20111119000360699335-layout.jpg

Các quan chức Mỹ khẳng định Bộ Quốc phòng Mỹ đã bắt đầu triển khai Sáng kiến An ninh Biển (Maritime Security Initiative - MSI) nhằm xây dựng và nâng cao năng lực biển cho các nước đồng minh, đối tác trong khu vực Biển Đông. Sáng kiến này khởi đầu từ đề xuất của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ do Thượng nghị sỹ John McCain đứng đầu và sau khi được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, Bộ trưởng Quốc phòng Aston Carter đã chính thức công bố trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La tại Singapore vào tháng 6/2015. Khoản ngân sách để thực hiện sáng kiến này trong 5 năm đầu tiên là 425 triệu USD, theo đó Mỹ sẽ viện trợ cho 5 quốc gia chính gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, cùng với các đối tác Singapore, Brunei và Đài Loan nhằm mục tiêu cải thiện năng lực cho các quốc gia, vùng lãnh thổ này trong giải quyết một loạt các thách thức hàng hải trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng thể hiện sự hung hăng trên Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn tờ "The Diplomat" trước khi bắt đầu chuyến thăm Philippines và Ấn Độ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Carter cho rằng MSI trước tiên thể hiện quyết tâm của Mỹ trong việc tiếp tục đóng vai trò tích cực, chủ động, quan trọng tại khu vực. Và cách mà Mỹ thực hiện điều đó là phối hợp cùng các quốc gia khác cũng như khuyến khích các nước này phối hợp với nhau. Ông nhấn mạnh MSI đặc biệt hướng tới vấn đề an ninh biển - một vấn đề rất quan trọng và đây là thời điểm thích hợp bởi khu vực đang đối mặt mới nhiều vấn đề từ thiên tai đến những căng thẳng đang xảy ra ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và Ấn Độ Dương. Một quan chức cấp cao khác trong Bộ Quốc phòng Mỹ còn tiết lộ với tờ "The Diplomat" rằng MSI cũng hướng tới việc xây dựng những đối tác mạnh, độc lập trong khu vực, đặc biệt là những đối tác có khả năng đối phó với những mối đe dọa, kể cả những hành động ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Theo kế hoạch, tổng số tiền đã được Quốc hội Mỹ thông qua dành cho MSI năm 2016 là 49,72 triệu USD, trong đó phần lớn khoản ngân sách này sẽ dùng để hỗ trợ cho một trung tâm phối hợp hoạt động trên biển; nâng cao khả năng giám sát, do thám biển; tăng cường an ninh và tuần tra biển; hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và cứu hộ; tham gia huấn luyện đa phương. Hơn 41 triệu USD- gần 85% ngân sách của MSI trong năm đầu tiên - sẽ được viện trợ cho Philippines, phù hợp với các tuyên bố trước đây của chính quyền Mỹ về việc phần lớn quỹ MSI năm 2016 sẽ dành cho Manila. Danh mục đầu tư cụ thể dành cho Philippines gồm củng cố quan hệ điều hành giữa quân đội, lực lượng bảo vệ bờ biển và Trung tâm Giám sát Bờ biển Quốc gia; cung cấp các thiết bị giám sát biển; hỗ trợ đào tạo vận hành hệ thống radar tự động trên không và trên mặt đất; cải thiện năng lực hoạt động cho các tàu tuần tra của Philippines.

Philippines - vốn dựa vào nguồn lực bên ngoài nhiều hơn trong số bốn nước ASEAN tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông- là quốc gia yếu nhất về quân sự tại châu Á và đang phải chịu sức ép lớn từ các hành vi quyết đoán của Trung Quốc như việc Bắc Kinh chiếm bãi cạn Scarborough năm 2012 và liên tục quấy rối các tàu thuyền, máy bay và ngư dân Philippines. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter cho rằng quỹ MSI sẽ giúp củng cố năng lực an ninh biển của Philippines. Một quan chức cấp cao khác trong Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nói rằng những nỗ lực này có thể giúp tăng cường nhận thức của Philippines về lĩnh vực biển, nâng cao năng lực thông tin liên lạc của Philppines với các nước trong khu vực cũng như với Mỹ.

Theo kế hoạch phân bổ ngân sách của Quốc hội Mỹ, Việt Nam sẽ nhận khoảng hơn 2 triệu USD trong năm 2016 và năm tiếp theo có thể nhận được khoản kinh phí lớn hơn. Malaysia – một bên yêu sách khá kín tiếng so với Philippines và Việt Nam - sẽ nhận gần 3 triệu USD. Malaysia đang dần có những bước đi mạnh mẽ hơn đối với Bắc Kinh. Trong khi đó, Indonesia - không phải là một bên tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp tại Biển Đông nhưng cũng là một bên liên quan - sẽ nhận gần 2 triệu USD. Sự việc tàu hải cảnh Trung Quốc ngày 20/3 cố gắng can thiệp vào hoạt động chấp pháp của tàu Indonesia đối với một tàu cá Trung Quốc đánh bắt cá trái phép đã dẫn đến sự phản đối chưa từng có tại Jarkata. Phần lớn quỹ MSI dành cho Malaysia và Indonesia hướng tới tăng cường quan hệ chỉ huy và kiểm soát giữa các lực lượng chấp pháp biển, cũng như những hỗ trợ như cố vấn kỹ thuật trước các cuộc diễn tập của quân đội Mỹ, trao đổi chuyên gia trong các hoạt động diễn tập, hiện đại hóa năng lực giám sát biển. Ngoài các quốc gia nêu trên, Thái Lan cũng sẽ nhận sự hỗ trợ dưới 1 triệu USD để củng cố quan hệ điều hành giữa quân đội Thái Lan và các đơn vị dưới quyền. Hầu hết các quốc gia đều nhận các khoản viện trợ cho việc tham gia vào những hoạt động phối hợp đa phương.

MSI cũng dành một phần ngân sách nhỏ - khoảng vài trăm nghìn USD - cho lĩnh vực nhân quyền tại tất cả các quốc gia tham gia sáng kiến này. Số tiền này sẽ cung cấp cho Viện Nghiên cứu Luật quốc tế - một cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, để thực hiện các hoạt động phối hợp đào tạo, hội thảo về luật pháp liên quan lĩnh vực nhân quyền, nhân đạo quốc tế và luật xung đột vũ trang. Các khoản chi cụ thể trong MSI sẽ thay đổi trong vài năm tới - dự kiến trong vòng 5 năm một lần - dựa trên việc các quốc gia nhận ngân sách sẽ phối hợp, đóng góp như thế nào dưới sự điều hành của Mỹ.

Tác giả Prashanth Parameswaran là biên tập viên phụ trách về Đông Nam Á và các vấn đề an ninh khu vực châu Á của tờ The Diplomat. Bài viết đăng trên tờ "The Diplomat".

Hùng Sơn (gt)