“Đảm bảo an ninh, chủ quyền cho các đồng minh” 

Nhằm trấn an các quốc gia châu Á đang lo lắng trước sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho biết việc tăng cường sự hiện diện và đầu tư vũ khí tối tân của Mỹ có tác dụng tích cực trong việc “đảm bảo an ninh, chủ quyền, tự do cho các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực” cũng như bảo vệ các tuyến đường giao thông hàng hải. 

Ông cũng nhấn mạnh sự hiện diện của Mỹ sẽ tiếp tục được phát triển trong tương lai mặc dù hiện nay cường quốc này đang gặp phải một số khó khăn về ngân sách. 

Trên thực tế, việc chia sẻ các căn cứ quân sự ở Ấn Độ Dương với hải quân Ôxtrâylia, đưa thêm chiến hạm cao tốc tới Xinhgapo, đưa ra kế hoạch đầu tư máy bay tàng hình, máy bay trinh sát không người lái, chiến hạm và các phương tiện chiến tranh không gian và tin học, đã phần nào cho thấy Mỹ tôn trọng lời hứa với các đồng minh ở châu Á. 

Mối đe dọa Trung Quốc 

Phóng viên Liam Cochrane của Đài Ôxtrâylia đã có cuộc phỏng vấn "US to expand military presence in Asia" với Tiến sĩ Sam Bateman thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Ôxtrâylia về An ninh và Tài nguyên Biển, Đại học Wollongong, xung quanh việc gia tăng vai trò ở Châu Á.

- Theo tôi, tuyên bố của Bộ trưởng Gates đã gửi đi một số thông điệp ngầm cho phía Trung Quốc về khả năng có thể xảy ra trận hải chiến có sự tham gia của không quân nếu như quân đội Mỹ tăng cường hiện diện trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, tôi cho rằng những thông điệp đó chưa chắc đã được Chính quyền Bắc Kinh nhìn nhận một cách thích đáng. Hiện nay, Trung Quốc cảm thấy mình bị đối xử tệ và bị coi như một kẻ hung hăng khi ngày càng có nhiều hành động khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Vì vậy, đối với Chính quyền Bắc Kinh thì những cam kết của Mỹ đã phần nào thể hiện cách giải quyết của Mỹ trước sự lo ngại về một mối đe dọa từ Trung Quốc. 
+ Ông Gates cũng bình luận về mong muốn của Mỹ trong việc mở rộng và thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Xin ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Tôi cho rằng những lời bình luận đó cũng như những lời bình luận về vấn đề an ninh hàng hải nhận được rất nhiều sự ủng hộ vì cho đến nay đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp chủ quyền, sự tăng cường trang bị vũ khí cho hải quân cũng như những tuyên bố chồng chéo của các nước về chủ quyền ở Biển Đông... Trước tình hình đó, sự lên tiếng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là một dấu hiệu tích cực, tuy nhiên chúng ta cũng cần phải xem xét tính hai mặt của vấn đề. 

+ Ấn Độ hiện rất lo lắng về việc hải quân Trung Quốc ngày càng tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương nhằm thực hiện chiến lược Chuỗi Ngọc trai đối với các cảng biển trên thế giới. Liệu đây có phải là một mối quan tâm của Mỹ hay không? 

- Tôi nghĩ rằng Mỹ rất quan ngại về vấn đề Ấn Độ Dương và Bộ trưởng Gates cũng dành phần cuối của bài phát biểu tại Xinhgapo để nói về vai trò của Mỹ trong khu vực này. Mỹ và Ấn Độ có mối quan hệ rất gần gũi, tuy nhiên, đây cũng là một điểm bất lợi đối với hai bên. Lý do là vì theo quan điểm của Chính quyền Bắc Kinh thì việc gia tăng quan hệ giữa các nước trong khu vực, ví dụ giữa Ấn Độ và Nhật Bản, hoặc cuộc phối hợp diễn tập hải quân giữa ba bên: Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ, nhất là những cuộc diễn tập ở vùng biển Tây Thái Bình Dương, đều nhằm mục đích thực hiện chiến lược tăng cường ngăn chặn Trung Quốc trong lĩnh vực hàng hải. Do đó, Bắc Kinh cho rằng những động thái này nằm trong kế hoạch chống lại Trung Quốc. 

+ Vậy còn Bắc Triều Tiên thì sao? Việc một chiến hạm của Hàn Quốc được cho là bị Bắc Triều Tiên đánh chìm trước đây cũng từng là chủ đề rất nóng đối với thế giới. Liệu đây có thể được coi là một trong những lý do dẫn đến sự can thiệp của hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề an ninh hàng hải?

- Điều đó là chắc chắn. Thêm vào đó là cả vấn đề về eo biển Đài Loan nữa. Một trong những vấn đề quan ngại của tôi hiện nay là mặc dù những cam kết của Mỹ đối với châu Á vào ngày 4/6 vừa qua cũng như trong Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Hà Nội vào năm 2010 trước đây là những dấu hiệu tích cực, nhưng những nỗ lực của Mỹ trong việc gia tăng vai trò trung gian ở Biển Đông có thể khiến cho mối quan hệ Mỹ-Trung trở nên căng thẳng, không chỉ là trong các vấn đề tranh chấp ở Đông Bắc Á mà còn cả ở Đông Nam Á. Trên thực tế, từ trước đến nay chưa từng có hai cường quốc nào can thiệp vào những tranh chấp ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó, theo tôi, việc Mỹ đóng vai trò trung gian trong vấn đề Biển Đông cũng có thể không nhận được sự ủng hộ của một số nước ASEAN bởi họ cho rằng có khả năng Mỹ đang tìm cách can thiệp vào nội bộ các nước. 
 
Đài Tiếng nói nước Nga ngày 5/6 cũng có bài viết "Shangri-la dialogues: negotiating - the only way to settle conflicts"
 về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ không chỉ duy trì mà còn thực hiện những bước đi để mở rộng sự hiện diện quân sự đáng kể của mình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đó là tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates. Chủ nhân Lầu Năm Góc phát biểu tại Xinhgapo trong diễn đàn thường niên lần thứ X về an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nổi tiếng với tên gọi “Đối thoại Shangri-La”. 

Một trong những vấn đề quan trọng được thảo luận tại Xinhgapo, là khu vực châu Á-Thái Bình Dương liệu có trở thành địa bàn cạnh tranh gay gắt của Mỹ và Trung Quốc, kể cả trong lĩnh vực quân sự hay không? Những năm gần đây, các chuyên gia nghiên cứu chính trị học đã tốn khá nhiều giấy mực cho đề tài xu hướng gia tăng mâu thuẫn giữa Oasinhtơn và Bắc Kinh, xét theo đà tăng cường tiềm năng quân sự và ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh tại khu vực này. Vì vậy, người ta đang chăm chú chờ nghe những tuyên bố của cả hai bên, Mỹ và Trung Quốc, đánh giá về tình hình châu Á-Thái Bình Dương.

Một mặt, tại diễn đàn “Đối thoại Shangri-La”, Bộ trưởng Gates đã đưa ra không ít tuyên bố tích cực, khẳng định tầm quan trọng của Trung Quốc như là đối tác toàn cầu và khu vực của Mỹ. Cụ thể, nguời đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh rằng Oasinhtơn không cố gắng kiềm chế sự gia tăng thế lực của Trung Quốc. “Trung Quốc là một cường quốc thế giới và sẽ là như vậy” - ông Gates nhận xét. Liên hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc hiện đang ở quĩ đạo tích cực hơn, ông chủ Lầu Năm Góc đánh giá như vậy trong thời gian gặp gỡ với người đồng cấp từ CHND Trung Hoa, Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt. 

Mặt khác, Bộ trưởng Robert Gates hứa hẹn rằng trong những năm tới, các tàu chiến Mỹ sẽ ghé thăm các hải cảng và tham gia tập trận với nhiều nước trong khu vực một cách thường xuyên hơn. Mà động thái đó chắc hẳn chẳng khiến Bắc Kinh thích thú. Trong cuộc gặp với ông Robert Gates, ông Lương Quang Liệt đã nói thẳng ra rằng Trung Quốc sẽ không chỉ đòi Mỹ chấm dứt cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Đài Loan xưa nay là hòn đá cản đường quan hệ song phương Trung-Mỹ. Người đứng đầu cơ quan quân sự của Bắc Kinh cũng đã lưu ý đến sự cần thiết ngăn chặn các hoạt động của tàu tình báo Mỹ trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Trung Quốc. 

Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề tuy hiện thời nằm bên ngoài khuôn khổ những tuyên bố công khai chính thức, nhưng lại có thể là nguyên nhân của cuộc xung đột gay gắt trong tương lai, mà còn là tương lai không xa xôi gì. Tiềm ẩn bất hòa trong quan hệ song phương đã trở nên trầm trọng thêm, bởi thực tế là lợi ích của Trung Quốc và Mỹ va chạm với trên cùng một địa bàn - ở Đông Nam Á. Mới đây, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell tuyên bố rằng thời điểm này Mỹ đang tiến hành điều chỉnh chiến lược quân sự của mình ở Đông Nam Á. Mục đích của việc chỉnh sửa là nhằm duy trì và có thể tăng cường sự hiện diện quân sự Mỹ tại khu vực quan trọng này nói riêng cũng như tại châu Á-Thái Bình Dương nói chung. Thượng tướng Leonid Ivashov, Chủ tịch Học viện các vấn đề địa chính trị, nhận xét trên Đài “Tiếng nói nước Nga”: 

“Bất chấp hiện tượng khủng hoảng trong nền kinh tế, và thực tế tồn đọng những khoản nợ khổng lồ trong nước cũng như bên ngoài, Mỹ đã không từ bỏ việc xây dựng trật tự thế giới đơn cực cùng với giấc mơ thống trị toàn cầu. Một trong những khu vực chính yếu, nơi mà trên thực tế người Mỹ đã bắt đầu con đường dẫn tới ngôi vị bá chủ hoàn cầu, là châu Á-Thái Bình Dương. Khu vực này đang phát triển rất năng động, nhưng đồng thời sự cạnh tranh cũng gia tăng quyết liệt hơn. Hiện nay, Trung Quốc đang cố gắng gây ảnh hưởng trong khu vực này, không chỉ với các dự án kinh tế đồ sộ, mà còn với cả lực lượng vũ trang và tiềm lực quân sự ngày càng lớn”. 

Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng cố gắng gia tăng thế lực quân sự-chính trị trong khu vực gần biên giới của mình. Bắc Kinh đã lợi dụng thực tế là thời gian qua Mỹ vướng bận với hoạt động tại Ápganixtan và Irắc nên phần nào lơ là Đông Nam Á. Kết quả là Trung Quốc đã thành công trong việc mở mang tiếp xúc quân sự ngay cả với những đồng minh truyền thống của Mỹ như Thái Lan, hay với Inđônêxia - đối với người Mỹ cho đến nay vẫn là một trong những ưu tiên chính trị quân sự nặng ký. Tình hình đang thay đổi khá nhanh. Trong toàn bộ khu vực, chỉ còn lại Philíppin, Việt Nam và Brunây là chưa nhận vũ khí Trung Quốc. 

Cách đây chưa lâu, một chuyên gia nổi tiếng của Trung Quốc về các vấn đề quốc tế là giáo sư Diêm Học Thông tuyên bố rằng Trung Quốc cần phải gánh vác vai trò bảo đảm an ninh của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Thêm nữa, học giả Diêm Học Thông thậm chí đề nghị tạo lập tại khu vực này một tổ chức tương tự như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Có thể xem đây là tuyên ngôn hướng tới ngôi vị bá chủ khu vực. Trở ngại duy nhất với Bắc Kinh trong ý đồ đẩy lui người Mỹ khỏi địa bàn này là sự cảnh giác và lo ngại của các nước Đông Nam Á hiện thời trước đà bành trướng của Trung Quốc. Hẳn là thực tế diễn biến động thái của các quốc gia trên địa bàn này sẽ sớm cho thấy cán cân sẽ nghiêng về phía nào, “nỗi e ngại bởi mối họa Trung Quốc” hay những lợi lộc hứa hẹn từ sự hợp tác với một siêu cường tương lai./.

NCBĐ giới thiệu