101229_98408649.jpg

Ngoại trưởng tương lai Mỹ Rex Tillerson mới đây đã đưa ra một số nhận xét gây sốc về Trung Quốc và Biển Đông trong phiên điều trần trước Thượng viện hồi tuần trước. Ông Tillerson nói Mỹ nên “gửi tới Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng thứ nhất, họ phải ngừng xây dựng các đảo và thứ hai, không được phép tiếp cận các hòn đảo này”. Bình luận của ông Tillerson đã tạo ra một cuộc tranh cãi trong giới truyền thông quốc tế, như thể Mỹ sẽ sử dụng vũ lực để phong tỏa các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng tương lai James Mattis thận trọng hơn trong phát biểu của mình trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện. Ông Mattis đã xác thực việc Mỹ sẽ bảo vệ tự do hàng hải ở “vùng biển quốc tế” mà không thách thức sự hiện diện của Trung Quốc ở đó. Những bình luận của ông Mattis là phù hợp với chính sách của Mỹ đối với Biển Đông trong khi nhận xét của ông Tillerson có phần “thái quá”. Tại sao Biển Đông lại quan trọng đối với Mỹ đến vậy? Trung Quốc thường xuyên cảnh báo Mỹ không được “can thiệp” vào khu vực này và cảm thấy khó hiểu tại sao Mỹ lại phải tham gia vào vấn đề này. Theo quan điểm của họ, Mỹ đang gây rắc rối cho Trung Quốc và ngăn chặn sự nổi lên của nước này như một cường quốc. Trung Quốc mong muốn Mỹ từ bỏ Biển Đông và rút khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương.

Một số nhà bình luận ở Mỹ và các nước khác lập luận rằng điều này sẽ cho phép Mỹ thúc đẩy thỏa hiệp với Trung Quốc nhằm loại bỏ khả năng xung đột tiềm tàng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực và toàn cầu. Một vài ý kiến khác đã kêu gọi thành lập nhóm G2 hoặc một hiệp ước Mỹ-Trung để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Theo họ, Mỹ đã căng trải hết công suất và nên trở lại vị trí “ngoài khơi” mà Mỹ đã có trước khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950. Tại sao vấn đề Biển Đông lại là cớ để Mỹ thỏa thiệp với Trung Quốc?

Biển Đông đã trở nên quan trọng với Mỹ vì Trung Quốc đang thách thức trật tự tự do dựa trên luật lệ mà Mỹ đã thúc đẩy sau cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Trật tự khu vực sau chiến tranh dựa trên sự hiện diện của Mỹ, trong đó thiết lập giai đoạn cho sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng và thịnh vượng trong khu vực mà không có bất kỳ mối đe dọa chiến tranh hay xung đột nào. Mỹ đã đảm bảo rằng các tranh chấp hàng hải và chủ quyền lãnh thổ sẽ được giải quyết thông qua thương lượng chứ không phải sử dụng sức mạnh quân sự. Và điều này được coi là cơ sở cho sự phát triển của các mối quan hệ thương mại và kinh tế mà từ đó tất cả các nước trong khu vực đều được hưởng lợi. Mối lo ngại của Mỹ đối với Biển Đông là do kết quả nỗ lực của Trung Quốc trong việc bảo đảm kiểm soát lãnh hải và các nguồn tài nguyên ở đó. Trung Quốc khăng khăng “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với khu vực này, nhưng với các quốc gia có yêu sách khác như Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines thì pháp luật đứng về phía họ.

Tháng 7/2016, Tòa Trọng tài ở La Hay đã ra phán quyết các bên phải tôn trọng quyền của các nước ASEAN đối với Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ, đồng thời khẳng định rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ tính pháp lý của vụ kiện này và chuẩn bị trở lại các yêu sách của mình bằng sức mạnh quân sự. Nếu Trung Quốc không công nhận các quy tắc quốc tế, thì trật tự khu vực mà Mỹ đã thúc đẩy có nguy cơ bị phá vỡ. Biển Đông đã trở thành một khu vực quan trọng cho việc thực hiện chiến lược hải quân của Trung Quốc, bao gồm cả phong tỏa Đài Loan, và triển khai sức mạnh vào Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Biển Đông cũng có một số tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới.

Người Trung Quốc thường nói rằng họ tôn trọng tự do hàng hải, nhưng liệu có thể tin điều đó? Nhật Bản nghĩ rằng “không”. Trong một tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản năm 2010, Trung Quốc đã cấm cung cấp đất hiếm cho Nhật Bản, vốn cần thiết cho ngành công nghiệp điện tử của nước này. Trung Quốc có thể phong tỏa thương mại của Nhật Bản, và nếu Nhật Bản chuyển sang tuyến đường khác thì chi phí sẽ tăng cao. Có thể khẳng định việc kiểm soát vùng Biển Đông sẽ cho phép Trung Quốc can thiệp vào tuyến đường thương mại của Nhật Bản và Hàn Quốc đi qua khu vực này. Đối với Mỹ, khi đó, tương lai của trật tự khu vực hiện tại và an ninh của các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ bị đe dọa. Để duy trì vị trí địa chính trị của mình ở phía Tây Thái Bình Dương, Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ hệ thống đồng minh khu vực và bảo đảm Trung Quốc không thể thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông.

Biển Đông rơi vào tay Trung Quốc sẽ làm suy yếu hệ thống liên minh và sự hiện diện của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc sẽ trở thành thế lực thống trị trong khu vực này và các nước khu vực sẽ bị hút về phía Trung Quốc. Tháng 10/2015, Chính quyền Obama đã phản ứng với hành động của Trung Quốc bằng cách phát động chiến dịch “tự do hàng hải”, tuần tra hải quân ở Biển Đông, gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng Mỹ sẽ không bỏ rơi khu vực này. Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy Chính quyền Donald Trump có thể sẽ tích cực hơn trong việc chống lại Trung Quốc ở Biển Đông và mạnh mẽ hơn trong việc ngăn chặn sự xói mòn vị thế của Mỹ trong khu vực. Ông Trump cũng đã phá vỡ hiệp ước ngoại giao khi trả lời điện thoại của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Thời gian tới, Chính quyền Trump có thể sẽ còn quyết đoán hơn nữa trong việc thách thức Trung Quốc tại Biển Đông. Có khả năng Mỹ sẽ thành lập một đội tàu hải quân ở Biển Đông nhằm duy trì sự hiện diện thường xuyên của Mỹ trong khu vực và để khẳng định với Trung Quốc rằng nước này không thể thống trị khu vực. Chính quyền Trump cũng có thể tăng cường quan hệ an ninh với Nhật Bản và cố gắng dàn xếp thành lập một liên minh các nước lớn gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản nhằm chống lại Trung Quốc.

Tác giả Leszek Buszynski là nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Úc. Bài viết đăng trên “The Conversation”.

Vũ Hiền (gt)