philippine_to_boost110416afp420.jpg

 

Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn khi Bắc Kinh dường như không quan tâm đến những căng thẳng mà họ gây ra trong khu vực bằng việc xây dựng những đường băng và triển khai tên lửa ở các đảo nhân tạo phi pháp. Vậy động thái tiếp theo của Mỹ là gì? Liệu có cách nào để ngăn chặn những bước đi không ngừng và quyết đoán của Trung Quốc nhằm biến Biển Đông thành "ao nhà"? Trước tiên, Mỹ cần phải thừa nhận đã thất bại. Chính sách của Washington nhằm hướng sự trỗi dậy của Trung Quốc theo khuôn mẫu và không trở thành thách thức đối với Mỹ đã hoàn toàn thất bại. Washington giờ đây phải làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thay đổi nguyên trạng thông qua những biện pháp "cưỡng chế".

Mục tiêu quan trọng nhất của Mỹ mà nước này cùng chia sẻ với các đối tác và đồng minh ở khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương và rộng hơn là Ấn Độ - Thái Bình Dương là duy trì một trạng thái nguyên trạng hòa bình và thịnh vượng, đảm bảo không có một quốc gia nào đơn phương ép buộc các nước khác hoặc cố tình bẻ cong ý muốn của họ thông qua các biện pháp cưỡng chế, biến các vùng biển gần hay đại dương thành lãnh thổ hoặc sử dụng các hành động thù địch để đạt được mục tiêu của mình".

Mỹ phải kết hợp với bạn bè ở châu Á để đảm bảo họ có thể thảo luận một cách thống nhất, đa phương nhằm chống lại sự cưỡng ép của Trung Quốc. Đây sẽ là phần rất quan trọng nếu Washington muốn đạt được mục tiêu trên. Dù điều này chắc chắn không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, song sự bành trướng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực có thể sẽ là một yếu tố thúc đẩy các bên đạt được thỏa thuận. Điều này đồng nghĩa với việc tất cả các bên có mâu thuẫn tranh chấp với Trung Quốc sẽ tiếp bước Philippines, đưa vấn đề tranh chấp ra Tòa Trọng tài Quốc tế.

Việc đưa tranh chấp ra pháp lý không chỉ thách thức cái gọi là tuyên bố "chủ quyền không thể tranh cãi" của Trung Quốc, mà còn tạo ra một mặt trận thống nhất giữa các quốc gia, và chắc chắn sẽ có thêm nhiều hành động mạnh mẽ hơn. Một cuộc chiến pháp lý đa phương lớn như vậy sẽ cần hỗ trợ lớn từ giới truyền thông và ngoại giao, hối thúc Bắc Kinh phải giải quyết tranh chấp trước khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết công khai. Với thành công của một đoàn làm phim của kênh truyền hình CNN (Mỹ) hồi năm 2015 khi chứng minh cho thế giới thấy Bắc Kinh đã thay đổi nguyên trạng Biển Đông bằng các "dự án khai hoang" được họ tiến hành khẩn trương như thế nào, chắc chắn rằng việc khiến Bắc Kinh "mất mặt" có thể là một phần trong kế hoạch hiệu quả để ngăn chặn những thách thức mà nước này gây ra đối với vấn đề thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.

Tại sao không làm cho thế giới nhận thức được những động thái của Bắc Kinh khi họ xây dựng trái phép đường băng mới trên các đảo nhân tạo để phục vụ công tác tuần tra Biển Đông? Nếu Trung Quốc triển khai máy bay, tên lửa đến các đảo nhân tạo được bồi đắp trái phép, thế giới cần phải được thấy những hình ảnh đó. Truyền thông rõ ràng có ưu thế và sức mạnh và Chính quyền Mỹ nên tận dụng điều này. Washington có thể hỗ trợ các bên khác, trong đó có Phillippines và Việt Nam đang có tranh chấp ở Biển Đông để triển khai những hoạt động quân sự tương ứng hoặc bán vũ khí quân sự cho lực lượng hải quân các nước này...

Nếu Trung Quốc tiếp tục gia tăng những hoạt động căng thẳng từng ngày và trên từng đảo ở Biển Đông thì việc Washington thực hiện điều chỉnh chính sách đối ngoại và quân sự nghiêm túc đối với Trung Quốc, nhất là ở Biển Đông và khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ còn là vấn đề thời gian. Thậm chí, Mỹ có thể phô trương các thoả thuận mua bán vũ khí quy mô lớn với Philippines, Indonesia và Việt Nam như một cách để tạo ra một sân chơi bình đẳng trong khu vực.

Tác giả Harry J. Kazianis là nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Lợi ích Quốc gia. Bài viết đăng trên tờ “National Interest”(ngày 4/4).

Hương Trà (gt)