Mỹ công khai can dự vấn đề Biển Đông?


Cách đây chưa lâu, Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ đã tổ chức cuộc điều trần về vấn đề Biển Đông. Thông điệp đưa ra từ cuộc điều trần này đã thể hiện rất rõ hiện thực khách quan: Mỹ đang từ phía sau cánh gà bước ra sân khấu.

Chỉ trong tháng 6/2010, hai lãnh đạo quốc phòng cao cấp của Mỹ, gồm BTQP Mỹ Robert Gates (tại Diễn đàn An ninh châu Á Thái Bình Dương ở Singapore) và đô đốc Robert Willard, tư lệnh lực lượng Mỹ tại vùng Thái Bình Dương (nhân chuyến thăm Việt Nam) đã liên tiếp công khai tỏ ý quan ngại về việc quyền tự do lưu thông và tự do phát triển tại vùng Biển Đông bị Trung Quốc cản trở. Theo giới phân tích, các phát biểu này phản ánh chuyển biến trong chính sách của Mỹ tại vùng Đông Nam Á.

 

Quan hệ Mỹ-Trung không hoàn toàn là đối đầu mà trong đó có các yếu tố cạnh tranh, ganh đua và cả hợp tác. Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông, trong đó có các tuyến giao thông liên lạc quan trọng nhất. Sự mạnh bạo của Trung Quốc dẫn đến căng thẳng gia tăng với Việt Nam và ảnh hưởng tới các quyền lợi chiến lược và thương mại của Mỹ. 

 

Mỹ, Nhật Bản, Ôxtrâylia và một số nước khác trong khu vực đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về quy mô và sự tăng trưởng của ngân sách quốc phòng Trung Quốc, cũng như sự thiếu minh bạch trong chi tiêu quốc phòng ở nước này. Các quốc gia nói trên đều cho rằng Trung Quốc tăng ngân sách quân sự không chỉ nhằm mục tiêu tự vệ. 

 

Đô đốc Robert F. Willard, Tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương cũng nhận xét: “Điều đặc biệt gây lo ngại là các yếu tố trong quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc dường như được đưa ra nhằm thách thức quyền tự do hành động của chúng ta ở khu vực”. 

 

Ông Willard cũng cho rằng việc Trung Quốc cải tổ nhanh chóng lực lượng vũ trang đang “ảnh hưởng tới cân bằng quân sự khu vực và gây ra nhiều hậu quả vượt xa khỏi ranh giới châu Á-Thái Bình Dương”. 

 

Khi Trung Quốc đang tỏ rõ sức mạnh của họ về quân sự cũng như kinh tế và tìm cách gây ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á, thì Chính phủ Mỹ muốn nhắc nhở cho các nước Đông Nam Á biết rằng họ vẫn có mặt ở đây. Trong chuyến thăm Hà Nội vừa qua, Đô đốc Willard đã nói một câu rất đáng chú ý là "nước Mỹ đã có mặt vùng này trong rất nhiều thập niên qua và nước Mỹ sẽ tiếp tục có mặt ở đây. Đó là điều mà tôi nghĩ rằng Chính phủ Mỹ đang muốn nhắn nhủ không phải chỉ riêng với Việt Nam, mà với tất cả các nước ở khu vực Đông Nam Á rằng họ có thể là đồng minh của các nước nhỏ ở trong vùng này nếu có chuyện tranh chấp với Chính phủ Trung Quốc".

 

Tại Hội nghị Diễn đàn An ninh Châu Á Thái Bình Dương lần này, cả Mỹ và Việt Nam đã cùng nêu ra vấn đề Biển Đông tại diễn đàn

 

Phát biểu vào ngày 6/6, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã nêu lên vấn đề Biển Đông khi xác định: “Việt Nam đang từng bước đối thoại với các nước có liên quan để giải quyết vấn đề tranh chấp” thông qua “các cuộc đàm phán theo tinh thần láng giềng tốt, hữu nghị, hợp tác”. Liên quan tới chủ quyền trên biển, Bộ trưởng đã công khai thừa nhận: “Chúng tôi vẫn có những tranh chấp, nhưng chúng tôi sẽ phải giải quyết toàn bộ vấn đề này trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”. Tướng Phùng Quang Thanh cũng lên tiếng trấn an: “Không ít thì nhiều, chúng tôi có thể duy trì ổn định trong vùng biển đó”. 

 

Trong bài phát biểu dường như là lời “cảnh báo” gián tiếp nhằm vào Trung Quốc, ông Robert Gates đã nhắc lại các hành động hù dọa của Trung Quốc nhằm vào các tập đoàn dầu khí Mỹ làm ăn với Việt Nam trong thời gian qua: “Mỹ chống lại mọi hành động nhằm hù dọa các công ty Mỹ hay bất cứ quốc gia nào đang có hoạt động kinh tế chính đáng tại khu vực này”. Theo ông Robert Gates, mục tiêu của Mỹ rất rõ ràng. Đó là duy trì một vùng biển ổn định, tự do lưu thông, phát triển kinh tế tự do và không bị cản trở

 

Tại hội nghị lần này, ông Gates nhấn mạnh rằng "Điều rất quan trọng là phải duy trì ổn định, quyền tự do lưu thông hàng hải và phát triển kinh tế một cách tự do và không bị cản trở". Điều này hàm ý là Mỹ sẽ cố gắng giúp thiết lập và củng cố một hệ thống bảo vệ an ninh trong khu vực, đối phó với bất cứ mối đe dọa an ninh nào trong khu vực này. Và như ông đã đề cập trong bài diễn văn, tuy không nêu đích danh, nhưng nước đã và đang đe dọa an ninh trong khu vực chính là Trung Quốc. Đó là lý do giải thích tại sao ông Gates đã lặp đi lặp lại rằng trong 60 năm qua, Mỹ đã có sự hiện diện quân sự rất lớn trong khu vực này, người Mỹ muốn đảm bảo an ninh để cả khu vực cùng phát triển, nhưng nếu Trung Quốc đi quá xa thì Mỹ bắt buộc phải có thái độ. Điều này giải thích vì sao ông bộ trưởng nhấn mạnh lập trường của Mỹ tại Biển Đông: "Điều rất quan trọng là phải duy trì ổn định, quyền tự do lưu thông hàng hải và phát triển kinh tế một cách tự do và không bị cản trở"

 

Việc các  quan chức cấp cao của bộ quốc phòng Mỹ chính thức lên tiếng trong vấn đề Biển Đông rõ ràng cho thấy sự chuyển biến trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong vấn đề này.  Lời của ông Gates là thông điệp gửi tới Việt Nam, Chính phủ Trung Quốc và là lời nhắn nhủ để tất cả các nước Đông Nam Á biết rằng thái độ của Chính phủ Mỹ có thay đổi!

 

Mỹ đã thực sự trở lại Đông Nam Á?

 


Văn Cường (Tổng hợp)