Việt Nam và Trung Quốc đã bước vào tuần đối đầu căng thẳng thứ hai trên Biển Đông, hiện có ba câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Trung Quốc đang cố gắng đạt được điều gì, sự việc trên có trở thành một cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước mà trong lịch sử đã từng ở hai đầu chiến tuyến, và điều này thực sự có ý nghĩa gì đối với chính sách xoay trục Châu Á của Mỹ?

Có thể đưa ra câu trả lời ngắn gọn như sau: Các nhà quan sát Trung Quốc đang khá bối rối trước cách hành xử quyết đoán của Bắc Kinh, mà dường như bắt đầu từ cách tiếp cận trước đây của nước này đối với mối quan hệ khu vực và có khả năng sẽ phản tác dụng; dù không sử dụng đến súng đạn, nhưng sự việc có thể nhanh chóng chuyển sang bạo lực; mong muốn duy trì ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực có thể xoay quanh cách thức giải quyết tranh chấp giữa hai nước láng giềng cộng sản – và liệu các quốc gia xung quanh có tin rằng Washington sẵn sàng ủng hộ mạnh mẽ việc đối chọi lại một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Việc Trung Quốc triển khai giàn khoan xa bờ khổng lồ, trị giá hàng tỷ USD vào vùng biển mà cả Bắc Kinh và Hà Nội đều yêu sách chủ quyền đã làm bùng phát cuộc xung đột lớn nhất trong nhiều năm qua giữa hai nước. Cuối tuần qua, các quan chức Việt Nam cho biết, tàu hộ tống giàn khoan dầu của Trung Quốc đã cố tình đâm và bắn vòi rồng vào tàu cảnh sát biển Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ trên thực địa. Tình hình hiện vẫn hết sức căng thẳng, quan chức Trung Quốc hôm 9 tháng 5 tuyên bố rằng tàu và người nhái của Việt Nam đã can thiệp vào hoạt động của giàn khoan dầu, mặc dù không có xác nhận  thêm về các cuộc đụng độ.

Vụ đụng độ, nghiêm trọng nhất kể từ cuộc đối đầu tương tự giữa Trung Quốc và Việt Nam trong năm 2007, đã được đẩy lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra cuối tuần này, nói cách khác điều này đã khiến Bắc Kinh khá bất mãn. Trung Quốc không hề muốn  các tranh chấp biển được thảo luận trên những diễn đàn đa phương, một vấn đề mà nước này luôn kêu gọi giải quyết trên cơ sở song phương.

Philippines, nước đang có căng thẳng mới với Trung Quốc trong tuần này sau khi lực lượng cảnh sát biển nước này bắt giữ một số người mà họ cho là ngư dân Trung Quốc đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển Philippines, sẽ đưa vấn đề tranh chấp biển ra các cuộc thảo luận của ASEAN và hướng tới việc thúc đẩy một bộ về quy tắc ứng xử, điều có thể giúp đem lại cho các quốc gia một giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Đáp lại, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chĩa mũi nhọn vào Philippines với cáo buộc nước này đang cố gắng "kích động căng thẳng" trong khu vực bằng việc thông báo sẽ đưa các tranh chấp biển ra hội nghị thượng đỉnh thường niên của ASEAN.

Tuy nhiên, có lẽ kẻ xấu thực sự, trong mắt Trung Quốc, không phải là Philippines hay Việt Nam. Thay vào đó, Bắc Kinh cho rằng Mỹ, với việc thực hiện chính sách xoay trục Châu Á, đã khuyến khích các nước trong khu vực đưa ra lập trường cứng rắn một cách không cần thiết và có quan điểm khiêu khích hơn đối với Trung Quốc so với những năm gần đây.

Hãng Reuters đưa tin, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 9/5, người phát ngôn của Bộ ngày đã tuyên bố: “Phải nói rằng một loạt bình luận vô trách nhiệm và sai lầm của Mỹ, bỏ qua sự thật về các vùng biển liên quan, đã khuyến khích một số quốc gia đưa ra cách hành xử khiêu khích và nguy hiểm.”

Trung Quốc đã phản ứng trước các bình luận gay gắt từ Bộ Ngoại giao Mỹ sau khi có tin đồn rằng hai nước đã thực sự bất đồng về việc Trung Quốc triển khai giàn khoan. Hôm 7/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố hành động quyết đoán của Trung Quốc trong việc thúc đẩy các yêu sách của nước đối với một khu vực rộng lớn trên Biển Đông “làm phương hại đến hòa bình và ổn định của khu vực.”

Hôm 8/5, sau khi các quan chức Trung Quốc cho rằng tàu Việt Nam đã tấn công tàu của họ hơn 170 lần, bà Psaki nhắc lại rằng Mỹ nhận thấy Trung Quốc giống như diễn viên tồi trong vở kịch đặc biệt này. "Chúng tôi cho rằng chính phía Trung Quốc đang có hành động khiêu khích ở đây", bà Psaki nói.

Bà Psaki nhắc lại lập trường của Mỹ tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 9/5, đó là mặc dù Mỹ không đưa ra lập trường về các tranh chấp chủ quyền, "bất cứ khi nào có những hành động khiêu khích hoặc không có lợi ảnh hướng tới việc duy trì hòa bình và ổn định, tôi nghĩ rằng bất cứ nước nào cũng có quyền có quan ngại về này".

Đối với một quốc gia trong 30 năm qua luôn tìm cách trấn an những người láng giềng rằng nước này hướng tới việc “trỗi dậy hòa bình” trên cả bình diện quân sự lẫn kinh tế, thì hành động cứng rắn của Trung Quốc khi hạ đặt một giàn khoan dầu khí vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và sau đó triển khai tới 80 tàu cảnh sát biển và tàu hải quân, đã đặt ra một câu hỏi nghiêm túc. Trước hết là câu hỏi: Trung Quốc đang thực sự nghĩ gì?

Ông David Lai, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Đại học Hải chiến Mỹ, nhận xét, “Chính sách đối ngoại của Trung Quốc dường như đang có một số thay đổi cơ bản. Trung Quốc đang chuyển từ cách tiếp cận ‘giấu mình, tránh đối đầu’ sang một phương thức chủ động hơn.”

Ông Lai có nhiều năm giảng dạy cho các quan chức quốc phòng Mỹ về việc nắm bắt chiến lược của Trung Quốc thông qua trò chơi cờ vây, còn gọi là Tấn công phía Tây. Theo ông Lai, hành động Trung Quốc triển khai giàn khoan ở Biển Đông, khó có thể nói xuất phát từ mục đích thương mại, khai thác dầu, có thể rõ hơn nếu hiểu về các viên đá, hay quân cờ, được sắp đặt một cách đầy tính toán trên một bàn cờ vây.

Ông Lai cho rằng, "Khi bạn thiết lập sự kiện thực địa, nó giống như bạn đặt một viên đá ở đó, và viên đá này sẽ có tác động nhất định. Trò chơi này hoàn toàn là sức mạnh kiểm soát dựa trên việc chiếm giữ vị trí," khi so sánh giữa các giàn khoan dầu dường như không xê dịch và mục đích của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các chuyên gia Trung Quốc đã liên hệ hành vi quyết đoán của Bắc Kinh với mối lo ngại trong giới lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc rằng một trong những trụ cột quan trọng cho tính chính danh của chính quyền và sự ủng hộ của người dân - nền kinh tế đang phát triển của đất nước - có thể sẽ chao đảo trong bối cảnh có dấu hiệu của việc phát triển chững lại và khả năng đổ vỡ của bong bóng bất động sản.

Ông Peter Dutton, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Biển Trung Quốc ở Đại học Hải chiến Mỹ nói, "Sự ổn định chính trị trong nước có lẽ là mối quan tâm quan trọng nhất mà người Trung Quốc đang theo đuổi cùng chiến lược biển khu vực."

Ông Dutton nhận thấy mối liên hệ trong cách thức mà Trung Quốc thổi bùng ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc và làn sóng phản đối Nhật Bản trong một vụ tranh chấp quần đảo Senkaku năm 2012. "Đó là cơ hội để tạo ra không gian chính trị trong nước bằng thiết lập bên lề một mục tiêu rõ ràng của chủ nghĩa dân tộc và hướng tới thay đổi trọng tâm của cuộc thảo luận", ông Dutton nói.

Một câu hỏi lớn đặt ra đó là liệu chính sách bên miệng hố chiến tranh xung quanh giàn khoan dầu chỉ là một hành động đơn thuần hay tiềm ẩn nguy cơ đẩy sự việc trở nên nghiêm trọng hơn. Lo ngại này bắt nguồn từ một số lý: Việt Nam, không giống Philippines và Nhật Bản, họ không có hiệp ước quốc phòng chính thức với Mỹ, điều đó có nghĩa rằng Bắc Kinh không phải lo lắng việc Mỹ có trách nhiệm ứng cứu Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam và Trung Quốc đã từng có chiến tranh, thỉnh thoảng diễn ra, trong nhiều thế kỷ.

Gần đây nhất, Việt Nam và Trung Quốc đã vướng vào một cuộc chiến tranh lớn trên bộ năm 1979; vào năm 1974 hai nước cũng đã đụng độ khi Trung Quốc xâm chiếm Quần đảo Hoàng Sa, khu vực mà giàn khoan được hạ đặt; và hai bên đã trải qua cuộc xung đột gay gắt ở khu vực tranh chấp vào cuối những năm 1980 khiến rất nhiều người Việt Nam hy sinh.

Trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tái khẳng định mối quan hệ quốc phòng chính thức với Tokyo và Manila trong chuyến công du gần đây tới bốn quốc gia Châu Á, Việt Nam lại không có thoả thuận nào như vậy với Mỹ. Trên thực tế, cho đến gần đây, nhiều nhà quan sát lo ngại rằng trách nhiệm bảo vệ Nhật bản của Mỹ có thể đẩy nước Mỹ vào một cuộc xung đột với Trung Quốc bởi nghĩa vụ bảo vệ áp dụng cho cả quần đảo Senkaku đang có tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, mới đây, Trung Quốc đã có những động thái hạ nhiệt với phía Nhật Bản khi cử các phái đoàn ngoại giao đến Tokyo và tiến hành ít hơn các hoạt động tuần tra trên không và trên biển ở quần đảo đang tranh chấp.

Liệu đụng độ trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc có vượt quá giới hạn chuyển từ vòi rồng sang đối đầu bằng súng đạn hay không?

Ông Taylor Fravel, chuyên gia về tranh chấp biển Châu Á tại Học viện Công nghệ Massachusetts, “Tôi nghĩ là có. Tôi không hề lo lắng về khả năng xảy ra đụng độ quân sự giữa Trung Quốc và Philippines. Tuy nhiên, năng lực quân sự Việt Nam ở mức độ khác so với Phiilppines và lịch sử quan hệ Việt - Trung cũng có điểm khác.”

Theo ông Fravel, căn cứ vào việc Việt Nam quyết tâm ngăn cản Trung Quốc xâm phạm nguồn tài nguyên sản dầu mỏ và khí đốt của mình, đặt trong bối cảnh có sự hiện diện dày đặc của các tàu ở khu vực này, những vụ va chạm có “khả năng leo thang thành hành động sử dụng vũ lực”.

Trong khi đó, ông Dutton cho rằng sự kết hợp giữa tính dễ bị tổn hại của Việt Nam và việc Trung Quốc tin rằng lợi ích quốc quốc gia quan trọng của nước này nằm ở khu vực tranh chấp có thể sớm dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang. Theo ông Dutton, “Với tôi, dường như xung đột là điều gì đó mà tất cả chúng ta phải cân nhắc như một khả năng hoàn toàn có thực.”

Vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến Mỹ như thế nào? Ở Nhật Bản, Tổng thống Obama đã cố gắng nhấn mạnh rằng nghĩa vụ bảo vệ của Mỹ sẽ bao trùm cả Quần đảo Senkaku, có lẽ để xua đi sự mơ hồ mà trước đây đã dẫn đến sự kiện xâm lấn Hàn Quốc vào năm 1950, khi quan chức Mỹ ngụ ý rằng Seoul không được bảo vệ dưới chiếc ô an ninh của Mỹ.

Nhưng ở Biển Đông, Mỹ không có hiệp ước phòng thủ hay hiệp ước đồng minh với Việt Nam, và nước này cũng không đưa ra lập trường về quốc gia nào thực sự sở hữu các chuỗi thực thể ở Quần đảo Hoàng Sa, trong khi, tự cho rằng có chủ quyền ở Quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc khăng khăng rằng giàn khoan của nước này đang hoạt động một cách hợp pháp.

Washington, trong nhiều năm qua, thường chỉ nhấn mạnh rằng nước này muốn duy trì tự do hàng hải trong khu vực và hối thúc các quốc gia sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Đáng kể nhất, là việc Washington và Tokyo đã ủng hộ quyết định của Philippines đưa tranh chấp biển của nước này với Trung Quốc ra Tòa trọng tài.

Tuy nhiên, nếu chỉ bởi Washington không muốn bị lôi kéo trực tiếp vào vấn đề Biển Đông, không có nghĩa là nước này có thể né tránh vấn đề.

Theo ông Peter Dutton thuộc Đại học Hải chiến Mỹ, “Đây là thách thức thật sự dành cho Mỹ. Một trong những mục tiêu của nước Mỹ tại khu vực là trấn an các đồng minh, các đối tác và bè bạn. Và nếu không can dự vào các vấn đề tại Biển Đông, thì liệu nước Mỹ có thể trấn an được họ hay không?”

Theo “Foreign Policy” 

Đinh Anh (dịch)