tế, đồng thời nước này cũng đã thực hiện nhiều đợt ân xá cho các tù nhân chính trị. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để Mianma có thể thực hiện được một cuộc cải cách dân chủ mang tính bền vững. Mặc dù vậy, Oasinhtơn vẫn quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ những nỗ lực của mình để Nâypiđô không còn phụ thuộc Trung Quốc cả về kinh tế và chính trị. 

Đáng chú ý là một số nhà hoạt động nhân quyền Mỹ thường xuyên bày tỏ mối quan ngại về sự liên kết của Mỹ với hai quốc gia kể trên, và cả với một số nước châu Á khác. Họ cho rằng mối quan hệ về kinh tế và an ninh của Mỹ với những nước này sẽ phát đi những tín hiệu dễ nhầm lẫn. Đáp trả lại, chính quyền Obama đưa ra lập luận rằng mặc dù những lo ngại nói trên là có sơ sở, nhưng cần phải đặt chúng vào trong một khuôn khổ lớn hơn, đó là việc thúc đẩy ổn định và hòa bình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Họ cũng lưu ý rằng vẫn có những tiến bộ về quyền con người và tự do trong xã hội (của các nước kể trên), mặc dù tiến bộ ấy không nhiều và không thường xuyên. 

Tuy nhiên, tại khu vực Đông Bắc Á, mọi chuyện lại có vẻ khác. Cách đây 5 năm, các học giả Peter A.Wilson, Lowell Schwartz và Howard J.Shatz đã dự đoán về một lộ trình mà họ cho rằng không có lợi cho Mỹ. Theo họ, Nga và Trung Quốc sẽ hợp tác với nhau để tranh giành các lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới, đồng thời thể chế hóa sự hợp tác của họ trong một loạt lĩnh vực khác nhau, từ kinh tế, năng lượng cho đến quân sự. Mặc dù những dự đoán này đều không (hoặc chưa) xảy ra, nhưng rõ ràng Bắc Kinh và Mátxcơva đã liên kết với nhau để đưa ra 2 phiếu chống trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm phủ quyết những đề xuất có lợi cho Mỹ. Hai nước cũng tiếp tục tiến hành các đợt tập trận chung và ký những hiệp định thương mại mới trị giá nhiều tỷ USD. 

Mặc dù Nga vẫn tự tạo ra những rào cản trong hợp tác với Trung Quốc, bắt đầu bằng mối quan hệ chặt chẽ với Ấn Độ, đối thủ lâu năm của quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng chắc chắn rằng Mátxcơva không bao giờ muốn có một mối quan hệ không tốt đẹp với nước láng giềng lớn nhất của mình, đồng thời cũng là đối tác thương mại quan trọng nhất (điểm này cũng tương tự như trường hợp các quốc gia châu Á khác, kể cả các đồng minh thân cận của Mỹ). Nga chắc chắn sẽ không bao giờ đặt mình vào thế đối đầu với Trung Quốc, hay biến mình trở thành một trong những trụ cột trong chính sách "Trở lại châu Á" của Mỹ. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga muốn có được sự cân bằng hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Các chính trị gia theo đường lối cải cách tại Nga đang muốn đẩy mạnh việc “tái khởi động” mối quan hệ với Mỹ, một phần là do họ cho rằng thời kỳ tồi tệ nhất trong quan hệ giữa hai nước trong nhiệm kì thứ hai của cựu Tổng thống Bush (con) đã đẩy Nga lại gần với Trung Quốc hơn. Đã có những ý kiến quan ngại về sự quá phụ thuộc vào Trung Quốc của Nga. Và đây cũng chính là lý do để ông Igor Sechin, Giám đốc điều hành của công ty dầu khí nhà nước Rosneft của Nga, cố gắng thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản và phương Tây đối với các dự án khai thác dầu khí ở miền Viễn Đông Nga nhằm giảm bớt ảnh hưởng của các công ty Trung Quốc.

Hiện đang tồn tại rất nhiều yếu tố dễ gây căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ. Việc thiếu những nguyên tắc tổ chức rõ ràng trong mối quan hệ giữa hai nước rất có thể sẽ làm những yếu tố này bùng lên thành nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng mới. Một số học giả cho rằng Mỹ cần thuyết phục Nga tạo sự cân bằng hơn nữa trong quan hệ với Bắc Kinh và Oasinhtơn (tương tự như Nga đang thực hiện với Niu Đêli và Bắc Kinh). Chiến thuật này đã được các nhà hoạch định chính sách của Mỹ thực hiện trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, khi Mỹ đã thuyết phục được Trung Quốc ủng hộ mình trong một số vấn đề nhằm thiết lập sự cân bằng trong cán cân quyền lực trên thế giới. Khi đó, mặc dù Trung Quốc không phải là đồng minh của Mỹ, nhưng rõ ràng cũng không phải là đối thủ, và điều đó đã thực sự mang lại nhiều lợi ích cho Oasinhtơn.

Theo báo "Al-Alam As-Siasiya" (Chính trị thế giới)