Việc Mỹ phái tàu khu trục USS Decatur tuần tra gần đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa hồi cuối tháng 10 không đạt được mục tiêu mà dư luận vốn hoan nghênh là thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Thay vào đó, sự hiện diện của USS Decatur, theo những thông tin trên báo chí và nhận định của giới phân tích, là nhằm thách thức các tuyên bố của Trung Quốc về “đường cơ sở” quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa, điều mà Washington từ trước tới nay vẫn chỉ trích là “vượt quá giới hạn”. Thực tế một chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) khó có thể thách thức Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa. 

Các cuộc tuần tra nói trên không phải là các nội dung mới trong FONOP của Mỹ. Trong báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ đều có ghi chép về các hoạt động tương tự trong các tài khóa như 2011, 2013, 2014 và 2015. Tuy nhiên, đối với Washington, tuyên bố về “đường cơ sở” của Bắc Kinh xung quanh quần đảo Hoàng Sa (xuất hiện từ những năm 90) không phải là động thái “nóng” nhất của Trung Quốc. Hoạt động cải tạo và xây dựng của nước này tại quần đảo Trường Sa và phán quyết mà Toà Trọng tài đưa ra hồi tháng 7 vừa qua về vụ kiện Trung Quốc của Philippines là những nội dung đáng chú ý hơn nhiều. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi những người ủng hộ Mỹ tăng cường sự hiện diện tại khu vực đã khích lệ cường quốc này tiến hành các hoạt động tuần tra trên biển để thách thức chiến dịch xây đảo nhân tạo của Bắc Kinh và thực hành quyền tự do hàng hải theo phán quyết của Tòa Trọng tài. 

Với mục tiêu này, giới quan sát từ lâu cho rằng Đá Vành Khăn nhiều khả năng sẽ là nơi Mỹ tiến hành chiến dịch này. Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) cho biết Bắc Kinh đã bồi đắp khoảng 5,6 km2 tại đây, xây dựng một đường băng và nhiều cơ sở hạ tầng khác. Trong khi đó, phán quyết của Tòa Trọng tài khẳng định Đá Vành Khăn là cấu trúc nổi trên mặt nước lúc thủy triều xuống thấp, do đó không phải là đảo, và “không tồn tại cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển quanh Đá Vành khăn”. 

Vấn đề chủ quyền xung quanh Đá Vành khăn đã được dư luận quan tâm ngay từ trước khi Tòa Trọng tài ra phán quyết. Chuyên gia Bonnie Glaser của CSIS cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài là cơ sở để Mỹ tiến hành FONOP tại Đá Vành Khăn, “khuyến khích” Washington rằng họ đang hành động theo đúng luật pháp quốc tế. Thượng nghị sỹ Mỹ Dan Sullivan cũng lên tiếng ủng hộ Hải quân Mỹ tiến hành chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Đá Vành Khăn sau phán quyết của Tòa Trọng tài. 

Giới chuyên gia cho rằng phương án khả thi để tiến hành một chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải tại Đá Vành khăn là Mỹ phái tàu quân sự đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh hòn đảo nhân tạo này và có những động thái nhằm thể hiện rằng họ đang không đơn thuần chỉ “đi qua vô hại”. Theo nhà quan sát Julian Ku, bằng cách này, tàu quân sự của Mỹ có thể đánh tín hiệu cho thấy Mỹ không công nhận bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào đối với vùng biển mà con tàu này đi qua. 

Tuy nhiên, nhà quan sát Rob Williams cho rằng điều này không dễ thực hiện tại Đá Vành Khăn. Để có thể thách thức hành động của Bắc Kinh tại Đá Vành Khăn trong khuôn khổ hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải thông thường, chính quyền Mỹ trước hết phải xác định được đâu là một “tuyên bố chủ quyền trên biển vượt quá giới hạn” và lên kế hoạch cụ thể để thách thức tuyên bố này mà vẫn đảm bảo việc tôn trọng mọi quy tắc hàng hải. Tuy nhiên, khác với những gì đã diễn ra ở quần đảo Hoàng Sa, cho đến nay Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra một tuyên bố chính thức về đường cơ sở xung quanh các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa. 

Một số hành động của Trung Quốc được cho là ngầm thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền. Báo chí từng nhiều lần đưa tin về việc giới chức nước này cảnh cáo máy bay nước ngoài tránh xa một “vùng đang có hoạt động quân sự” với đường phân định không rõ ràng. Chính quyền Mỹ có thể tiến hành các hoạt động tại khu vực này để thách thức các tuyên bố của Trung Quốc. Năm 2015, kênh truyền hình CNN đưa tin cho biết máy bay quân sự của Mỹ đã đi qua các khu vực này, song cuộc tuần tra này lại không được Lầu Năm Góc ghi nhận là một trong các FONOP trong báo cáo thường niên 2015. 

Phán quyết của Tòa Trọng tài về Đá Vành Khăn không thể tạo cơ sở để Mỹ tiến hành các FONOP như ở các khu vực khác. Điều này đang đặt ra 2 câu hỏi. Thứ nhất, nếu Hải quân Mỹ đưa tàu đi vào vùng biển không thuộc phạm vi 12 hải lý xung quanh Đá Vành Khăn, thì việc làm này có thể coi là một FONOP hay không? Trong 23 báo cáo về quá trình 25 năm tiến hành các hoạt động tuần tra này của Mỹ, người ta không thấy bất kỳ tiền lệ nào để đánh giá đây là một FONOP. Câu hỏi thứ hai là liệu FONOP có phải là cách tốt nhất để Mỹ thể hiện quyết tâm “đi lại tự do trên biển, trên không và hoạt động ở bất kỳ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép” - theo như lời của Tổng thống Barack Obama - hay không. 

FONOP không phải là cách duy nhất mà chính quyền Mỹ có thể sử dụng. Trao đổi với Trung tâm chiến lược toàn cầu Carnegie-Thanh Hoa hồi tháng 10, Đô đốc Gary Roughead, cựu Tư lệnh Hải quân Mỹ, cho rằng Mỹ nên tiếp tục FONOP tại Biển Đông. Tuy nhiên, đây cũng chỉ nên là một phần trong các hoạt động mà Mỹ và các quốc gia khác theo đuổi nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và bảo vệ quyền lợi cũng như hoạt động của các quốc gia tôn trọng trật tự luật pháp trong khu vực quan trọng này. 

Việc đẩy mạnh quá mức nhận thức của công chúng đối với FONOP có thể dẫn tới việc sử dụng thái quá cách thức này trong khi giới hoạch định chính sách vẫn còn nhiều lựa chọn khác để thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. 

Theo Lawfare

Trần Quang (gt)